(Đà Nẵng). Ngày 1/2/2024, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức khánh thành không gian đổi mới sáng tạo – DUT Maker Innovation Space (M.I.S) và Phòng thực hành thiết kế Vi mạch (IC Design Lab).
DUT M.I.S và IC Design Lab được các đối tác doanh nghiệp tài trợ, đáp ứng đòi hỏi nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu từ thị trường lao động cạnh tranh; mở ra những không gian nghiên cứu khoa học hiện đại, dành cho giảng viên, sinh viên và đối tác quốc tế; tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn và mở chuyên ngành đào tạo mới về thiết kế vi mạch.
DUT M.I.S góp phần hiện thực hóa chiến lược của nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Đây là những không gian kịp thời và thiết thực hỗ trợ quy trình đào tạo, phục vụ mục tiêu hướng đến một đại học phát triển theo định hướng nghiên cứu, luôn nỗ lực nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học, hoàn thành sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội cho thị trường lao động trong nước và quốc tế của trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.
Trong đó, không gian đổi mới sáng tạo (DUT M.I.S) được sự tài trợ chính của Công ty TNHH Đà Nẵng Fujikin và một số doanh nghiệp, được lên kế hoạch từ tháng 8/2023. Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát thực địa, thiết kế và xây dựng, dự án đã hoàn thành. Chúng tôi sẽ đưa vào sử dụng từ tháng 2/2024. Không gian này sẽ mở cửa miễn phí cho giảng viên, sinh viên, học sinh có nhu cầu nghiên cứu, học tập, trải nghiệm và hiện thực hóa các ý tưởng khoa học”, TS Huỳnh Phương Nam – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
TS Huỳnh Phương Nam – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trao chứng nhận tài trợ đến lãnh đạo các doanh nghiệp hảo tâm.
Không gian đổi mới sáng tạo DUT M.I.S cụ thể hóa chiến lược của trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, với mục tiêu đẩy mạnh “Đổi mới sáng tạo – Khởi nghiệp” cho giảng viên, sinh viên nhà trường. DUT M.I.S cũng hứa hẹn mang lại môi trường học tập tốt, giúp sinh viên thỏa sức học tập và sáng tạo, cũng như, giải tỏa căng thẳng sau những giờ học, bằng niềm vui khám phá, sáng tạo, nghiên cứu, đặc biệt, là nơi tăng cường kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết các vấn đề.
“Xin phép được mạn đàm đôi chút về ý nghĩa của từ “Đổi mới sáng tạo”. “Đổi mới sáng tạo” được định nghĩa là sự kết hợp các ý tưởng và công nghệ mới vào đồ vật, dịch vụ và hệ thống nhằm tạo ra các giá trị mới và biến đổi xã hội. Trước đây, đổi mới sáng tạo được coi là đồng nghĩa và gói gọn với “đổi mới về kỹ thuật”. Nhưng hiện nay, đổi mới sáng tạo không chỉ được sử dụng cho kỹ thuật mà còn được áp dụng cho việc đổi mới trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ và các mô hình kinh doanh.
Với ý nghĩa đó, tôi tin rằng “Trung tâm Đổi mới sáng tạo” là một cái tên rất ý nghĩa và hy vọng rằng, chính từ không gian này, đổi mới sáng tạo cũng sẽ được lan truyền đến việc thiết kế các chương trình đào tạo trong hệ thống giáo dục hay các chương trình huấn luyện cho kỹ sư thế hệ tiếp theo trong lĩnh vực giáo dục”, ông Wakisaka Kenichiro – Giám đốc Công ty TNHH Đà Nẵng Fujikin, bày tỏ.
Lãnh đạo trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cũng cho biết, DUT M.I.S của trường, còn là nơi doanh nghiệp (trong và ngoài nước), đến tham quan, tìm hiểu về hoạt động đổi mới sáng tạo – khởi nghiệp, của giảng viên và sinh viên, từ đó xúc tiến cơ hội hợp tác giữa nhà trường và các đối tác doanh nghiệp.
