Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kinh thành Huế trong thi họa – Hoàng đế Thiệu Trị và ngự đề đồ hội- Một công trình khảo cứu giá trị

ĐNA -

Năm 2016, “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đó là một “kho tàng thơ” của các vị hoàng đế triều Nguyễn, trong đó có một số lượng không nhỏ là của vua Thiệu Trị.

Tọa đàm Văn hoa Nghệ thuật và Triển lãm thư pháp “Kinh thành Huế trong thi họa”.

Năm 1997, nhóm của chúng tôi gồm các nhà nghiên cứu Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Nguyễn Phước Hải Trung và Phan Thanh Hải đã công bố tác phẩm Thần kinh nhị thập cảnh- Thơ vua Thiệu Trị, Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Có thể nói đó là tập sách đầu tiên giới thiệu về thi họa của vị hoàng đế tài hoa bậc nhất của triều Nguyễn và có lẽ của cả nước ta trong thời quân chủ. Thần kinh nhị thập cảnh là chùm 20 bài thơ đề vịnh 20 cảnh đẹp của kinh đô Huế theo sự nhìn nhận, bình chọn của nhà vua và triều đình hồi bấy giờ, mỗi cảnh đều có tranh minh họa, khắc in bằng mộc bản. Và cũng ngay từ hồi đó, triều Nguyễn đã nâng tầm các bức thi- họa này thành những tác phẩm độc lập và có giá trị cao như tranh gương, bảng đồng, bia đá…

Nhưng Thần kinh nhị thập cảnh chỉ là một bộ phận nhỏ trong một tập thi – họa đồ sộ có giá trị đặc biệt của hoàng đế Thiệu Trị: Ngự đề đồ hội thi tập, gồm 16 quyển với khoảng trên 1.000 trang. Bởi vậy, ngay sau khi xuất bản Thần kinh nhị thập cảnh- Thơ vua Thiệu Trị, chúng tôi vẫn mong muốn tiếp tục khảo cứu để giới thiệu các tác phẩm tiếp theo của hoàng đế Thiệu Trị và các vị hoàng đế triều Nguyễn. Đáng tiếc là ý định trên vẫn chưa thực hiện được…

Thật hết sức vui mừng khi nghe tin Ngự đồ đồ hội thi tập sẽ được Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch thuật, giới thiệu trọn bộ, và càng vui hơn khi nay được cầm trên tay cuốn sách Kinh thành trong thi họa- Hoàng đế Thiệu Trị và Ngự đề đồ hội thi tập do  Nguyễn Văn Phương, một học giả còn rất trẻ khảo cứu, dịch chú!

Tôi nghe tiếng Nguyễn Văn phương từ lâu, nhưng mãi đầu năm trước mới được gặp anh tại Hà Nội. Bất ngờ vì đó là một chàng thư sinh nho nhã, mặc một bộ áo ngũ thân dệt từ the La Khê rất chuẩn và đẹp. Phương tặng tôi cuốn Ngự chế Tài thành phụ tướng thi tập, một tập thơ về bói toán dựa trên các quẻ của kinh Dịch của hoàng đế Thiệu Trị mà anh là dịch giả. Biết Phương say mê nghiên cứu về kinh điển Nho gia và thơ ngự chế triều Nguyễn, nhưng không ngờ dẫu còn rất trẻ mà anh đã có những thành tựu đáng khâm phục như vậy!

Ngự đề đồ hội thi tập gồm 16 quyển (2 quyển mục lục và 14 quyển ngự chế thi-họa), được Nội các tập hợp từ các sáng tác của vua Thiệu Trị, sắp xếp, vẽ minh họa cho từng bài, đặt tên sách và xin khắc in từ tháng 5/1844. Đến tháng 6 năm 1845, sách in xong và được nhà vua cho phép lưu hành.

Bài thơ Sơn Tủng Tùng Đình-thơ ngự chế của Vua Thiệu Trị.

Về nội dung, Ngự đề đồ hội thi tập gồm 3 phần:

– Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập (quyển 1 đến quyển 8): Gồm những bài thơ đề vịnh cảnh đẹp chốn cung cấm và một số danh thắng nổi tiếng của kinh đô Huế;

– Ngự đề cổ tích đồ hội thi tập (quyển 9 và quyển 10): Gồm những bài thơ đề vịch các tích cổ trong lịch sử Trung Quốc thể hiện tinh thần giáo huấn hậu thế, làm tấm gương sáng cho cái học đế vương;

– Ngự đề nhân vật đồ hội thi tập (quyển 13 và 14): gồm những bài thơ vịnh tả sự vật, các loài hoa quả, muông thú, qua đó thể hiện thâm ý đưa giáo hóa vào thơ, dùng thơ để đào thục tính tình, di dưỡng tinh thần.

Do văn bản gốc hiện nay lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (bản A.1412/1-4 gồm 4 tập) đã không còn 2 quyển 11 và 12 nên chưa rõ nội dung hai quyển này thuộc Ngự đề cổ tích đồ hội thi tập hay Ngự đề nhân vật đồ hội thi tập; hai quyển mục lục cũng đã mất nên không tiện để tra cứu.

Sách Kinh thành Huế trong thi họa – Hoàng đế Thiệu Trị và Ngự đề đồ hội thi tập.

Kinh thành Huế trong thi họa- Hoàng đế Thiệu Trị và Ngự đề đồ hội thi tập do Nguyễn Văn Phương khảo cứu, dịch chú đã dịch giới thiệu toàn bộ 12 quyển còn lại của bộ Ngự đề đồ hội thi tập gồm 910 trang. Theo đánh giá của tác giả trong quá trình khảo cứu, dịch chú, đây là bản in quan phương của triều đình nên chữ khắc in chân xác, đẹp và rất ít chữ sai.

