Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khó khăn chồng chất đối với các Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

ĐNA -

Kinh doanh xăng dầu là một ngành nghề kinh doanh đặc thù và đặc biệt nó ảnh hưởng đến an ninh năng lượng Quốc Gia. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo độc lập, tự chủ và cân đối về năng lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội… Nhưng trong những tháng gần đây, nguồn xăng dầu cung cấp bị thiếu hụt trên toàn quốc nhất là ở những thành phố lớn như Hà nội và Hồ Chí Minh. Những câu chuyện như: cây xăng bán cầm chừng, hết hàng, người dân chờ xếp hàng dài chờ mua xăng, tàu cá nằm bến, giá cước vận tải logistics tăng… làm cho mặt bằng giá chung của toàn xã hội bị đẩy lên cao, tăng nguy cơ lạm phát, làm chậm tốc độ phát triển kinh tế, suy giảm thu nhập thực tế và chất lượng cuộc sống của người dân.

Phóng viên Tạp chí Đông Nam Á có buổi trò chuyện với ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty Phát Triển Phụ Gia và Sản Phẩm Dầu Mỏ (APP) để tìm hiểu về nguyên nhân sự việc này.

PV: Thưa ông, vừa qua và hiện tại nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn bị thiếu hụt, nhiều cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu không đủ hàng để bán và bán cầm chừng. Vậy theo ông nguyên nhân này xuất phát từ đâu?

Ông Hoàng Trung Dũng: Do 33 các Doanh nghiệp đầu mối, không nhập đủ lượng hàng về để phân phối cho hệ thống phân phối đến các thương nhân phân phối – tổng đại lý – đại lý các cửa hàng xăng dầu bán lẻ. Các thương nhân đầu mối không nhập đủ hàng về bán do các lý do chính sau: Nhập về lúc giá thế giới cao, thường tầm 25 – 30 ngày hàng mới về đến Việt Nam, khi giá thế giới xuống, giá bán lẻ ở Việt Nam điều chỉnh 10 ngày/lần xuống ngay lập tức theo giá thế giới dẫn đến các thương nhân đầu mối bị lỗ và khi họ bán ra thì giảm chiết khấu (giảm giá từ giá bán niêm yết theo vùng), bán hàng nhỏ giọt đợi cơ hội giá thế giới phục hồi lên lại, để tránh lỗ thiệt hại. Các chi phí trong công thức tính giá của liên Bộ TC – CT đã lạc hậu, Không đủ bù đắp chi phí nhập khẩu như vận tải, thuê tàu… trong 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid đã tăng đến 200 – 300% so với năm 2019 nên thương nhân đầu mối bị lỗ, dẫn đến hạn chế nhập và mua bán hàng. Siết chặt tín dụng từ các ngân hàng, đặc biệt giai đoạn tháng 7 – 10/2022 muốn vay 1 phải trả 1 ngay hoặc thậm chí trả 1đ khi chỉ vay 0,85đ, các doanh nghiệp đầu mối tài chính kém, hầu hết đi vay ngân hàng gặp khó khăn trong việc mở LC nhập hàng, đóng thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế VAT ngay lúc mở tờ khai Hải quan nhập hàng, phải đòi hỏi lượng tiền mặt rất lớn, gần như không có doanh nghiệp nào có thể đáp ứng đủ 100% ngay mà thường chỉ đáp ứng khoảng 15 – 30%, còn lại vay vốn ngân hàng. Biến động của thay đổi tỷ giá, của lãi vay ngân hàng giai đoạn tháng 7 – 10/2022 quá lớn, tỷ giá tăng khoảng 10% (23,300 – 23,500 lên 24,500 – 25,000), lãi suất vay tăng 2,5% – 3% gánh nặng đè lên chi phí nhập khẩu, trong khi cơ cấu tính giá chưa thay đổi, thương nhân đầu mối lỗ nên hạn chế nhập hàng và giảm chiết khấu.

PV: Là một Doanh nghiệp thương nhân phân phối (TNPP) xăng dầu vậy những khó khăn Công ty ông đang gặp phải là gì?

Ông Hoàng Trung Dũng: Hạn chế nguồn cung cấp, bán hàng từ các thương nhân đầu mối nên không đủ hàng bán ra cho hệ thống đại lý và các cửa hàng xăng dầu, theo NĐ 83/2014 & NĐ 95/2021 quy định tối thiểu một TNPP phải có 5 cây xăng + 10 đại lý. Toàn quốc có tầm 400 TNPP đều gặp tình thế tương tự APP – chiết khấu của đầu mối = 0, thậm chí âm kéo dài, nên lỗ toàn bộ chi phí vận tải từ kho đầu mối – cửa hàng, các chi phí hoạt động cửa hàng như lương nhân viên, điện, nước, khấu hao máy móc, khấu hao đầu tư hạ tầng … Đặc biệt khó khăn là do siết tín dụng của ngân hàng BIDV nơi Công ty chúng tôi vay vốn, trả 1 vay 1 hoặc vay 0,8. Nên Công ty rất khó khăn trong việc mua hàng phải 100% trả tiền ngay cho đầu mối, tiền bán ra thì 5-7 ngày sau mới thu về được ngoài ra lãi suất vay tăng liên tục 2,6% (gần 50% từ 5,7-8,3%) làm đè nặng chi phí hoạt động của công ty. Từ tháng 7 – 10/2022 mỗi tháng bình quân Công ty lỗ 650 – 700 triệu, trong khi 6 tháng đầu năm Công ty hoạt động hiệu quả và có lãi.

Thời điểm cây xăng thông báo hết xăng

PV: Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều biện pháp điều hành cũng như điều chỉnh giá xăng dầu theo diễn biến giá xăng dầu thế giới để ổn định thị trường. Theo ông cần có những biện pháp gì mạnh mẽ hơn từ các nhà điều hành để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đủ nguồn cung và bớt gặp khó khăn hơn?

Ông Hoàng Trung Dũng: Quan trọng nhất, cần giao một đầu mối quản lý về xăng dầu; quy định về giá bán phù hợp theo cơ chế thị trường trong chuỗi lưu thông xăng dầu mới hoạt động hiệu quả, mới bình thường như trước đây được. Thêm nữa, cần có một cơ chế cho vay đặc biệt, lãi suất ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

PV: Nếu tình trạnh nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế trong nước vẫn bị thiếu hụt và kéo dài như hiện nay theo ông ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?

Ông Hoàng Trung Dũng: Hiện tại, cơ chế quản lý chồng chéo nhiều bộ như Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ GTVT … nên không quy được trách nhiệm cho ai, ai phải chịu trách nhiệm chính cả và thực tế đổ lỗi qua lại giữa hai bộ trưởng Công Thương và Tài Chính vừa qua mà báo chí đưa tin và cả trên Quốc hội, nói lên điều đó.

PV: Xin cảm ơn Ông về buổi trò chuyện này.

Quang Vinh