Nga có thể tận dụng việc bảo trì tuyến đường ống Nord Stream 1 để ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu, khiến cuộc khủng hoảng năng lượng tại đây trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Hiện nay, châu Âu hiện đang tập trung quan sát diễn biến nguồn cung khí đốt từ Nga sang Liên minh châu Âu
Dự kiến đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức sẽ được Nga thông báo dừng hoạt động để bảo trì thường niên từ ngày 11 – 21/7/2022. Đường ống Nord Stream 1 hiện là 1 trong ba tuyến đường ống dẫn khí đốt chính từ Nga sang châu Âu. Trong thời gian gần đây, lượng khí đốt được Nga chuyển qua tuyến đường ống này chỉ đạt 40% công suất khi Nga cho biết việc bảo dưỡng một số trạm bơm kéo dài hơn dự kiến do hãng Siemens Energy (Đức) chậm trả lại thiết bị. Việc này diễn ra đúng lúc nhiều nước châu Âu đang trong tình trạng căng thẳng nguồn cung khí đốt sau khi Nga cắt hoặc giảm mạnh lượng khí đốt cho một số quốc gia.
Hiện Nga đã ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua tuyến đường ống Yamal-Europe đi qua Ba Lan do những xung đột chính trị giữa Nga và Ba Lan. Ba Lan cũng đã ngưng mua khí đốt từ Nga. Hiện chỉ còn duy nhất tuyến đường ống TurkStream vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ còn hoạt động. Nhưng, tuyến đường ống này chủ yếu phục vụ các quốc gia châu Âu tại khu vực Đông Nam và Trung Âu.
Hãng tin CNBC (Hoa Kỳ) dẫn lời một số nhà phân tích cảnh báo khả năng Nga có thể tận dụng lý do bảo trì để ngưng cung cấp khí đốt cho Đức – nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu trong bối cảnh phương Tây ngày càng siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Trao đổi với CNBC, ông Klaus Mueller, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Liên bang Đức (Bundesnetzagentur), cho rằng Nga có thể tiếp tục siết nguồn cung khí đốt sang châu Âu sau khi kết thúc bảo trì tuyến đường ống Nord Stream 1 và không loại trừ khả năng nguồn cung khí đốt qua tuyến đường ống này sẽ bị cắt vì “lý do chính trị”.
Đồng quan điểm, hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Hoa Kỳ) nhận định Nga có thể ngưng cung cấp khí đốt qua tuyến đường ống Nord Stream 1 nhằm trả đũa châu Âu, khiến châu Âu không thể thực hiện được kế hoạch tăng cường bổ sung dự trữ khí đốt cho mùa Đông tới đây. Nguồn cung khí đốt từ Nga đáp ứng tới 40% tổng nhu cầu sử dụng khí đốt của châu Âu.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy lượng khí đốt được dự trữ trong các kho chứa ngầm của Liên minh châu Âu tính đến tháng 6 mới chỉ đạt 58,18% năng lực dự trữ, thấp hơn gần 2% so với mức trung bình 5 năm trở lại đây. Châu Âu đặt mục tiêu nâng mức dự trữ khí đốt lên mức 80% vào trước tháng 11 năm nay nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng trong mùa Đông. Các dữ liệu và tình hình hiện tại khiến nhiều chuyên gia cảnh báo châu Âu đang đối mặt với rủi ro khủng hoảng năng lượng lớn hơn bao giờ hết.
Theo ông Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group, một mối lo lớn của các nhà hoạch định chính sách châu Âu là họ “hầu như không biết điều gì sẽ xảy ra” bởi vì hầu hết các liên lạc với tập đoàn năng lượng quốc doanh Nga Gazprom – đơn vị chủ quản của tuyến đường ống Nord Stream 1 đã bị cắt đứt.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Commodity Insights (Anh) cho thấy giá khí đốt kỳ hạn trên sàn giao dịch TTF (Hà Lan) đạt trung bình 99 EUR/MWh trong nửa đầu năm nay. Con số này cao gần gấp 5 lần so với mức trung bình 22 EUR/MWh trong nửa đầu năm 2021.
Cuối tháng trước, Đức đã chuyển sang mức cảnh báo cấp độ hai trong kế hoạch ứng phó khẩn cấp của mình đối với rủi ro đứt gãy nguồn cung khí đốt. Nếu nguồn cung khí đốt qua tuyến đường ống Nord Stream 1 bị cắt đứt thì Đức sẽ phải chuyển sang cấp độ ba trong kế hoạch khẩn cấp; đồng nghĩa với việc nước này buộc cắt giảm nguồn cung khí đốt cho hoạt động công nghiệp để ưu tiên cho các người dân và dịch vụ thiết yếu như trường học, bệnh viện. việc này hướng đến suy thoái kinh tế châu Âu khi nền công nghiệp giảm hoạt động.
Theo ông Henning Gloystein, Đức đã trở thành “điểm nóng” của toàn châu Âu. “Đức là quốc gia có dân số lớn nhất và cũng là nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Đây cũng là nước tiêu thụ nhiều khí đốt nhất và là khách hàng nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga. Vì vậy, những điều xảy ra với Đức sẽ lây lan sang toàn châu Âu”, ông Gloystein phân tích.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đánh giá rủi ro Nga ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 từ nay cho đến cuối năm tương đối thấp vì Nga cũng cần duy trì ít nhất một nguồn cung khí đốt cho châu Âu để Nga được hưởng lợi từ việc giá năng lượng ở mức cao kỷ lục. Ngoài ra, Nga cần giữ một công cụ để trả đũa nếu như châu Âu quyết định áp giá trần đối với các mặt hàng năng lượng của Nga.
Hậu quả của việc Mỹ và châu Âu cấm vận Nga khiến kinh tế châu Âu suy thoái và chính trị bất ổn định.
The Cuong – Minh Trung