Thứ bảy, Tháng chín 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kỳ 2: “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng” – Những lợi thế của Trung tâm vi mạch bán dẫn đầu tiên tại miền Trung Việt Nam.

ĐNA -

(Đà Nẵng) . Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, ông Hồ Kỳ Minhcho biết, trong nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi và xây dựng hệ sinh thái để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng tập trung vào 3 hướng đột phá:  Đó là chính sách, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

“Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” thu hút đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan đại diện ngoại giao; các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục, đào tạo trong và ngoài nước; các chuyên gia, nhà khoa học; các cơ quan thông tấn, báo chí. Ảnh: T.Ngọc

Đà Nẵng ưu đãi gì cho Nhà đầu tư Vi mạch bán dẫn ?
Về chính sách thu hút đầu tư, xây dựng hệ sinh thái vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng nhận được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của lãnh đạo Trung ương, thể hiện qua Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng với các chính sách ưu đãi đặc thù .

Trong đó, để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, nếu là  Nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp sẽ được Nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; được lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế và được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới.

Đối với đối tác chiến lược, Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội đã quy định chi tiết: Doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá; được Nhà nước chỉ định thầu mua sắm các trang thiết bị đặc thù; được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới; được hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

Để được hưởng các ưu đãi của nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngoài đáp ứng các yêu cầu về vốn, doanh thu, công nghệ… phải có ký kết hợp tác lâu dài với thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và mở rộng đầu tư tại thành phố.

Không gian triển lãm, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp vi mạch, điện tử tại Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 30/8/2024. Ảnh: T.Ngọc.

Đối với hoạt động đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo(chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng) trong thời hạn miễn thuế là 5 năm (kể từ thời điểm có hoạt động góp vốn vào doanh nghiệp). Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. – Đối với người theo học và chuyên gia trong ngành vi mạch bán dẫn, thành phố thực hiện hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn; hưởng chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú.

Đi đầu, đi nhanh trong phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn
Theo Chủ tịch UBND thành phố, ông Lê Trung Chinh, nằm ở vị trí trung tâm của cả nước và khu vực, Đà Nẵng có quan hệ ngoại giao, kinh tế với hầu hết các quốc gia là cường quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn.

 Đà Nẵng hiện có nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, bên cạnh đó, Đà Nẵng còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ; chính quyền thành phố cùng ngành chức năng có quyết tâm cao trong tạo lập hành lang pháp lý, cũng như cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc thù phát triển ngành vi mạch bán dẫn, song song với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của thành phố rất thuận lợi. Với những điều kiện trên, thành phố đặt mục tiêu sẽ “đi đầu, đi nhanh” trong phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, đón đầu các làn sóng đầu tư.

Phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn, được lãnh đạo Đà Nẵng xác định chính là “lõi hạt nhân” tạo nên ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Lê Hoàng Phúc – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (Sở Thông tin và Truyền thông thành phố), bên phải ảnh, thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực với đại biểu quan tâm tìm hiểu. Ảnh: T.Ngọc.

 Song song với tổ chức tuyển sinh mới đào tạo bậc đại học, thạc sỹ, tiến sỹ các ngành công nghiệp bán dẫn; đưa STEM vào chương trình giảng dạy bậc phổ thông thì trong ngắn hạn, Đà Nẵng chú trọng đào tạo lại, đào tạo chuyển tiếp đối với lực lượng kỹ sư đã tốt nghiệp, các giảng viên chuyên ngành gần sang vi mạch bán dẫn.

Bên cạnh đó, ưu tiên thu hút chuyên gia, giảng viên nước ngoài chuyên ngành vi mạch bán dẫn và các ngành gần trên cơ sở triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết làm nền tảng phát triển nguồn nhân lực bán dẫn trong dài hạn. Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, kết nối giữa các trường đại học trên địa bàn thành phố với các trường đại học ở các nước có thế mạnh đào tạo nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài có uy tín để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế.

Thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình liên minh đào tạo hợp tác 3 Nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà Doanh nghiệp trong đó Chính quyền thành phố là cơ quan điều phối, thiết lập cơ chế hợp tác; định hướng về chiến lược, mục tiêu, lộ trình thực hiện; ban hành các chính sách và hỗ trợ ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực; đầu tư hạ tầng chia sẻ dùng chung; thiết lập hệ thống kết nối cung cầu nhân lực vi mạch bán dẫn giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Bà Susan Burns – Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh: ngành công nghiệp bán dẫn mới nổi của Đà Nẵng đã thu hút sự chú ý của toàn cầu. Ảnh: T.Ngọc.