“Học sinh các trường THPT cũng có thể đến tham quan, tìm hiểu, tìm kiếm sự hỗ trợ, hướng dẫn cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo phù hợp. Chính không gian này, sẽ góp phần khơi dậy đam mê khoa học kỹ thuật của học sinh, thông qua hoạt động như STEM, các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh,… Từ đó tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực chip bán dẫn cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng cũng như miền Trung – Tây Nguyên”, TS Huỳnh Phương Nam, chia sẻ thêm.
IC Design Lab – hòa nhịp khởi động phát triển ngành vi mạch, bán dẫn đầy tiềm năng
Phòng thực hành Thiết kế Vi mạch (IC Design Lab) được xây dựng dựa trên xu hướng phát triển về công nghệ bán dẫn, đang được Nhà nước, các Bộ – Ban- Ngành và thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh triển khai.
Đồng hành cùng nhịp điệu sôi động phát triển ngành vi mạch, bán dẫn đầy tiềm năng, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã xây dựng chương trình chuyên ngành Vi điện tử – Thiết kế vi mạch và IC Design Lab, như một cam kết, góp phần phát triển bền vững cho ngành vi mạch bán dẫn. Nhất là đóng góp và cung ứng nguồn nhân lực.
TS Huỳnh Phương Nam – Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng ông Wakisaka Kenichiro – Giám đốc Công ty TNHH Đà Nẵng Fujikin, đã thực hiện nghi thức khai trương IC Design Lab.
Là nơi thỏa mãn nhu cầu thực hành, thiết kế của sinh viên chuyên ngành này trong thời gian đến, IC Design Lab được đầu tư trang thiết bị với hệ thống máy tính được cài đặt bộ công cụ thiết kế vi mạch chuẩn công nghiệp (Cadence), phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành Vi điện tử – Thiết kế vi mạch (bắt đầu tuyển sinh từ năm nay). Trước mắt, phòng sẽ được sử dụng cho các khoá đào tạo ngắn hạn “Thiết kế vật lý vi mạch bán dẫn” – VLSI, dự kiến khai giảng vào cuối tháng 2/2024 và phục vụ đào tạo cho sinh viên các ngành gần có liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn.
Được biết, Công ty TNHH Đà Nẵng FUJIKIN đã tài trợ chính các thiết bị, máy tính thực hành; các đối tác FPT Software, Renesas, Cadence, Unitec tài trợ phần cứng cũng như phần mềm có bản quyền. Các doanh nghiệp này cũng cam kết đồng hành cùng nhà trường trong công tác đào tạo nguồn nhân lực Vi điện tử – Thiết kế vi mạch và hỗ trợ các khóa đào tạo ngắn hạn.
“Hợp tác tài trợ này góp phần quan trọng vào sự phát triển đội ngũ nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong tương lai. Hợp tác tài trợ này cũng giúp trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng hoàn thành mục tiêu và sứ mệnh đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội cho thị trường lao động trong nước và quốc tế”, Phó Hiệu trưởng nhà trường, TS Huỳnh Phương Nam khẳng định.
Theo phân tích của Giám đốc Công ty TNHH Đà Nẵng Fujikin, ông Wakisaka Kenichiro, “Việt Nam đang có kế hoạch đầy tham vọng, phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm 2030, là tăng số lượng kỹ sư thiết kế chip lên 50.000, số kỹ sư trong lĩnh vực điện tử bán dẫn lên 200.000 và số lượng công nhân làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn lên đến 500.000.
Các bạn sinh viên với những giờ trải nghiệm đầu tiên tại IC Design Lab.
Và tôi được biết, trường Đại học Bách khoa (DUT), Đại học Đà Nẵng đã được chọn là 1 trong 5 cơ sở giáo dục phát triển nguồn nhân lực bán dẫn trọng điểm của cả nước. DUT, với tư cách là một tổ chức giáo dục cốt lõi, rõ ràng sẽ phải đảm nhận trọng trách trong đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng khi DUT đã khánh thành trung tâm đổi mới sáng tạo và phòng thực hành thiết kế mạch tích hợp bán dẫn”./.
T.Ngọc