Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khi cộng đồng trẻ Đà Nẵng nhạy cảm hơn với tài nguyên đang cạn kiệt



ĐNA -

Trải qua các vòng sơ khảo, huấn luyện kỹ năng, hoàn thiện ý tưởng, sau 4 tháng, có 9 ý tưởng đề tài đã góp mặt tại vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo sử dụng nước thông minh”, vừa diễn ra hôm 22/4/2023 tại Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng.

Ý tưởng “Đề xuất công nghệ tái sử dụng nước kết hợp tạo cảnh quan xanh tại Homestay” của Nhóm HPTYT gồm các bạn Nguyễn Ngọc Hân (lớp 20MT – Trưởng nhóm), Phạm Thị Minh Yến, Nguyễn Thị Thu Thảo, Ngô Hữu Thanh Phước (cùng lớp 18MT) và Nguyễn Văn Trung (lớp 17MT); hướng dẫn đề tài: Thạc sỹ – Nghiên cứu sinh Phan Thị Kim Thủy; cùng ý kiến tham vấn và góp ý của TS. Trần Hà Quân, ThS. Hoàng Ngọc n (khoa Môi trường – Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng), đã xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi (lần đầu tiên được tổ chức).

Ông Võ Nguyên Chương (bìa phải ảnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng); TS. Nguyễn Đình Huấn (người đàu tiên, từ trái sang) – Trưởng khoa Môi trường, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng trao giải Nhất cho 3 đại diện của Nhóm HPTYT. Ảnh: Ngô Huyền.

“Ý tưởng sáng tạo sử dụng nước thông minh” được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Viện Khoa học và Công nghệ môi trường – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Cuộc thi trở thành hoạt động rất ý nghĩa, nâng cao nhận thức và “độ nhạy” của cộng đồng trẻ trước vấn đề duy trì nguồn tài nguyên nước; khơi dậy niềm đam mê, khả năng sáng tạo, thúc đẩy tinh thần nghiên cứu khoa học và phong trào sáng tạo trong sinh viên, học viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn; tuyển chọn ý tưởng, sáng kiến, thiết kế, mô hình tái sử dụng nước theo hướng thông minh hơn, tiết kiệm hơn.

Từ mô hình đất ướt đến tái sử dụng nước bền vững hơn
“Du lịch đang nắm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế Đà Nẵng, loại hình du lịch lưu trú Homestay ngày càng phát triển mạnh, thu hút du khách muốn trải nghiệm đời sống Việt, gần gũi với tự nhiên. Trong đó, nhiều homestay đã và đang hoạt động tại thượng nguồn Sông Cu Đê, Đà Nẵng kết hợp với đủ loại hình dã ngoại, cắm trại, đến thăm hay chung sống trong các homestay ngay tại địa bàn. Một vấn đề bức xúc được đặt ra: hầu hết nước thải sinh hoạt thải trực tiếp (từ các homestay) đều thải trực tiếp vào môi trường đất; nước thải (chưa qua xử lý) từ cống ngầm (của homestay) rỉ xuống sông Cu Đê….

“Nước không phải là một tài nguyên vô tận. Việc sử dụng lãng phí hay những hành động gây ảnh hưởng xấu đến nguồn nước là một trong nhiều lý do đã thôi thúc Nhóm hành động…. Thông qua đó, Nhóm mong ước gửi thông điệp nâng cao nhận thức, kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng, doanh nghiệp trong hành động sớm để bảo vệ an toàn nguồn nước.

Đề tài “Đề xuất công nghệ tái sử dụng nước kết hợp tạo cảnh quan xanh tại Homestay” của Nhóm HPTYT.

Chúng em đã khảo sát, nghiên cứu và đề xuất tái sử dụng nước thải bằng mô hình đất ướt, dùng vào mục đích tưới cây xung quanh khuôn viên Homestay, tạo cảnh quan xanh cho khu vực. Quan trọng hơn, đề xuất này hướng đến một quy trình xử lý nước thải, hướng tới tái sử dụng nước bền vững, góp phần bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Cu Đê” – Bạn Nguyễn Ngọc Hân, lớp 20MT, Khoa Môi trường, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Trưởng Nhóm và bạn Nguyễn Thị Thu Thảo, thành viên Nhóm HPTYT, chia sẻ.

Trong thời gian 4 tháng thực hiện đề tài, các thành viên HPTYT đã vượt qua nhiều thách thức. Trước hết, hành trình di chuyển để khảo sát tận nơi các homestay trên địa bàn xã Hoà Bắc khá xa. Trong 9 đề tài, đây là đề tài các bạn phải di chuyển xa nhất theo hướng ngược lên vùng cao phía tây của Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Nhóm đã phải tính toán và bàn bạc kỹ lưỡng tính khả thi, khả năng ứng dụng cao cho mỗi đề xuất, để khi đưa ra là có thể triển khai được vào thực tế tái sử dụng nguồn nước.

“Để bảo vệ nguồn cấp nước sinh hoạt chính cho Đà Nẵng, Nhóm đưa ra ý tưởng làm sạch nước thải bằng mô hình đất ướt, thông qua hệ thống thu gom nước thải và xử lý sơ bộ (đề xuất gồm thiết kế bể kỵ khí có vách ngăn; thiết lập và vận hành mô hình đất ướt).
“Nước thải của homstay được thu gom, sau đó xử lý ở bể kỵ khí có vách ngăn rồi được bơm vào mô hình đất ướt (làm sạch), được lưu trữ vào bể chứa để tưới cây xanh trong khu vực homestay. Lượng nước tồn dư (đều đã qua xử lý, làm sạch) mới được thải ra sông Cu Đê”, bạn Phạm Thị Minh Yến giải thích.

