Chiều ngày 30/8/2024, tại số 50 Đào Duy Từ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Ban quản lý phố Cổ Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên Huế và câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức Hội thảo khoa học “bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống: kinh nghiệm của cộng đồng và nhà quản lý”.
Tham dự hội thảo có PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; TS. Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; GS.TS Từ Thị Loan, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; TS. Vũ Minh Hương, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia; TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm, bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý phố cổ Hà Nội, ông Trần Mạnh Hà, Trưởng ban Châu Á của UNESCO cùng nhiều học giả, chuyên gia, nghệ nhân và nhiều thành viên của Câu lạc bộ Đình làng Việt đến từ khắp ba miền đất nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản ký và các đại biểu đã thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề xung quanh kinh nghiệm của cộng đồng và nhà quản lý về việc bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong bối cảnh xã hội đương đại.
Tạp chí Đông Nam Á đăng tải tham luận của TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kinh nghiệm lan tỏa áo dài ngũ thân nhìn từ góc độ quản lý nhà nước
Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hóa di sản lớn của đất nước, nơi đây được mệnh danh là cái nôi khai sinh ra chiếc áo dài ngũ thân, một loại trang phục từng được quy định là quốc phục của người Việt Nam trong hàng trăm năm dưới triều Nguyễn (1802-1945). Ngoài ra, Cố đô Huế còn được xem là địa phương nổi tiếng với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ngày 9/8/2024 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL ghi danh “Tri thức may, mặc áo dài Huế” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong suốt gần 4 năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề án “Huế – Kinh đô áo dài”. Với quyết tâm và phương pháp triển khai một cách bài bản, đề án đã đạt được những thành công lớn, góp phần khai thác các thế mạnh về văn hóa, con người Huế; phát triển ngành công nghiệp văn hóa và thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương. Từ góc độ quản lý nhà nước, là người chủ trì đề án “Huế – Kinh đô áo dài”, tác giả tham luận muốn chia sẻ một số bài học kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy và lan tỏa áo dài ngũ thân trong bối cảnh xã hội đương đại.
Đề án “Huế – Kinh đô áo dài”: Mục tiêu, nội dung và một số kết quả đạt được
Năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Chiếc áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Năm 1802 vua Gia Long đã có ý định phải thay đổi phục trang trên toàn đất nước nhưng không thực hiện được. Từ năm 1826 đến năm 1837, chính vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước; từ đó, chiếc áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Vùng đất xứ Huế, nơi chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ nghi, hội hè và cả trong đời thường ở vùng đất Cố đô. Đó còn là nguồn cảm hứng bất tận đi vào thơ, ca, nhạc, họa, trở thành biểu tượng của người phụ nữ Huế. Nhắc đến Huế, người ta nghĩ ngay đến vùng đất Kinh kỳ gắn liền với nhiều hoạt động lễ hội đa dạng, cùng với hình ảnh những tà áo dài truyền thống, đậm đà, duyên dáng. Rời khỏi nhà, phụ nữ Huế đều mặc áo dài. Bước chân vào cuộc sống, dẫu cho đó là đi học, đi chơi, đi chợ, chèo đò trên sông Hương, hay gánh gồng bán hàng, phụ nữ Huế cũng mặc áo dài. Ngày nay, tuy không giữ nguyên nếp cũ, nhưng tỷ lệ áo dài của phụ nữ Huế khi ra đường vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất của cả nước. Đàn ông Huế cũng thường sử dụng áo dài trong các hoạt động long trọng của mình như lễ cưới hỏi, giỗ chạp, cúng tế đình miếu, du xuân dịp tết… Mặc áo dài tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong, người phụ nữ duyên dáng, đoan trang. Áo dài tô thêm dáng vẻ trầm mặc của Huế. Người Huế lung linh hơn khi mặc áo dài. Và nhờ những người Huế, chiếc áo dài trở nên lộng lẫy hơn bao giờ.
