Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kinh tế, xã hội thành phố Đà Nẵng phục hồi tích cực, bắt nhịp đà tăng trưởng

ĐNA -

Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, với sự chủ động quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2022, kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng đã phục hồi tích cực và có xu hướng tăng trưởng qua từng quý, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng khá cao so với cùng kỳ, một số chỉ tiêu đã tăng so với thời điểm trước khi có dịch (năm 2019). Tình hình sản xuất kinh doanh từng bước được cải thiện rõ rệt, vốn đầu tư thực hiện khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng khả quan.

Tăng trưởng quý III/2022 của thành phố Đà Nẵng đạt 39,2%, 9 tháng đầu năm 2022 đạt gần 17%, xếp vị trí thứ tư của cả nước (sau Sau Bắc Giang, Khánh Hoà và Cần Thơ).

Công tác phòng chống dịch Covid-19, tiêm vắc xin, điều trị bệnh nhân tiếp tục được chú trọng. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được quan tâm; nhiều sự kiện quan trọng, ý nghĩa được tổ chức. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của các tầng lớp nhân dân và trật tự an toàn xã hội được ổn định.

Khánh thành cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý – Đà Nẵng. Ảnh trong bài: Trung Đức/Asean News

Tăng thu hút đầu tư trong và ngoài nước; các ngành kinh tế đều có dấu hiệu phục hồi
Tính từ đầu năm đến 15/9/2022, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 21 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 8.704 tỷ đồng, tăng 6 dự án và tăng 266,9% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, có 8 dự án nằm ngoài KCN, Khu Công nghệ cao (tổng vốn đăng ký 5.245 tỷ đồng), và 13 dự án trong KCN, trong Khu Công nghệ cao (với tổng vốn 3.460 tỷ đồng). Tính riêng tháng 9/2022 (tính từ 16/8/2022-15/9/2022) có 1 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký là 1.600 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ tính từ 16/8 đến 15/9/2022, có 7 dự án FDI được cấp mới, với vốn đăng ký 0,558 triệu USD; 6 dự án điều chỉnh vốn, phần vốn tăng thêm 21,219 triệu USD; 2 lượt góp vốn mua cổ phần với giá trị vốn góp 0,058 triệu USD.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/9/2022, thành phố thu hút 129,129 triệu USD, bằng 79,4% cùng kỳ, trong đó: dự án cấp mới là 35 dự án (tổng vốn đầu tư đăng ký: 68,226 triệu USD, đạt 45,7% so với cùng kỳ năm 2021, cùng kỳ năm 2021: 29 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký: 149,135 triệu USD).

Có 25 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, trong đó, 22 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm: 24,582 triệu USD, tăng 145,1% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 có 15 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm 10,3 triệu USD); 3 dự án điều chỉnh giảm vốn với tổng vốn đầu tư 20,493 triệu USD.

Cũng trong 9 tháng năm 2022, hầu hết các ngành kinh tế đều có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng tích cực, một số ngành có tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư khá cao so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể như: hoạt động thông tin và truyền thông đạt 152,5 tỷ đồng, tăng 210,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 3.288,4 tỷ đồng, tăng 76,3%; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí ước đạt 124,4 tỷ đồng, tăng 54,0%; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản ước đạt 5.434,5 tỷ đồng, tăng 35,9% ; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 5.647,3 tỷ đồng, tăng 20,2%.

Sức mua tăng trở lại, tạo điều kiện cho nhà sản xuất lẫn các kênh phân phối; sản phẩm OCOP tìm lại được thị trường tiêu thụ ổn định.

Đặc biệt, được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Trong đó, chuyển đổi số là động lực để giải quyết các “điểm nghẽn”, tạo sự đột phá trong phát triển thành phố, hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, đáng sống… hoạt động ngành công nghệ thông tin trong những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới. Sự gia tăng này không chỉ đến từ các dự án đầu tư công trong lĩnh vực công nghệ thông tin do thành phố cấp vốn, mà còn từ đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành như công ty Cổ phần D-Soft, công ty TNHH Ubisoft Việt Nam, công ty TNHH Evizi Việt Nam…

Trong lĩnh vực công nghiệp, tình hình sản xuất từng bước khắc phục và nối lại được các chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với sản lượng sản phẩm và số lượng đơn hàng mới đều gia tăng. Các doanh nghiệp đều nỗ lực tiếp cận vốn và sử dụng vào đầu tư tài sản, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Một số đơn vị có giá trị đầu tư cao trong ngành như CTCP Danapha, CTCP Cao su Đà Nẵng, Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, Công ty Fujikura Automotive Việt Nam…

Bên cạnh sự khởi sắc của hầu hết các ngành kinh tế, thị trường bất động sản cũng tăng trưởng không kém. Sau đại dịch, bất động sản Đà Nẵng đang có nhiều bước chuyển mình tích cực, từng bước thu hút dòng vốn đầu tư quay lại khu vực này.

