Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khai thác lợi thế tài nguyên biển, Thái Bình phát triển kinh tế biển hướng tới tăng trưởng xanh

ĐNA -

Ngày 8/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Thái Bình.Trong chuyến công tác này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác tổ chức xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Thái Bình vốn được biết đến là vùng “quê lúa, đất nghề,” là tỉnh có nhiều tiềm năng và hội tụ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội như gần với các trung tâm kinh tế lớn, nằm trong khu kinh tế động lực tăng trưởng phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh); có nguồn nhân lực dồi dào; hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ.

Ngoài ra, Thái Bình còn là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, có tiềm năng trong phát triển du lịch, dịch vụ và làng nghề. Do đó, tỉnh phải nhận thức rõ và tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh này để phát triển; với tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại mà tích cực, chủ động đi lên từ nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thái Bình cần nghiên cứu, mở rộng không gian phát triển ra hướng biển.

Khai thác lợi thế tài nguyên biển, Thái Bình phát triển kinh tế biển hướng tới tăng trưởng xanh
Thái Bình là một trong 28 tỉnh, thành phố trong cả nước giáp biển, có bờ biển dài 54km, với 5 cửa sông lớn đổ ra biển tạo ra vùng bãi triều rộng trên 16.000ha, vùng thềm lục địa của tỉnh rộng trên 1 vạn km2, với nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2022, tỉnh Thái Bình có 4.248,06ha rừng ven biển phân bố tại 12 xã ven biển của hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Nhiều năm qua, rừng ven biển Thái Bình đóng vai trò rất lớn trong việc phòng hộ ven biển, bảo vệ môi trường, lưu giữ đa dạng sinh học vùng bờ biển.

Thái Bình tiến xa ra biển, làm giàu từ biển, không chỉ tạo ra những động lực phát triển mà còn tăng cường sức mạnh tổng hợp, tạo tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Thành lập Khu kinh tế Thái Bình là một trong những trọng điểm mang tính bứt phá, bước ngoặt để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; tập trung khai thác lợi thế tài nguyên biển, phát triển kinh tế hướng ra biển nhằm khơi dậy tiềm năng kinh tế biển của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, XX.

Rừng ngập mặn ven biển có chức năng phòng hộ chống xói mòn, duy trì cân bằng hệ sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguồn giống động thực vật và an ninh, quốc phòng ven biển. Bảo vệ và phát triển rừng luôn là một trong những nhiệm vụ được tỉnh đặc biệt chú trọng. Nhiều dự án trồng, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn được triển khai trên địa bàn tỉnh góp phần gia tăng đáng kể diện tích, chất lượng rừng. Cụ thể, từ năm 2015 đến năm 2022, diện tích rừng ven biển của tỉnh tăng 539ha (từ 3.709ha năm 2015 tăng lên 4.248,06ha năm 2022). Thời gian tới, Thái Bình tiếp tục có chủ trương trồng mới 1.000ha, trồng bổ sung 500ha rừng ven biển. Chủ trương này được cụ thể hóa trong đề xuất quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030.

Đây là khu vực có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; kết nối giao thông đường thủy, đường bộ thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; có các tuyến quốc lộ 37, 37B, 39, tỉnh lộ 456 đi qua và đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển (được khởi công xây dựng từ đầu năm 2019 theo chủ trương của Chính phủ), giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách và thời gian di chuyển từ khu vực ven biển Thái Bình đến cảng biển nước sâu Đình Vũ, Lạch Huyện và sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), sân bay Vân Đồn, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Bắc Bộ.

Ngoài ra, còn có lợi thế về bờ biển dài, bãi triều bồi rộng và cảnh quan thiên nhiên ven biển thuần khiết, đa dạng sinh học, thuận lợi cho nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Xác định rõ tầm quan trọng đó, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Thái Bình là phát triển Khu kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, đặc biệt ở hai huyện ven biển với hệ sinh thái rừng ngập mặn. Để phục vụ phát triển Khu kinh tế Thái Bình theo quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát điều chỉnh tất cả các quy hoạch có liên quan bảo đảm thống nhất và đồng bộ với quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình.

