Thứ sáu, Tháng chín 13, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khép lại liên hoan “Múa quốc tế 2024” – những dư vị ngọt ngào còn mãi

ĐNA -

(Huế). Liên hoan “Múa quốc tế – 2024” được tổ chức tại thành phố Huế từ ngày 17/8 đến ngày 22/8/2024, hội tụ gần 500 nghệ sĩ, diễn viên của 17 đơn vị nghệ thuật đại diện cho 09 quốc gia với thông điệp “Hội tụ, sáng tạo – Cùng nhau tỏa sáng” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Nhiều tiết mục nghệ thuật múa đặc sắc, đa dạng như: Kịch múa, múa truyền thống, múa dân gian, múa đương đại,… đã được các nghệ sĩ, diễn viên Việt Nam và các nước bạn thể hiện sinh động, cống hiến và lan tỏa những sáng tạo, nét đặc trưng, các giá trị tiêu biểu trong nghệ thuật Múa của mỗi dân tộc, qua đó tạo sự hiểu biết sâu sắc hơn về đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán và sự tinh tế trong nghệ thuật múa nói riêng và nghệ thuật biểu diễn của các quốc gia nói chung.

TS.Phan Thanh Hải Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đồng trưởng ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sỹ múa Ấn Độ.

Trải qua 04 ngày biểu diễn, các nghệ sĩ, diễn viên đã đem đến cho khán giả yêu nghệ thuật múa nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu và những ấn tượng sâu đậm. Liên hoan không chỉ thể hiện tinh hoa nghệ thuật múa truyền thống, đương đại, mà còn bao hàm trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của mỗi quốc gia. “Liên hoan Múa quốc tế -2024” đã thực sự là ngày hội nghệ thuật để nghệ sĩ, diễn viên các nước gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sáng tạo nghệ thuật, giới thiệu, tôn vinh các giá trị độc đáo trong nghệ thuật múa của mỗi quốc gia, góp phần tăng cường tình đoàn kết của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Tiết mục múa Lục cúng hoa đăng của Nhà hát Ca kịch Huế trình diễn trong đêm khai mạc Lễ hội.

Tại Liên hoan Múa Quốc tế 2024, 17 đoàn nghệ thuật đã mang lại cho khán giả Việt Nam nói chung và khán giả tại thành phố Huế những tiết mục vô cùng đặc sắc, đa dạng và giàu tính dân gian dân tộc. Điều đó được thể hiện thông qua tài năng của các biên đạo múa, nghệ sĩ múa trong nước và quốc tế, truyền tải qua các tiết mục biểu diễn trong suốt 4 ngày vừa qua. Khán giả được trải nghiệm các sắc màu văn hóa đến từ nhiều quốc gia khác nhau thông qua âm nhạc, hình ảnh, chuyển động của các nghệ sĩ múa trên sân khấu. Các biên đạo, nghệ sĩ trong nước và quốc tế đã nỗ lực truyền tải những câu chuyện, thông điệp, bản sắc văn hóa của nước mình thông qua sự sáng tạo, kết hợp các thể loại múa trong tác phẩm và ngôn ngữ hình thể của múa.

Tiết mục múa của đoàn nghệ thuật học viện múa Quảng Tây, Trung Quốc

Với tiêu chí: “Khuyến khích các tác phẩm sáng tác mới mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của các quốc gia, phản ánh chân thực, sâu sắc, sinh động cuộc sống nhiều màu sắc của xã hội và con người”, các đoàn tham dự Liên hoan đã tạo ra không gian giao lưu văn hóa sống động, đa sắc màu. Từ những tiết mục mang đậm màu sắc văn hóa đến từ đoàn Indonesia, những tiết mục sôi động của đoàn Malaysia, Lào, sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam với múa dân gian dân tộc Ấn Độ hay những tiết mục tập thể mang đậm bản sắc văn hóa dân gian dân tộc của đoàn nghệ thuật Trung Quốc, UAE, Philippines, Campuchia, chúng ta có thể thấy được sự đầu tư trong khâu biên đạo đến từ các đoàn nghệ thuật quốc tế. Điều này càng khẳng định ý nghĩa, vai trò của Liên hoan Múa Quốc tế 2024.

Tiết mục múa của Học viện múa Việt Nam

Trong Liên hoan lần này, các đoàn nghệ thuật Việt Nam đã đạt được những thành công nổi bật thông qua các chương trình biểu diễn và các tác phẩm múa độc lập. Những thành tựu đặc biệt này đến từ một số Nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp cùng với các đơn vị đào tạo nghệ thuật hàng đầu như Học viện Múa Việt Nam, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Các tác phẩm được trình diễn đã tập trung vào các chủ đề và chất liệu múa dân gian của các dân tộc, vùng miền khác nhau, đồng thời kết hợp tinh tế với múa hiện đại. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và múa góp phần tạo ra những tác phẩm đột phá với chất lượng nghệ thuật cao.

Tiết mục múa của đoàn Philippines

Để đạt được những thành công này, cần phải ghi nhận sự sáng tạo và tài năng của thế hệ biên đạo và các diễn viên múa trẻ. Các tác phẩm tiêu biểu như “Nàng Mây” của Học viện Múa Việt Nam và “Họa Tình Nhân Gian” của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã thể hiện rõ nét sự đổi mới và sáng tạo trong nghệ thuật múa, gây ấn tượng mạnh với khán giả yêu múa, bạn bè đồng nghiệp trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, trong quá trình sáng tạo các tác phẩm về đề tài văn hóa tín ngưỡng, các tác giả, biên đạo và nhạc sỹ cần lưu ý tránh lạm dụng thủ pháp và ngôn ngữ múa hiện đại. Việc này nhằm đảm bảo rằng ý nghĩa của tác phẩm vẫn được bảo toàn và không bị biến thành sự tái hiện nghi thức theo tư duy chủ quan của tác giả. Ngoài ra, việc lạm dụng yếu tố, động tác của múa đương đại dễ làm mất đi tính dân tộc, yếu tố tâm lý, tình cảm của người Việt trong tác phẩm.

