Thứ năm, Tháng mười 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khai mạc trọng thể Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 với chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương, vì sự phát triển công bằng trên toàn cầu và an ninh”

ĐNA -

Nga đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 bắt đầu từ ngày 22/10/2024 tại thành phố Kazan, Nga. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức khi BRICS không chỉ gồm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi mà đã mở rộng thành 9 nước, với sự góp mặt của các thành viên mới gồm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gia nhập từ đầu năm nay.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra ở Kazan, Nga, từ 22-24/10. Nguồn: TASS

Hội nghị BRICS và BRICS mở rộng có lãnh đạo 36 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. Trong đó có 22 đoàn đại diện ở cấp nguyên thủ quốc gia như Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc; Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào; tổng thống các nước Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Uzbekistan, Belarus, Azerbaijan, Ai Cập, UAE, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính… Hội nghị cũng có sự tham dự của lãnh đạo 6 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS có chủ đề chính “Tăng cường chủ nghĩa đa phương, vì sự phát triển công bằng trên toàn cầu và an ninh “, các nhà lãnh đạo thảo luận việc tạo ra một hệ thống tài chính và chính trị mới với đặc trưng công bằng, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Sự kiện năm nay thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình mở rộng và củng cố tầm ảnh hưởng của BRICS. Hội nghị BRICS mở rộng có chủ đề “BRICS với nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”.

Chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu, giải quyết xung đột đến hợp tác trong các nền tảng đa phương hàng đầu. Với vai trò Chủ tịch BRICS năm nay, Nga muốn thúc đẩy hợp tác trên 3 trụ cột chính gồm chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, văn hóa và nhân đạo.

Lãnh đạo các nước BRICS và khách mời đã tập trung thảo luận về tăng cường hợp tác giữa BRICS với các nước nam bán cầu nhằm đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng một hệ sinh thái quản trị toàn cầu cân bằng, hiệu quả…

Hội nghị BRICS và các hội nghị, sự kiện liên quan cũng sẽ xem xét, thiết lập các cơ chế, mô hình hợp tác, hội nhập, giúp cho BRICS ngày càng có ảnh hưởng cũng như đem lại nhiều lợi ích hơn cho các nước tham dự.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này không chỉ tập trung vào hợp tác kinh tế mà còn thảo luận về các vấn đề toàn cầu quan trọng. Sự kiện này có thể đánh dấu một bước ngoặt mới cho BRICS trong việc khẳng định vị thế của mình trên bản đồ quốc tế. Với sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, BRICS đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc định hình tương lai toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động và thách thức lớn.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16.

Hiện có hơn 30 quốc gia đang mong muốn tham gia hoặc hợp tác với BRICS dưới các hình thức khác nhau, trong đó có cácnước từ châu Phi, châu Á, và khu vực Mỹ Latin. Điều này thể hiện sự hấp dẫn của BRICS đối với các quốc gia đang phát triển khi khối này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hệ thống kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu: “Cho đến nay, 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn hợp tác với BRICS ở nhiều mức độ khác nhau, tham gia hoạt động của tổ chức này theo cách này hay cách khác. Tôi tin chắc rằng điều này sẽ làm tăng sự quan tâm của các quốc gia khác đối với cơ chế BRICS, nâng cao ảnh hưởng và thẩm quyền của cơ chế này trên toàn thế giới”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ đón và tiệc chiêu đãi do Tổng thống Putin chủ trì. Ảnh:: BRICS

BRICS có thể thành lập hệ thống thanh toán và tài chính toàn cầu mới
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này, Tổng thống Putin có kế hoạch đề xuất thành lập một hệ thống thanh toán và tài chính toàn cầu thay thế mới nhằm củng cố vị thế của khối và bảo vệ các nước trước các lệnh trừng phạt.

Tổng thống Putin dự kiến sẽ tổ chức khoảng 20 cuộc họp song phương. Đáng chú ý, vào ngày cuối cùng của Hội nghị (ngày 24/10), Tổng thống Nga sẽ gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Theo các nhà phân tích, Nga đang muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với phương Tây.

Việc mở rộng BRICS và tăng cường hợp tác sâu rộng giữa các thành viên đóng vai trò đáng kể trong cấu trúc thương mại quốc tế mới. Các quốc gia BRICS hiện đang chiếm 1/2 dân số thế giới, 1/3 lãnh thổ và 1/4 thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, việc mở rộng BRICS cũng được xem là một thách thức lớn.

