Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Không tinh gọn bộ máy không phát triển được

ĐNA -

Ngày 31/10/2024, tại phiên thảo luận kì họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra thông điệp rõ ràng về áp lực cực kỳ bức thiết để cải cách bộ máy nhà nước khi chi thường xuyên đã chiếm đến 70% chi ngân sách.

Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kì họp thứ 8, Quốc hội khoá XV ngày 21/10. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội.

“ Chi thường xuyên đang chiếm 70% chi ngân sách, chi trả nợ sẽ lên đến 70% trong hơn thập kỷ nữa. Vậy chúng ta lấy đâu ra tiền chi đầu tư phát triển để quốc gia thịnh vượng?”, ông nói “vô cùng sốt ruột” trước thực tế này.

“Không tinh gọn bộ máy không phát triển được”. Ông phân tích, khoảng gần 70% ngân sách là dành cho chi thường xuyên, không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Ông so sánh các nước khác chỉ dành 40% ngân sách cho chi thường xuyên và dành trên 50% ngân sách cho đầu tư, quốc phòng, an ninh…

“Vì sao không thể tăng lương? Vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ lên đến 80 – 90% chi ngân sách. Làm gì còn tiền ngân sách đâu để làm các hoạt động khác”, Tổng Bí thư nói.

Do đó, Tổng Bí thư cho rằng, cần phải tinh gọn bộ máy, tiếp tục giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển.

Tuần trước, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận xét, trên thế giới chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã nhiều như Việt Nam, cũng chưa có đất nước nào mà chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam nên không còn tiền chi đầu tư.

Ngày 30/10, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông nhận xét trong một cuộc họp là chi thường xuyên chiếm tới 70%. Ông khẳng định, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cho rằng, sắp tới cần giảm chi thường xuyên xuống 50% để có nguồn lực đầu tư các công trình phục vụ nhân dân.

Các thông điệp mạnh mẽ như trên cùng lúc được đưa ra bởi Tổng Bí thư và những người có trách nhiệm ở các bên Đảng và Chính phủ cho thấy sự cấp thiết của vấn đề và áp lực cải cách bộ máy. Chính phủ đã chính thức kiến nghị Quốc hội chưa tăng lương hưu, công chức, trợ cấp xã hội năm 2025 dù thu ngân sách nhà nước năm 2024 tăng hơn 10% so với dự toán, như nhiều năm trước đây.

Thực tế này cho thấy, ngân sách nhà nước ở tình thế co kéo nhiều năm nay, ¾ là chi thường xuyên, ¼ chi trả nợ, còn tiền đầu tư phát triển phải đi vay triền miên. Một con người, một gia đình hay một quốc gia không thể phát triển, chứ đừng nói phát triển nhanh và bền vững, trên nền tảng tài chính mong manh đó.

Thực trạng này do đâu
Trước hết, phải khẳng định chương trình tinh giản biên chế là thành công về mặt con số: từ năm 2014 đến giữa năm 2022 đã giảm 64.869 người, đạt chỉ tiêu của các nghị quyết của Đảng.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ từng công nhận ý kiến cho rằng, việc tinh giản biên chế thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chỉ giảm những người “tinh” (có đủ năng lực tham gia khu vực tư) mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ công nhân viên chức hưởng lương trên 1.000 dân của nước ta cao hơn rất nhiều so với nhiều nước: Việt Nam là 43 người chưa kể quân đội và công an, trong khi nhiều nước nước trong khu vực tính cả quân đội, công an như Philippines là 1.000 dân mới có 13 cán bộ công viên chức; Ấn Độ có 16 người; Indonesia 17 người; Singapore có 25 người.

Việt Nam có 22 là bộ, cơ quan ngang bộ trong khi ở Nhật Bản con số này chỉ là 11, Singapore là 15, Trung Quốc là 20. So với các nước EU, Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều.

Tinh gọn bộ máy để dành nguồn lực cho phát triển
Trong bài phát biểu nêu trên của Tổng Bí thư, ông đã gợi ý nhiều giải pháp khi nêu trúng vấn đề như sau: Ông nhận xét, nhiều bộ, ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, tạo cơ chế xin – cho. Mặt khác, chỉ một vấn đề nhưng không rõ bộ, ngành nào chủ trì. Chẳng hạn vấn đề cát, đá, sỏi, 5 – 6 bộ nhưng không biết ai chủ trì. “Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng đều nói trách nhiệm của mình nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính thì không biết ai”, ông nói.