Với mục tiêu phát triển thông minh và bền vững, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, thành phố còn chú trọng tạo đà bứt phá cho phân khúc bất động sản nhà ở, căn hộ thuộc các khu đô thị hoàn chỉnh và tiện ích.

Một số dự án lớn tạo nguồn cung cho thị trường này như dự án Tổ hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ Marriot và nhà ở của CTCP Địa ốc Foodinco; dự án Tổ hợp khách sạn Condo 1 và Condo 2 của CTCP Khách sạn và Du lịch Thiên Thai, dự án Khu đô thị Xanh Dragon City Park của CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng…

Cục Thống kê thành phố cũng cho rằng: Thêm một “thành quả đáng ghi nhận” của chính quyền thành phố trong công tác lãnh đạo, điều hành toàn diện nhằm vực dậy tiềm lực nền kinh tế sau thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19”, là sự tăng trưởng trong doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Ước tính 9 tháng năm 2022. doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác đạt 17.158,6 tỷ đồng, tăng 141,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số dịch vụ có mức tăng khá cao phải kể đến như: dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 134,9%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 134,7%; hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác (làm đẹp, mát xa, spa..) tăng 121,1%. Đặc biệt, dịch vụ kinh doanh bất động sản tính cho tiêu dùng đạt mức tăng khá ấn tượng (+160,5%).

Bên cạnh đó, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 32,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 20,5%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 41,6% so với cùng kỳ. Là nhóm ngành giữ vai trò chi phối, tỷ trọng giá trị tăng thêm (VA) luôn chiếm trên 90% tổng VA toàn ngành công nghiệp, trong đó một số ngành có mức tăng vượt trội trong quý, đóng góp tích cực vào mức tăng IIP chung toàn ngành như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (+89,3%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+98,3%); sản xuất đồ uống (+78,6%); sản xuất kim loại (+39,0%)…

Sân bay quốc tế Đà Nẵng nhộn nhịp hành khách.

Du lịch, tăng trưởng đáng mừng, nhưng còn đó những nỗi lo …
Hoạt động du lịch Với mục tiêu phục hồi các hoạt động du lịch, thu hút khách trở lại, ngành du lịch thành phố đã chuẩn bị nhiều sự kiện, hoạt động để tạo sự sôi động, hấp dẫn người dân và du khách.

Đây được xem là một trong những “chiến lược” góp phần làm mới các sản phẩm du lịch Đà Nẵng. Bên cạnh việc đảm bảo an ninh, an toàn cho điểm đến, Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch xúc tiến quảng bá, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thành phố trong năm 2022. Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện nổi bật nhằm khôi phục và phát triển ngành vốn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế địa phương.

Lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng ước đạt 75,7 nghìn lượt, bằng 93,8% tháng trước và gấp 41,4 lần tháng cùng kỳ, khách du lịch trong nước ước đạt 344,4 nghìn lượt, bằng 86,3% so với tháng trước và cao gấp 25 lần so với tháng cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 9 năm 2022 ước đạt 1.835 tỷ đồng, giảm 6,8% so với tháng trước và cao gấp 5,3 lần so với tháng cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 645 tỷ đồng, cao gấp 26,1 lần cùng kỳ; lĩnh vực ăn uống ước đạt 1.890 tỷ đồng, tăng 368,2% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống quý III năm 2022 ước đạt 5.899 tỷ đồng, tăng 20,6% so với quý trước và cao gấp 5,0 lần so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 2.171 tỷ đồng, cao gấp 22,9 lần cùng kỳ năm 2021; lĩnh vực ăn uống ước đạt 3.727,6 tỷ đồng, tăng 245,8% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 13.644 tỷ đồng, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Lượt khách phục vụ quý III năm 2022 ước đạt 1.404 nghìn lượt, tăng 32,3% so với quý trước và cao gấp 20,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách trong nước chiếm trên 80%, khách nước ngoài cũng có xu hướng tăng cao nhưng chỉ chiếm gần 17% trên tổng số lượt khách phục vụ trong quý. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 2.771 nghìn lượt, tăng 160,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế 301 nghìn lượt cao gấp 3,3 lần so với thời điểm cùng kỳ; khách 13 trong nước dự kiến đạt 2.470 nghìn lượt, tăng 154,6% so với cùng kỳ.

Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 1.529,8 tỷ đồng, cao gấp 7,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số khách du lịch do các cơ sở lữ hành phục vụ 9 tháng ước đạt 399,5 nghìn lượt, tăng 332,0% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 39 nghìn lượt, cao gấp 30 lần so với cùng kỳ; khách trong nước đạt 340 nghìn lượt, tăng 273,0%; khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đạt 20,3 nghìn lượt (cùng kỳ không có khách đi du lịch nước ngoài).

