Thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một mục tiêu cơ bản trong âm mưu “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam; việc nhận diện, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là vấn đề có ý nghĩa sống còn của Đảng ta hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ sự cần thiết và đề xuất một số giải pháp kết hợp giữa “xây” và “chống” góp phần phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội hiện nay.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội là quá trình diễn ra trong nhận thức, tư tưởng, biểu hiện thông qua thái độ, hành vi của họ theo chiều hướng tiêu cực, làm suy giảm, biến đổi ngược lại bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội rất phong phú, đa dạng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội là tổng thể hoạt động có hướng đích của các chủ thể, thực hiện đồng bộ các chủ trương, biện pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức để ngăn chặn nguyên nhân, khắc phục biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở mỗi sĩ quan cấp phân đội, góp phần xây dựng đội cán bộ quân đội theo giá trị phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Sĩ quan cấp phân đội là những người được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, nhiệt huyết trong công việc. Tuy nhiên, do chưa trải nghiệm nhiều trong thực tiễn; trước những tình huống phức tạp của cuộc sống, những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, họ dễ lúng túng, mất phương hướng, dẫn đến mắc vào mưu đồ chống phá của kẻ địch, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội, “xây” được xem là quá trình tập trung vào bên trong, tạo “sức đề kháng”, tăng cường “hệ miễn dịch” cho chủ thể; “chống” nhằm hướng vào việc ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới loại bỏ những tác động tiêu cực từ bên ngoài đến sĩ quan cấp phân đội. Đây là hai mặt không tách rời trong phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, muốn “xây” tốt thì phải “chống” hiệu quả, muốn “chống” hiệu quả thì phải tiến hành “xây” tốt.
Những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã tích cực, chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội bằng nhiều giải pháp; trong đó luôn quán triệt và thực hiện tốt phương châm kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho công tác này; qua đó góp phần làm cho: tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên không suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (2). Song, việc kết hợp giữa “xây” và “chống” trong phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Một số chủ thể chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này, còn tư tưởng chủ quan, coi nhẹ, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong hoạt động này. Một số đơn vị chưa tích cực, chủ động trong phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; khi xuất hiện biểu hiện tiêu cực ở sĩ quan cấp phân đội mới tiến hành giải quyết, làm mất cán bộ. Một số đơn vị xác định nội dung, hình thức “xây” còn chung chung; có đơn vị “xây” tốt, song “chống” còn hời hợt, thiếu giải pháp căn cơ, hiệu quả thấp… Những biểu hiện này tác động tiêu cực đến phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội.
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới; quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết 847-NQ/QUTW (28/12/2021) về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Tác động từ mặt trái kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch, khoét sâu vào những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… thường xuyên tác động nhiều chiều đến sự phấn đấu, rèn luyện của sĩ quan cấp phân đội. Bởi vậy, việc kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội đang là vấn đề cấp thiết đặt ra; thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội
Nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể trong phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội có vị trí quan trọng hàng đầu; trực tiếp quyết định hiệu quả, chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động phòng ngừa các biểu hiện này. Cần tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức quần chúng về kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội; xác định “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Các chủ thể cần nhận thức rõ các biểu hiện, tác hại, nguyên nhân của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đánh giá đúng thực trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội hiện nay. Trên cơ sở đó, xác định yêu cầu, biện pháp thiết thực phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội sát với đối tượng, đặc thù hoạt động của từng đơn vị trong Quân đội.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng cho sĩ quan cấp phân đội
Đây là giải pháp quan trọng, thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong kết hợp giữa “xây” và “chống”; đồng thời, giải quyết mối quan hệ giữa ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị với đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng cho sĩ quan cấp phân đội, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, có niềm tin vững chắc vào sự thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Quán triệt, thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục chính trị hàng năm; gắn kết quả học tập chính trị, học tập nghị quyết của Đảng với đánh giá chất lượng đảng viên; đưa việc học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng trở thành việc làm thường xuyên ở đơn vị cơ sở. Trên cơ sở kế hoạch, chương trình do cấp trên chỉ đạo, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy đơn vị nghiên cứu lãnh đạo, chỉ đạo tập trung đổi mới chương trình, nội dung giáo dục chính trị gắn sát với đặc điểm, tình hình đơn vị, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là sĩ quan cấp phân đội.
Thứ ba, kết hợp giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện với tự giáo dục, tự tu dưỡng, tự rèn luyện đạo đức, lối của sĩ quan cấp phân đội
Đây là một trong những giải pháp cơ bản, trực tiếp góp phần xây dựng nhân cách đội ngũ sĩ quan cấp phân đội; phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo dục, tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên với ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở tổ chức cơ sở đảng trong Quân đội hiện nay.
