Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đọc trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: ““Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết hiện nay của Tổ quốc, là lời hịch của ông cha ta vang vọng tự ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với muôn đời con cháu” (1). Gần 60 năm trôi qua, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” vừa là kêu gọi cứu nước, vừa là chân lý của thời đại và trở thành động lực to lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

“Độc lập, tự do” – Động lực to lớn, giá trị vĩnh hằng
Ý chí độc lập cho dân tộc và khát vọng tự do cho nhân dân là xuất phát điểm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và của dân tộc từ lịch sử đến hiện tại. Vì vậy, trong Thư gửi các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể đồng bào tỉnh Phúc Yên, Người viết: “Chúng ta kiên quyết noi theo lịch sử vẻ vang của tổ tiên, tranh lại thống nhất và độc lập cho dân tộc và xây dựng nền tự do và hạnh phúc cho con cháu muôn đời”. Đối với dân tộc Việt Nam, tự do là một trong những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Hồ Chủ tịch nói vắn tắt nhưng rất đầy đủ: “Chủ nghĩa xã hội là no ấm và tự do cho toàn thể nhân dân” (2).
Khi Tổ quốc bị lâm nguy, ngày 19-12-1946, Người viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, trong đó hiệu triệu: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!” (3). Ngay đêm 19-12-1946, cả dân tộc ta nhất tề đứng dậy tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khát vọng độc lập, trường kỳ kháng chiến, ngày 07-5-1954 đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Khi đế quốc Mỹ đưa đội quân xâm lược nhà nghề của Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, ngày 17-7-1966, Người viết tác phẩm: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng cùng ngày, trong đó, Người tố cáo tội ác của Mỹ: “Chúng ồ ạt mang gần 30 vạn quân viễn chinh vào miền Nam nước ta. Chúng nuôi dưỡng ngụy quyền ngụy quân làm công cụ hại dân phản nước. Chúng dùng những phương tiện chiến tranh cực kỳ man rợ, như chất độc hoá học, bom napan, v.v.. Chúng dùng chính sách đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Bằng những tội ác ấy, chúng hòng khuất phục đồng bào miền Nam ta”. Đặc biệt, Người kêu gọi: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Đáp lại lời hiệu triệu của Người, để hiện thực hóa khát vọng và chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” toàn thể dân tộc ta, trực tiếp là nhân dân miền Nam anh dũng với tinh thần “quyết không lùi bước trước mũi súng của kẻ xâm lược và lũ bán nước. Đồng bào chúng tôi thà hy sinh hết thảy, nhưng quyết không chịu làm nô lệ” (4), “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” rầm rộ xuống đường đấu tranh trước lưỡi lê và máy chém của kẻ thù, hăng hái tham gia các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”,… lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh mới nhất của Mỹ: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, góp phần to lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thu giang sơn về một mối, đem lại hòa bình thực sự cho toàn thể dân tộc ta, vì theo Người: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình, hoà bình thật sự, hoà bình trong độc lập tự do, chứ không phải thứ hoà bình giả hiệu, “hoà bình” kiểu Mỹ. Vì độc lập của Tổ quốc, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mỹ, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn” (5).
Như vậy, cùng với các nhân tố khác, nhân tố chính trị, tinh thần biểu hiện sâu sắc, toàn diện ở chân lý vĩ đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cội nguồn sức mạnh làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đánh dấu bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã làm thỏa mãn hoài bão lớn nhất của Người: “Hoài bão lớn nhất của HỒ CHỦ TỊCH là Tổ quốc được giải phóng, nhân dân được hạnh phúc. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (6).

Vận dụng tư tưởng về độc lập, tự do trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là động lực, sức mạnh tinh thần đã được chuyển hóa thành sức mạnh vật chất to lớn để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta chiến đấu và làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975: “Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mở ra một thời kỳ mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (7). Vì vậy, phát huy giá trị độc lập, tự do trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cần quán triệt và thực hiện một số nội dung sau:
Tiếp tục nghiên cứu toàn diện, làm rõ nội hàm, giá trị lý luận, thực tiễn và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự do trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, tập trung làm rõ nội hàm của độc lập, tự do về đường lối chính trị, kinh tế trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; nhất là khi Hoa Kỳ đơn phương áp thuế đối ứng 46,0% với hàng hóa cụ thể của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị Hoa Kỳ – Thật trùng hợp khi quyết định đưa ra đúng vào dịp Việt Nam đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kết thúc sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. Quá trình vận dụng phải vận dụng phải giữ vững nguyên tắc “độc lập, tự do là bất biến”; song cũng mềm dẻo để giữ được độc lập, tự do thực sự.
Kiên trì bảo vệ nền độc lập, tự do và đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập, thống nhất của Tổ quốc phải gắn với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, Người nhiều lần nhắc nhở: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (8). Bảo vệ nền độc lập, tự do và đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật, chính sách cụ thể; đồng thời, kiên trì đấu tranh vì quyền độc lập, tự do của dân tộc mình, đồng thời tôn trọng quyền độc lập, tự do của dân tộc khác trong quan hệ quốc tế. Không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nước và làm tốt công tác thông tin đối ngoại để lan tỏa sâu rộng tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự do và mục tiêu về độc lập, tự do của Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Theo đó, cần phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí cách mạng và toàn xã hội trong công tác này; bảo đảm mỗi người dân Việt Nam cả ở trong nước và ở nước ngoài thực sự là “đại sứ thông tin”, “đại sứ văn hóa” và “đại sứ hình ảnh” để lan tỏa tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự do và mục tiêu về độc lập, tự do của Việt Nam trên toàn cầu. Từ đó, tạo nên niềm tin chiến lược và tranh thủ sự ủng hộ tối đa của cộng đồng quốc tế trong việc thừa nhận và tôn trọng nền độc lập, tự do để Việt Nam phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kiên quyết nhận diện và đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái thù địch chống phá mục tiêu độc lập, tự do của Việt Nam. Đồng thời, sẵn sàng đáp trả thích đáng bằng vũ trang và phi vũ trang những hành động xâm phạm nền độc lập, tự do đó.
Nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng và khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là độc lập, tự do; đồng thời, độc lập, tự do là chân lý, là thang giá trị cao nhất của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, cùng với khẩu hiệu chính trị của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” trong C. Mác và Ph.Ăngghen toàn tập và “Vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới liên hiệp lại” trong V.I. Lênin toàn tập, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Người được trân trọng đưa trong Hồ Chí Minh toàn tập đã khẳng định giá trị vĩnh hằng của chân lý đó. Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2025) là dịp tưởng nhớ và tri ân công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người tìm ra và kiến tạo con đường để giành độc lập, tự do thực sự cho toàn thể dân tộc ta. Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mãi mãi là ngọn đuốc dẫn đường để Việt Nam tỏa sáng trong kỷ nguyên phát triển mới./.
Thượng tá, TS.Hà Sơn Thái – Thượng tá, ThS.Nguyễn Kim Xuyên
Chú thích
(1) (5) (6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.627; tr.132; tr.627
(2) Sđd, tập 12, tr.431.
(3) (8) Sđd, tập 4, tr.534; tr.64.
(4) Sđd, tập 14, tr.330.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 68, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.1228.