Tiết mục của Nhà hát Bông Sen

Bên cạnh đó, các tác giả, biên đạo cần lưu ý kết cấu các tác phẩm kịch múa, thơ múa cần rõ ràng và phải hiểu phương pháp, thủ pháp, xây dựng hình tượng nhân vật. Đối với những tác giả xây dựng tác phẩm lớn, có đề tài, cốt truyện cần lưu ý vấn đề về ý tưởng, hình tượng nhân vật, kết cấu, bố cục, đặc biệt là ngôn ngữ động tác để không chỉ phát huy tài năng, kỹ thuật của các diễn viên mà còn thể hiện rõ chủ đề, tư tưởng của nhân vật, tác phẩm.

Mặt khác, nghệ sĩ, diễn viên tại một số nhà hát/đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đang có nguy cơ đánh mất tính chuyên nghiệp của mình, điều mà họ đã được rèn luyện, đào tạo trước khi về công tác tại các đoàn.

Trên cơ sở đó, Hội đồng nghệ thuật đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng, các đoàn nghệ thuật cần tiếp tục quan tâm, nuôi dưỡng, đào tạo, phát triển tài năng của các nghệ sĩ, biên đạo trẻ. Các cơ sở đào tạo cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò đào tạo, nuôi dưỡng các tài năng. Song song với đó, cần tổ chức thêm nhiều các cuộc thi, liên hoan để các diễn viên, biên đạo tài năng được thể hiện, cống hiến và tiếp tục theo đuổi đam mê với ngành nghệ thuật múa.

Tiết mục múa tổng hợp của các đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan

Qua Liên hoan múa quốc tế 2024 cho thấy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức rất thành công một sân chơi quý báu cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và quốc tế. Liên hoan đã tạo cơ hội tuyệt vời cho việc giao lưu, học hỏi và tìm hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là dịp để các tài năng biên đạo và nghệ sĩ biểu diễn có cơ hội tỏa sáng, khẳng định giá trị của nghệ thuật múa Việt Nam trước khán giả trong nước và bạn bè quốc tế. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật như thế này được tổ chức trong tương lai, nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật múa Việt Nam và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Có thể khẳng định, Liên hoan Múa quốc tế -2024 đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng các nghệ sĩ, diễn viên tham dự và công chúng Việt Nam. Thành công của Liên hoan không chỉ thể hiện sự cố gắng của nước chủ nhà Việt Nam mà còn là sự tham gia nhiệt thành của các đoàn nghệ thuật đại diện cho các quốc gia trên thế giới.

TS.Phan Thanh Hải Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đồng trưởng ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sỹ.

Bên cạnh những thành công của các tiết mục, phần biểu diễn được đầu tư công phu cả về kịch bản, biên đạo, dàn dựng, âm nhạc và kỹ thuật trình diễn… vẫn còn một số tiết mục biểu diễn chưa được đầu tư, quan tâm kỹ lưỡng về mặt chuyên môn và các điều kiện thực hiện. Hy vọng rằng trong các kỳ Liên hoan tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật tham dự Liên hoan cần tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa về con người và cơ sở vật chất cho các tiết mục, có chính sách đãi ngộ để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này; đối với một số tiết mục, giữa phần kỹ thuật sân khấu, âm nhạc và phần trình diễn của nghệ sĩ, diễn viên cần biên đạo, dàn dựng, tập luyện nhuần nhuyễn hơn, sáng tạo hơn, đồng thời tăng cường các tiết mục mang ý nghĩa giáo dục cao về tư tưởng, thẩm mỹ, gắn với bản sắc văn hoá của mỗi quốc gia.

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan phát biểu bế mạc Lễ hội.

Với thông điệp “Hội tụ, sáng tạo – Cùng nhau tỏa sáng”, Liên hoan Múa quốc tế -2024 đã hoàn thành sứ mệnh thắt chặt thêm tình hữu nghị, đoàn kết và sự hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới, khẳng định văn hóa nghệ thuật có vai trò quan trọng cho sự phát triển chung của các quốc gia. Đây là kỳ liên hoan rất thành công và để lại những dư vị ngọt ngào, những ấn tượng khó quên trong lòng khán giả hâm mộ và các nghệ sỹ, nhà biên đạo, đạo diễn đến từ nhiều vùng miền trong cả nước và các đoàn nghệ thuật quốc tế. Và điều đó cũng cho thấy nỗ lực rất lớn của địa phương mà trực tiếp là lãnh đạo và cán bộ công nhân viên chức, người lao động của ngành Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế. Chính họ đã cho thấy, Cố đô Huế xứng đáng là một trong những địa phương “đáng đến, đáng sống” nhất của Việt Nam./.

Khép lại liên hoan múa quốc tế 2024 – những dư vị ngọt ngào còn mãi.

Phan Nữ Yên Chi/tổng hợp
Ảnh trong bài: Đình Thắng, Bảo Minh, Nhật Bình, Yên Chi.