Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khai mạc Hội nghị COP27: ‘Cùng nhau chung tay hành động vì một thế giới xanh’



ĐNA -

Ngày 6/11/2022, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã khai mạc tại Sharm el-Sheikh, Cộng hòa Arab Ai Cập. Tham dự hội nghị có gần 200 nước trên thế giới, với 120 nguyên thủ và hơn 40.000 đại biểu. Hội nghị được diễn ra từ diễn ra từ ngày 6-18/11/2022.

Hội nghị COP26 được tổ chức tại Glasgow vào tháng 11/2021 cho thấy chúng ta đang đối mặt với thập kỷ quan trọng đòi hỏi có những hành động thiết thực cũng như cần thực hiện các cam kết đã đưa ra. Hội nghị COP27 với thông điệp xuyên suốt “cùng nhau hành động”, nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022, cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể, là COP hành động.

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã khai mạc tại Sharm el-Sheikh, Cộng hòa Arab Ai Cập.

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 cho biết tại COP26, các quốc gia đều đã thống nhất rằng việc hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu là vì lợi ích chung của thế giới. Vì sự thống nhất, đồng lòng này mà chúng ta đã có thể thông qua các nội dung quan trọng về Tuyên bố Khí hậu Glassgow, Paris Rulebook và hiện có hơn 90% nền kinh tế toàn cầu đã ra cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”. Chủ tịch COP26 khẳng định rằng sau COP26 đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn còn thiếu sót trong việc thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm.

Tại phiên khai mạc Hội nghị COP27, ông Sameh Shoukry, Chủ tịch COP 27 kêu gọi các quốc gia cùng nhau giải quyết các vấn đề mới về năng lượng, lương thực và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi năng lượng. Các vấn đề này cần được giải quyết đồng loạt, nhanh chóng và không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến các cam kết, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.

Theo báo cáo IPCC đưa ra năm 2022, các nhà khoa học ước tính rằng nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,15 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và 8 năm gần đây là các năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử. “Đây là những dấu hiệu cầu cứu từ Trái đất”, ông Hoesung Lee, Chủ tịch Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu cho biết.

Ông Simon Stiell, Tổng thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhấn mạnh việc triển khai các cam kết sẽ là trách nhiệm toàn cầu, của mỗi người dân. Ông cũng kêu gọi hội nghị tập trung vào 3 nội dung quan trọng. Thứ nhất là chuyển đổi từ giai đoạn đàm phán sang giai đoạn triển khai, tận dụng các cơ chế tài chính hiện có để hỗ trợ triển khai Thỏa thuận Paris; thứ hai là tiếp tục tập trung vào các hợp phần quan trọng: Giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, tổn thất và thiệt hại; thứ ba là tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm của các bên trong quá trình triển khai. Hiện nay, mới chỉ có 29/194 quốc gia đã cập nhật cam kết quốc gia với các cam kết mạnh mẽ hơn từ sau COP26. Ông kêu gọi 165 quốc gia còn lại sẽ rà soát và đưa ra các cam kết tham vọng hơn.

Hội nghị COP27: Cơ hội tuyệt vời cho hành động vì khí hậu
Đây là khẳng định của ông Mahmoud Mohieldin, nhà vận động chống biến đổi khí hậu của LHQ trước giờ khai mạc Hội nghị COP 27 tại Ai Cập. Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, ông Mohieldin nhấn mạnh Hội nghị COP27 lần này là động lực mạnh mẽ và cơ hội hứa hẹn để đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo và phi carbon.

Ông Mohieldin, đồng thời là Đặc phái viên của LHQ về tài chính cho chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, cũng kêu gọi sự cần thiết phải thúc đẩy hành động về khí hậu dựa trên Thỏa thuận Paris với cách tiếp cận tổng thể giải quyết 4 khía cạnh bao gồm giảm thiểu, thích ứng, tổn thất-thiệt hại và tài chính khí hậu.

