Thứ ba, Tháng chín 17, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khủng hoảng khí đốt, châu Âu ngấm lạnh từ mùa hè.

ĐNA -

Từ ngày 27/7/2022, lưu lượng của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu giảm xuống chỉ còn 20%. Giữa mùa hè nắng đổ lửa mà người dân châu Âu đã phải lo về một mùa đông lạnh lẽo thiếu khí đốt. Nghe qua thì có vẻ nghịch lý nhưng sự thật là vậy.

Trên các trang báo châu Âu tuần này, mối lo thiếu khí đốt là một vấn đề thời sự sau khi Nga giảm lưu lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu qua dự án Dòng chảy phương Bắc. Về nguyên tắc, hai bên đang đối đầu với nhau trong một cuộc chiến kinh tế chưa thấy hồi kết. Và Nga đang cho thấy vũ khí năng lượng mà họ có đang phát huy tác dụng như thế nào.

27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt ngay từ ngày 1/8 nhằm tích lũy tối đa khí đốt cho mùa đông năm nay.

Liên minh châu Âu chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất, đó là hoàn toàn không còn khí đốt từ Nga nữa. Tuyên bố trong cuộc họp báo ngay sau hội nghị bất thường cấp Bộ trưởng thoạt nghe thì là một thành công khi 27 nước đồng lòng thống nhất cắt giảm tiêu thụ khí đốt ngay từ đầu tháng 8.

“Các Bộ trưởng đã nhất trí các nước châu Âu sẽ tự nguyện giảm tiêu thụ khí đốt trong khoảng thời gian từ ngày 1/8 đến ngày 31/3 năm sau, giảm ít nhất là 15% so với mức tiêu thụ trung bình cùng thời kỳ trong 5 năm trở lại đây” – ông Jozef Sikela, Bộ trưởng Công Thương Cộng hòa Czech cho biết.

Đi sâu vào chi tiết thỏa thuận, tình hình không thuận lợi như tuyên bố. Có quá nhiều ngoại lệ. Không phải nước nào cũng cắt giảm được 15%. Kế hoạch khẩn cấp mà Ủy ban châu Âu đề xuất đã bị pha loãng đi khá nhiều.

Lý do chính là vì mức độ lệ thuộc vào khí đốt của mỗi nước khác nhau, giảm 15% là dễ với nước này nhưng khó với nước khác. Trong cơ cấu năng lượng, tỷ trọng khí đốt chỉ chiếm 5% đối với Vương quốc Bỉ nhưng lên tới 55% đối với Đức và thậm chí 85% đối với Hungary. Hungary cho đến tận cùng vẫn phản đối kế hoạch khẩn cấp, dù cho 1 phiếu chống không có tác dụng gì trong một biểu quyết chỉ cần 2/3 đồng ý.

Cao ủy châu Âu về Năng lượng Kadri Simson (Ảnh: Ủy ban châu Âu)

Bà Kadri Simson – Cao ủy châu Âu về Năng lượng – cho rằng: “Kết quả quan trọng nhất là chúng tôi sẽ bắt đầu tiết kiệm khí đốt ngay bây giờ và có kế hoạch chi tiết để phối hợp hành động nếu như tình hình xấu đi. Chủ động tiết giảm nhu cầu khí đốt sẽ tránh cho chúng tôi phải đưa ra quyết định vội vàng hoặc đơn phương khi đã quá muộn, giúp lập kế hoạch tiết kiệm một cách hiệu quả nhất, giảm thiểu tác động đến người dân và doanh nghiệp. Tác động lên GDP sẽ thấp hơn đáng kể nếu chúng ta bắt đầu tiết kiệm ngay bây giờ chứ không đợi đến khi nước Nga buộc chúng ta phải làm như vậy”.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Đức thừa nhận sai lầm chiến lược của Đức trong suốt bao năm xây dựng chính sách năng lượng bao gồm tỷ trọng quá lớn khí đốt nhập khẩu từ Nga, để rồi bây giờ rơi vào tình huống nguy cấp. Đức mà không đủ khí đốt cho ngành hóa chất thì công nghiệp của toàn châu Âu chao đảo.

