Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khai mạc triển lãm “Thế giới cần nữ siêu anh hùng” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng



ĐNA -

(Đà Nẵng). Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm Quốc khánh Vương quốc Tây Ban Nha (12 tháng 10), tại Việt Nam; chiều ngày 17/10/2024, tại Đà Nẵng, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam, Sở Văn hóa – Thể thao, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã chính thức khai mạc Triển lãm “Thế giới cần nữ siêu anh hùng”.

Triển lãm bắt đầu mở cửa đón công chúng vào tham quan, thưởng lãm (miễn phí), từ ngày 18/10/2024, kéo dài đến ngày 6/11/2024, và là một trong những hoạt động chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10 hằng năm.

Đại diện Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam; Sở Văn hóa – Thể thao, Sở Ngoại vụ và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: T.Ngọc.

“Thế giới cần nữ siêu anh hùng” là triển lãm có ý nghĩa tạo cột mốc, kể lại hành trình của các nữ họa sỹ truyện tranh Việt Nam-Tây Ban Nha. Họ nung nấu khát khao mang đến cho độc giả những tác phẩm giải trí, nhưng giàu ý nghĩa. Đó là những tác phẩm làm phong phú các cung bậc cảm xúc, cho khu vườn tâm hồn của nhiều thế hệ yêu truyện tranh, những năm 2010-2021, và sau này.

Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam, bà Carmen Cano De Lasala nhấn mạnh rằng: Có lẽ quý vị chưa biết rằng, Tây Ban Nha là quốc gia có chính sách đối ngoại Nữ quyền, và điều đó có nghĩ rằng, sự nhạy bén về vấn đề giới luôn thường trực trong tất cả các hoạt động dối ngoại của chúng tôi, góp phần hiện thực hóa một thế giới công bằng hơn. Trong đó, phụ nữ và nam giới được trao quyền và cơ hội một cách bình đẳng. Không nhiều hơn, cũng không ít hơn.

Hôm nay tại Đà Nẵng, chúng tôi tự hào được giới thiệu triển lãm truyện tranh của các nữ tác giả, với nhiều chủ đề và phong cắch đa dạng. Các tác phẩm được trưng bày, là một minh chứng cho sức sáng tạo không ngừng của phụ nữ và các đóng góp của họ cho xã hội và nghệ thuật.

Đại sứ quán Tây Ban Nha đã quyết định mang tác phẩm giới thiệu tại các vùng miền khác của Việt Nam, tại Đà Nẵng năm nay, và có thể là tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm sau”.

Tôn vinh và tri ân đóng góp của nũ giới cho sự phát triển của xã hội
Triển lãm “Thế giới cần nữ siêu anh hùng” do Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam tổ chức, với sự phối hợp của Hiệp hội Tác giả truyện tranh; Hiệp hội Herstóricas Tây Ban Nha; Cộng đồng Comicola và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Triển lãm được thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế (thuộc Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha), Liên minh châu Âu và hợp tác Tây Ban Nha.

Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam, bà Carmen Cano De Lasala (giữa) cùng cán bộ, chuyên viên Đại sứ quán, chụp ảnh lưu niệm cùng bà Nguyễn Thị Hội An (Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao, thứ hai từ phải sang), bà Nguyễn Thị Trinh – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc

Được biết, COMICOLA (Comic Online Alliance/ Liên minh truyện tranh trực tuyến), được thành lập vào tháng 1/2015 tại Hà Nội. Và đến nay đã phát hành hơn 20 tác phẩm truyện tranh, trong đó có những tác phẩm được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong khi đó, tại Tây ban Nha, dự án Herstóricas Pioneras đã được thực hiện trong nhiều năm qua, như một sự công nhận, dành cho những người phụ nữ đã đi tiên phong, trong nhiều hoạt động của đất nước là quê hương của Đại văn hào Miguel de Cèrvantes, Người đã khai sinh nhân vật Don Quijote xứ La Mancha, nổi tiếng khắp thế giới.