Sách Kinh thành Huế trong thi họa- Hoàng đế Thiệu Trị và Ngự đề đồ hội thi tập dày 456 trang, khổ 16 x 24cm, do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành cuối năm 2023. Điều đáng nói, đây là cuốn sách nằm trong bộ Tùng thư Văn hóa Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm do PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường chủ trì, bắt đầu giới thiệu từ năm 2020, được xếp là quyển số 8 trong số hơn chục quyển đã ấn hành của bộ Tùng thư giá trị này.

Kinh thành Huế trong thi họa- Hoàng đế Thiệu Trị và Ngự đề đồ hội thi tập gồm 3 phần: Phần I giới thiệu về tác giả và tác phẩm (từ trang 13 đến trang 61); Phần II là nội dung chính của Ngự đề đồ hội thi tập, giới thiệu 153 bài thơ của vua Thiệu Trị, gồm cả phần nguyên bản chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa; Phần III là phần Phụ lục, gồm hơn 100 trang, giới thiệu một số trang bản in của bộ Ngự đề đồ hội thi tập từ mộc bản cùng một số hình ảnh tranh gương minh họa thơ ngự chế của hoàng đế Thiệu Trị nay còn lưu giữ đến nay…

Bài vịnh “Đại Giác Điện” của chùa Diệu Đế – thơ ngự chế của Vua Thiệu Trị.

Nhìn chung đây là một công trình được tác giả chăm chút cẩn thận, các bài thơ bao gồm phần lời dẫn đều được dịch và chú giải công phu. Tuy các bài thơ mới chỉ có phần dịch nghĩa nhưng tác giả đều chú ý lựa chọn ngôn từ sao cho vừa sát nghĩa vừa giàu chất thơ. Phần Phụ lục có giá trị tham khảo tốt.

Có thể nói như nhận xét của chính tác giả, tập thơ Ngự đề đồ hội thi tập là sự thể hiện một cách khéo léo tư tưởng, vị thế vị quân vương cần chính, thương dân. Luôn ý thức vai trò làm chủ quốc gia dẫu là trong khi ngâm vịnh. Hơn thế, tập thơ còn là một dấu son điểm tô cho nền thịnh trị, mang trong đó khí tượng của một thái bình thiên tử.

Ngự đề đồ hội thi tập với đặc điểm độc đáo là sự kết hợp giữa thi và họa, cũng chính là một nguồn tư liệu quý giá minh chứng cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật đạt đến đỉnh cao của một vương triều. Những bức tranh vẽ lại cảnh đẹp của kinh đô Huế dù ít nhiều mang tính ước lệ nhưng vẫn có những nét chân thực, nếu hiểu được nguyên tắc của loại tranh này chúng ta hoàn toàn có thể hình dung được những cảnh vàng son diễm lệ và phong khí thái bình thịnh vượng của chốn đế đô mà người đời nay không thể chứng kiến hay trải nghiệm.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, tất cả tranh gương cung đình còn được bảo tồn hiện nay với số lượng chừng hơn 80 bức, đều là tranh minh họa các cảnh đẹp, cổ tích hay nhân vật, sự vật lấy từ Ngự đề đồ hội thi tập. Đây là điều rất đáng mừng, vì không chỉ giúp ta hiểu biết đầy đủ hơn về các tác phẩm thi họa của hoàng đế Thiệu Trị nói riêng, của thời quân chủ nói chung, mà còn là nguồn tư liệu quý hỗ trợ cho việc nghiên cứu phục hồi các di tích, thắng cảnh của cố đô Huế.

Bài thơ “Vĩnh Thiệu Phương Văn” – thơ ngự chế của Vua Thiệu Trị và bức tranh gương (tranh vẽ trên kính) minh họa cảnh vườn.

Để quảng bá tập sách quý này, vào ngày 21/1/2024, tác giả Nguyễn Văn Phương cùng những bằng hữu thân thiết của anh là những nhà nghiên cứu văn hóa Hán Nôm, những nhà thư pháp tại thủ đô Hà Nội đã phối hợp với GS.TS Thái Kim Lan cùng sự hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tổ chức buổi Giới thiệu sách cùng một triển lãm thư pháp về Ngự đề đồ hội thi tập tại Điểm hẹn Liên văn hóa- Lan Viên Cố Tích, cơ sở II (94-96-98 Bạch Đằng, Thành phố Huế). Buổi giới thiệu và tọa đàm về cuốn sách kèm theo một triển lãm thư pháp tuyệt đẹp và phong phú do hơn 10 nhà thư pháp đến từ Hà Nội phối hợp thực hiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa của cố đô Huế. Có không ít điều thú vị về nghệ thuật thư pháp và những câu chuyện xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của vị thi sỹ- hoàng đế tài hoa- vua Thiệu Trị đã được chia sẻ, thảo luận, tạo nên một buổi sinh hoạt học thuật bổ ích, lí thú.

 Có thể khẳng định, Kinh thành Huế trong thi họa- Hoàng đế Thiệu Trị và Ngự đề đồ hội thi tập là một tập sách quý, rất đáng để các nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa, các bạn sinh viên hay tất cả những ai yêu văn học cổ tìm mua, đọc và dùng để nghiên cứu lâu dài. Dĩ nhiên, đối với những người yêu văn hóa truyền thống Việt Nam thì tập sách lại càng đáng quý, đáng trân trọng./.

TS.Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.