Giờ đây, các nước châu Âu khác có thể phải tiết kiệm khí đốt để giải cứu nước Đức trong mùa đông năm nay. Tuy nhiên, không nước nào bị bắt buộc phải tiết kiệm tiêu thụ rồi san sẻ khí đốt cho nước khác. Kế hoạch khẩn cấp mà các nước châu Âu nhất trí trong cuộc họp hôm thứ Ba vừa rồi đã bỏ chi tiết bắt buộc tiết kiệm mà chỉ còn dựa trên tự nguyện.

Nga chủ động “chơi lá bài” năng lượng

Vào tháng 6/2021, có 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu hàng năm vào EU đến từ Nga, tương đương khoảng 155 tỷ mét khối. Tuy nhiên, thị phần của Nga trong nhóm khí đốt châu Âu hiện chỉ còn 20%.

Châu Âu lên kế hoạch việc loại bỏ khí đốt của Nga vào năm 2027 nhưng tình huống trớ trêu là ngay từ bây giờ, chính Nga đang chủ động rút khỏi một số hợp đồng và điều đang gây ra sự hỗn loạn mà châu Âu đang phải đối mặt. Báo chí châu Âu cho rằng, việc cắt giảm khí đốt của Nga là một liều thuốc mà châu Âu phải ngấm từ từ.

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 liên tục phải đóng cửa để bảo trì (Ảnh: AP)

Công ty Gazprom đã lần đầu tiên cắt nguồn cung cấp cho Ba Lan, Bulgaria vào tháng 4/2022. Sau đó đến tháng 5, nước này tiếp tục cắt nguồn cung tới Đan Mạch, Phần Lan và Hà Lan, những nơi mà các công ty khí đốt từ chối thanh toán hóa đơn bằng đồng Ruble như Điện Kremlin đã yêu cầu trong một nỗ lực để lách các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Sau đó, Gazprom bắt đầu giảm dòng chảy sang các nước như Đức và Italy. Đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) nối Nga với Đức qua biển Baltic, bị đóng cửa để bảo trì vào ngày 11//20227.

Tiếp đến, ngày 25/7/2022, Gazprom thông báo họ buộc phải dừng hoạt động của một động cơ tuabin khí khác tại trạm máy nén Portovaya (CS) do đến hạn đại tu. Do vấn đề này, lưu lượng qua Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ giảm một nửa so với lưu lượng hiện tại.

Dòng chảy phương Bắc 1 đã hạ còn 40% công suất kể từ giữa tháng 6 và nay tiếp tục giảm xuống còn 20% so với năng lực tối đa. Điều này, theo Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, là do bất khả kháng bởi các lỗi hoạt động của tuabin. Cụ thể, một tuabin Siemens đưa đi sửa chữa ở Canada đã bị mắc kẹt do lệnh trừng phạt, việc tuabin hiện tại ngừng hoạt động cũng do nhu cầu sửa chữa.

Gazprom đồng thời quy trách nhiệm cho công ty Siemens của Đức về điều này, cho rằng chính các đối tác phương Tây mới là bên “không hoàn thành các nghĩa vụ trong hợp đồng về bảo dưỡng trạm nén”. Hiện tại, để bơm khí qua Dòng chảy phương Bắc 1, chỉ còn lại hai tuabin công suất nhỏ, cho phép bơm tổng cộng chỉ 33 triệu mét khối/ngày, trong khi lượng bơm tối đa của đường ống dẫn khí là khoảng 200 triệu mét khối/ngày.

Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố, Gazprom đã hoàn thành, đang hoàn thành và “sẽ hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình, tất nhiên là cho ai đó cần”.
Giá khí đốt của châu Âu tăng 11 lần trong một năm

Hôm thứ Tư vừa rồi, giá khí đốt trên thị trường giao dịch nguyên liệu châu Âu đã có lúc lên tới mức 227 Euro/MWh, cao nhất từ trước đến nay và gấp 11 lần so với tầm này của năm ngoái.