Nhìn chung, kết quả hoạt động của ngành du lịch Đà Nẵng trong 9 tháng năm 2022 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, có một trở ngại lớn nhất mà hiện nay hầu hết các cơ sở kinh doanh du lịch (tập trung chủ yếu ngành lưu trú) đang gặp phải, đặc biệt đối với các khách sạn tiêu chuẩn 4 sao trở lên chính là thiếu nguồn nhân lực có trình độ về nghiệp vụ du lịch, thông thạo ngoại ngữ.

Nguyên nhân của sự thiếu hụt này là do sau đại dịch Covid-19, phần lớn nhân lực có trình độ chuyển hướng tìm kiếm các công việc có tính ổn định, lâu dài để đảm bảo cuộc sống. Để ngày càng thu hút đông đảo lượng khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng, thành phố cần có chính sách hỗ trợ đơn vị du lịch trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp cùng các đơn vị đưa ra các chủ trương, chính sách nhằm thu hút và giữ chân nguồn nhân lực có trình độ làm việc lâu dài tại đơn vị.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/09/2022 đạt 18.065 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 5.320 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương đạt 12.745 tỷ đồng (đến hết tháng 9 chỉ có 1 đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách). Trong tổng thu ngân sách nhà nước, hoạt động thu nội địa chiếm 77,8% tương ứng đạt 14.059 tỷ đồng.

Trong đó các khoản thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; thu từ nhà, đất chiếm tỷ trong lớn và lần lượt tăng 18,0%, 22,0% và 65,4% so với cùng kỳ năm trước, Về hoạt động xuất nhập khẩu, nhờ chủ trương thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa chủ lực, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tiếp tục đạt những kết quả tích cực.

Trong 9 tháng năm 2022, thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng đạt 3.789 tỷ đồng. Với tỷ trọng chiếm gần 21,0% tổng thu ngân sách và đạt mức tăng trưởng cao, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đã phần nào bù đắp sự sụt giảm của các khoản thu nội địa khác (thu từ doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giảm và giảm đến 11,4% so với cùng kỳ năm 2021).

Đà Nẵng bảo đảm nguồn chi cho các dự án hạ tầng và môi trường.

Đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn vốn thực hiện
Vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực ngoài nhà nước: Là khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn vốn thực hiện trên địa bàn (chiếm 63,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Với nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng sự chung tay, giúp sức của Chính phủ thông qua các chính sách miễn, giảm, giản thuế, chính sách tín dụng ưu đãi…hoạt động đầu tư của khu vực này đã dần khởi sắc trở lại và đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 khu vực.

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện quý III năm 2022 của khu vực ngoài nhà nước ước đạt 6.627 tỷ đồng, chiếm 61,9% tổng nguồn vốn thực hiện trên địa bàn, tăng 1,1% so với quý trước và tăng 114,13% so với cùng quý năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện khu vực ngoài nhà nước ước đạt 18.158 tỷ đồng (chiếm 63,4%), tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó vốn đầu tư của tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 12.383 tỷ đồng, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2021

Khởi công nhà xưởng công nghệ cao (tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng).

Một số doanh nghiệp có dự án lớn, đóng góp đáng kể vào giá trị thực hiện trong kỳ phải kể đến: dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm và trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao của công ty Cổ phần Dược Danapha; dự án Tổ hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ Marriot và nhà ở của CTCP Địa ốc Foodinco; dự án Tổ hợp khách sạn Condo 1 và Condo 2 của CTCP Khách sạn và Du lịch Thiên Thai, dự án Khu đô thị Xanh Dragon City Park của CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng…

Ngoài ra, một số dự án mới, có tổng mức đầu tư lớn cũng đã được khởi công trong quý II/2022 như “Đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radia của CTCP Cao su Đà Nẵng”; “Xây dựng nhà máy chế tạo thiết bị cơ khí phụ trợ (giai đoạn 2) của CTCP Cơ khí Hà Giang Phước Tường…”

Cùng với đà tăng trưởng của khu vực ngoài nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 14,6% so với cùng kỳ năm trước, tương đương đạt giá trị 4.345,9 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 15,2% trong cơ cấu tổng vốn đầu tư thực hiện.

Các dự án mang lại giá trị vốn đầu tư thực hiện cao cho khu vực: như dự án Nhà máy sản xuất dụng cụ thể dục thể thao của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam; Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam; Trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Đà Nẵng Fujikin…. và dự án Nhà máy sản xuất thiết bị y tế mới được triển khai của công ty TNHH ICT Vina. Một số doanh nghiệp đầu tư lớn vào việc mua sắm máy móc, thiết bị mới nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất các đơn hàng xuất khẩu tăng cao như Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, Công ty TNHH Marata Manufacturing Việt Nam Đà Nẵng, công ty Fujikura.
The Cuong-Trung Đức