Về vấn đề thích ứng, Đặc phái viên LHQ lưu ý có thể làm tốt hơn việc huy động tài trợ khí hậu từ các khu vực công và tư nhân cũng như các nguồn lực trong và ngoài nước. Điều này chỉ có thể đạt được nếu thế giới nhận ra rằng phương pháp tiếp cận giảm thiểu được áp dụng trong quá khứ đã không còn phù hợp nữa.

Về vấn đề tài trợ, ông Mohieldin đề cập đến thành công của COP26 diễn ra năm 2021 ở Glasgow là dự án tài trợ 8,5 tỷ USD cho Nam Phi để giúp quốc gia này loại bỏ dần than đá bằng năng lượng tái tạo.

Chuyên gia này cũng nhận định rằng thành công của Hội nghị COP27 sẽ được thể hiện ở cách biến các cam kết thành hành động.

Liên quan đến COP27, tại Hội nghị này, nước chủ nhà Ai Cập sẽ công bố chiến lược quốc gia về sản xuất hydro xanh.
Trong một thông báo ngày 5/11, Chính phủ Ai Cập cho biết chiến lược quốc gia về hydro xanh này sẽ được thực hiện với sự hợp tác của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và Liên minh Arab về Phát triển bền vững và môi trường (AUSDE) nhằm giúp Ai Cập đóng góp khoảng 8% thị phần của thị trường hydro toàn cầu.

Ai Cập có khả năng sản xuất hydro xanh với giá rẻ nhất trên toàn thế giới với chi phí sản xuất dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,7 USD/kg vào năm 2050 thay vì mức 2,7 USD/kg vào năm 2025. Chính phủ Ai Cập khẳng định chiến lược này sẽ giúp tăng GDP của Ai Cập thêm 10-18 tỷ USD vào năm 2025, tạo ra hơn 100.000 cơ hội việc làm, góp phần giảm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ, từ đó giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Tham dự hội nghị có gần 200 nước trên thế giới, với 120 nguyên thủ và hơn 40.000 đại biểu. Hội nghị được diễn ra từ diễn ra từ ngày 6-18/11/2022.

COP27: Việt Nam nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi năng lượng trong chống biến đổi khí hậu
Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu đã có cuộc làm việc với ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 – đại diện cho Vương quốc Anh, Liên Minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) – về việc hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, Việt Nam còn nhiều khó khăn, đặc biệt hiện ở Việt Nam còn có các nhà máy điện vận hành bằng than đá đã được xây dựng từ rất lâu, do đó chuyển đổi năng lượng đòi hỏi nguồn lực rất lớn để hỗ trợ cho các nhà máy này. Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch hết sức quan trọng, song việc đảm bảo ổn định hệ thống lưới điện đòi hỏi phải có công nghệ tiên tiến. Trong quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng nhanh chóng. Do vậy, bài toàn khó là cần phải tìm nguồn điện để thay thế nếu không phát triển điện than.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, phát triển năng lượng tái tạo phải đi đôi với đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời đề nghị Vương quốc Anh, EU và G7 hỗ trợ chuyển giao cho Việt Nam các công nghệ tiên tiến như công nghệ điện gió, điện mặt trời, lưu trữ điện năng để giúp Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng, đảm bảo giá thành hợp lý cho tất cả mọi người có thể tiếp cận được.

Ông Alok Sharma hoan nghênh cam kết chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ của Việt Nam nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời nhất trí tiếp tục quá trình đàm phán để đi đến thống nhất để đảm bảo lợi ích hài hòa của cả hai bên. Bộ trưởng Trần Hồng Hà và ông Alok Sharma đã trao đổi những vướng mắc nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, nhất trí rằng hai bên cần có các cam kết chính trị về vấn đề chuyển đổi năng lượng.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị COP27 với mong muốn tiếp tục chung tay cùng cộng đồng quốc tế xây dựng các cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu chung chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để huy động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26. Thông điệp của Việt Nam tại COP27 do Ai Cập đăng cai tổ chức là “cam kết đi đôi với hành động” trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu.
The Cuong/tổng hợp