Thứ sáu, Tháng chín 20, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khai mạc hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư hành lang Kinh tế Đông Tây – ĐÀ NẴNG 2024

ĐNA -

(Đà Nẵng). Sáng nay (2/8/2024), Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây (East West Economic Corridor – EWEC) – Đà Nẵng 2024 (gọi tắt là Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2024), hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2024 được Bộ Công Thương phê duyệt, tổ chức thường niên đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ – Triển lãm Đà Nẵng.

Hội chợ mở cửa miễn phí đón khách đến tham quan và mua sắm từ 8h30 – 21h30 hàng ngày, kéo dài trong 6 ngày, kết thúc vào ngày 7/8/2024.

Tổng lãnh sự và đại diện Ngoại giao đoàn các quốc gia Lào, Liên bang Nga, Trung Hoa, KOTRA tại Đà Nẵng; Bộ Công thương, UBNDTP Đà Nẵng, …thực hiện nghi thức “kết nối hữu nghị”, khai mạc Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2024.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đã và đang gặp nhiều khó khăn, do chịu ảnh hưởng của tình hình suy thoái và lạm phát của kinh tế thế giới, Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2024 vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ, tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.

Hàng hóa, dịch vụ trưng bày rất đa dạng, phong phú vừa giới thiệu quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng nội địa ; vừa xúc tiến tìm kiếm đối tác đầu tư và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, góp phần đem lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp; tạo cầu nối cho các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã để quảng bá các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền…

Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2024 góp phần củng cố, duy trì và hình thành mới chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, mở rộng thị trường trong nước hướng đến xuất khẩu; đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển chuỗi giá trị sản phẩm của các địa phương khu vực duyên hải miền Trung – Tây Nguyên, cũng như trên cả nước.

“Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2024 sẽ là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, thúc đẩy giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Đồng thời, Hội chợ cũng góp phần thúc đẩy hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch giữa các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, củng cố hợp tác thương mại giữa Việt Nam với các nước láng giềng, các nước nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây”, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hoàng Long, nhấn mạnh.

(Từ trai sang): Ông Hồ Kỳ Minh-Phó Chủ tịch thường, UBND thành phố Đà Nẵng cùng Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hoàng Long, dùng thử sản phẩm cà-phê và thăm hỏi tình hình sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp Lào tại hội chợ. Ảnh: T.Ngọc.

Hội chợ có quy mô gần 300 gian hàng của hơn 150 doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc 9 quốc gia nằn trên EWEC, các nước tiểu vùng sông Mê Kông, khu vực Đông Nam Á, châu Á, các tổ chức quốc tế gồm: Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia ; Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch – Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ; Sở Công Thương các tỉnh Nam Trung Lào: Khammouan, Savanakhet, Atapư, Sekong, Salavan ; Văn phòng trung tâm Thương mại Thái Lan và Văn phòng Xúc tiến Du lịch Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh; Tổng Lãnh sự quán CHND Trung Hoa, Hàn Quốc, Liên bang Nga; CHDCND Lào tại Đà Nẵng và Đại sứ quán CH Indonesia, Myanmar tại Việt Nam.

Trong nước, gồm các đơn vị: Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại/Xúc tiến đầu tư – Du lịch, các tổ chức và doanh nghiệp đến từ 31 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang).

Các đại biểu xem gian hàng sản phẩm lưu niệm, sản phẩm OCOP của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

Riêng thành phố Đà Nẵng còn có 1 gian hàng chung trưng bày, giới thiệu về công nghiệp, thương mại, đầu tư và du lịch.

Sản phẩm, hàng hóa được giới thiệu, trưng bày tại hội chợ gồm: điện, điện tử – viễn thông, thiết bị công nghệ; đồ gia dụng, đồ gỗ, trang trí nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng; các sản phẩm tiêu dùng như: thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thời trang, dược phẩm, hóa mỹ phẩm; dịch vụ du lịch, logistics, giáo dục, chăm sóc sức khỏe,…

 “Hội chợ Quốc tế Thương mại – Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây là hội chợ thường niên, được tổ chức từ năm 2007 đến nay với mục đích tạo điều kiện để các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây giới thiệu các thành tựu của mình, đồng thời cũng là dịp để các nước, các địa phương nước ngoài và tổ chức quốc tế có quan hệ ngoại giao với thành phố Đà Nẵng trưng bày, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và cơ hội hợp tác đầu tư đến với doanh nghiệp, du khách, người dân thành phố và các tỉnh, thành trong khu vực.