Tăng gấp 11 lần sau 1 năm là một mức tăng ngoài mọi tưởng tượng. Giá khí đốt tăng vọt tác động trực tiếp tới sản xuất công nghiệp và năng lượng châu Âu. Các ngành dùng nhiều khí đốt như hóa chất, phân bón… đang chao đảo vì giá khí đốt.
Tuy nhiên, với các hộ gia đình thì chưa có tác động trực tiếp nào cả. Tác động của giá khí đốt tới hộ gia đình chỉ là gián tiếp, các ngành sản xuất hàng tiêu dùng phải chi phí nhiều hơn cho năng lượng thì rồi sẽ kéo theo giá cả hàng hóa lên theo.

Giá điện năng và khí đốt dành cho hộ gia đình là vấn đề cực kỳ nhạy cảm ở châu Âu. Đối với các hộ gia đình, điện và gas là thiết yếu, nhà nào cũng phải dùng, khác với xăng dầu không phải nhà nào cũng cần tới. Các nước châu Âu có chính sách giảm thuế điện, gas tỷ lệ nghịch với mức tăng của giá đầu vào, giữ cho hóa đơn điện và gas của các hộ gia đình không tăng đột ngột.

Nói chung, các nước dùng cách giảm các sắc thuế đánh vào điện và gas, đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình bằng tiền, như cách đã làm với xăng dầu. Lấy ví dụ tại Bỉ, thuế VAT đánh vào khí đốt đã giảm xuống chỉ còn 6% và mỗi hộ gia đình được nhận hỗ trợ 100 Euro trừ thẳng vào hóa đơn tiền điện.

Châu Âu nỗ lực hạn chế tiêu thụ khí đốt

Từ tháng 10 tới, hóa đơn khí đốt hằng năm của mỗi gia đình tại Đức có thể sẽ tăng thêm khoảng 1.000 Euro khi Chính phủ quyết định áp mức thuế mới với khí đốt. Mục đích là nhằm đảm bảo hạn chế mức tiêu thụ khí đốt, ổn định sản xuất của các doanh nghiệp. Sự điều chỉnh này sẽ có hiệu lực cho đến cuối tháng 9/2024.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (Ảnh: AP)

Ông Robert Habeck – Bộ trưởng Kinh tế Đức – cho biết: “Chúng tôi dự đoán là giá sẽ tăng thêm khoảng 1,5 đến 5 cent cho 1 KWh. Bạn có thể làm phép tính là nếu tổng mức tiêu thụ là khoảng 20.000 KWh thì hóa đơn sẽ tăng thêm chỉ khoảng 100 Euro. Tăng nhiều hay ít là vào mức độ tiêu thụ của bạn”.

Nhiều nước châu Âu khác cũng có các động thái tương tự. Tại Latvia, ngay từ tháng này, mức thuế khí đốt với các hộ gia đình dự kiến tăng từ 65% đến gần 90%, tùy thuộc vào mức tiêu thụ.

Pháp cũng dự kiến nới rộng trần giá khí đốt và điện, một trong các biện pháp khẩn cấp nhằm kiềm chế lạm phát của chính phủ nước này.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne (Ảnh: AP)

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết: “Chúng tôi sẽ đề xuất nới rộng trần giá khí đốt và điện, giảm phí đối với lao động tự do và tăng gấp ba mức trần của tiền thưởng, tăng lương hưu và trợ cấp xã hội, cụ thể là giảm trừ gia cảnh, trợ cấp người tàn tật…”.

Các biện pháp của chính phủ nhằm làm dịu đi sức ép tăng giá năng lượng, tăng thuế với khí đốt đè nặng lên đời sống người dân.

Dù được nhận định không phải là một “giải pháp tốt” nhưng tăng giá năng lượng, tăng thuế khí đốt đang được cho là một giải pháp “cần thiết” với các nước châu Âu để hạn chế tiêu thụ, đảm bảo ổn định thị trường trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.