Khu vực ven biển của Thái Bình có lợi thế rất lớn về nguồn năng lượng điện, than và khí đốt tự nhiên với trữ lượng lớn, có thể khai thác lâu dài, cùng với quỹ đất ven biển, nguồn nhân lực tại chỗ khá dồi dào, thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như: sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh, sứ dân dụng, thủy tinh cao cấp, khí mỏ, hóa chất…

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, các quy định phải điều chỉnh gồm: Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012 – 2020 (quy hoạch này đã được UBND tỉnh điều chỉnh tại Quyết định số 600/QĐ-UBND ngày 28/3/2023); quy mô khu rừng đặc dụng (đã được UBND tỉnh điều chỉnh tại Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh về việc xác định vị trí, quy mô, diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh (Tiền Hải). Theo đó, diện tích khu rừng đặc dụng là 1.320ha, gồm phần đất có rừng ngập mặn 632ha, diện tích đất chưa có rừng 688ha.

Ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg về quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 1486). Theo đó, giao UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình. Các quy hoạch liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, bảo tồn phải điều chỉnh để bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình gồm: Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 – 2020; khu rừng đặc dụng có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải tại 3 xã: Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh (Tiền Hải) đã xác lập theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND, ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thái Bình, vì so với Quyết định số 1486 khu rừng đặc dụng này chồng lấn rất nhiều với Khu kinh tế Thái Bình. Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017, Quyết định 1486, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 600/QĐ-UBND, ngày 28/3/2023 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 – 2020, Quyết định số 731/QĐ-UBND, ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh về việc xác định vị trí, quy mô, diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh (Tiền Hải).

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải ở 3 xã trên chỉ là tên gọi, thực chất đây là rừng đặc dụng, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định đây là vùng đất ngập nước. Vì vậy, việc xác định vị trí, quy mô và ranh giới khu rừng đặc dụng ở 3 xã theo Quyết định số 731/QĐ-UBND của UBND tỉnh là hoàn toàn phù hợp và đúng với quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đối với Khu kinh tế Thái Bình.

Sau 6 năm được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập, đến nay Khu kinh tế Thái Bình đang dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng và từng bước thu hút được nhiều dự án lớn, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của chính quyền cũng như người dân hai huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải, trong đó có 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh.

Thái Bình hiện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư, phát triển Khu kinh tế Thái Bình để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh hướng tới mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Vì vậy, cần sự đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền cũng như người dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Một phần bản đồ quy hoạch phân khu Khu kinh tế Thái Bình đoạn ven biển huyện Tiền Hải.

Kinh tế biển, ven biển phát triển trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề
Nghành sản xuất thủy sản
Có bước phát triển khá toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần đẩy mạnh kinh tế biển của tỉnh phát triển.Giá trị sản xuất ngành thủy sản giai đoạn 2015 – 2018 tăng bình quân 8,52%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của cả tỉnh (6,8%/năm). Sản lượng thủy sản tăng bình quân 10,1%/năm, chiếm trên 80% sản lượng chung của toàn tỉnh. Nuôi trồng thủy sản được mở rộng phát triển, diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng ven biển chiếm khoảng 60% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Trong đó, khu vực nuôi trồng thủy sản của thị trấn Diêm Điền và 30 xã thuộc Khu kinh tế Thái Bình (khu kinh tế ven biển) chiếm gần 50% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh và trên 80% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng ven biển. Phương thức nuôi trồng thủy sản có sự chuyển đổi tích cực, như thực hiện nuôi thâm canh và bán thâm canh, kết hợp với nuôi luân canh, xen canh để tăng thời gian sử dụng mặt nước và cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tích cực tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật; hình thành một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn ở các xã ven biển, qua đó, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ nông – ngư dân.

Khai thác, đánh bắt hải sản phát triển ổn định. Tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu, thuyền; nhờ đó, các hộ ngư dân đã tích cực đóng mới, sửa chữa, nâng cấp, tăng công suất tàu, thuyền. Năng lực và sản lượng khai thác hải sản được nâng cao. Sản lượng khai thác hải sản tăng bình quân 9,1%/năm, chiếm trên 90% tổng sản lượng khai thác thủy, hải sản của toàn tỉnh; năm 2018, sản lượng khai thác hải sản ước đạt 75.463 tấn. Các cảng cá, bến cá được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh, trú bão cho tàu, thuyền và tiêu thụ hải sản, góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt và phòng, chống bão. Đã hình thành một số doanh nghiệp, đầu mối chế biến thủy sản và cung cấp sản phẩm thủy sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu; hiện có trên 108 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản hoạt động theo mô hình hộ gia đình và 8 doanh nghiệp chế biển thủy sản. Ngoài ra, có khoảng 30 cơ sở làm dịch vụ cung cấp về giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, cung ứng xăng dầu, nước đá, nước ngọt… phục vụ nhu cầu nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Năng lực khai thác, đánh bắt thủy, hải sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản và an ninh trên biển, đánh bắt xa bờ được tăng cường (toàn tỉnh hiện có 1.142 tàu cá với tổng công suất máy là 122.509,8 CV, tăng 34.032,8 CV so với năm 2015; trong đó, nhóm tàu công suất trên 90CV là 299 phương tiện, tăng 77 phương tiện so với năm 2015). Các doanh nghiệp, hộ ngư dân đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ mới trong khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Dịch vụ hậu cần cho các tàu khai thác hải sản xa bờ phát triển, hình thành nhiều tổ đội khai thác xa bờ nhằm phát huy được sức mạnh tập thể, giúp đỡ và bảo vệ nhau khi hoạt động trên biển, giúp các chủ tàu yên tâm bám biển sản xuất, góp phần bảo đảm an ninh, tăng cường sự hiện diện của ngư dân trên biển, tham gia bảo vệ vùng biển quốc gia.

Ngành sản xuất công nghiệp
Tăng trưởng khá cao, thu hút được một số dự án đầu tư lớn, góp phần tăng mạnh năng lực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp biển của tỉnh phát triển.

Sản xuất công nghiệp khu vực ven biển của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong 3 năm 2016, 2017 và 2018. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 20,04%/năm trong giai đoạn 2015 – 2018. Trong đó, khu vực thị trấn Diêm Điền và 30 xã thuộc khu kinh tế ven biển tăng bình quân 26,5%/năm, chiếm 10,8% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh và chiếm 54,2% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng. Nghề và làng nghề tiếp tục được củng cố, duy trì và phát triển; đã mở rộng và khôi phục một số làng nghề truyền thống, đồng thời du nhập, phát triển thêm một số nghề mới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Tính đến hết năm 2018, có 55 làng nghề (huyện Thái Thụy: 27 làng nghề, huyện Tiền Hải: 28 làng nghề), giải quyết việc làm cho khoảng gần 40.000 lao động.

Ngành vận tải biển, kinh doanh, thương mại, dịch vụ và du lịch biển.
Hoạt động vận tải biển có bước phát triển mạnh mẽ cả về phương tiện vận tải, quy mô tải trọng tàu biển và khối lượng vận tải. Toàn tỉnh hiện có khoảng 200 doanh nghiệp vận tải biển, với trên 270 phương tiện hoạt động. Hạ tầng vận tải biển được chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện cho hoạt động vận tải biển phát triển (Cảng biển quốc gia Diêm Điền). Toàn tỉnh hiện có 3 khu neo đậu, 2 cảng cá và 1 bến cá được duy tu, bảo dưỡng, khai thác có hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn cho các hoạt động sản xuất – kinh doanh, phát triển kinh tế biển.

Kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn 2 huyện ven biển tăng trưởng khá cao. Giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân 8,44%/năm (toàn tỉnh tăng 8,74%/năm), chiếm khoảng 24% tổng giá trị sản xuất khu vực kinh doanh, thương mai, dịch vụ của tỉnh. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa được đẩy mạnh, trong đó xuất khẩu thủy sản tăng trưởng khá. Hoạt động du lịch biển đạt kết quả ban đầu khá tích cực. Các tuyến du lịch sinh thái biển kết hợp với tham quan các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề… được hình thành và bước đầu thu hút được du khách trong và ngoài tỉnh.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực ven biển được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực ven biển tiếp tục được tăng cường, đầu tư đồng bộ, đã tập trung huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng và hoàn thành nhiều công trình hạ tầng quan trọng, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến giao thông kết nối giữa các trục giao thông đầu mối trong tỉnh và kết nối khu vực ven biển đã được đầu tư, triển khai. Tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp ven biển.