Các đại biểu tham luận sôi nổi tại Hội thảo: PGS.TS Bùi Xuân Đính và Nhà văn Lê Xuân Khoa
Ngày 29/03/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 678/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Huế – Kinh đô Áo dài”. Đây chính là cơ sở pháp lý để Sở Văn hóa và Thể thao triển khai đồng bộ và đẩy mạnh công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống tại Cố đô Huế. Việc xây dựng đề án nhằm khẳng định giá trị, vị trí của áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa Huế nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Tôn vinh nét đẹp văn hóa của áo dài Huế, tôn vinh những người đã khai sáng và phát triển áo dài trong lịch sử và phát triển. Đồng thời, hướng đến việc khai thác, phát huy vị thế áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ phù hợp, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đề án, mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh Áo dài Huế qua các thời kỳ. Cũng trong thời gian tới, sẽ tổ chức định kỳ “Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế” trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là dịp Festival Huế. Xây dựng bộ truyền thông về Áo dài; tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế- Kinh đô Áo dài”; hình thành một sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế. Đến năm 2030, sẽ hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo Áo dài phục vụ khách du lịch. Ban hành tối thiểu một chính sách hỗ trợ phát triển Áo dài Huế…
Các đại biểu tham luận sôi nổi tại Hội thảo: Nghệ nhân áo dài Năm Tuyền và Ths Nguyễn Đức Bình
Để các chương trình, kế hoạch của đề án được triển khai đồng bộ, đúng kế hoạch và hiệu quả, UBND tỉnh cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực như tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu Áo dài Huế, mở rộng nghiên cứu đề xuất các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua việc sử dụng áo dài thường xuyên trong các hoạt động đối ngoại; nghiên cứu việc đa dạng hóa chất liệu, màu sắc, kiểu cách để bắt nhịp thị hiếu thời trang, phù hợp với cuộc sống đương đại để áo dài ngày càng phổ biến, được yêu thích nhưng vẫn luôn giữ được giá trị văn hóa truyền thống; nghiên cứu các giá trị liên quan đến áo dài nam nhằm tôn vinh, quảng bá đúng với nội hàm văn hóa lịch sử từng có, góp phần hồi sinh quốc phục Việt. Xây dựng thí điểm khu phố may đo áo dài để thu hút du khách khi đến Huế tham quan và mua sắm, đề xuất không gian Bảo tàng văn hóa Áo dài, tạo tính chuyên nghiệp và phát triển thị trường. Nghiên cứu các chế định, cách thức sử dụng trang phục áo dài trong một số nghi lễ tín ngưỡng- tôn giáo phổ biến tại Huế. Hình thành các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế…
Đề án “Huế – Kinh đô Áo dài” được UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt vào tháng 3/2023, tuy nhiên ngay từ thời điểm tháng 8/2021, khi đề cương của đề án này vừa được phê duyệt, Sở Văn hóa và Thể thao đã bắt tay vào việc triển khai các nội dung liên quan. Từ năm 2020, Sở Văn hoá và Thể thao đã tiên phong phát động mặc áo dài cho toàn thể cán bộ trong các lễ chào cờ đầu tháng và dịp lễ hội, lễ Tết, các sự kiện văn hóa truyền thống. Đây cũng là cơ quan đầu tiên trên cả nước đưa áo dài vào công sở.
Ông Phan Ngọc Thọ từ khi còn ở cương vị Chủ tịch UBND tỉnh (nhiệm kỳ 2016-2021) vẫn là tấm gương truyền cảm hứng cho người dân cũng như toàn thể lãnh đạo tỉnh, khi tiên phong thực hành mặc áo dài tham dự hội thảo khoa học, các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống, đọc thư chúc mừng năm mới, tham dự lễ tuyên dương học sinh danh dự, tiếp đón đại sứ các nước Australia, Đức.
Các đại biểu tham luận sôi nổi tại Hội thảo: GS.TS Từ Thị Loan và Bà Stella Ciorra, Chủ tịch Hội những người bạn của di sản Việt Nam.
Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra việc tổ chức định kỳ mỗi năm hai lần Ngày hội áo dài. Đây là sự kiện quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế và nhận được sự tham gia đông đảo của nhân dân. Các điểm trưng bày, trình diễn áo dài, cơ sở may đo áo dài phục vụ nhu cầu của khách du lịch cũng được xây dựng. Cùng với đó, đội ngũ nghệ nhân, thợ may đo thiết kế áo dài được đào tạo, bồi dưỡng, phát triển một cách thường xuyên. Hội LHPN các cấp tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tập trung xây dựng hình ảnh, thương hiệu phụ nữ Huế gắn với áo dài Huế với việc thành lập và ra mắt mô hình áo dài “Phụ nữ Thừa Thiên Huế – đồng hành cùng sắc tím”. Khối du lịch, dịch vụ, quản lý di tích và các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Sở Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Hiệp hội Du lịch, Hội May mặc, Hội Áo dài Huế đã đồng hành để áo dài Huế nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ. Trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 tại Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đãphối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hoạt động giới thiệu, quảng bá thương hiệu “Huế – Kinh đô áo dài” bằng việc thực hiện 2 chương trình “Lễ hội Áo dài & Điện ảnh” và “Người Huế & Áo dài” gồm những bộ sưu tập độc đáo về áo dài ngũ thân, áo dài tân thời lấy cảm hứng từ các diễn viên, bộ phim, bối cảnh Huế và điện ảnh Việt Nam.