“Bộ máy cứ cồng kềnh như thế thì làm sao chịu được, không thể chịu được. Địa phương cũng lại như thế, cũng lại Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường, Xây dựng… Một vấn đề đơn giản tại sao lại cồng kềnh, chồng chéo, khó khăn đến thế? Mất bao nhiêu thời gian vào những chuyện này? Doanh nghiệp cũng khổ sở, muốn làm gì về cát, đá, sỏi phải hỏi đủ ý kiến các ông này, rồi ủy ban quyết định, huyện chịu trách nhiệm quản lý, mà lại vẫn tiêu cực”, Tổng Bí thư nói.

Bộ máy nhà nước phình, lại chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ luôn có xu hướng đặt ra thêm các điều kiện kinh doanh, hạn chế quyền kinh doanh của người dân, của doanh nghiệp. Tình trạng giấy phép con đã, đang và sẽ còn tiếp tục nở rộ, và việc cắt giảm nó giống như thả gà ra đuổi.

Kết quả là đến nay, số điều kiện, quy định kinh doanh đã mọc như nấm sau mưa trong nhiều thập kỷ sau luật doanh nghiệp, lên tới gần 16.000, theo một tài liệu của Chính phủ công bố gần đây.

Với hệ thống điều kiện, quy định kinh doanh đồ sộ như vậy, doanh nghiệp, người dân rất khó để làm ăn, phát triển. Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 đã lỡ, mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025 sẽ lỡ khi đến nay cả nước mới chỉ có hơn 930 nghìn doanh nghiệp.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh lẽ ra phải được đặt vấn đề từ cải cách bộ máy; xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ; phân định vai trò của nhà nước và thị trường.

Việt Nam sẽ xây rất nhiều công trình hạ tầng lớn tới đây, đặc biệt là đường sắt cao tốc Bắc Nam. Đến năm 2037, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp/thu ngân sách nhà nước khoảng 68 – 69%, theo Bộ Tài chính, tức là tương tự như tỷ lệ ngân sách cho chi thường xuyên hiện nay.

Chúng ta sẽ không có đủ tiền để trả nợ, để chi thường xuyên và vận hành bộ máy, cho sự phát triển nếu không cải cách từ bây giờ. Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật theo cách nói của Tổng Bí thư sẽ có giải pháp hữu hiệu.

Tăng năng suất lao động – nền tảng của phát triển bền vững
Cũng trong phiên thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất lao động, chỉ rõ mặc dù nền kinh tế phát triển, năng suất lao động của Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng và có chiều hướng giảm sút.

Theo Tổng Bí thư, muốn tăng năng suất lao động phải nâng cao tay nghề lao động, áp dụng khoa học công nghệ, có cách thức quản lý tốt.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, năng suất lao động của các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đã vượt xa Việt Nam, do đó phải có cơ chế, chính sách khuyến khích để tăng năng suất lao động.

Tổng Bí thư khẳng định, không có con đường nào khác ngoài tăng năng suất lao động, dựa vào nguồn lực sẵn có, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ để phát triển bền vững.

Chúng ta cần tận dụng tối đa thời kỳ dân số vàng để bước vào kỷ nguyên mới, bứt tốc đạt được mục tiêu đến năm 2045 là một nước phát triển có thu nhập cao. Muốn vậy, quy mô kinh tế sẽ phải gấp 3 lần hiện nay, thu nhập bình quân đầu người cũng phải tăng gấp 3 lần hiện nay và nếu không tăng năng suất thì không đạt được, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định rằng, phải bỏ tư duy “xin việc”, khẳng định người lao động Việt Nam có sức khỏe, trí tuệ, khao khát làm việc lo cho bản thân, cho gia đình, tạo ra sản phẩm xã hội, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước và thế giới.

Nhà nước phải có chính sách khuyến khích toàn xã hội lao động, vừa tăng năng suất nhưng vừa giảm giờ làm, để nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Lê Huy/tổng hợp