Trong thời gian qua, tỉnh đã huy động các nguồn lực, triển khai đầu tư xây dựng một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng, như tuyến đường bộ ven biển, nâng cấp tuyến đường ĐT.456 từ cầu Vô Hối đến thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy), quốc lộ 37B, dự án nạo vét luồng hàng hải Diêm Điền. Quy hoạch và triển khai xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn và thành phố Hải Phòng, tuyến đường từ Cồn Vành đi qua phía nam hai huyện Tiền Hải, Kiến Xương nối với đường vành đai phía nam thành phố Thái Bình…, góp phần hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối của tỉnh. Một số dự án lớn, trọng điểm (Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình I và II, Nhà máy Amonitrat, Dự án Khí mỏ Hàm Rồng…) được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi triển khai; một số dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Công tác quy hoạch phát triển kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế và bảo vệ chủ quyền biên giới vùng biển được thực hiện tốt, cùng với việc điều chỉnh, bổ sung các khu, cụm công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, đô thị ven biển. Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với quy mô diện tích tự nhiên 30.583ha, bao gồm 31 xã, thị trấn thuộc 2 huyện ven biển (Thái Thụy, Tiền Hải). Tỉnh đang tích cực hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, làm căn cứ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng, đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển khu kinh tế ven biển của tỉnh trong thời gian tới.

Rừng ngập mặn ở ven biển Tiền Hải

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh – quốc phòng trong thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh – quốc phòng ở Thái Bình còn một số hạn chế, yếu kém nhất định, như: Quy mô kinh tế biển tuy tăng lên nhưng còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế của tỉnh; quy mô sản xuất công nghiệp biển của tỉnh còn nhỏ và phát triển chưa vững chắc; thương mại, dịch vụ và du lịch biển vẫn trong tình trạng chậm phát triển; các cơ sở kinh doanh còn mang tính tự phát, phân tán, quy mô nhỏ; chưa có các hình thức thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại… Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực vùng ven biển tuy đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển…

Để thực hiện hiệu quả Quyết định số 1486/QĐ-TTg, ngày 28-10-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”, đưa khu vực ven biển trở thành trọng điểm phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an ninh – quốc phòng của tỉnh, cần triển khai thực hiện một số giải pháp chính sau:

Khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tận dụng được lợi thế, tiềm năng của khu vực về nguồn khí thiên nhiên và nguồn nguyên liệu, liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp đã phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp phát triển các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có chất lượng đất tốt, nguồn lợi thủy sản phong phú; phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của khu vực. Phát triển không gian kiến trúc cảnh quan hiện đại, dựa trên cấu trúc cảnh quan và sinh thái tự nhiên, đặc biệt là khai thác cảnh quan sông, khu vực cửa sông – biển, dải bờ biển, phù hợp với điều kiện văn hóa – xã hội; tăng cường hệ thống không gian công cộng, quảng trường, không gian cảnh quan tự nhiên, phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường.

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển, du lịch vui chơi giải trí cao cấp; kết hợp với du lịch tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan rừng ngập mặn và tìm hiểu, khám phá các sản phẩm hàng hóa lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp của Khu kinh tế Thái Bình. Kết nối du lịch Khu kinh tế Thái Bình với các hành trình du lịch nổi tiếng trong vùng bằng đường thủy, đường biển, đường hàng không (thủy phi cơ). Hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hiện đại, đẳng cấp tại các khu vực Cồn Đen, Cồn Thủ, Cồn Vành. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng du lịch.

Quy hoạch và phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, có năng suất, chất lượng cao, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, quỹ đất của Khu kinh tế Thái Bình. Xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thái Đô, Nam Thịnh, Nam Hưng; đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá. Bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng phòng hộ ven biển,

Đa dạng hóa các kênh huy động vốn đầu tư bằng nhiều hình thức và cơ chế ưu đãi. Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài một cách đồng bộ trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội tại khu vực ven biển. Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng cao. Rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dự báo nhu cầu lao động, chủ động tổ chức các khóa đào tạo lao động cho các doanh nghiệp.

Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, trong đó, trọng tâm là cải cách hành chính, minh bạch trong các hoạt động đầu tư, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất… Đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất – kinh doanh trong khu vực ven viển nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia, đồng thời vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành.

Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình luôn coi trọng công tác bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học ven biển. Báo TB

Bảo đảm an ninh – quốc phòng, bảo vệ môi trường vùng ven biển
Vấn đề bảo đảm an ninh – quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội vùng ven biển được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện, góp phần bảo vệ vững chắc, giữ vững ổn định chính trị của các địa phương ven biển. Thực hiện có hiệu quả quy định về phối hợp của dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thực hiện Đề án tổng thể về tuyên truyền bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông…  Các công trình quân sự phòng thủ ven biển trên địa bàn hai huyện Thái Thuỵ và Tiền Hải được quan tâm đầu tư xây dựng, bảo đảm chất lượng tốt.

