Thứ Bảy, Tháng 4 5, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khai thác thế mạnh kinh tế thể thao, động lực mới cho sự phát triển của Huế năm 2025



ĐNA -

Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Huế, khi kinh tế thể thao được xác định là một trong những mũi nhọn mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao vị thế của Huế trên bản đồ quốc gia và khu vực với tư thế là Thành phố trực thuộc trung ương thứ sáu của Việt Nam. Với những lợi thế tự nhiên, văn hóa, con người và cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư, Huế đang từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế thể thao, biến thể thao không chỉ là lĩnh vực phong trào hay thành tích cao mà còn là ngành kinh tế đóng góp thiết thực vào GDP địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) đã trao tặng lẵng hoa cho Ban Tổ chức Giải đua xe địa hình tháng 6/2024.

Lợi thế tự nhiên và hạ tầng thể thao ngày càng hoàn thiện
Huế sở hữu địa hình đa dạng, bao gồm đồi núi, sông suối, đầm phá, bãi biển và hệ sinh thái phong phú – là điều kiện lý tưởng để tổ chức nhiều loại hình thể thao ngoài trời như chạy bộ, các môn thể thao địa hình, bơi lội, đua thuyền, sup và các môn thể thao dưới nước, leo núi hay thể thao mạo hiểm. Bên cạnh đó, hệ thống di tích văn hóa và danh lam thắng cảnh đặc sắc cũng tạo nên một lợi thế cạnh tranh trong việc tổ chức các giải đấu kết hợp du lịch, như giải chạy VnExpress Marathon Huế, festival thể thao cộng đồng Huế, hay các giải đua thuyền truyền thống trên sông Hương và đầm phá Tam Giang- Cầu Hai.

Năm 2025, thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và cải tạo hạ tầng thể thao: sân vận động Tự Do được nâng cấp để xứng tầm là sân đạt chuẩn quốc gia, Trung tâm thể thao thành phố và khu vực quảng trường bao quanh được đầu tư 200 tỷ để nâng cấp; nhiều nhà thi đấu đa năng tại các huyện, thị xã được xây mới hoặc cải tạo; các trung tâm thể thao cộng đồng tại các phường, xã được hỗ trợ thiết bị và kinh phí tổ chức hoạt động. Đặc biệt, khu liên hợp thể thao tại phường Thủy Bằng đang dần thành hình, hứa hẹn trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện thể thao quy mô lớn trong khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, một loạt các tổ hợp thể thao ngoài công lập cũng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là hệ thống sân bóng đá 7 người, sân cầu lông, pickleball…

Giải bơi, lặn vô địch quốc gia bể 25m năm 2025 với sự tham gia của hàng trăm vđv.

Thể thao quốc gia hội tụ – Huế trở thành điểm đến thi đấu trọng điểm
Năm 2025, Huế vinh dự đăng cai tổ chức nhiều giải thể thao cấp quốc gia, góp phần khẳng định vị thế ngày càng cao của tỉnh trên bản đồ thể thao Việt Nam. Tiêu biểu là giải VnExpress Marathon Huế vào đầu tháng 4– một trong những giải chạy lớn nhất cả nước – thu hút tới 12.000 vận động viên trong và ngoài nước tham gia, tạo ra làn sóng du lịch thể thao sôi động, mang lại nguồn thu lớn cho ngành lưu trú, dịch vụ và thương mại địa phương.

Bên cạnh đó, Huế cũng tổ chức Giải bơi, lặn bể 25m Quốc gia năm 2025, giải đá cầu quốc gia với sự góp mặt của hàng trăm vận động viên đến từ các tỉnh, thành trên toàn quốc. Các giải đấu này không chỉ là sân chơi chuyên nghiệp, mà còn là dịp quảng bá hình ảnh Huế năng động, hiện đại và có năng lực tổ chức các môn thể thao đỉnh cao.

Đặc biệt, Giải Pickleball Trẻ Quốc gia năm 2025 do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch lần đầu tiên được tổ chức tại Huế vào tháng 8 tới đây, sẽ thu hút từ 450 đến 500 vận động viên trẻ trên toàn quốc tham gia. Môn thể thao mới mẻ này đang dần trở thành xu hướng tại Việt Nam, và Huế đang nắm bắt kịp thời để trở thành “điểm đến thể thao” của giới trẻ cả nước.

Ban tổ chức giải Vnexpress Huế 2025 trao bộ kỷ niệm huy chương cho Phó Chủ tịch thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình.