Các chủ thể theo chức trách, nhiệm vụ cần tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho sĩ quan cấp phân đội thông qua tổ chức các hoạt động thực tiễn như hội thi, hội thao, hoạt động thường xuyên của đơn vị. Phát huy vai trò của lực lượng chuyên trách như Ban chỉ đạo 35 của đơn vị trong giáo dục, rèn luyện sĩ quan cấp phân đội, góp phần phòng ngừa những biểu hện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở họ. Mỗi sĩ quan cấp phân đội phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cá nhân, rèn luyện, điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của mình theo các giá trị đạo đức cách mạng, đặc biệt là các tiêu chuẩn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Đưa việc tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm tự thân, thường xuyên mọi lúc, mọi nơi của sĩ quan cấp phân đội; tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn nữa ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tệ nạn tham nhũng, tiêu cực…
Thông qua tự học, tự rèn của sĩ quan cấp phân đội, từ đó bồi dưỡng thế giới quan, phương pháp luận, niềm tin, lý tưởng, lẽ sống cao đẹp… góp phần xây dựng, phát triển bản lĩnh cho sĩ quan cấp phân đội trước diễn biến phức tạp của tình hình. Mỗi sĩ quan cấp phân đội phải chủ động xây dựng cho mình kế hoạch, nội dung, biện pháp tự học tập, tự rèn luyện một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ đơn vị và chức trách của mỗi người. Sĩ quan cấp phân đội cần đánh giá đúng mạnh, yếu, nhận thức rõ quan điểm, tư tưởng sai trái, lệch lạc; tìm ra cách thức, biện pháp tự rèn, tự học để phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả hơn.
Thứ tư, phát huy tính tích cực, xây dựng tinh thần “bảy dám” trong phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội
Giải pháp này được xem như bước đột phá để thực hiện tốt phương châm kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội hiện nay. Để “xây” tốt, “chống” hiệu quả thì sĩ quan cấp phân đội cần có tinh thần “bảy dám”: dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung.
“Dám nghĩ” thể hiện tâm, tầm, trí của sĩ quan cấp phân đội. sĩ quan cấp phân đội dám nghĩ vì tập thể đơn vị, rộng ra là xã hội; dám nghĩ tích cực để có sáng kiến mới, đề xuất biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện hiệu quả, dám nghĩ đến những nội dung, hình thức, biện pháp kết hợp giữa “xây” và “chống” trong phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Dám nói” thể hiện dũng khí của sĩ quan cấp phân đội, trên cơ sở những điều “dám nghĩ” tích cực. sĩ quan cấp phân đội “dám nói” là nói đúng nơi, đúng lúc, đúng thời điểm, đúng người cần nghe, nói trên tinh thần xây dựng, phản biện xã hội để đạt đến sự thống nhất, chứ không phải đụng đâu nói đó, nói tùy tiện để thỏa mãn cái tôi.
“Dám làm” thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của sĩ quan cấp phân đội, là thước đo bản lĩnh, năng lực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của họ. Thể hiện ở năng lực xây dựng kế hoạch hành động với các biện pháp tổ chức thực hiện khoa học, chính xác, phát huy được sức mạnh tập thể. “Dám chịu trách nhiệm” chính là bản lĩnh của sĩ quan cấp phân đội, là sự thể hiện năng lực dám tiếp nhận phê bình, đóng góp từ tập thể, từ cấp dưới để điều chỉnh, bổ sung biện pháp chỉ huy điều hành phù hợp với thực tế và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
“Dám đổi mới, sáng tạo” là sự đánh giá năng lực tổng hợp nền tảng tri thức khoa học với bản lĩnh chính trị tư tưởng của sĩ quan cấp phân đội. Sĩ quan cấp phân đội có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, nắm chắc xu thế phát triển sẽ mạnh dạn dám đổi mới, sáng tạo. Sĩ quan cấp phân đội “dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung” là thước đo thực sự đối với bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, chỉ huy của sĩ quan cấp phân đội.
Phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi cao về nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể cùng với quá trình tổ chức thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ thiết thực, trong đó xây dựng tinh thần “bảy dám” là bước đột phá. Tinh thần “bảy dám” là sự thống nhất ý chí và hành động, là biểu hiện cao nhất quá trình kết hợp giữa “xây” và “chống” phòng ngừa “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội. Chỉ có thể bằng tinh thần “bảy dám”, sĩ quan cấp phân đội mới “xây” đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện “chống” có hiệu quả phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thượng tá, ThS. Đỗ Đình Cường/Khoa Triết học Mác – Lênin, Trường Sĩ quan Chính trị
Tài liệu tham khảo
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
(2) Tổng cục Chính trị (2020), Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 39.