Sau khi phổ biến áo dài nữ ở chốn học đường khối trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang thử nghiệm đưa áo dài nam vào các hoạt động quan trọng của ngành. Tại lễ tôn vinh học sinh danh dự trong năm học 2019-2020, 2021-2022, 2022-2023 hàng trăm thầy cô giáo và các em học sinh đã mặc áo dài truyền thống, tạo nên bầu không khí vừa trang nghiêm, vừa giàu bản sắc văn hóa. Các Trường THCS Chu Văn An, Trường Tiểu học Quang Trung… đã tổ chức thi vẽ, thiết kế, trình diễn thời trang về áo dài. Ngoài ra, với nỗ lực lan tỏa tình yêu áo dài trong giới trẻ một cách thiết thực, Hội May mặc Huế đã tài trợ áo dài ngũ thân cho học sinh của 03 lớp học bậc Trung học phổ thông của 03 trường: Trường THPT thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Trường THPT Nguyễn Huệ, Trường THPT Gia Hội. Các em học sinh sẽ mặc áo dài ngũ thân không chỉ trong các nghi lễ của nhà trường mà còn mặc nhiều ngày trong tuần (2-3 ngày/ tuần, tùy theo quy định từng trường).
Thông qua các kỳ Festival Huế, Áo dài đã góp phần tạo nên một nét đặc trưng của văn hóa Huế nói riêng cũng như là một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt nói chung. Áo dài gắn bó và tôn vinh vẻ đẹp trang phục trong các kỳ Festival Huế đã trở thành một đặc trưng, thương hiệu không thay thế tại Festival Huế. Và từ Festival Huế, Áo dài Huế cũng lan tỏa giá trị đến nhiều lễ hội và chương trình nghệ thuật ở nhiều quốc gia. Áo dài đẹp hơn, được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn nhờ có Festival Huế.
Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với UBND thành phố Huế đăng ký bảo hộ thành công Chứng nhận nhãn hiệu “Huế – Kinh đô Áo dài”. Đồng thời xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Huế – Kinh Đô Áo dài” cho các sản phẩm áo dài tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Mục đích Quy chế nhằm tập hợp các tổ chức, cá nhân thiết kế, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm áo dài trên địa bàn tỉnh để cùng xây dựng nhãn hiệu tập theer “Huế – Kinh đô Áo dài” trở thành một nhãn hiệu có uy tín trên thị trường góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các tổ chức, cá nhân thiết kế, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm áo dài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuần lễ Áo dài Cộng đồng Huế được tổ chức hàng năm đã thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nghệ nhân, thợ may áo dài truyền thống Huế, ngày càng lan tỏa tình yêu đối với trang phục áo dài trong đời sống cộng đồng. Ngoài ra, nhiều cơ sở may và cho thuê áo dài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được hình thành để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Tại các điểm du lịch, không khó bắt gặp hình ảnh du khách mang tấc, nhật bình, áo dài ngũ thân tham quan di sản Huế.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang thúc phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Áo dài thực sự là một ngành nghề thủ công đặc biệt để tạo nên những sản phẩm ấn tượng. Chỉ lấy khiêm tốn con số khoảng 10% du khách đến Huế, mỗi người may một bộ áo dài thì Huế đã bán đươc 490.000 bộ áo dài. Chỉ tính trung bình mỗi bộ áo dài giá 1 triệu đồng thì đã có doanh thu 490 tỉ đồng. Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2030 sẽ đón 7 triệu lượt khách. Nếu nhân với các con số khiêm tốn tương tự thì sẽ có doanh thu trung bình mỗi năm là 700 tỉ đồng từ công nghiệp áo dài, còn nếu xây dựng thành công thương hiệu “Huế – Kinh đô áo dài” để 30-40% du khách đến Huế may áo dài thì doanh thu từ sản phẩm này có thể đạt từ 2.100 -2.800 tỷ đồng. Đó là chưa kể rất nhiều các loại phụ kiện, trang sức kèm theo chiếc áo dài. Ngoài ra, công nghiệp văn hóa áo dài còn mở ra nhiều khía cạnh khác như sản phẩm lưu niệm, đồ chơi, phụ kiện, điện ảnh, mỹ thuật… Đây chính là hướng phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế.