Dự án hướng đến mục tiêu lấp đầy những khoảng trống trong các nghiên cứu lịch sử {còn} mang tính “bá quyền”, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, tiếp cận với những tấm gương phụ nữ tích cực; giúp mọi người {thuộc thế hệ hôm nay} có thể tìm hiểu (theo cách thoải mái nhẩt) nhưng cũng đầy và thú vị, về những người phụ nữ đã mở đường trong nhiều lĩnh vực, mà vào thời điểm đó, họ bị cấm đoán. Lý do duy nhất chỉ là: Giới tính.

Đối thoại nghệ thuật về chủ đề “Nữ siêu anh hùng”
“Thế giới cần nữ siêu anh hùng” cũng đồng thời tạo ra cuộc đối thoại nghệ thuật giữa các tác giả truyện tranh đang được quan tâm tại cả hai quốc gia. Triển lãm bao gồm 64 tác phẩm của 62 nữ tác giả và nhóm nữ tác giả đến từ Việt Nam và Tây Ban Nha. Mỗi tác phẩm toát lên sự lòng kính trọng đối với tất cả những người phụ nữ trên thế giới.

Các bạn sinh viên chuyên ngành Kiến trúc đến với triển lãm. Ảnh: T.Ngọc.

Hãy để thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của Phụ nữ và Trẻ em gái; Hãy sống thật tự nhiên, thật thản nhiên, với những gì mình đang có, đó là ẩn ngữ trong tác phẩm Hoàn hảo (Nguyên tác: Perfección), tác giả Eve Mae nhắn nhủ, kêu gọi mỗi con người hãy “ôm trọn thế giới bên trong của chính mình”. Hãy chấp nhận những mảng sáng và tối của riêng bạn. Bạn không cần phải trở nên quá hoàn hảo để được coi trọng. Hãy cho cơ hội (với chính bản thân mình), một khi đi đến quyết định rằng: Mình muốn trở thành một ai đó trong tương lai.

“Triển lãm hôm nay là cơ hội để công chúng Đà Nẵng có những trải nghiệm thú vị về văn hóa, cuộc sống của đất nước và con người Tây Ban Nha; đặc biệt là người phụ nữ – những “nữ siêu anh hùng” được khắc họa bằng những nét vẽ độc đáo, sáng tạo của các nữ nghệ sỹ.

Tác phẩm của về Bà María Domínguez (1882 – 1936) – Nữ Thị trưởng đầu tiên được bầu ra một cách dân chủ nhất (bầu cử toàn dân) vào năm 1932. Họa sỹ minh họa: Ana Penyas. Để công chúng tiếp cận tác phẩm, BTC đính kèm các chú giải quan trọng và chuyển ngữ (bên cạnh). Ảnh: T.Ngọc.

Triển lãm cũng là một lời khẳng định rằng nữ giới có thể và đã luôn là những anh hùng – từ những người đấu tranh cho sự bình đẳng, bảo vệ gia đình, đến những người phụ nữ tiên phong trong khoa học, nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác. Đây không chỉ là một sự kiện nghệ thuật mà còn là một nhịp cầu văn hóa, là không gian gặp gỡ giữa nghệ thuật hiện đại Việt Nam và Tây Ban Nha, tăng cường tiếng nói của những nữ tác giả đang được quan tâm ở Việt Nam và Tây Ban Nha.

Hy vọng triển lãm này sẽ là một bước đệm mở ra những cơ hội hợp tác, giao lưu văn hóa có ý nghĩa khác trong tương lai giữa Đà Nẵng, Việt Nam và Tây Ban Nha”, bà Nguyễn Thị Hội An – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng chia sẻ.

Chuyện tương lai được viết từ dòng đầu tiên : Cuộc cách mạng dành cho Nữ giới
“Cuộc cách mạng của phụ nữ nhằm đạt được bình đẳng, sẽ đóng vai trò xác định tương lai. Tây Ban Nha đã tham gia đấu tranh vì bình đẳng giới một cách mạnh mẽ và không hề do dự. Chúng tôi coi bình đẳng đồng nghĩa với đa dạng và vì vậy, cũng đồng nghĩa với sự phát triển kinh tế xã hội.

Ngày nay, vai trò lãnh đạo của phụ nữ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Những người Mẹ, người Bà, người Chị, người Con, và bạn bè. Họ là những siêu anh hùng thực thụ.

Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam, bà Carmen Cano De Lasala: Tây Ban Nha là quốc gia có chính sách đối ngoại Nữ quyền. Ảnh: T.Ngọc.

Những người phụ nữ dẫn đầu. Những người giúp người khác theo đuổi những ước mơ. Họ khích lệ các cô gái trở nên có tham vọng hơn. Họ giúp phụ nữ nhận ra những tiềm năng của bản thân. Họ khiến xã hội của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Họ thể hiện sự thấu hiểu tuyệt vời. Trí tuệ xúc cảm của họ ở mức rất cao. Họ tạo nên những đội ngũ thành công. Họ là những người có tầm nhìn” – một thông điệp khác của triển lãm “Thế giới cần nữ siêu anh hùng” vừa được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Triển lãm “Thế giới cần nữ siêu anh hùng” trong lần đầu tiên diễn ra ở một đất nước, đã và đang đề cao vai trò của Nữ giới, đã rất thành công, bởi sự quan tâm rất nhiệt tình của công chúng tại Hà Nội (vào tháng 10/2022, triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

Lần thứ hai, triển lãm đến với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, nhưng cũng là lần đầu tiên, một triển lãm chuyên đề truyện tranh về Những nữ siêu anh hùng của hai đất nước, của nhiều vùng lãnh thổ đến với công chúng Đà Nẵng.

Cũng lần đầu tiên, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là không gian gặp gỡ giữa nghệ thuật hiện đại Việt Nam-Tây Ban Nha, tăng cường tiếng nói của các tác giả truyện tranh là Nữ – vốn được quan tâm trong nền văn hóa 2 quốc gia Âu – Á. Ban tổ chức nhìn nhận rằng, những nền văn hóa sống động, phong phú như Việt Nam – Tây Ban Nha, đều đã liên tục phát triển. Hành trình vinh quang nhất của nền văn hóa, chính là đã nêu bật và nhấn mạnh những đóng góp vô giá của phụ nữ cho xã hội,

Tác phẩm được trích từ tập truyện tranh Đi tìm kỳ lân của tác giả Sara Soler. Ảnh: T.Ngọc.

Nhập thân vào không gian triển lãm, người xem được kể câu chuyện về công việc của những cô gái da trắng, khi họ tham gia vào một chương trình hỗ trợ nhân đạo ở Uganda (Tác phẩm Người da trắng , trang thứ tư (Nguyên tác: Mzungu 04) của tác giả Sara Soler, Nhà xuất bản Planeta phát hành năm 2020).

Cũng về châu Phi, bức họa (được trích từ tập truyện tranh Đi tìm kỳ lân, nguyên tác: Em busca del unicornio) của tác giả Ana Miralles, chia sẻ về một biểu tượng của châu Phi hùng mạnh, nhưng bất biến. Một nơi mà những cuộc thám hiểm mang theo lòng tham sẽ phải bị loại trừ. Nhân vật chính của “Em busca del unicornio” là một nữ lãnh chúa đầy quyền uy, những cũng tràn đầy nữ tính.

Tạm biệt châu Phi, xứ sở của những huyền bí, câu chuyện của không gian triển lãm, chuyển hướng sang châu Mỹ. Tác phẩm Sóng trên sông (Nguyên tác: Ondas en el rio), tập truyện tranh của tác giả Cristiana Durán Costell, nói về hoạt động hợp tác quốc tế, bảo vệ và tạo cơ hội sinh kế cho phụ nữ ở Nicaragua.

Bối cảnh và diễn biến được kể lại, qua tác phẩm truyện tranh, là không gian một hợp tác xã của những người phụ nữ làm nông nghiệp. Một nhân vật chia sẻ rằng, từ nguồn học bổng của hợp tác xã, bà đã học và tốt nghiệp ngành khoa học nông nghiệp, với những kỹ thuật canh tác mới, giờ thì bà có thể giúp đỡ gia đình và cộng đồng.

Trên những cánh đồng trồng các loại đậu, vườn cà-phê, những người phụ nữ miệt mài với công việc của chính mình. Họ trở nên độc lập hơn, không còn lệ thuộc vào nam giới. Một phụ nữ chia sẻ dòng chữ trên áo rằng: Tôi tự quyết định về những gì thuộc về tôi. Một phụ nữ khác giải thích lý do vì sao không rời cuốn sổ tay, là vì “tôi đã biết đọc và viết”. Bà nói rằng, chồng của bà không còn bảo tôi pha cà-phê cho ông ấy nữa, ông ấy đã tự làm.

