Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khánh thành dự án trùng tu di tích Châu Hương Viên của Ưng Bình Thúc Giạ Thị



ĐNA -

(Huế). Trong không khí lễ hội của Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 và kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước; chiều ngày 6/6/2024, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Bảo tàng Lịch sử tổ chức Khánh thành dự án trùng tu di tích và Khai mạc trưng bày tại di tích Châu Hương Viên, thuộc phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Di tích Châu Hương Viên gắn liền với danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961), là nhà thơ nổi tiếng thời kỳ cận đại.

danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961), là nhà thơ nổi tiếng thời kỳ cận đại.

Nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình là một nhà Nho uyên bác, lại tinh thông Tây học, từng làm quan lớn trong triều Nguyễn, nhưng nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị trước sau vẫn giản dị là một con người Việt Nam, yêu dân tộc Việt Nam, yêu Tổ quốc việt Nam, luôn thiết tha với cảnh vật, con người xứ sở mình. Ông được nhiều tầng lớp người trong xã hội quý yêu, kính mến.

TS. Phan Thanh Hải khảo sát Châu Hương Viên tháng 3.2019

Ưng Bình Thúc Giạ Thị có sự nghiệp văn chương đồ sộ, ông đã để lại gần 2.000 bài thơ chữ Việt và chữ Hán cùng nhiều vở tuồng nổi tiếng, là người có công lớn trong việc hình thành và phát triển Ca Huế thính phòng, đưa Ca Huế từ diễn xướng trong Cung đình ra dân gian và đã sáng tác nhiều lời cho các bài Ca Huế. Những sáng tác của Ưng Bình Thúc Giạ Thị và những “Thi đàn, Thi xã” do Ông lập ra tại Châu Hương Viên đã góp phần hình thành nên các Câu lạc bộ về Ca Huế. Đến nay ở thành phố Huế hệ thống các Câu lạc bộ Ca Huế hoạt động rất sôi nổi, với hơn 500 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công thường xuyên tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật để phục vụ nhân dân và du khách.

Châu Hương Viên là địa điểm ghi dấu danh nhân Ưng Bình, một địa chỉ văn hóa Huế, đặc biệt đối với những nghệ sĩ và người yêu Ca Huế. Đây là công trình kiến trúc độc đáo, có giá trị về lịch sử văn hóa, gồm ngôi nhà rường gỗ và một số công trình phụ như Lộc Minh Đình, bình phong, sân vườn, bến nước…

Công trình chính- ngôi nhà rường 3 gian 2 chái đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sụp đổ.

Châu Hương Viên tọa lạc ở thôn Tây Thượng, đường Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế, cặp theo sông Hương, nơi mà nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống trọn cuộc đời với thi ca sau khi rời quan trường. Ngôi nhà rường chính được làm bằng gỗ tự nhiên, kết cấu ba gian, hai chái với hai lớp cửa gỗ và cửa gương. Bên phải ngôi nhà có một căn nhà ngang nhiều cửa hướng Đông để đón mặt trời mọc và một khu vườn rộng với hàng trăm loại cây trái tự nhiên…

Trải qua gần 90 năm tồn tại công trình đã xuống cấp nặng nề bởi sự tác động của thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, cùng với sự hoang phế do thiếu người chăm sóc, bảo quản từ những năm cuối thập niên 1960…

Việc bảo tồn, tu bổ di tích Châu Hương Viên là nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân từ bao thế hệ, đặc biệt là đội ngũ nghệ sỹ, nghệ nhân, nhạc công ca Huế và các văn sỹ, trí thức của vùng đất cố đô. Châu Hương Viên được trùng tu tôn tạo và có được diện mạo như ngày hôm nay đó là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. Sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý di tích đã có những giải pháp tích cực, cùng các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát… phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình tu bổ di tích.

