Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khai trương đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung” Huế- Đà Nẵng – Huế

ĐNA -

(Huế – Đà Nẵng). Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Thừa Thiên – Huế (26/3/1975 – 26/3/2024) và thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2024); hôm nay ngày 26/3/2024, tại 2 thành phố, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND Thành phố Đà Nẵng, phối hợp tổ chức khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế – Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”.

Cắt băng khai trương đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung”, chạy chuyên khu đoạn Huế – Đà Nẵng và ngược lại. Ảnh: Nam Trinh.

Nỗ lực đầu tư đồng bộ để đưa vào khai thác tàu khu đoạn Huế – Đà Nẵng , không chỉ góp phần đảm bảo kết nối đi lại giao thông của người dân giữa hai địa phương, mà còn là trải nghiệm mới, đầy thú vị của du khách khi đến với Huế và Đà Nẵng, hai thành phố du lịch vừa cổ kính, vừa hiện đại.

Thời gian đầu đưa vào khai thác, đoàn tàu gồm 5 toa xe ghế mềm, có hệ thống điều hoà hiện đại và 1 toa xe sinh hoạt cộng đồng. Riêng ngày khai trương, đoàn tàu gồm 10 toa xe, trong đó có 2 toa xe cộng đồng. Du khách đi tàu được thưởng thức ẩm thực, các màn trình diễn nghệ thuật.

Đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung” là một trong những nỗ lực kết nối vùng, quảng bá du lịch của UBND 2 thành phố và là sản phẩm mới, mở đầu cho những sản phẩm kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch mà Đường sắt Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới.

Biển diễn nhạc cụ dân tộc trên toa tàu.

Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, chia sẻ rằng: “Đường sắt Việt Nam ra đời đã 143 năm, tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu có mạng lưới 3.143 km, đi qua 34 tỉnh, thành phố trên cả nước, với hơn 300 khu ga, đa số các khu ga ở trung tâm thành phố, huyện lỵ.Nhiều khu ga đường sắt được gìn giữ nguyên bản, nhiều tuyến đường đáng để trải nghiệm, trong đó, năm 2023, Tạp chí danh tiếng Leony Playnets đã bình chọn tuyến Đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh dài 1726 km là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới.

Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Chúng tôi đang nỗ lực để đổi mới hình ảnh tuyến đường nhà ga, con tàu.

Hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp thẩm quyền, sự phối hợp của chính quyền và nhân dân các địa phương, đang nỗ lực để đổi mới hình ảnh tuyến đường nhà ga, con tàu.

Ngoài nhiệm vụ vận tải khách, vận tải hàng, chúng tôi còn mong muốn được chia sẻ các giá trị riêng có đến với cộng đồng. Hành trình đi tàu để du lịch, để trải nghiệm, con tàu là điểm “check-in di động”, nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản”.

Với thời gian di chuyển khoảng 3 giờ đồng hồ, đoàn tàu sẽ đưa du khách đi qua đèo Hải Vân – nơi được sở hữu danh thắng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” – đến với Đà Nẵng – nơi sở hữu bờ biển dài được tôn vinh là 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Ngược lại, nếu đi từ Đà Nẵng – Huế, du khách sẽ đặt chân đến miền đất di sản – cố đô Huế. Từ trên tàu, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp, nơi giao thoa giữa 2 miền Nam – Bắc với một bên là dãy Trường Sơn trùng điệp, một bên là biển cả mênh mông.

Trình diễn trang phục – một hoạt động văn hóa nghệ thuật rất riêng của đoàn tàu chạy chuyên khu “Kết nối di sản miền Trung”.

2 đoàn tàu xuất phát vào buổi sáng và chiều từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, du khách có thể đón bình minh và hoàng hôn trên vịnh Lăng Cô – một trong những vịnh biển đẹp nhất, trên hành trình đẹp nhất thế giới. Toàn bộ hành trình, du khách thoải thích với quá nhiều điểm check in “di động” ấn tượng. Trên hành trình, du khách còn được thưởng thức ẩm thực đặc sắc của địa phương.

Hàng ngày, Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam có 2 đôi tàu mang số hiệu HĐ1/2 và HĐ3/4 hoạt động giữa Huế – Đà Nẵng. Tại Huế, tàu HĐ1 xuất phát tại ga Huế lúc 7h45’, đến ga Đà Nẵng lúc 10h35’; tàu HĐ3 xuất phát tại Ga Huế lúc 14h25’ đến Đà Nẵng 17h40’. Tại Đà Nẵng, tàu HĐ2 xuất phát tại ga Đà Nẵng lúc 7h50’ đến ga Huế lúc 11h05’; tàu HĐ4 xuất phát tại ga Đà Nẵng lúc 15h00’ đến ga Huế 17h45.

Tại ga Đà Nẵng và ga Huế, ngành Đường Sắt đều có bố trí phòng chờ VIP phục vụ hành khách nghỉ chân. … Sau khi đến ga Huế và ga Đà Nẵng, ngay khu vực phía trước nhà ga, các địa phương đã bố trí hệ thống xe đạp cho thuê tự động (bằng hình thức quét mã QR), thuận tiện cho du khách tự mình tham quan, khám phá các danh lam thắng cảnh.

Đặc biệt, trong tháng khai trương, Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam áp dụng giá vé ưu đãi 150.000 đồng/vé; giá vé tháng 900.000 đ/vé (riêng vé tháng mua tại các nhà ga) và giảm giá từ 10% – 50% đối với hành khách là đối tượng chính sách. tỉnh Thừa Thiên Huế còn áp dụng chính sách hỗ trợ giảm giá cho các tổ chức, cá nhân khi tham quan các điểm du lịch tại Huế (áp dụng cho 1 lần cho mỗi vé tàu).

Tặng hoa cho Tổ điều hành và cho du khách.

“Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, đường sắt không phải của riêng ngành Đường sắt, mà đường sắt là của người dân, của các địa phương, của đất nước, của cộng đồng. Đường sắt phải nỗ lực để góp phần xây dựng hình ảnh, phục vụ kết nối, du lịch, phát triển kinh tế xã hội, văn hóa các vùng miền.

Đoàn tàu “Kết nối di sản Miền Trung” hôm nay phải hướng đến là sản phẩm độc đáo. Thể hiện chủ trương tăng cường chạy tàu các khu đoạn, tăng cường kết nối trải nghiệm di sản bản địa, kết nối các vùng miền, các địa phương.

Hướng dẫn viên hướng dẫn du khách vào khu vực nghỉ chân “khá VIP”.

Chúng tôi mong muốn hướng đến phân khúc tàu du lịch hạng sang, hướng đến kết nối nhiều địa phương hơn, nhiều vùng miền hơn. Hướng đến nhiều dịch vụ tiện ích hơn, như hợp tác với các phương thức vận tải khác để thực hiện một tấm vé cho cả hành trình của du khách, hành trình đi tàu là một phân khúc trong chuỗi hành trình của du khách”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Đặng Sỹ Mạnh cam kết.

Dự kiến, trong tháng 4, đoàn tàu còn được trang bị wifi./.

Trần Ngọc