Theo Ban tổ chức, cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo sử dụng nước thông minh” hướng đến tìm kiếm những giải pháp, mô hình, đề xuất phù hợp với quy mô, điều kiện của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thành phố Đà Nẵng.

“Mô hình nhóm đang đề xuất phù hợp áp dụng cho các Homestay chưa có cơ sở hạ tầng hệ thống thu gom và xử lý nước thải nằm trên lưu vực sông Cu Đê. Nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ chất lượng nguồn nước sông Cu Đê – Nguồn cấp nước sinh hoạt chính cho TP. Đà Nẵng sau năm 2022. Khi đưa mô hình triển khai vào thực tế cho các Homestay chi phí sẽ được giảm xuống còn khoảng trên dưới 100 triệu cho 1 hệ thống tùy vào công suất thiết kế bao gồm: chi phí thiết kế lắp đặt hệ thống đường ống thoát nước, thiết kế xây dựng mô hình, mua và trồng các loại thực vật (có thể thay thế bằng các loại cây bản địa) phù hợp”, bạn Nguyễn Văn Trung và Ngô Hữu Thanh Phước cho biết.

Cộng đồng trẻ ngày càng nhạy cảm và trách nhiệm hơn với các vấn đề bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường. Ảnh: T.Ngọc.

Nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong sử dụng tài nguyên
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của thành phố quê hương, Nhóm HPTYT đã chia sẻ một “cách làm” kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng tài nguyên hợp lý (tưới cây xanh, thảm cỏ, hoa, …) làm giảm chi phí (tiêu thụ nước sạch, xử lý nước thải). Lượng nước (thải) thoát ra cũng an toàn, không gây ô nhiễm cho môi trường tự nhiên. Và ý nghĩa lớn của đề tài, là nếu nhiều homestay cùng áp dụng sẽ trở thành sự đồng hành chung tay rộng khắp của cộng đồng kinh doanh dịch vụ, bảo vệ tốt hơn nguồn nước của sông Cu Đê.

“Quá trình thực hiện đề tài, đã gắn kết Nhóm chúng em lại thành một khối, làm việc rất ăn ý, chia sẻ mọi điều cho nhau hết mình. Tên nhóm cũng chính là chữ cái đầu tiên tên các thành viên trong nhóm HPTYT (Hân, Phước, Thảo, Yến, Trung) là vì vậy.

Các anh/chị sinh viên trong nhóm tích cực hỗ trợ, giúp các sinh viên năm một, năm hai vận dụng tốt lượng kiến thức được Thầy cô truyền đạt trên giảng đường, vừa học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, sau đó vận dụng ngay những kiến thức đó vào thực tiễn, góp phần tích luỹ kinh nghiệm chuyên môn đáng quý cho công việc sau này của tụi em. Ngoài ra khi khảo sát thực địa, Nhóm chúng em luôn nhận được sự đón tiếp và giúp đỡ nhiệt tình của các cô chú là chủ homestay”, Trưởng Nhóm Nguyễn Ngọc Hân, bày tỏ.

Nhóm Mặt trời xanh và Nhóm PWG đón nhận giải Nhì. Ảnh: Ngô Huyền.

2 giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo sử dụng nước thông minh”, đã được trao cho đề tài “Ứng dụng giải pháp hạ tầng thích ứng vào xử lý nhiễm mặn ở khu vực cửa sông thành phố Đà Nẵng”, của Nhóm Mặt trời xanh; “Bộ lọc nước đầu nguồn mini”, của Nhóm PWG. 2 giải Ba: “Tuần hoàn tái sử dụng nước cho Resort Pullman Đà Nẵng”, của Nhóm MT – Super và “Sử dụng nước thông minh tại Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng”, của Nhóm Cấp thoát nước khóa 18. 4 đề tài, ý tưởng khác nhận được giải Khuyến khích.

Đại diện Nhóm MT – Super và Nhóm Cấp thoát nước khóa 18 (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng) đón nhận giải Ba.Ảnh: Ngô Huyền.

Ban tổ chức cuộc thi cho biết, qua cuộc thi, các Nhóm nghiên cứu (với 9 đề tài) đã giữ vài trò là nhân tố rất quan trọng, góp phần tạo dựng lối sống cho cộng đồng, nâng cao trách nhiệm trong sử dụng tài nguyên, đồng hành cùng xây dựng “Đà Nẵng – thành phố môi trường, một đô thị sinh thái bền vững trong tương lai”.

Và một trong nhiều kỳ vọng của cuộc thi, là tạo nên hiệu ứng, sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng, xã hội đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đối với yêu cầu phải bảo tồn nguồn nước, tái tuần hoàn nước thải.

Sinh viên Khoa Môi trường (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng) thực hành lấy nước đánh giá tác động môi trường trên sông Phú Lộc. Ảnh: T.Ngọc.

Đối với các ý tưởng, giải pháp, đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng và khả thi cao, đều có cơ hội tìm đến, kết nối với vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố, để có điều kiện ươm tạo, phát triển ý tưởng thành sản phẩm trong hiện thực. Điều này sẽ thôi thúc trách nhiệm và dẫn dắt nhiều ý tưởng đầy trách nhiệm trong cộng động trẻ Đà Nẵng, một cộng đồng đang ngày càng nhạy cảm hơn với các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu./.

T. Ngọc