(Đà Nẵng). Ngày 30/8/2024, tại Cung hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng, đã diễn ra sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” lần thứ nhất. Sự kiện cũng là Ngày Vi mạch bán dẫn đầu tiên được tổ chức ở địa bàn miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, từ nay, Ngày 30 tháng 8 hằng năm, sẽ là Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết, ông vừa được tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, công nhận Khu công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng là Khu công nghệ thông tin tập trung. Tầm nhìn xa hơn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, Đà Nẵng sẽ có thêm nhà ga hàng hóa (khởi công đầu năm 2025, cuối năm 2025 đưa vào hoạt động). Ngoài ra, Đà Nẵng cũng khẩn trương quy hoạch, hình thành 2 phân khu nằm trong tổng thể Khu Thương mại tự do Đà Nẵng, đó là Phân khu sản xuất và Logistics. Đây cũng là 2 phân khu có liên đến nhu cầu của ngành vi mạch.
Vi mạch bán dẫn trở thành cột mốc mới trong hành trình phát triển của thành phố
“Thành phố Đà Nẵng có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, sự quan tâm và quyết tâm của chính quyền Thành phố. Đây là những yếu tố quan trọng bảo đảm phát triển công nghiệp bán dẫn. Thành phố hãy chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; trong giai đoạn trước mắt cần ưu tiên hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng để thúc đẩy, phát triển bền vững các ngành và lĩnh vực;”, ông Bùi Hoàng Phương – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận và gửi gắm.
Còn theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024” lần đầu tiên được tổ, có ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy Đà Nẵng bắt đầu bứt phá phát triển với trọng tâm là vi mạch bán dẫn cũng như đánh dấu một cột mốc mới trong hành trình phát triển của thành phố. Thành phố mong đợi những đóng góp quý báu từ nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia trong công tác quy hoạch và định hướng phát triển ngành vi mạch bán dẫn, từ đó thiết lập môi trường đầu tư thông thoáng với cơ chế hỗ trợ và chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp, tạo cơ hội đầu tư nhanh và hiệu quả cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này”.
Hiện UBND thành phố đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024 để kịp thời ban hành và áp dụng ngay từ đầu năm 2025, góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các đối tượng theo học ngành vi mạch bán dẫn, các chuyên gia, trí thức về làm việc, giảng dạy, chuyển giao công nghệ cũng như các nhà đầu tư, đối tác chiến lược từ các quốc gia có ngành vi mạch bán dẫn phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…
Trong bối cảnh đó, Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024 đã diễn ra với 2 phiên, trong đó, phiên buổi sáng là “Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vi mạch bán dẫn” ; phiên buổi chiều dành cho trọng tâm “Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn”.
Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024 hướng đến mục tiêu quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư. Đà Nẵng đã và đang tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Chiều mai (31/8), thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đại diện lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Việt Nam sẽ là một trong các nước đi đầu nếu đầu tư cho Chip AI – linh hồn của thiết bị điện tử thế hệ mới
“Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” được kỳ vọng là diễn đàn mở để các bên trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Bùi Hoàng Phương, công nghiệp bán dẫn, Chip bán dẫn đã có mặt trong hầu hết các thiết bị, mọi mặt của đời sống xã hội, đã, đang và sẽ thay đổi, định hình thế giới; ảnh hưởng to lớn tới an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng. Công nghiệp bán dẫn nằm trong một bức tranh rất lớn và có tính toàn cầu, đó chính là Chuyển đổi số.
Góp ý cho Đà Nẵng, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh đến định hướng Chip chuyên dụng. Bởi Cách mạng công nghiệp 4.0 liên quan tới các công nghệ cốt lõi về AI, IoT và tự động hoá công nghiệp. Các ứng dụng này đòi hỏi hiệu suất tính toán rất cao, khả năng xử lý dữ liệu lớn, thời gian phản hồi nhanh, tiêu thụ nguồn thấp. Chip chuyên dụng được thiết kế để tối ưu hoá theo yêu cầu riêng biệt cho các từng lĩnh vực như viễn thông, y tế, giao thông, năng lượng, cho từng đối tượng khách hàng, giúp đạt hiệu suất cao hơn các chip đa dụng, nhưng lại có giá thành phù hợp hơn. Chíp bán dẫn đa dụng thường chỉ có một số ít hãng sản xuất.
Trong khi đó, các Chip chuyên dụng rất đa dạng, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, thúc đẩy đổi mới công nghệ. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, đại diện là chip đa dụng thì với Cách mạng công nghiệp 4.0 là chip chuyên dụng. Các nước đi sau trong công nghiệp bán dẫn phải đi từ chip chuyên dụng. Điều này, Đà Nẵng cần hết sức lưu ý.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng cho biết, Đảng, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu và xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; và định hướng của chiến lược này nhằm đến Công nghiệp điện tử.
Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam phải đi cùng với phát triển ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chuyển đổi số để tạo đầu ra cho Chip bán dẫn. Chip bán dẫn là thành phần đầu vào quan trọng của thiết bị điện tử. Nếu chỉ làm Chip bán dẫn thì sẽ phụ thuộc đầu ra, phụ thuộc vào các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử. Các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển đều có ngành công nghiệp điện tử phát triển. Công nghiệp điện tử đang có làn sóng mới là AI. Các thiết bị điện tử thế hệ mới cần được thông minh hóa bằng AI. Chip AI sẽ là linh hồn của các thiết bị điện tử thế hệ mới. Việt Nam sẽ là một trong các nước đi đầu nếu đi theo con đường này; đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp điện tử, tạo đầu ra cho bán dẫn.
Đại biểu tham dự sự kiện trải nghiệm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo. Ảnh: T.Ngọc.
Được biết, thành phố Đà Nẵng đã đi đúng hướng khi xác định quan điểm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn gắn với phát triển công nghiệp điện tử, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng nhấn mạnh đến lợi thế: Ngày 26/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo. Đây là động lực để thu hút nguồn lực nước ngoài đầu tư vào địa phương. Ông đề nghị Đà Nẵng sớm nghiên cứu và xây dựng các Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn, cụ thể hóa chi tiết nội dung đã quy định tại Nghị quyết 136/2024/QH15 vào thực tế, kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025.
Việt Nam có lợi thế địa chính trị về công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đang ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Việt Nam là quốc gia có nền chính trị ổn định, nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh. Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển công nghiệp bán dẫn. Đây là những yếu tố quan trọng để Việt Nam có cơ hội trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Trong đó, Đà Nẵng là địa phương năng động, tiêu biểu cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo. Đây là những đặc trưng phù hợp để phát triển công nghiệp bán dẫn.
Đà Nẵng định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn như thế nào ?
Theo ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức; dựa trên nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng ưu tiên phát triển khâu thiết kế và kiểm thử, đóng gói chip. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, khai thác tối ưu thế mạnh đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp trong đó ưu tiên hợp tác với các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới để có phương án tham gia phù hợp trong chuỗi giá trị, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm bán dẫn cho thị trường trong nước và quốc tế.
Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn. Cụ thể, Đà Nẵng tập trung tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói; thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có từ 1- 2 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử.
Trong phát biểu kết luận phiên làm việc sáng nay, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh Đà Nẵng với quyết tâm lớn, sẽ trở thành Trung tâm vi mạch bán dẫn hàng đầu Việt Nam, góp phần đưa đất nước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất – cung ứng của ngành vi mạch bán dẫn. Đà Nẵng sẽ lần lượt thảo luận, xây dựng và công bố đầy đủ các cơ chế, chính sách, trong đó, có cả bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách, Đà Nẵng luôn luôn lắng nghe ý kiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp, và sẽ đặt vấn đề theo hướng “Đầu tư vào Đà Nẵng thì Nhà đầu tư được cái gì ? Chuyên gia đến làm việc ở Đà Nẵng, thì hưởng được cái gì ?”, từ đó xác định Đà Nẵng cần làm gì? đáp ứng cái gì là ưu tiên nhất? Đà Nẵng sẽ “đo chân khách hàng để đóng giày” chớ không đóng sẵn giày để khách hàng tùy chọn.
Cơ chế chính sách đã ban hành và công bố, thì dứt khoát phải sát đúng với yêu cầu, nhu cầu của nhà đầu tư, của doanh nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy, ở những quốc gia mạnh về vi mạch như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, vấn đề xây dựng thể chế cho lĩnh vực vi mạch có vai trò rất lớn. Chính quyền phải giữ vai trò kiến tạo, không có môi trường để đầu tư, sản xuất thì nhất định không thành công.
Đào tạo nguồn nhân lực sẽ là mục tiêu ưu tiên trước mắt của thành phố, và phải là nhân lực có đủ khả năng, trình độ làm việc ở môi trường vi mạch toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của chuỗi sản xuất vi mạch ở nhiều nơi, nhiều vùng lãnh thổ. Vấn đề đặt ra là phải hình thành một liên minh Chính quyền thành phố – Doanh nghiệp Nhà trường. Chính quyền thì lo về chính sách, cơ chế, ưu đãi, hỗ trợ; Trường lo đào tạo, nhưng đề bài, đào tạo gì thì Doanh nghiệp phải đặt hàng thật cụ thể.
Tinh thần hợp tác được xác định là Win – Win, khi chính quyền thành phố bảo đảm về cơ chế, về môi trường đầu tư, thì trách nhiệm còn lại là doanh nghiệp, phải cam kết đồng hành với nhau lâu dài, rồi chuyển giao công nghệ ra sao ? . Đà Nẵng xác định không chỉ đẩy nhân lực đi làm thuê. Mà là hợp tác để tạo dựng đầy đủ hệ sinh thái của một Trung tâm vi mạch bán dẫn hàng đầu Việt Nam, ngoài nguồn nhân lực chất lượng cao, còn có các vấn đề về công nghệ và chuyển giao công nghệ vi mạch bán dẫn.
Trần Ngọc
Kỳ 2: “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng” – Những lợi thế của Trung tâm vi mạch bán dẫn đầu tiên tại miền Trung Việt Nam.