Với vai trò là Chủ tịch BRICS trong gần một năm qua, Nga đã tiến hành gần 200 sự kiện theo những kênh khác nhau với sự tham gia của các thành viên cũ và mới. Một giai đoạn được các chuyên gia đánh giá là không đơn giản nhưng mang tính xây dựng, tích cực.

BRICS – Trụ cột trong hệ thống đa phương
Với sự tham gia của các quốc gia mới, BRICS lúc này không chỉ là một khối kinh tế mà còn là một nền tảng cho sự hợp tác chính trị và an ninh quốc tế. Theo giới phân tích, bất chấp sự khác nhau về chính sách đối ngoại, thậm chí có cả những mâu thuẫn giữa các quốc gia, tất cả các nước BRICS đều có cùng quan điểm về các vấn đề trật tự thế giới và quản trị toàn cầu.

Do đó, một trong những ưu tiên của BRICS sẽ là tăng cường tập trung vào các vấn đề quản trị toàn cầu và trên hết là hình thành một hệ sinh thái quan hệ tài chính, kinh tế độc lập với phương Tây. BRICS sẽ củng cố Ngân hàng Phát triển mới, đẩy nhanh việc tạo ra một cơ chế thanh toán độc lập với đồng USD trong thương mại giữa các quốc gia trong hiệp hội và thu hút các quốc gia đối tác tham gia.

Bên cạnh đó BRICS cũng ưu tiên sự hội nhập đầy đủ của các thành viên mới và tạo ra một mô hình “đối tác thường trực của BRICS” nhằm tăng cường sự hợp tác giữa khối này và các nước đang phát triển.

Trong ngày 23/10, tại Hội nghị cấp cao BRICS, lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua tuyên bố chung, trong đó đưa ra những đánh giá tổng thể về tình hình thế giới cũng như các mục tiêu dài hạn của nhóm.

Lãnh đạo các nước BRICS chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở TP Kazan (Nga) hôm 23-10. Ảnh: brics-russia2024.ru

Hội nghị cấp cao BRICS diễn ra ở Kazan (Nga) ngày 23/10/2024 đã thông qua tuyên bố chung, trong đó đưa ra những đánh giá tổng thể về tình hình thế giới cũng như các mục tiêu dài hạn của nhóm.

Tuyên bố chung Kazan bao gồm 134 điểm với 43 trang, trong đó đề cập đường hướng phát triển của nhóm, lập trường về nhiều vấn đề toàn cầu, lệnh trừng phạt, giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực, bao gồm ở Ukraine và Trung Đông.

Theo tuyên bố chung, lãnh đạo các nước đã đưa ra những đánh giá tổng thể về tình hình thế giới cũng như các mục tiêu dài hạn của nhóm, xác định rõ các tiêu chí và quy định liên quan danh mục quốc gia đối tác, đồng thời bày tỏ hoan nghênh sự quan tâm lớn từ các quốc gia ở Nam Bán cầu đối với BRICS.

Các nhà lãnh đạo cũng cam kết “tiếp tục thúc đẩy phát triển thể chế BRICS” và đạt được đồng thuận về việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa các quốc gia thành viên.

Tuyên bố khẳng định vai trò của các công cụ tiêu chuẩn hóa trong việc thúc đẩy thương mại và nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thuế để xây dựng một hệ thống thuế quốc tế tiên tiến, ổn định và hiệu quả hơn. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu và thông tin trong việc ra quyết định hiệu quả.

BRICS kêu gọi “sự tham gia tích cực và có ý nghĩa hơn của các nền kinh tế mới nổi, các nước đang phát triển và kém phát triển, đặc biệt từ châu Phi, châu Mỹ Latinh và Caribbean trong các quá trình ra quyết định toàn cầu.

Tuyên bố chung cũng đề cập việc các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách cấu trúc tài chính quốc tế để đối phó với các thách thức toàn cầu, đảm bảo tính toàn diện và công bằng hơn cho các quốc gia thành viên.

Văn kiện hoan nghênh sáng kiến thành lập sàn giao dịch ngũ cốc trong khuôn khổ BRICS, với kế hoạch mở rộng sang các lĩnh vực nông nghiệp khác trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh lợi ích của việc sử dụng các công cụ thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng và chi phí thấp, khuyến khích việc sử dụng đồng tiền địa phương trong các giao dịch giữa các quốc gia BRICS và đối tác thương mại.

