Được hình thành và gắn bó với những triều đại độc lập đầu tiên của Việt Nam, Nhã nhạc đã có hơn ngàn năm lịch sử để phát triển, hoàn thiện và trở thành di sản vô giá của dân tộc và nhân loại. Qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, di sản ấy vẫn được bảo tồn và trao truyền qua các thế hệ, là sợi dây vô hình mà bền chặt kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai.
Từ thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên, một nhà sư từ vùng đất phía nam (thuộc Champa) đã mang nhã nhạc qua truyền bá tại Nhật Bản cùng quá trình tu tập, hành đạo của mình. Ông đã được triều đình Nhật Bản bấy giờ hết sức coi trọng, và Gagaku (nhã nhạc Nhật Bản) ngày nay vốn có nguồn gốc từ đó. Không biết có phải vì vậy mà buổi hòa tấu giữa Nhã nhạc cung đình Huế và Gagaku Nhật Bản tại sân điện Thái Hòa cách đây hơn chục năm đã tạo nên một hiệu ứng đặc biệt, thu hút và làm say mê tất cả khán giả may mắn được tham dự?
Dù được hình thành từ rất sớm, nhưng phải đến thời Nguyễn, Nhã nhạc mới phát triển hoàn thiện và trở thành một phần không thể thiếu trong tất cả các nghi lễ và sinh hoạt cung đình. Trong các nghi lễ triều hội hay tế tự, nhã nhạc đều đóng vai trò là linh hồn để dẫn dắt các nghi thức, từ lễ đăng quang, mừng năm mới, mừng sinh nhật nhà vua (lễ vạn thọ), mừng sinh nhật thái hậu, thái tử (lễ thiên thọ), mừng cung điện mới… hay các lễ tế Giao, tế miếu, tế Xã Tắc, tế sông núi, lễ tang của hoàng đế, hoàng thái hậu, hoàng hậu… nhã nhạc đều có bài bản riêng. Cơ cấu dàn nhạc của mỗi loại hình cũng được quy định chặt chẽ. Theo tài liệu của triều Nguyễn, có 6 loại dàn nhạc: Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc (Cổ xuý đại nhạc), Tiểu nhạc (ti trúc tế nhạc), Ty chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá), Quân nhạc (đội bả lệnh). Các dàn nhạc trên đều có các nhạc khí cụ thể, mỗi dàn đều có không dưới 30 chủng loại với số lượng nhạc khí hết sức phong phú. Mặc dù nghệ nhân, nhạc công chơi nhã nhạc đều được tuyển chọn từ dân gian nhưng triều đình luôn có chính sách ưu đãi để tuyển chọn và đào tạo.
Những biến động to lớn của lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 19 và việc triều Nguyễn đánh mất chủ quyền vào tay thực dân Pháp đã khiến nhã nhạc cung đình ngày càng sa sút; cho đến những năm cuối thế kỷ 20 thì di sản này đã đứng bên bờ vực của sự quên lãng. Những nỗ lực to lớn của cố đô Huế cùng sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế với vai trò nổi bật của UNESCO đã thực sự làm hồi sinh nhã nhạc, đặc biệt là từ sau khi được công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (2003), nhã nhạc đã dành được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng.
Tại cố đô Huế, Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc- âm nhạc cung đình Việt Nam kéo dài trong gần 4 năm (2005-2009) đã đạt được những kết quả quan trọng trên cả 3 lĩnh vực: Quảng bá tuyên truyền; nghiên cứu, sưu tầm bài bản âm nhạc và phục hồi các nhạc khí nhã nhạc; đào tạo nhạc công trẻ.
Không chỉ giới hạn trong môi trường diễn xướng nguyên thủy, nhã nhạc đã thực sự được đưa đến với cộng đồng trong nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật phong phú, đặc biệt là các kỳ festival văn hóa quốc tế và festival nghề truyền thống được tổ chức định kỳ tại cố đô. Nhã nhạc cũng đã đến với thế hệ trẻ qua chương trình giáo dục học đường và các chương trình tham quan, thưởng thức nhã nhạc dành cho đối tượng học sinh, sinh viên. Và hơn thế, nhã nhạc còn được đưa đến với cộng đồng quốc tế qua các chương trình giao lưu, trao đổi về văn hóa giữa cố đô Huế với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2007, đoàn nhã nhạc cung đình Huế đã được mời vào biểu diễn tại hoàng cung Tokyo Nhật Bản, tạo nên một tiếng vang lớn trên trường quốc tế, và 10 năm sau, ngay trong lòng hoàng cung Huế, nhã nhạc lại ngân lên chào đón chuyến thăm của Nhật hoàng và hoàng hậu, khiến các vị khách đặc biệt này bịn rịn quyến luyến không muốn rời.
Như vậy, nhã nhạc không chỉ là một di sản đơn thuần, không chỉ là sự kết nối từ quá khứ của riêng chúng ta mà còn tạo nên sự kết nối đa chiều giữa Việt Nam và các quốc gia dân tộc trên thế giới trong thời đại mới.
Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế