Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kim bảo ngọc tỷ của triều Nguyễn

ĐNA -

Theo các tài liệu lịch sử, trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho làm hơn 100 chiếc ấn báu; thường đúc bằng vàng, bạc thì gọi là kim bảo, chế tác từ ngọc quý, thì gọi là ngọc tỷ, nhưng về sau không phân biệt rõ. Trải qua bao sóng gió, dâu bể mà đến nay tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam vẫn còn giữ được 85 chiếc, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có 8 chiếc. Đó đã là một sự kỳ diệu của lịch sử. Nhân ngày quốc tế bảo tàng (18/5), Tạp chí Đông Nam Á xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Phan Thanh Hải về những chiếc kim bảo, ngọc tỷ đặc biệt này.

Ông Nguyễn Thế Hồng và TS Phan Thanh Hải (tác giả) với chiếc kim bảo lớn nhất và quan trọng nhất của triều Nguyễn: Ấn vàng Hoàng Đế Chi Bảo, nặng 10,78kg.

Kim bảo ngọc tỷ của triều Nguyễn
Vậy là những báu vật vô giá của triều Nguyễn tưởng như đã lưu lạc ở cõi trời nào, giờ lại bất ngờ hiện diện trong một ấn phẩm mới xuất bản của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Đó thật sự là báu vật của những báu vật- những kim bảo, ngọc tỷ của Hoàng đế, Hoàng thái hậu, Hoàng hậu, Hoàng thái tử. Một sưu tập vô cùng phong phú với 85 chiếc ấn với đủ kiểu dáng, được chế tác bằng các loại chất liệu quý hiếm nhất: ngọc, vàng, bạc, ngà voi và cả bằng thiên thạch.

Điều đáng nói là 85 chiếc ấn này chỉ làm một phần trong bộ sưu tập báu vật vô giá của triều Nguyễn gồm hơn 2.500 món mà tháng 8/1945 đã được đưa ra Hà Nội trao cho chính quyền cách mạng, và đến nay, vẫn còn được bảo quản gần như nguyên vẹn trong kho đặc biệt của Bảo tàng Lịch sử quốc gia!

Ấn vàng Hoàng Đế Chi Bảo.

Trong thời quân chủ, kim bảo, ngọc tỷ là biểu tượng của quyền lực tuyệt đối của kẻ đứng đầu thiên hạ, bởi vậy chúng không chỉ được làm bằng những loại chất liệu quý hiếm nhất mà còn là kết tinh của tài năng, trí tuệ của những người thợ tài hoa nhất trong nước.

Các triều đại độc lập của Việt Nam, từ Đinh, Lý, Trần, Hồ, Lê đến Nguyễn, triều đại nào cũng có kim bảo ngọc tỷ, nhưng chỉ có triều Nguyễn mới có một hệ thống bảo, tỷ phong phú đến vậy. Và những báu vật thuộc dạng này mà chúng ta còn giữ được, hầu hết cũng là của triều Nguyễn.

Hai bảo vật quốc gia Việt Nam: Kim bảo (ấn vàng) Sắc Mệnh Chi Bảo và Ngọc tỷ (ấn ngọc) Đại Nam Thụ Thiên Vĩnh Mệnh Truyền Quốc Tỷ.

Theo các tài liệu lịch sử, trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho làm hơn 100 chiếc ấn báu; thường đúc bằng vàng, bạc thì gọi là kim bảo, chế tác từ ngọc quý, thì gọi là ngọc tỷ, nhưng về sau không phân biệt rõ. Trải qua bao sóng gió, dâu bể mà đến nay tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam vẫn còn giữ được 85 chiếc, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có 8 chiếc. Đó đã là một sự kỳ diệu của lịch sử!

Trong 93 chiếc kim bảo, ngọc tỷ của họ Nguyễn, thời các chúa có 2 chiếc, đều đúc vào năm 1709, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu; thời Gia Long (1802-1820) có 12 chiếc, thời Minh Mạng (1820-1841) có đến 15 chiếc; thời Thiệu Trị (1841-1847) có 10 chiếc; thời Tự Đức (1848-1883) cũng có 15 chiếc, thời Kiến Phúc (1884) và Hàm Nghi (1885) đều chỉ có một chiếc; thời Đồng Khánh (1885-1888) có 5 chiếc; thời Thành Thái (1889-1907) có 10 chiếc; thời Khải Định (1916-1924) có 12 chiếc; và thời Bảo Đại (1925-1945) có 8 chiếc.

Như vậy, trong 13 vị vua triều Nguyễn có 3 đời vua là Dục Đức, Hiệp Hòa và Duy Tân là không có bảo tỷ riêng.

Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo và Mặt ấn.

Về cấu trúc và kiểu dáng, các bảo tỷ nói chung bao gồm 2 phần: thân ấn và quai ấn. Thân ấn trong giai đoạn sớm chủ yếu có hình khối vuông; từ thời Minh Mạng trở đi bắt đầu có ấn hình tròn, từ thời Đồng Khánh có thêm hình bát giác, hình ê-líp. Quai ấn thời chúa Nguyễn đúc hình kỳ lân, thời Nguyễn thì chủ yếu là hình rồng và các biến thể (ở đẳng cấp thấp hơn) của rồng với các kiểu dáng rất phong phú, ngoài ra cũng có loại hình kỳ lân (dành cho Thái tử), hình linh quy (dành cho Thái hậu), hình trụ xoắn…Điều thú vị là ta có thể thấy rõ sự thay đổi về phong cách của hình tượng linh vật Rồng qua các giai đoạn khác nhau của thời Nguyễn.

Quốc gia tín bảo và mặt ấn.

Chữ khắc trên mặt ấn đều là chữ Hán khắc nổi kiểu chữ triện, nhưng cũng có một số ấn khắc kiểu chữ chân. Đặc biệt hơn là có cả ấn khắc kết hợp cả chữ Hán và chữ Pháp, đó là chiếc Triều đình lập tín thời vua Đồng Khánh đã kể và chiếc Khải Định Đại Nam Hoàng đế. Vòng quanh thân ấn, hay trên lưng ấn đôi khi cũng khắc chữ (đều là kiểu chữ chân) cho biết thời gian đúc, chất liệu (có khi cả tuổi của vàng dùng đúc ấn) và trọng lượng ấn. Trong các kim bảo của triều Nguyễn, chiếc Hoàng đế chi bảo là có trọng lượng lớn nhất, đến hơn 282 lạng (gần 10,78kg), chiếc Sắc mệnh chi bảo tuy trọng lượng bé hơn (hơn 223 lạng) nhưng mặt ấn lại lớn nhất (14 cm x 14cm). Các ngọc tỷ thì mặt ấn lớn nhất cũng không quá 10,5cm x 10,5cm.

Sắc mệnh chi bảo (mặt ấn 14cm x 14cm).

Kim bảo, ngọc tỷ đều có chức năng riêng. Chiếc Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo có từ thời các chúa được dùng như báu vật lưu truyền của họ Nguyễn; chiếc Phong Tặng chi bảo và Sắc mệnh chi bảo dùng đóng các bản sắc, cáo phong tặng quan lại văn võ, thần kỳ trong nước; chiếc Khâm văn chi tỷ chỉ đóng trên các văn kiện về văn hóa như cầu hiền tài, mở khoa thi, làm sách; chiếc Trị lịch minh thời chi bảo chỉ dùng đóng trên các bản lịch, bản chính sóc ban hành hằng năm; chiếc kim bảo số một của vương triều là Hoàng đế chi bảo chỉ đóng trên các văn kiện đối nội, văn bản ngoại giao quan trọng nhất; chiếc ngọc tỷ Hoàng đế chi tỷ chỉ dùng đóng trong các dịp đại xá thiên hạ, cải niên hiệu… Ngoài các kim bảo ngọc tỷ dùng trong chính sự cũng có loại dùng để tấn tôn tước hiệu (thường kèm với kim sách), để thờ cúng (đối với hoàng đế đã băng hà), hay chỉ để đóng trên thi phú, tranh họa sáng tác khi nhàn rỗi, như Tự Đức thần hàn, Khải Định thần hàn… Khác biệt hơn cả là chiếc Triều đình lập tín do người Pháp đúc tặng vua Đồng Khánh năm 1887, dùng để đóng trên các văn bản trao đổi giữa hai nước. Trên mặt ấn có khắc cả dòng chữ “Le Governement de la Republique Francaise A S. Dong Khanh Roi D’ Annam” (Chính phủ Pháp tặng ngài Đồng Khánh, vua nước An Nam).

Hoàng đế chi bảo nhìn từ 3 góc khác nhau. Trao trả lại kim bảo và kiếm cho Bảo Đại tại Hà Nội ngày 8/3/1952 .

Xung quanh các kim bảo, ngọc tỷ của vương triều Nguyễn có rất nhiều huyền thoại. Chiếc Đại Việt quốc chúa vĩnh trấn chi ấn từng bị lưu lạc bao lần vẫn về tay chủ cũ; chiếc Phong cương vạn cổ do người dân tình cờ gặp được và dâng lên cho vua Minh Mạng; chiếc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ vốn được mài dũa từ một khối ngọc quý cực lớn tìm thấy ở vùng Hoà Điền, Quảng Nam. Nhưng đặc biệt nhất và cũng đáng tiếc nhất là chiếc Hoàng đế chi bảo từng được Hoàng đế Bảo Đại trao cho chính quyền nhân dân ngày 30/8/1945 khi ông thoái vị, về sau lại rơi vào tay người Pháp. Chính quyền thực dân đã trao lại cho “Quốc trưởng Bảo Đại” vào ngày mùng 8 tháng 3 năm 1952 tại Hà Nội, sau đó đã được gia đình này mang sang Pháp, gửi tại Ngân hàng Châu Âu. Đến năm 2023, chiếc kim bảo này bỗng lộ diện. Nhờ nỗ lực rất lớn của cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Thế Hồng, giám đốc bảo tàng tư nhân Nam Hồng ở Bắc Ninh đã thành công thương lượng để mua lại chiếc ấn báu này và đã đưa về nước thành công.

Kim bảo Nhật Nguyệt và mặt ấn.

Kim bảo, ngọc tỷ là những báu vật của quốc gia. Sau một thời gian dài được bảo quản trong chế độ tuyệt mật đến nay đã được giới thiệu với công chúng qua tập sách “Kim ngọc bảo tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn Việt Nam”, xuất bản cuối năm 2009.  Sách in trang trọng với những hình ảnh rất đẹp.

Năm 2010, trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, lần đầu tiên một số chiếc ấn báu đã được lựa chọn để đem ra trưng bày, giới thiệu với toàn thể công chúng.

Sau đó, trong các năm 2012-2018, Trung tâm Bảo tồn Cố đô Huế đã có một số lần mượn các báu vật triều Nguyễn trong bộ sưu tập hơn 2500 món hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (điện Long An), tiêu biểu như kim bảo Hoàng đế tôn thân chi bảo (năm 233 lượng, tức gần 9kg vàng ròng), kim sách khắc bài Đế hệ thi (nặng 4,7kg vàng), Kim bảo Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo; Sắc Mệnh Chi Bảo (nặng 200 lượng); các bảo tỷ truyền quốc bằng ngọc; các mũ miện của hoàng đế triều Nguyễn, các đồ ngự dụng bằng ngọc ngà, sứ cao cấp được chế tác vô cùng tinh xảo…

TS.Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.