Khánh thành trùng tu công trình Châu Hương Viên ngày 6/6/2024

Dự án bảo tồn, tu bổ di tích Châu Hương Viên sau gần 15 tháng thi công đã hoàn thành, không chỉ trùng tu hoàn nguyên công trình chính là tòa nhà rường 3 gian 2 chái vốn đã xuống cấp rất nghiêm trọng, mà còn góp phần cải tạo không gian cảnh quan khu vực. Đây là dấu ấn quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là gắn với danh nhân Ưng Bình – Người có công lao to lớn trong việc phát triển thơ văn, tuồng, Ca Huế, loại hình nghệ thuật riêng có của Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao yêu cầu Bảo tàng Lịch sử là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý và phát huy giá trị di tích cần phối hợp với các ban ngành, đơn vị hữu quan tiếp tục xây dựng, đề xuất các phương án để phát huy hơn nữa giá trị của di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên, hướng đến xây dựng nơi đây trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa nói chung, Ca Huế nói riêng; điểm tham quan du lịch, góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các nghệ sỹ, nghệ nhân ca Huế vui mừng biểu diễn mừng công trình hoàn thành

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Đông Nam Á, Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết:
“Ngày 23.3.2019, khi vừa về Sở Văn hóa & Thể thao nhận công tác được một tuần, tôi đã về Châu Hương Viên ở Vỹ Dạ để thắp hương cho cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một danh nhân của Huế, người đã đưa ca Huế từ chốn cung đình và tầng lớp quý tộc ra với dân gian, người đầu tiên dịch tuồng Lộ Địch, người mà thơ cũng trở thành ca dao:

“Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm ai nhớ ai mong
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non…”

 Nhìn Châu Hương Viên lẫy lừng một thuở với Ưng Bình Thi Xã nay tan hoang đổ nát mà xót xa vô cùng. Hôm đó tôi có hứa với nhà thơ Võ Quê và anh chị em nghệ sỹ, nghệ nhân ca Huế là sẽ quyết tâm trùng tu khôi phục Châu Hương Viên, lập hồ sơ công nhận di tích này để gìn giữ phát huy một di tích quý của Huế…

Bảo tàng Lịch sử tỉnh và Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh ký kết văn bản hợp tác để cùng phát huy giá trị di tích

Thế rồi 5 năm qua, mọi việc đã từng bước được triển khai với sự chung tay của nhiều người dù không hề dễ dàng. Các em Bảo Minh, Thạnh, Nông Thanh Toàn giúp chụp bộ ảnh đầu tiên để làm hồ sơ. Anh em chuyên môn của Sở và Bảo tàng Lịch sử xây dựng hồ sơ và bảo vệ thành công, để Châu Hương Viên trở thành Di tích cấp tỉnh. Khó khăn nhất là nỗ lực bảo vệ quan điểm để nhà nước bỏ ra một số tiền không nhỏ (hơn 10 tỷ đồng) để đại trùng tu, tôn tạo Châu Hương Viên.

Và nay mọi sự đã thành!
Trân trọng cám ơn các em Bảo Minh, Thạnh và Nông Thanh Toàn (nay đã đi xa) đã giúp Sở từ buổi đầu. Cảm ơn em Ý Nhi đã luôn quan tâm và tư vấn cho anh nhiều điều bổ ích về ca Huế và di tích Châu Hương Viên. Cảm ơn nhà thơ Võ Quê và anh chị em nghệ nhân, nghệ sỹ ca Huế, những người luôn thiết tha làm sống lại Châu Hương Viên và di sản của cụ Ưng Bình.Cảm ơn anh chị em Bảo tàng Lịch sử, đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công đã nỗ lực trong gần 15 tháng qua để có được Châu Hương Viên hôm nay. Đặc biệt là cảm ơn ông Phan Ngọc Thọ, người đã quyết liệt ủng hộ cho việc gìn giữ, công nhận và trùng tu tôn tạo Châu Hương Viên.

Mừng cho Châu Hương Viên được hồi sinh dù chưa trọn vẹn!
Mong cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị và nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương ngậm cười nơi Chín Suối!”

Thế Cương