Hội chợ đã tạo được sự tin tưởng và ủng hộ của doanh nghiệp, chính quyền các địa phương thuộc tuyến EWEC, Đại sứ quán, Thương vụ, cơ quan quản lý hoặc xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại của các nước tham gia tăng dần qua các năm”, ông Hồ Kỳ Minh-Phó Chủ tịch thường, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết.

Ngay sau thời gian khai mạc, đã diễn ra chương trình livestream sản phẩm OCOP – Đà Nẵng 2024 vỡi 2 phiên (từ 10h30 – 12h30 và từ 17h30 – 19h30).Chương trình do Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện, livestream trên nền tảng Tiktok.Nội dung chính là giới thiệu, quảng bá hơn 70 sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các doanh nghiệp tham gia Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2024 đến từ thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành. Phiên livestream do các nhà sáng tạo nội dung, phối hợp với doanh nghiệp cùng thực hiện, trình diễn trực tiếp tại sân khấu Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2024.

Gian hàng của Sở Công Công thương tỉnh Sekong, nước bạn Lào. Ảnh: T.Ngọc.

Hành lang kinh tế Đông Tây (East West Economic Corridor –EWEC), là chương trình phát triển kinh tế được khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng 6 quốc gia khu vực tiểu vùng sông Mê kông (GMS)  lần thứ 8 vào năm 1998 , nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập cho các nước EWEC.

EWEC bao gồm bốn quốc gia nằm trong trung tâm bán đảo Đông Dương: Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam, hành lang kinh tế Đông Tây bắt đầu từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị chạy dọc theo đường 9, kết nối với Quốc lộ 1A ở Đông Hà, vào Thừa Thiên Huế, qua đường hầm đèo Hải Vân đến cảng biển Tiên Sa-Đà Nẵng.

Đà Nẵng vì vậy được xem là điểm đầu tuyến phía Đông của hành lang (trục Đông – Tây), là 1 trong 2 cảng biển trên trục EWEC. Cảng cuối hành trình Đông – Tây là cảng Mawlamyine (của Myanmar).

3 mục tiêu chính của EWEC nhằm:  Tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển giữa bốn quốc gia thành viên;  Giảm chi phí vận chuyển trong khu vực ảnh hưởng hành lang và làm cho vận chuyển hàng hóa và người dân hiệu quả hơn; Đặc biệt, giảm nghèo và hỗ trợ sự phát triển của khu vực nông thôn và biên giới dọc theo EWEC.

Hợp tác EWEC đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tiểu vùng và khu vực. Trong đó, quan trọng là tạo điều kiện cho luồng hàng hóa của các nước thuộc GMS, thâm nhập vào các thị trường đầy tiềm năng thuộc khu vực Nam Á và Tây Á.

EWEC đi qua 4 quốc gia trung tâm bán đảo Đông Dương: Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (ảnh bên trái). Các đại biểu xem sa bàn tổng thể Cảng Đà Nẵng, điểm đầu tuyến phía Đông của EWEC. Ảnh: T.Ngọc.

Chiều nay, trong khuôn khổ Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2024, sẽ diễn ra hội nghị kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu – Đà Nẵng 2024, do Bộ Công Thương và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội nghị là cơ hội chia sẻ thông tin về tình hình thị trường nước ngoài,  xu hướng và cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu; các vấn đề cần lưu ý đối với doanh nghiệp khi xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài. Đặc biệt là thông tin về thực trạng, nhu cầu, điều kiện và kết nối vào kênh phân phối. Ban tổ chức cũng bố trí các gian trưng bày hàng hoá, tạo điều kiện kết nối cung cầu giữa các đơn vị sản phẩm, dịch vụ với tổ chức, doanh nghiệp hoạt động logistics, các kênh phân phối trong nước và quốc tế./.

Trần Ngọc