Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khai thác tiềm năng biển thành mũi nhọn phát triển kinh tế, thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư tại Nam Định



ĐNA -

Trong năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, tỉnh Nam Định đã thu hút được 111 dự án, số vốn đầu tư trong nước gấp 8,5 lần của cả giai đoạn 2016-2020. Tỉnh cũng xác định mục tiêu phát triển các ngành kinh tế vùng ven biển toàn diện, theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, chú trọng 4 nhóm ngành: công nghiệp ven biển; du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản.

Kinh tế biển góp trên 25% tổng giá trị sản xuất
Vùng ven biển tỉnh Nam Định gồm 3 huyện (Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu) với 80 xã, thị trấn (trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển); tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 724 km2, bằng 43% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 606 nghìn người, khoảng 34% dân số toàn tỉnh. Vùng kinh tế ven biển Nam Định đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, hằng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn.

Cảng Hải Thịnh, Hải Hậu, Nam Định có lượng hàng hóa đi qua tăng 30-40%/năm, thuộc nhóm cảng biển tăng cao nhất nước

Phân tích về những lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế biển của tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch Trần Anh Dũng cho biết, vùng ven biển tỉnh Nam Định có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển, vùng bãi bồi ngập mặn ven biển có diện tích trên 22.000 ha; có chiều dài bờ biển 72 km và hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua, mang lại rất nhiều điều kiện thuận lợi trong vận tải đường thuỷ và phát triển công nghiệp.

Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình, tạo thuận lợi phát triển khu kinh tế Ninh Cơ, khu công nghiệp dệt may Rạng Đông; các khu, cụm công nghiệp nhất là Khu công nghiệp Hải Long với quy mô lớn trên 1.100 ha. Đặc biệt, khu đô thị Thịnh Long – Rạng Đông đang hình thành và phát triển là đô thị loại III, trung tâm phía nam của tỉnh, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực.

Dịch vụ cảng biển cũng là thế mạnh của Nam Định. Khu bến Hải Thịnh – Cửa Đáy có thể phục vụ cỡ tàu trọng tải đến 3.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Bến phao, khu neo đậu chuyển tải Ninh Cơ, vị trí vùng nước khu vực ngoài cửa Lạch Giang phục vụ chuyển tải hàng lỏng, hàng rời cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn.

Vừa qua, tỉnh Nam Định đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải bổ sung bến cảng biển chuyên dùng quy mô đến năm 2030 đáp ứng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 tấn vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 1 giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch vùng ven biển cũng đang được khai thác, đầu tư, phát triển thành các sản phẩm du lịch biển như: Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thuỷ; Du lịch nghỉ dưỡng tại khu du lịch nghỉ mát tắm biển Thịnh Long, Quất Lâm và Rạng Đông.

Kiên quyết xóa tệ nạn mai dâm. Khu du lịch Quất Lâm (Giao Thủy) sẽ được nâng cấp lên theo hướng khu du lịch nghỉ dưỡng tắm biển cao cấp

Trong đó, đáng chú ý là dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái biển Quất Lâm. Theo UBND huyện Giao Thủy, điểm du lịch biển thị trấn Quất Lâm được hình thành từ năm 1997. Mỗi năm, nơi này đón hàng vạn lượt khách du lịch về tắm biển, nghỉ dưỡng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trong quá trình phát triển, tệ nạn xã hội tại điểm du lịch nay có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các vi phạm pháp luật, tệ nạn mại dâm đã được xử lý triệt để. Khu du lịch Quất Lâm sẽ được nâng cấp lên theo hướng khu du lịch nghỉ dưỡng tắm biển cao cấp. UBND huyện Giao Thủy cũng có kế hoạch phấn đấu đưa thị trấn Quất Lâm thành khu đô thị loại IV trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, có thể thấy vùng kinh tế ven biển của Nam Định phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và chưa tạo được sự kết nối đồng bộ với các địa phương khác. Nhằm phát huy tối đa thế mạnh, tiềm năng vốn có, đưa Nam Định trở thành địa phương mạnh về biển, làm giàu từ biển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Trong đó, đề ra định hướng xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Cùng với đó, xây dựng và phát triển các ngành kinh tế vùng ven biển toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao; trong đó chú trọng phát triển phát triển 4 nhóm ngành gồm: Công nghiệp ven biển; du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản. Phát triển kinh tế vùng ven biển phải gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.