Đi tìm nguồn khí đốt thay thế

Hiện châu Âu chưa phải tính đến chế độ tiết kiệm khí đốt theo hạn ngạch nhưng nếu tình hình căng thẳng vẫn tiếp diễn thì không biết điều gì sẽ diễn ra. Khí đốt từ Nga giảm nhanh trong khi các nguồn từ Mỹ, Bắc Phi, Trung Á và Trung Đông không mua về kịp hoặc giá cao hơn nhiều so với giá của Nga. Vậy thì các giải pháp phòng ngừa để sống sót qua mùa đông là gì?
Những ngày qua, cùng với việc đưa ra giải pháp tiết kiệm, nhanh chóng lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, các nhà lãnh đạo châu Âu đang bận rộn đi khắp nơi trên thế giới, nơi có khí đốt để đa dạng hóa nguồn cung cho châu Âu. Ngoài Mỹ, Algeria, Azerbaijan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, các phái đoàn châu Âu còn đến tận CHDC Congo, Angola và Mozambique để đi tìm khí đốt.

Sau những cái bắt tay này là những thỏa thuận trị giá hàng tỷ Euro mua khí đốt của các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Italy Mario Draghi (Ảnh: AP)

Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết: ”Italy hiện diện tại Algeria với những khoản đầu tư đáng kể vào lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, nông nghiệp. Sự tham gia của chúng tôi vào đời sống kinh tế và xã hội của Algeria chưa bao giờ chấm dứt”.
Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết: ”Italy hiện diện tại Algeria với những khoản đầu tư đáng kể vào lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, nông nghiệp. Sự tham gia của chúng tôi vào đời sống kinh tế và xã hội của Algeria chưa bao giờ chấm dứt”.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (Ảnh: AP)

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi chia sẻ: “Tôi đã xác nhận với Thủ tướng Scholz rằng Ai Cập sẵn sàng tham gia vào quan hệ đối tác năng lượng với Đức bằng cách xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Đức”.

Cuộc chạy đua ở châu Âu nhằm tìm nguồn cung khí đốt thay thế đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Các chính phủ, công ty đa quốc gia của châu Âu đổ xô tìm kiếm các dự án đầu tư năng lượng ở những thị trường mới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: AP)

Bà Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu – cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng gấp đôi nguồn cung cấp khí đốt từ Azerbaijan cho Liên minh châu Âu. Với bản ghi nhớ đã ký, chúng tôi cam kết mở rộng Hành lang khí đốt phía Nam. Đây đã là một tuyến đường cung cấp rất quan trọng cho Liên minh châu Âu, cung cấp hiện tại hơn 8 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và chúng tôi sẽ mở rộng công suất lên 20 tỷ mét khối trong vài năm tới”.

Các nước EU cũng tiếp cận các nhà cung cấp dầu, khí đốt khác như Anh, Mỹ. Ngoài đa dạng hóa nguồn cung, EU cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh bằng việc tăng cường đầu tư vào năng lượng tái chế.

Trong khi các nước châu Âu khác đang tìm kiếm các nguồn cung mới thì Hungary tiếp tục với nhà cung cấp cũ, bất chấp các lệnh cấm vận.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (Ảnh: AP)

Ông Sergei Lavrov – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga – cho rằng: “Chính phủ Hungary hiện quan tâm đến việc mua thêm một lượng khí đốt trong năm nay. Và yêu cầu này sẽ được xem xét ngay lập tức”.

Dù đã nhìn thấy trước viễn cảnh giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga nhưng châu Âu khó tránh được tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng khi mùa đông đến gần.

Mỗi giải pháp đều kèm theo rủi ro hoặc tốn kém. Thay thế dần khí đốt của Nga bằng khí hóa lỏng nhập khẩu từ Mỹ thì phải đầu tư xây dựng kho chứa và hệ thống chuyển đổi dạng lỏng thành dạng khí trước khi đưa vào đường ống. Việc chuyển đổi cần nhiều thời gian. Thay thế khí đốt bằng các than đá, dầu mỏ… thì mức phát thải lại cao tác động đến nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Còn về kế hoạch tiết kiệm tiêu thụ khí đốt thì tiết kiệm được đến đâu còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi nước. Những nước có điện nguyên tử sẽ dễ dàng hơn các nước có tỷ trọng khí đốt cao trong chính sách năng lượng. Nếu rơi vào khan hiếm, những ngành công nghiệp không thiết yếu mà cần tới khí đốt sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

PV/nguồn AP-baonga.com