Thúc đẩy thể thao du lịch – mô hình kinh tế xanh và bền vững
Huế đang đi đầu trong việc gắn kết thể thao và du lịch, tạo ra mô hình “thể thao trải nghiệm” – vừa rèn luyện sức khỏe, vừa khám phá cảnh quan, văn hóa, ẩm thực địa phương và gắn liền với các thương hiệu “Huế kinh đô áo dài”, “Huế kinh đô ẩm thực”. Các giải chạy marathon tổ chức thường niên đã thu hút hàng chục nghìn vận động viên, mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch, lưu trú, ăn uống và vận tải. Ước tính, mỗi sự kiện thể thao quy mô trung bình có thể mang về doanh thu từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn, trong thời gian tổ chức giải marathon VnExpress năm nay, lượng đặt phòng hệ thống khách sạn nhà nghỉ của Huế đạt từ 85-95% với hơn 105 nghìn lượt khách đến Huế, doanh thu ước đạt khoảng 215 tỷ đồng. Các giải thể thao còn góp phần lan tỏa hình ảnh Huế năng động, thân thiện và hiện đại.

Không chỉ dừng lại ở các sự kiện đơn lẻ, Huế đang phát triển hệ sinh thái du lịch thể thao quanh năm: các tuyến đường đạp xe ven biển và trên hầu hết các tuyến đường phố nội đô, chạy bộ ven sông Hương, chèo SUP trên phá Tam Giang, leo núi Bạch Mã, trekking A Lưới – Nam Đông… đang được các doanh nghiệp lữ hành phối hợp với chính quyền xây dựng tour chuyên biệt, hướng đến nhóm du khách trẻ và yêu thích khám phá.

Một giải pickleball cộng đồng được Sở VH&TT tổ chức thành công.

Kinh tế thể thao chuyên nghiệp – hướng đi dài hạn
Bên cạnh thể thao phong trào và du lịch thể thao, Huế cũng đang đầu tư phát triển thể thao chuyên nghiệp như một ngành kinh tế thực thụ. Câu lạc bộ bóng đá Huế FC được cơ cấu lại theo mô hình doanh nghiệp, hướng tới tự chủ tài chính và nâng cao chất lượng đội ngũ. Việc tham dự các giải hạng Nhất và hướng đến V.League không chỉ tạo ra bản sắc thể thao địa phương mà còn thu hút tài trợ, quảng bá thương hiệu và tạo việc làm cho người dân.

Nhiều môn thể thao thành tích cao như điền kinh, vật, võ cổ truyền, bắn cung, cầu lông, rowing… tiếp tục được đầu tư trọng điểm, với sự đồng hành của các doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao Huế đóng vai trò hạt nhân trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, cung cấp huấn luyện viên, vận động viên và cán bộ quản lý cho khu vực miền Trung- Tây Nguyên và cả nước.

Việc hình thành các trung tâm đào tạo thể thao bán chuyên tại các huyện, thị xã cũng mở ra cơ hội phát hiện và phát triển tài năng từ sớm, đồng thời góp phần tạo ra hệ sinh thái thể thao gắn với giáo dục – một yếu tố bền vững trong chiến lược dài hạn.

Hue Sports Festival là một lễ hội thể thao xã hội hoá giữa DN và nhà nước giúp đẩy mạnh phong trào thể thao tỉnh nhà, lễ hội bắt đầu từ 2023 với hơn 10 môn tham gia thi đấu.

Chính sách đồng bộ và hợp tác công – tư hiệu quả
Nhận thức rõ vai trò của thể thao trong phát triển kinh tế – xã hội, thành phố Huế đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức xã hội đầu tư vào lĩnh vực này. Các cơ chế như miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp tài trợ thể thao, hỗ trợ chi phí tổ chức sự kiện, ưu tiên đất đai cho dự án thể thao – giải trí, thể thao- văn hóa… đang phát huy hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế thể thao phát triển.

Ngoài ra, sự hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp trong tổ chức sự kiện cũng được đẩy mạnh, thông qua các mô hình đồng tổ chức hoặc cho phép doanh nghiệp khai thác bản quyền, dịch vụ hậu cần. Các sự kiện như “Hue Jogging” “ Festival thể thao cộng đồng”, “Hue Night Run”, “Sup Race Lagoon”… là minh chứng cho hiệu quả của mô hình hợp tác công – tư trong lĩnh vực thể thao.

Marathon Huế 2023 với sự tham gia của các lãnh đạo Sở, ngành tỉnh Thừa thiên Huế (nay là thành phố Huế).

Tạo bản sắc mới – Huế không chỉ là Cố đô
Kinh tế thể thao không chỉ mang lại giá trị vật chất, mà còn góp phần xây dựng một hình ảnh Huế mới – năng động, hội nhập, thân thiện và hướng tới tương lai. Từ một vùng đất gắn với di sản và chiều sâu văn hóa, Huế đang cho thấy khả năng “chuyển mình” mạnh mẽ, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại.

Hướng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, Huế xác định rõ thể thao không chỉ là công cụ rèn luyện sức khỏe hay phương tiện giải trí, mà còn là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách, nâng cao chất lượng sống của người dân và khẳng định vị thế của tỉnh trong bức tranh kinh tế quốc gia.

Yên Chi – Minh Anh