Lực lượng dân quân tự vệ, công an, quân sự ở các xã ven biển được củng cố, xây dựng; công tác huấn luyện bảo đảm chặt chẽ, có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Hình thành, củng cố các trung đội dân quân tự vệ, ban công an xã, tổ tự quản an ninh, trật tự, tổ tự quản về an toàn giao thông; đội bảo vệ rừng ở các xã, thị trấn và cơ quan thuộc khu vực ven biển; duy trì giao ban, trao đổi định kỳ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồn biên phòng. Do vậy, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, phòng, chống tội phạm, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội ở khu vực ven biển của tỉnh được tăng cường. Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với củng cố an ninh – quốc phòng, giữa quân và dân được chú trọng và nâng cao. Cùng với việc bảo vệ an ninh – quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội ven biển, các lực lượng công an, quân sự, biên phòng tích cực tổ chức lực lượng, tham gia có chất lượng các cuộc diễn tập và thực hiện phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn trên sông, trên biển; kêu gọi, ngăn chặn, cưỡng chế hàng nghìn lượt phương tiện vào nơi tránh trú an toàn, góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ gây ra; thiết lập hệ thống thông tin liên lạc phục vụ nhiệm vụ phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn giữa cơ quan Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ đội Biên phòng tỉnh với các tàu khai thác hải sản nhằm bảo vệ cho ngư dân sản xuất và kịp thời thông tin, xử lý những tình huống trên biển. Hoàn thành Dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng ở khu vực Cồn Vành đạt hiệu quả thiết thực, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế thủy sản và du lịch biển, vừa góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng trên hướng phòng thủ chủ yếu của tỉnh. Ngoài ra, các chương trình, dự án trồng rừng ngập mặn, tăng gia sản xuất, cấp điện, cấp nước và hoạt động quân dân y kết hợp được đẩy mạnh, góp phần xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp quân dân trong bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển và khai thác tiềm năng, thế mạnh của biển.

Công tác bảo vệ môi trường biển được quan tâm, chú trọng thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt hệ thống mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011 – 2020, trong đó, có 15 điểm quan trắc nước biển ven bờ, thường xuyên thực hiện lấy mẫu, quan trắc, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường nước biển ven bờ của tỉnh, từng bước đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động đối với các dự án đầu tư sản xuất có nguồn gây ô nhiễm lớn và các hệ thống sông lớn trên địa bàn tỉnh, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng gây ô nhiễm môi trường nước biển. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường biển và ven biển, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND, ngày 29-4-2016, “Về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của hiện tượng thủy, hải sản chết hàng loạt.” Theo đó, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình xả thải của các nhà máy có hoạt động xả thải ra biển, đánh giá tổng quan môi trường biển của tỉnh, góp phần bảo vệ sản xuất, nuôi trồng thủy, hải sản ở vùng bãi triều ven biển, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Công tác bảo vệ và phát triển các khu rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn ven biển được tăng cường thông qua hợp tác, phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương và các tổ chức quốc tế trong hoạt động điều tra, khảo sát và bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái biển và ven biển theo hướng bền vững. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường biển; triển khai việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng, bảo vệ… Công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu đã được quan tâm. Tổ chức tốt công tác thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho các cơ sở sản xuất – kinh doanh có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu. Tổ chức triển khai Dự án di chuyển các hộ dân sống ở vùng xung yếu ngoài đê quốc gia vào khu tái định cư (xã Đông Long, huyện Tiền Hải). Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh. Hằng năm tổ chức ít nhất 1 cuộc diễn tập phòng, chống, lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện để hỗ trợ nhân dân di dời khi có sự cố xảy ra.

Ưu tiên bố trí không gian biển cho du lịch sinh thái, thăm dò dầu khí, nuôi trồng thủy sản.

Việc phát triển kinh tế biển được Đảng thể hiện rõ tại Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định đưa “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương”.

Với hơn 3.200km bờ biển cùng vùng biển rộng trên một triệu km2, hơn 3.000 hòn đảo và 28/63 tỉnh, thành phố có biển, Việt Nam được các chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá có lợi thế số một để “hóa rồng” – là “mặt tiền Biển Đông”. Thế nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chỉ “đứng trước biển”, chưa thực sự “ra biển lớn” khi các ngành kinh tế thuần biển mới đóng góp 10% GDP cả nước.

Phạm Hòa/tổng hợp