 Lực lượng lao động tay nghề cao ngày càng tiến bộ của Đà Nẵng, là một trong những yếu tố khiến “Gần đây, ngành công nghiệp bán dẫn mới nổi của Đà Nẵng đã thu hút sự chú ý của toàn cầu”, như lời Bà Susan Burns – Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là các yếu tố như “vị trí chiến lược của Đà Nẵng, hay sự phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng công nghiệp. Với hệ sinh thái công nghệ mới nổi, Đà Nẵng đang ở vị thế thuận lợi để đi đầu trong tăng trưởng.

Tổng Lãnh sự Susan Burns, cũng nhắc lại lần nữa: Để duy trì khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường, Việt Nam cần có lực lượng lao động đẳng cấp thế giới. Điều này bắt đầu bằng việc tăng cường giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) ở mọi cấp độ để đảm bảo hệ thống giáo dục đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có các kỹ năng kỹ thuật cần thiết để phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn- nền tảng của nền kinh tế toàn cầu hiện đại, thúc đẩy đổi mới công nghệ và tạo điều kiện cho Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

“Khi chúng ta hướng tới tương lai của quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, tôi tin tưởng rằng, cùng nhau, chúng ta có thể đạt được những cột mốc đáng chú ý. Những nỗ lực chung của hai nước chúng ta sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đóng góp vào sự đổi mới sáng tạo, thịnh vượng chung và xây dựng được chuỗi cung ứng mang tính bền vững”,  Bà Susan Burns kết luận.

Nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đánh dấu tinh thần đồng hành “cùng đi xa”
Trong khuôn khổ Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 30/8/2024, nhiều Biên bản ghi nhớ hợp tác đã được các bên trao cho nhau: Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng – Sở Thông tin và Truyền thông hợp tác với 6 trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật (thuộc Đại học Đà Nẵng); Đại học Duy Tân, Đại học Đông Á và Đại học FPT) trong phối hợp và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Trao biên bản ghi nhớ hợp tác trong đào tạo. Ảnh: Lê Tín.

Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng – Sở Thông tin và Truyền thông hợp tác đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn và hỗ trợ phòng lab phục vụ nghiên cứu, đào tạo với Công ty Cổ phẩn Tecotec Group, Công ty K&H MFG.

Trao Hợp đồng triển khai đào tạo đóng gói, kiểm thử bán dẫn giữa Trường Đại học Đông Á và Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Tân (Đài Loan).

Trao Biên bản ghi nhớ hợp tác trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn giữa Công ty Cổ phẩn Tecotec Group và Công ty K&H MFG với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Duy Tân, Đại Đông Á, Trường Cao Đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Phương Đông).

Trao biên bản ghi nhớ hợp tác trong đào tạo. Ảnh: Lê Tín.

Trao Biên bản ghi nhớ về nội dung hợp tác tuyển dụng nhân sự giữa Công ty LTD Material (hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ công nghiệp bán dẫn) với trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) về nội dung hợp tác tuyển dụng nhân sự cho công ty

Cuối phiên làm việc buổi chiều, đã diễn ra nghi thức cấp chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng thiết kế vi mạch cho 22 giảng viên nguồn của thành phố Đà Nẵng do Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng phối hợp với Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng tổ chức (tài trợ là Công ty Synopsys). Đồng thời, đã công bố danh sách 17 giảng viên trúng tuyển chương trình đào tạo giảng viên nguồn về kiểm thử, đóng gói vi mạch, bán dẫn do Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức (theo sự tài trợ của Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)./.

Trao chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng thiết kế vi mạch cho 22 giảng viên nguồn của thành phố Đà Nẵng (ảnh bên trái) và công bố 17 giảng viên trúng tuyển chương trình đào tạo giảng viên nguồn về kiểm thử, đóng gói vi mạch, bán dẫn. Ảnh: Lê Tín

Trần Ngọc

Kỳ 1: “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng” – Những lợi thế của Trung tâm vi mạch bán dẫn đầu tiên tại miền Trung Việt Nam

Kỳ 1: “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng” – Những lợi thế của Trung tâm vi mạch bán dẫn đầu tiên tại miền Trung Việt Nam