Thứ Ba, Tháng 4 29, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khánh thành Bảo tàng Đà Nẵng



ĐNA -

(Đà Nẵng). Sáng nay 28/3/2025, UBND thành phố Đà Nẵng đã chính thức khánh thành Bảo Tàng Đà Nẵng.

Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố, cắt băng khánh thành. Ảnh: T.Ngọc

Bảo tàng Đà Nẵng được khởi công ngày 4/6/2021, với các hợp phần của dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42-44 Bạch Đằng; xây dựng khối nhà mới, số 31 Trần Phú, với tổng diện tích triển khai: 8.686m2 .

“Bảo tàng Đà Nẵng là công trình có ý nghĩa hết sức đặc biệt về văn hóa, lịch sử của thành phố Đà Nẵng.

Năm 2020, thành phố đã quyết định di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải và sử dụng trụ sở của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng số 42 và 44 đường Bạch Đằng (nguyên là Tòa Đốc lý được xây dựng từ cuối thập niên 1890) làm Bảo tàng Đà Nẵng mới.

Bảo tàng Đà Nẵng (mới), nguyên là Tòa Đốc lý được xây dựng từ cuối thập niên 1890. Ảnh: T.Ngọc.

Đây là quyết định có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước chuyển biến trong hành trình xây dựng, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa mang đậm dấu ấn di sản của Đà Nẵng nói riêng, đất Quảng nói chung; nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của chính quyền, Nhân dân thành phố cũng như giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử trong cả nước”, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định.

Sau thời gian triển khai, dự án Bảo tàng Đà Nẵng đã hoàn thành với nhiều hạng mục quan trọng, đưa một công trình kiến trúc cổ, trở thành một Bảo tàng có quy mô lớn, vừa mang giá trị văn hóa – lịch sử, vừa có tính hiện đại cao. Bảo tàng Đà Nẵng thực sự “là công trình văn hóa được đầu tư với hệ thống trưng bày, diễn giải khoa học, thẩm mỹ và cơ sở vật chất hiện đại”.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh: Bảo tàng Đà Nẵng là công trình có ý nghĩa hết sức đặc biệt về văn hóa, lịch sử của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

Với gần 3.000 tài liệu, hiện vật được lựa chọn từ 27.000 tài liệu, hiện vật, kết hợp phong cách trưng bày truyền thống với công nghệ trình chiếu hiện đại; đặc biệt là ứng dụng phim 3D Mapping, phim 3D, phim tư liệu và slide hình ảnh làm tăng tính trải nghiệm, tương tác đối với du khách.

Không gian trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng được thiết kế khoa học, phù hợp, bố trí hài hòa, tiếp nối các chuyên đề trưng bày (hình ảnh, tài liệu và hiện vật bổ sung cho nhau) quà 9 không gian: Bức tường ảnh tổng quan về thành phố Đà Nẵng; Thiên nhiên và con người Đà Nẵng; Lịch sử Đô thị Đà Nẵng; Cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc; Chứng tích chiến tranh; Đà Nẵng hội nhập và phát triển; Đa dạng văn hóa; Tòa thị chính Đà Nẵng; Sưu tập cổ vật của Bảo tàng Đà Nẵng.

Các đại biểu đang xem “Bức tường ảnh tổng quan về thành phố Đà Nẵng” và xem phim tư liệu. Ảnh: T.Ngọc.

Bảo tàng Đà Nẵng đi từ gợi mở, dẫn dắt đến nâng cao dần mức độ trải nghiệm của công chúng, khi đến tham quan, tìm hiểu về tự nhiên và lịch sử xã hội Đà Nẵng, những câu chuyện về văn hóa cũng như khát vọng đi lên của một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Bảo tàng đã trở thành một biểu tượng kết nối giữa quá khứ và hiện tại, trở thành một địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống, bồi đắp kiến thức, vừa là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, mang đậm giá trị lịch sử – văn hóa bên bờ sông Hàn, vừa là không gian tìm hiểu, học hỏi, nâng cao tầm hiểu biết về lịch, vùng đất và con người Đà Nẵng.