Liên quan xung đột ở Trung Đông, tuyên bố chung bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình hình nhân đạo ở các vùng lãnh thổ Palestine, đặc biệt là sự gia tăng bạo lực ở Dải Gaza và Bờ Tây. Lãnh đạo các nước kêu gọi một lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza, cũng như hối thúc Israel chấm dứt chiến dịch quân sự tại miền Nam Lebanon.

Về cuộc xung đột Nga-Ukraine, lãnh đạo các nước khẳng định tầm quan trọng của việc các quốc gia tuân thủ nhất quán với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Tuyên bố ghi nhận các đề xuất về trung gian hòa giải nhằm đạt được giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và ngoại giao.

Về phòng ngừa đại dịch trong tương lai, các nhà lãnh đạo ủng hộ các sáng kiến của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vaccine BRICS, nhằm phát triển Hệ thống cảnh báo sớm tích hợp của BRICS để phòng ngừa các rủi ro về bệnh truyền nhiễm.

Tuyên bố chung cũng đề cập cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong đó lãnh đạo các nước BRICS cam kết tăng cường hợp tác để giảm khí thải nhà kính, song chỉ ra rằng, các biện pháp khí hậu mà một số quốc gia áp đặt đơn phương lên các nước khác có thể gây bất lợi cho các nước thành viên.

Theo thông báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, BRICS dự định gửi văn kiện trên tới Liên hợp quốc như tài liệu chung của khối. Ông cũng nhấn mạnh, tất cả các đối tác BRICS đều cam kết tiếp tục xây dựng một hệ thống thế giới “dân chủ, toàn diện và đa cực hơn”.

2 sự kiện quan trọng trên thế giới phản ánh rõ nét sự phân chia ngày càng sâu sắc giữa các nền kinh tế phương Tây và những nước đang phát triển.

Tại thủ đô Washington DC (Mỹ) các cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã khai mạc trong hôm 21/10. Cùng thời điểm đó, 22/10, tại thành phố Kazan (Nga), Hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS, quy tụ khoảng 20 lãnh đạo từ các quốc gia thành viên và khách mời, cũng chính thức diễn ra. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16.

Thoạt nhìn, dường như không có mối liên hệ nào giữa 2 sự kiện này ngoài thời điểm tổ chức. Song trên thực tế, chúng là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ kinh tế và địa chính trị ngày càng gia tăng giữa hai trục Đông và Tây của thế giới. Sự cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa khối các nước phương Tây và khối những quốc gia do Nga và Trung Quốc dẫn dắt đang ngày càng trở nên gay gắt.

Đối trọng với phương Tây
Theo báo SCMP, dù số lượng nước tham dự hội nghị BRICS có vẻ khiêm tốn so với gần 200 quốc gia thành viên của IMF và WB, điều quan trọng hơn cả không nằm ở số lượng nước tham dự, mà là sự thay đổi trong vị thế kinh tế và chính trị.

Sự mở rộng của BRICS và sức hấp dẫn ngày càng tăng của nó đối với các cường quốc tầm trung phản ánh một xu hướng đáng chú ý. Những quốc gia trên, đặc biệt là các nước ở Nam bán cầu, đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho những thể chế tài chính và phát triển do phương Tây dẫn dắt. Họ muốn có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề toàn cầu và tự do hơn trong việc theo đuổi lợi ích quốc gia mà không cảm thấy bị áp lực phải chọn phe giữa các khối đối lập về mặt ý thức hệ.

BRICS đang nổi lên như một nền tảng hấp dẫn cho sự hợp tác này. Khối đang phát triển hệ thống ngân hàng riêng, mang tên Ngân hàng Phát triển Mới, và đang thảo luận về việc tạo ra một đơn vị tiền tệ chung cho thương mại và đầu tư. Với sự tham gia của các thành viên mới, BRICS hiện chiếm hơn 1/3 GDP toàn cầu cùng với trữ lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Sự phát triển của BRICS làm dấy lên những lo ngại từ phương Tây. Một số nhà phân tích, như chuyên gia Stewart Patrick từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, xem đây là dấu hiệu của một thế giới đang phân mảnh thành nhiều khối cạnh tranh theo các cực Đông-Tây hay Bắc-Nam. Họ lo ngại Trung Quốc và Nga có thể lợi dụng tâm lý bất mãn của một số quốc gia đối với Mỹ và các đồng minh giàu có để củng cố một thế lực đối trọng với phương Tây.

Thế Cương/tổng hợp