Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khám phá Lũy đá cổ Kỳ Anh

ĐNA -

(Hà Tĩnh). Lũy đá cổ Kỳ Anh được các nhà chuyên môn khảo cổ và Bảo tàng phát hiện vào năm 1993, đây là một di tích thành lũy quan trọng ở Bắc Trung bộ nên được Viện khảo cổ Việt Nam và Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tiến hành khảo cổ học. Với những giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học và lịch sử văn hóa, ngày 12/12/2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4105/QĐ-BVHTTDL công nhận và xếp hạng Lũy đá Kỳ Anh là di tích Kiến trúc nghệ thuật.

Lũy đá cổ Kỳ Anh được các nhà chuyên môn khảo cổ và Bảo tàng phát hiện vào năm 1993

Quá trình khảo cổ xác định; Đây là di tích lũy đá cổ, điểm bắt đầu của lũy là chân dốc Đèo Bụt, kéo dài khoảng 1 km men theo sườn núi Trầm Hương ở Dãy Hoành Sơn  thuộc  xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Lũy đá hiện nay còn gần 500m, được xây dựng bằng đá, không sử dụng chất kết dính, thành quay về hướng nam, nơi cao nhất là 6m ở bề  mặt phía nam, về phía bắc cao nhất là 3m, mặt thành rộng 3m, chân thành rộng 5m.

Đặc biệt, cách nhau khoảng 3m dưới chân lũy hoặc trên thân lũy lại trổ một lỗ hình vuông. Hiện chưa tìm thấy những hiện vật, đồ dùng sinh hoạt có liên quan đến thành lũy, nhưng một phát hiện khá lý thú là công trình không có móng nhân  tạo mà người xưa chỉ dựa vào nền đất tự nhiên để xây dựng và chưa tìm thấy hệ thống thành lũy nào ở nước ta có kết cấu quy mô như lũy đá cổ Kỳ Anh.

Qua quá trình nghiên cứu; Bước đầu nhận định lũy đá cổ Kỳ Anh được xây dựng và tu bổ thêm vào thời kỳ chiến tranh Trịnh Nguyễn, do nhà Trịnh ở đàng ngoài xây dựng làm phòng tuyến quân  sự đề phòng quân nguyễn từ đàng trong đánh ra. Lũy đá cổ Kỳ Anh hay còn gọi là lũy ông Ninh đã để lại dấu ấn trong tiến trình lịch sử đất nước, là một bộ phận trong nền kiến trúc cổ và khảo cổ học Việt Nam còn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay, là di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học cần được đầu tư nghiên cứu bảo tồn để phát huy giá trị.

Cụ thể sử sách ghi lại, năm 1656, quân nhà Nguyễn đánh nhà Trịnh ra đến tận vùng Hồng Lĩnh và phía bắc sông Lam, tướng nhà Trịnh Đào Quang Nhiêu thua chạy về đất An Tràng dâng biểu tạ tội và xin viện binh. Lúc này chúa Trịnh Tráng sai con út là Ninh quốc công Trịnh Toàn vào làm trấn thủ Nghệ An.

Khu vực Đèo Ngang, dãy núi Hoành Sơn, giáp ranh giữa tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay, là mốc phân chia địa giới giữa Giao Chỉ và Chiêm Thành xưa, có vị trí chiến lược về chủ quyền.

Giai đoạn 1656-1661, Trịnh Toàn đã chỉ huy quân sĩ tu bổ và xây đắp hệ thống thành lũy ở một số nơi trọng yếu từ đồng bằng, ven biển và miền núi, trong đó có hệ thống lũy đá bắc Đèo Ngang nằm trên dãy Hoành Sơn, để phòng thủ quân nhà Nguyễn ở Đàng Trong.

Từ khi quản lý vùng đất này, Trịnh Toàn hậu đãi tướng sĩ, yêu mến quân dân, được nhiều người kính trọng, dành riêng cho ông tên gọi thân thiết và kính trọng là Ông Ninh. Tên gọi lũy ông Ninh cũng từ đó mà ra.

Đây là công trình xây dựng cực kỳ cẩn thận, chất lượng cao so với những hệ thống thành lũy đá cổ khác đã từng được phát hiện ở nước ta, đồng thời là chứng tích lịch sử thế kỷ XVII-XVIII của chế độ phong kiến Việt Nam.

Hiện nay, tại xã Kỳ Lạc còn khoảng hơn 1,5km thành đá còn nguyên vẹn. Điểm bắt đầu thành đá cổ là chân dốc Đèo Bụt (xã Kỳ Lạc), kéo dài khoảng 1,5km men theo sườn núi lên đỉnh đèo thuộc núi Trầm Hương (nằm trong dãy Hoành Sơn).

Thành đá được xây dựng hoàn toàn bằng loại đá tự nhiên có ở chính vùng đất này, người dân địa phương gọi là đá son

Thành đá được xây dựng hoàn toàn bằng loại đá tự nhiên có ở chính vùng đất này, người dân địa phương gọi là đá son (vì khi mài đá ra có màu đỏ như son), không sử dụng chất kết dính. Đá son mềm và mịn, nếu để lâu ngày các bột đá bị phân hủy tạo thành chất kết dính rất chắc và bền, có độ cứng cao khi trải qua mưa.

Thành quay về hướng nam, hiện nay nơi cao nhất còn cao 6m ở bề mặt phía nam, về phía bắc là 3m, mặt thành rộng 3m, chân thành choãi rộng 5m.

Đặc biệt, cứ cách khoảng 3m dưới chân thành hoặc trên thân thành lại trổ một lỗ hình vuông dạng phễu mặt trước to mặt sau thu nhỏ lại. Mặt trước có kích thước hơn 1,2m, mặt sau 0,80m, có công dụng vừa làm lỗ thoát nước vừa như là lỗ châu mai chạy xuyên qua thân lũy.

Với kỹ thuật ghép đá công phu và điêu luyện ở trên đèo núi cao, lũy đá vẫn tồn tại với thời gian suốt qua hàng mấy thế kỷ mà không hề bị phá hủy. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện một lũy đất gần đó thuộc dãy núi đối diện với đèo Bụt, cũng quay về hướng nam. Tuy nhiên lũy đất này đã bị phá dỡ nay chỉ còn lại dấu vết.

Hiện chưa tìm thấy những hiện vật, đồ dùng sinh hoạt có liên quan đến thành lũy, nhưng một phát hiện khá lý thú là công trình không có móng nhân tạo mà người xưa chỉ dựa vào nền đất tự nhiên để xây dựng thành lũy.

Hệ thống lũy đá Kỳ Anh có giá trị lớn về lịch sử khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật độc đáo, là hệ thống thành lũy mang tính chất quân sự. Cùng với hệ thống lũy Thầy của chúa Nguyễn ở Quảng Bình, thành lũy Kỳ Anh được chúa Trịnh xây dựng ở phía Bắc dãy Hoành Sơn với vị trí địa hình đắc địa với những đồi núi cao, dốc đèo hiểm trở, chỉ có duy nhất con đường bộ (thượng đạo) giao thương qua lại giữa Bắc Hà và Nam Hà, là địa hình phòng thủ lý tưởng trong quá trình xảy ra nội chiến.

Với những giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học và lịch sử văn hóa, ngày 12/12/2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4105/QĐ-BVHTTDL công nhận và xếp hạng Lũy đá Kỳ Anh là di tích Kiến trúc nghệ thuật./.

Tăng Anh Thành