“Bảo tàng đã đáp ứng được công năng của một bảo tàng hiện đại với các ứng dụng công nghệ số, tạo hiệu ứng trực quan, sinh động; cách tiếp cận và diễn giải sống động, các không gian tương tác, kết nối cảm xúc, trí tuệ giúp khách tham quan có thể tự khám phá, trải nghiệm; kho cơ sở bảo quản hiện vật theo tiêu chuẩn bảo tàng học hiện đại, bổ sung các khu vực phục vụ cho nhu cầu học tập cộng đồng theo xu hướng thế giới như khu giáo dục dành cho trẻ em, trưng bày kho mở…

Các đại biểu tìm hiểu chức năng hướng dẫn của Robot khi vào không gian bên trong của bảo tàng và trải nghiệm một không gian 3D Mapping về hệ sinh thái biển. Ảnh: T.Ngọc.

Với những thay đổi nêu trên, Bảo tàng Đà Nẵng trở thành một chiếc cầu nối giữa những sự kiện, cột mốc, các giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố với hiện tại, nuôi dưỡng niềm tự hào, tình yêu với quê hương, đất nước, góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh trong mỗi người dân thành phố trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên phát triển mới”, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh.

 Nơi Bảo tàng Đà Nẵng (mới) hiện hữu là tòa nhà số 42 Bạch Đằng, trong lịch sử là Tòa Đốc lý, Tòa thị chính Đà Nẵng, được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đến nay đã 125 năm tuổi, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế theo phong cách Tân cổ điển, khởi công năm 1898 và khánh thành năm 1900.

Ban đầu, đây là nơi làm việc của các đời Đốc lý Tourane. Tháng 7 năm 1945, là nơi làm việc của Thị trưởng Tourane do Chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm. Đầu năm 1947, Pháp tái chiếm Đà Nẵng, nơi đây trở lại là Tòa Đốc lý Tourane cho đến khi Pháp trao trả nhượng địa Tourane cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Từ đó, Tòa Đốc lý Tourane chính thức trở thành Tòa Thị chính Đà Nẵng.

Ngày 26/8/1945, nơi làm việc của Thị trưởng Tourane trở thành trụ sở của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thành Thái Phiên. 30 năm sau, Tòa Thị chính trở thành nhân chứng của thời khắc lịch sử: trưa ngày 29/3/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa nhà này, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của quân và dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thời khắc lịch sử: Trưa ngày 29/3/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Tòa nhà này. Ảnh: T.Ngọc.

Sau năm 1975, công trình này từng là trụ sở Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, UBND và HĐND thành phố Đà Nẵng.

Được biết, hưởng ứng “Thư kêu gọi hiến tặng hiện vật của UBND thành phố Đà Nẵng”, tham gia hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Đà Nẵng trong đợt này, nhiều cá nhân tổ chức đã tặng những hiện vật mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Tiêu biểu như chiếc xe Honda Dame được Biệt động thành sử dụng khi vào tiếp quản Tòa Thị chính Đà Nẵng (ngày 29/3/1975 lịch sử), do gia đình ông Kiều Thanh Tân hiến tặng; Áo dài của Bà Nguyễn Thị Bình, từng mặc trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Bà cũng là Người phụ nữ duy nhất đặt bút ký tên vào Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, sau này từng giữ chức Phó Chủ tịch Nước.  Câu lạc bộ Di sản Áo dài Đà Nẵng đã hiến tặng chiếc áo dài độc đáo này.

Với vị trí giao thông thuận tiện trên 3 mặt đường: Bạch Đằng – Quang Trung – Trần Phú, gắn với trục văn hóa – lễ hội, dự án Quảng trường Thành Điện Hải, bên cạnh Bảo tàng Đà Nẵng là Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố.

Tại sự kiện khánh thành sáng nay, UBND thành phố cũng chính thức công bố quyết định đầu tư dự án xây dựng tượng Bác Hồ trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp. Công trình không chỉ tôn vinh, ca ngợi cuộc đời, sự nghiệp và tinh thần hiếu học, hiếu đọc của Bác Hồ, mà còn thể hiện tình cảm thiêng liêng của Bác đối với Nhân dân và của Nhân dân Đà Nẵng đối với Bác. Tượng Bác Hồ sẽ tọa lạc ở vị trí chính giữa khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố. Tượng cao 2,7m, sâu 1,8m, rộng 1,7m làm từ chất liệu Cẩm thạch màu trắng xám. Sau tượng Bác, là bức phù điêu (dài 15m, cao 4,05m), thể hiện hình ảnh Khuê Văn Các ở chính giữa, hai bên là hình ảnh danh thắng Ngũ Hành Sơn – di tích cấp quốc gia đặc biệt của thành phố Đà Nẵng.

Dự án nêu trên cũng cải tạo, tôn tạo cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật xung quanh; tạo không gian đọc sách thân thiện ngoài trời tại Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố./.

Trần Ngọc