Hạ tầng giao thông đồng bộ tạo ‘cú hích’ phát triển kinh tế Nam Định, kết nối với các địa phương khác

Giao thông đi trước một bước, tạo ‘cú hích’ phát triển kinh tế
Với chủ trương giao thông phải đi trước một bước, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trung tâm kinh tế các huyện vùng ven biển, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi vùng kinh tế biển với các địa phương trong và ngoài tỉnh, với các trục giao thông trọng điểm quốc gia. Trong đó có các công trình giao thông trọng điểm nổi bật.

Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định với tổng chiều dài tuyến đường 65,8km dọc theo cả ba huyện ven biển (Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy). Toàn tuyến đầu tư theo quy mô tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Tổng mức đầu tư: 2.655 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2024.

Dự án Xây dựng đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có tổng chiều dài tuyến đường 46 km. Nối từ xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng đến khu vực nút giao với Cao Bồ, huyện Ý Yên. Tổng mức đầu tư là 5.326 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn I (2017-2021) là 2.839,0 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1, chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư cũng đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai các công việc giai đoạn 2 Dự án để đảm bảo tiến độ đầu tư.

Các dự án kết nối thành phố Nam Định với đường bộ ven biển có tổng mức đầu tư 8.694 tỷ đồng, gồm 3 dự án lớn dự kiến khởi công trong năm 2022 và 2023.

Dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng với tổng chiều dài khoảng 2 km. Tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án trong năm 2023.

Ngoài ra, tỉnh Nam Định còn phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai, sớm hoàn thành và khai thác hiệu quả cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ tạo hành lang giao thông thủy nội địa với các tỉnh trong khu vực; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Bến Mới; thủ tục đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường.

Tăng trưởng xanh nâng cao năng lực cạnh tranh
Tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là một chủ trương lớn, được tỉnh Nam Định xác định là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và cả cộng đồng. Theo Phó Chủ tịch Trần Anh Dũng, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu.

Trong quá trình triển khai lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Nam Định đã xác định một trong những quan điểm phát triển là phải phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng, nội dung của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Phó Chủ tịch Trần Anh Dũng cũng chia sẻ về những hành động cụ thể để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trưởng, tăng trưởng xanh và bền vững.

Đối với quá trình giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp: trong lĩnh vực trồng trọt đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa và cây trồng, thay đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện thu gom, bao cuốn rơm rạ sau khi thu hoạch để lưu trữ, tái sử dụng và xử lý rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, hạn chế việc đốt rơm rạ giảm phát thải khí nhà kính.

Nhiều địa phương và các hộ nông dân đã sử dụng công nghệ biogas để xử lý chất thải, phế thải chăn nuôi, thu hồi khí làm chất đốt sinh hoạt. Ứng dụng quy trình VietGAP trong chăn nuôi, thay thế thức ăn thô bằng thức ăn tinh, nâng cao miễn dịch cho vật nuôi và sử dụng kháng sinh từ vi khuẩn, hoàn thiện các biện pháp thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi.

Lối sống xanh, phát triển nông nghiệp sinh thái đang dần hình thành tại các địa phương ở Nam Định

Đối với sản xuất công nghiệp xanh, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo ngành Công Thương phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các Hội thảo để phổ biến về sản xuất sạch cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cơ quan đơn vị, nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa và nilon.

Lối sống xanh hóa cũng dần được hình thành; thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh với 3 mô hình phân loại đang áp dụng gồm: Mô hình “Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình bằng thùng ủ”; mô hình “Hố rác hữu cơ di động” và mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”.
Chy Lê-Hoàng Hạnh/nguồn VPCP