Bài học kinh nghiệm lan tỏa áo dài ngũ thân từ góc độ quản lý nhà nước
Từ thực tế công tác bảo tồn và phát huy giá trị áo dài Huế một cách có hiệu quả trong thời gian qua, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm và bài học từ góc độ quản lý nhà nước sau đây:
Thứ nhất, các đề án, dự án liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị áo dài cần đặt ra những mục đích phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, nhìn rộng hơn là phù hợp với mục tiêu phát triển văn hóa của quốc gia, dân tộc. Đồng thời, phương pháp triển khai các dự án, đề án phải phù hợp, thiết thực để đi vào cuộc sống của người dân và phải kiên trì thực hiện mục tiêu đã đề ra dù có nhiều khó khăn, thách thức phía trước.
Thứ hai, chú trọng công tác vận động, tranh thủ được sự ủng hộ của các vị lãnh đạo chủ chốt tại địa phương và một số ngành, đơn vị có nhiệm vụ, quyền lợi gắn bó với mục tiêu của đề án như ngành du lịch dịch vụ, cơ quan bảo tồn di sản văn hóa, ngành giáo dục… Cần phải tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng, nhất là giới trẻ, các cá nhân có uy tín, các tổ chức xã hội dân sự, hợp tác, khuyến khích, động viên họ cùng tham gia, phối hợp để họ trở thành một lực lượng quan trọng triển khai có hiệu qủa đề án. Ngoài ra cũng cần tranh thủ sự ủng hộ và quảng bá của các cơ quan truyền thông và cả các hệ thống mạng xã hội. Từ đó tạo cơ sở vững chắc để huy động tối đa các nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực nhà nước nhằm triển khai, thực hiện đề án (ví dụ cụ thể từ kinh phí dự tính để triển khai đề án Huế – Kinh đô áo dài, nguồn xã hội hóa chiếm hơn 90%).
Thứ ba, có một thực trạng đang diễn ra ở Huế cũng như một số địa phương trong cả nước, đó là việc quảng bá, kinh doanh về áo dài hiện nay khá nhiều, có những tiệm may danh tiếng được phục hồi, những show diễn áo dài, những công ty chuyên nghiệp về may cắt áo dài và bán sản phẩm… nhưng dường như vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm. Như vậy là rất khó để xây dựng được thương hiệu áo dài và thương mại hóa trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Do đó, cần có sự phối hợp giữa chính quyền và các nhà sản xuất áo dài để xây dựng và thống nhất việc quảng bá mang tính chiến lược và bền vững.
Thứ tư, cần có sự liên kết, xây dựng mạng lưới giữa những nghệ nhân, nhà thiết kế áo dài trong cả nước, lấy Huế làm trung tâm để có được những giá trị chung và riêng ưu việt nhất về áo dài. Mặt khác không chỉ liên kết mà còn cần đào tạo những người thợ may, nhà thiết kế, người may áo dài chuyên nghiệp, hiểu rõ giá trị của chiếc áo dài và gắn kết, am tường công việc thiết kế-cắt may. Khi có được sự phối hợp tư tưởng, nghệ thuật của nhà thiết kế với sự điêu luyện kỹ năng cắt may của người thợ giỏi thì có khả năng cao trong tạo lập các giá trị thẩm mỹ mới, góp phần nâng tầm áo dài lên một tầm cao hơn. Một mặt coi trọng những sắc màu truyền thống của áo dài, mặt khác cũng nên đa dạng trong chất liệu và màu sắc để hòa hợp tích cực hơn với thị hiếu thời đại và dân tộc. Vì vậy, chính quyền địa phương cần ban hành những chính sách, dự án nhằm khuyến khích việc nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp và tôn vinh những người thợ may tài hoa và các nhà thiết kế sáng tạo vì áo dài Việt Nam.
Thứ năm, cần nghiên cứu soạn thảo, ban hành các chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng và đề nghị phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản áo dài. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân lão thành truyền dạy những kỹ năng, bí quyết về nghề may áo dài trong các gia đình, dòng họ, nhà trường, câu lạc bộ… nhằm bảo vệ, gìn giữ giá trị di sản cho muôn đời sau.
Có thể nói, trong quá trình thực hiện đề án “Huế – Kinh đô áo dài” chúng tôi luôn xác định di sản phải thuộc về cộng đồng, phải do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị thì di sản ấy mới được bảo vệ bền vững và phát huy giá trị một cách tốt nhất. Áo dài là một di sản đặc biệt của dân tộc Việt Nam, nó vốn thuộc về cộng đồng và được cộng đồng trân quý, gìn giữ qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước quan trọng nhất của chúng tôi là làm “sống lại” áo dài và đưa di sản áo dài thực sự trở lại với đời sống cộng đồng xã hội đương đại, khuyến khích người dân tham gia vào việc bảo vệ, quảng bá, tôn vinh và phát huy giá trị di sản quý giá này. Đó là một bài học thiết thực, sâu sắc và hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay.
TS. Phan Thanh Hải