Tác phẩm Sóng trên sông (Ondas en el rio), tập truyện tranh của tác giả Cristiana Durán Costell. Ảnh: T.Ngọc.

Nữ quyền và vẻ đẹp Việt Nam xưa
Các nữ tác gia truyện tranh Việt Nam hiện diện tại triển lãm “Thế giới cần nữ siêu anh hùng”, với thế giới của những gì mà ngày nay chúng ta gọi là lịch sử, là những thâm nghiêm cấm cung của một thuở xa xưa. Những câu chuyện Sử Việt đã trở thành ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận, với các nữ họa sỹ trẻ trong nước.

Các tác giả, với tâm hồn hoài cổ, thái độ trân trọng quá khứ, vẫn muốn “vẻ đẹp của những nền văn hóa xưa sẽ mãi trường tồn”. Tác phẩm: Phụng, của tác giả Kanymos vẽ thiếu nữ trên lưng linh vật Phụng, khoác trên mình bộ áo Nhật Bình dành cho công chúa thời Nguyễn. Gửi gắm hàm ý ca tụng nét đẹp xưa với tư tưởng nữ nhi cũng sẽ đủ tầm, đủ sức, cùng bay cao, bay xa, phóng khoáng đón nhận muôn làn gió mới.

Cũng vẽ đẹp xưa, tác giả: Gấu Mèo cận thị, thể hiện lại nhân vật nữ, dựa theo Nguyên Thánh Thiên Cảm: Bà chính là con của Khâm Minh đại vương Trần Liễu, về sau là một hoàng hậu đời Trần, là mẹ của Hoàng trưởng tử Trần Khâm (Vua Trần Nhân Tông). Thiên Cảm phu nhân qua nét vẽ của tác giả, mặc bộ lễ phục lấy cảm hứng từ triều phục cung đình các quốc gia Đông – Bắc Á (tác phẩm: Nhân vật trong trang phục hoàng hậu).

Còn tác phẩm: Chiêu Hoàng Kỷ (Họa sỹ: Dương Nguyễn, Biên kịch: Linh Nguyễn), lấy cảm hứng của câu chuyện, được bắt đầu khi một cậu bé 12 tuổi (tên là Lê Tần) đi lạc trong cung, “vấp phải” Hoàng hậu Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng, một Nữ Hoàng của Đại Việt, và cũng là vị Vua cuối cùng của triều đại nhà Lý). Vô tình, Lê Tần đã biết được câu chuyện “đại sự” vốn dĩ phải “bưng bít” rất kỹ trong chốn cấm cung.

Tác phẩm “Nhân vật trong trang phục hoàng hậu”, tác giả: Gấu Mèo cận thị. Ảnh: T.Ngọc.

Đặc biệt có cả tác phẩm được trích từ bộ Việt Sử diễn họa của tác giả Thanh Huyền (Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ , xuất bản 2020), tập truyện tranh mong ước tái hiện lại những thời kỳ vàng son trong qua khứ, với bút pháp rất sinh động, nhưng cũng đầy chân thực nhất, từng được giới chuyên môn đánh giá cao.

Triển lãm do vậy trở thành dịp để “những ý tưởng của các tác giả “được thở”, để tên tuổi của họ được biết đến nhiều hơn và ghi dâu ấn lâu dài trong một lịch sử chung đã được viết quá lâu và phần lớn được nhớ đến bởi những đại diện Nam giới.

Thông điệp gửi tới người xem của triển lãm minh bạch với tinh thần nhân văn cao cả: Đó là quyền căn bản, quyền sống trọn vẹn ở mỗi thực thể nhân sinh, không phân biệt giới, đề cao Nữ quyền, kêu gọi sự khẳng định cái tôi mạnh mẽ hơn ở Nữ giới.

Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam có lời cảm ơn bất kỳ ai đến với triển lãm, bởi đó chính là sự công nhận những siêu năng lực mà mỗi phụ nữ đều mang trong mình./.

Trần Ngọc