Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và chào mừng thành phố Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND Thành phố Huế cùng 29 tỉnh, thành trong cả nước tổ chức Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.

Diễn ra từ ngày 27/4 đến 2/5/2025 tại Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh Thành phố Huế, Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” là một trong những hoạt động điểm nhấn thuộc chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2025 với chủ đề “Kinh đô xưa – Vận hội mới”, do Huế đăng cai tổ chức. Đây là cơ hội để Huế khẳng định vai trò là trung tâm văn hóa, du lịch, giáo dục lớn của cả nước, đồng thời lan tỏa hình ảnh một thành phố di sản năng động, sáng tạo, hướng đến phát triển xanh và bền vững.

Không gian triển lãm được thiết kế thành nhiều khu vực chuyên đề, tái hiện sinh động và sâu sắc bản sắc văn hóa các vùng miền. Nổi bật trong đó là chuyên đề “Du lịch qua các miền di sản văn hóa và danh thắng Việt Nam”, giới thiệu hệ thống di sản được UNESCO công nhận như Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Tràng An… cùng các di tích quốc gia đặc biệt, danh lam thắng cảnh và văn hóa đời sống của 54 dân tộc anh em.

Một điểm nhấn đầy ý nghĩa là khu trưng bày “Các vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay” với sự góp mặt của Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nội và đặc biệt là Thành phố Huế – nơi hội tụ tinh hoa của hai vương triều quân chủ cuối cùng là triều Tây Sơn (1788-1801) và triều Nguyễn (1802-1945), kéo dài hơn 150 năm. Không chỉ tái hiện lịch sử thăng trầm của các kinh đô, không gian này còn khẳng định vai trò tiên phong của Huế trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thúc đẩy du lịch gắn với bản sắc và chiều sâu văn hóa.

Trong triển lãm, Huế khẳng định vị thế là chiếc nôi của áo dài truyền thống Việt Nam qua không gian trưng bày những áo dài truyền thống của các nhà thiết kế Huế. Những chiếc áo này không chỉ thể hiện vẻ đẹp thẩm mỹ, kỹ thuật thủ công tinh xảo, mà còn là biểu tượng của bản sắc văn hóa, sức sống dân tộc và quyền lực mềm trong ngoại giao văn hóa. Trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2025, Huế còn tổ chức nhiều lễ hội và ngày hội áo dài cộng đồng, góp phần đưa áo dài trở thành di sản sống, lan tỏa hình ảnh người phụ nữ Việt thanh lịch, duyên dáng tới du khách bốn phương.

Bên cạnh đó, khu vực “Di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam” giới thiệu những giá trị truyền thống phong phú như: không gian làng quan họ Bắc Ninh với cây đa – bến nước – mái đình, tranh Đông Hồ, nghề chạm khắc gỗ truyền thống; văn hóa miền núi phía Bắc với nghi lễ cấp sắc của người Dao đỏ, đời sống người Mông, Tày; văn hóa miền Trung gắn với Nhã nhạc cung đình, ca Huế; miền Nam với đờn ca tài tử, dàn nhạc ngũ âm Khmer, văn hóa ẩm thực phong phú…

Một khu vực nghệ thuật đặc sắc khác là không gian điêu khắc ánh sáng của nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự với bộ sưu tập “Trầm tích kinh kỳ”. Các tác phẩm “Hương sa”, “Cố đô”, “Chiếc nón bài thơ”… là sự kết hợp giữa truyền thống và nghệ thuật đương đại, điều đó cũng gửi đi thông điệp về một vùng đất đang chuyển mình từ một thành phố di sản sang thành phố sáng tạo.

Không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” quy tụ sản phẩm du lịch tiêu biểu của 29 tỉnh/thành trên cả nước cũng là điểm thu hút đặc biệt. Mỗi gian trưng bày đều là một “bức tranh thu nhỏ” của văn hóa địa phương – từ Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), gành Đá Đĩa (Phú Yên), làng nghề truyền thống Bắc Ninh đến các sản vật địa phương như thịt gác bếp, mắm Huế, xôi ngũ sắc, cá thính Vĩnh Phúc, nem chua Thanh Hóa…

Với vai trò là địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia, Huế không chỉ là điểm đến, mà còn là trung tâm kết nối các giá trị văn hóa Việt Nam, tạo cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa các vùng miền và cộng đồng sáng tạo. Triển lãm lần này chính là một minh chứng sống động cho sự hội tụ của di sản, văn hóa và du lịch Việt Nam tại Huế – nơi quá khứ và hiện tại cùng hòa quyện để hướng đến một tương lai bền vững.
Minh Anh