Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào: Việt Nam, Mục tiêu 5 tỷ USD thương mại song phương



ĐNA -

Sáng 9/1/2025, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào.

Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào: Việt Nam, Mục tiêu 5 tỷ USD thương mại song phương. Ảnh: VGP.

Tham dự kỳ họp có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam Phet Phomphiphak, cùng nhiều bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sang thăm và tham dự kỳ họp. Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, nồng hậu và thắm tình đoàn kết anh em mà Thủ tướng Sonexay Siphandone và Chính phủ Lào đã dành cho đoàn Đại biểu Việt Nam.

Hai Thủ tướng chúc mừng những thành tựu quan trọng mà mỗi nước đạt được trong năm 2024, qua đó tiếp tục vượt qua các khó khăn, thách thức, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng-an ninh, thúc đẩy hội nhập và đối ngoại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào

Kim ngạch thương mại tăng gần 34% so với năm 2023
Hai Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ quán triệt sâu sắc chỉ đạo của hai Bộ Chính trị, cùng nỗ lực, quyết tâm cao của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương, hai nước đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, mang lại nhiều thành tựu hợp tác, nhiều kết quả nổi bật rất đáng ghi nhận, góp phần cùng nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, với 14 nhóm nhiệm vụ đã hoàn thành, làm tốt trong năm 2024.

Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước kết quả hợp tác thành công trong nhiều lĩnh vực. Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, gắn bó tin cậy, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi, tiếp xúc dưới nhiều hình thức. Hai Thủ tướng đã gặp nhau 7 lần trong năm 2024. Ủy ban liên Chính phủ, do hai Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu chủ trì, tiếp tục phát huy hiệu quả, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Hợp tác quốc phòng, an ninh chặt chẽ, thực hiện tốt việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước; xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện; phòng chống hiệu quả các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia.

Hai Thủ tướng đã gặp nhau 7 lần trong năm 2024. Ủy ban liên Chính phủ, do hai Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu chủ trì, tiếp tục phát huy hiệu quả, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác trên mọi lĩnh vực. Ảnh: VGP.

Năm 2024, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư được quan tâm, thúc đẩy và thu được những kết quả rất đáng ghi nhận. Lũy kế đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Lào đạt 267 dự án, với tổng vốn đăng ký là 5,7 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 2,8 tỷ USD.

Đáng chú ý là đầu tư của Việt Nam sang Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2024, vốn đăng ký đầu tư sang Lào là 191,1 triệu USD, tăng 62,1% so với năm 2023; đóng góp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp Việt Nam cho Chính phủ Lào trong 5 năm trở lại đây đạt bình quân khoảng 200 triệu USD/năm.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào năm 2024 ghi dấu ấn khi tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 2,2 tỷ USD, tăng gần 34% so với năm 2023, trong đó đáng ghi nhận là Lào đã xuất siêu sang Việt Nam khoảng 732,7 triệu USD (tăng khoảng 30%). Đạt được kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào.

Hợp tác năng lượng cơ bản mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025; nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng được thúc đẩy triển khai. Khó khăn, vướng mắc kéo dài nhiều năm tại nhiều dự án được xử lý dứt điểm.

Hợp tác văn hóa, truyền thông, du lịch, nội vụ, tư pháp… được phát huy, nâng cao; trong đó hoàn thành đúng hạn hồ sơ trình UNESCO (tháng 1/2024) công nhận Vườn Quốc gia Hin Namno (Lào) là di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới mở rộng từ Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng (Việt Nam).

Khuôn khổ pháp lý cho hợp tác hai nước tiếp tục hoàn thiện, trong đó hai bên đã ký Hiệp định Thương mại mới Việt Nam-Lào. Hai bên tiếp tục chủ động, tích cực, phối hợp chia sẻ kinh nghiệm về quản lý kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hợp tác giữa các địa phương hai nước, đặc biệt ở các địa phương giáp biên tiếp tục có hiệu quả, đóng góp vào hợp tác chung giữa hai nước. Hai bên hỗ trợ, giúp đỡ nhau một cách hiệu quả trên các diễn đàn hợp tác đa phương quốc tế và khu vực; phối hợp hiệu quả để Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, AIPA 45 và các hội nghị cấp cao khác.

Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào. Ảnh: VGP.

Thúc đẩy dự án đường cao tốc Hà Nội-Vientiane
Về trọng tâm hợp tác năm 2025, hai bên thống nhất tập trung quyết liệt, nghiêm túc triển khai hiệu quả các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao; đề ra nhiều biện pháp mạnh mẽ, thiết thực để tiếp tục đưa quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước đi vào chiều sâu; tăng cường trụ cột hợp tác quốc phòng-an ninh; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế; tiếp tục dành ưu tiên đặc biệt cho hợp tác giáo dục-đào tạo.

Theo đó, hai bên sẽ tăng cường thúc đẩy, đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn nữa, định hướng tổng thể quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào; duy trì và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác; tổ chức có hiệu quả các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao với nhiều hình thức linh hoạt; cải tiến và nâng cao tính thiết thực, hiệu quả hợp tác ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.

Tiếp tục hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh; xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện; phối hợp chặt chẽ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết, trao đổi Biên bản kỳ họp lần thứ 47 và Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam năm 2025; Hiệp định giữa hai Chính phủ về mua bán điện than. Ảnh: VGP.

Đồng thời, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư – thương mại Việt Nam-Lào. Theo đó, tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa Lãnh đạo Chính phủ Lào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; rà soát thúc đẩy các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Chính phủ Lào tạo điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho các dự án lớn, trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam; nghiên cứu điều chỉnh các quy định về thời gian thực hiện trong đầu tư thủy điện, khai khoáng phù hợp với tình hình mới.

Hai bên thúc đẩy thương mại tăng trưởng mạnh mẽ, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương năm 2025 tăng từ 10-15% so với năm 2024, hướng tới sớm đạt mục tiêu 5 tỷ USD. Coi nông nghiệp và phát triển nông thôn một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước. Thúc đẩy thanh toán bằng bản tệ trong quan hệ giữa hai nước.

Đặc biệt, tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai kết nối hạ tầng giao thông, nghiên cứu các phương án huy động nguồn lực để triển khai dự án trọng điểm như đường cao tốc Hà Nội-Vientiane, đường sắt Vũng Áng-Vientiane, trong đó huy động cả nguồn lực Trung ương và địa phương, nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi của các đối tác phát triển và sự tham gia của doanh nghiệp hai nước; thúc đẩy sớm hoàn thành các dự án cảng Vũng Áng 1, 2, 3…; góp phần triển khai mạnh mẽ chiến lược “biến Lào từ quốc gia không tiếp giáp biển thành quốc gia kết nối”.

Cùng với đó, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng để báo cáo cấp có thẩm quyền về khả năng xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, mô hình kinh tế cửa khẩu qua biên giới, kho chứa xăng dầu tại khu vực biên giới…

Hai bên tiếp tục dành ưu tiên và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng trong hợp tác giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ Việt Nam tiếp tục dành 1.160 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; tiếp tục cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại Lào.

Kế hoạch hợp tác năm 2025 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào. Ảnh: VGP.

Hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác văn hóa, kết nối du lịch giữa hai nước và 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia “Một hành trình, ba điểm đến”; tuyên truyền về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Kết luận tại kỳ họp, hai Thủ tướng nhấn mạnh sẽ quyết liệt tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ triển khai có hiệu quả các thỏa thuận cam kết, trong đó sẽ tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Hai bên tin tưởng rằng thành công của kỳ họp sẽ tạo động lực mới giúp quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất, tin cậy, hiệu quả, góp phần không ngừng củng cố mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành, cơ quan hai nước phát huy tinh thần “làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, đã nói là làm, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, kết quả năm 2025 phải cao hơn năm 2024”.

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết, trao đổi Biên bản kỳ họp lần thứ 47 và Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam năm 2025; Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác đầu tư. Ảnh: VGP

Ngay sau kỳ họp, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết, trao đổi các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước, gồm: Biên bản kỳ họp lần thứ 47; Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam năm 2025; Hiệp định giữa hai Chính phủ về mua bán điện than; Kế hoạch hợp tác năm 2025 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và các doanh nghiệp hai nước dự Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào năm 2025 – Ảnh: VGP.

Việt Nam, Lào trao các thỏa thuận hợp tác, đầu tư trị giá nhiều tỷ USD
Chiều 9/1, tại Thủ đô Vientiane (Lào), tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã chứng kiến các cơ quan, đối tác giữa hai nước trao các giấy phép, văn kiện, thỏa thuận hợp tác triển khai các dự án trị giá hàng tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Chứng nhận đầu tư và thỏa thuận đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: VGP

Ngân hàng Quân đội (MB) với dự án Ngân hàng MB Lào tăng vốn lên 229,9 tỷ kíp Lào.

MB cũng trao thỏa thuận với các đối tác về việc thu xếp vốn cho các dự án Nhà máy điện gió Savan1, Nhà máy nhiệt điện Xekong.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào trao chứng nhận đầu tư và thỏa thuận đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam – Ảnh: VGP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào trao phụ lục hợp đồng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương với dự án khai thác bauxite và xây dựng nhà máy chế biến alumin tại Lào, dự án có công suất thiết kế 1 triệu tấn alumin 1 năm với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

Bộ này cũng trao hợp đồng phát triển 5 dự án thủy điện nhỏ ở huyện Ka Lưm, tỉnh Sekong (tổng công suất 180 MW) cho Tập đoàn Việt Phương với vốn đầu tư 197 triệu USD.

Bộ Năng lượng và Mỏ Lào trao giấy phép xây dựng cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali, vốn đầu tư 522,4 triệu USD.

MB trao thỏa thuận với các đối tác về việc thu xếp vốn cho các dự án Nhà máy điện gió Savan1, Nhà máy nhiệt điện Xekong. Ảnh: VGP

Trong số các thỏa thuận hợp tác giữa các đối tác, đáng chú ý là Tập đoàn Sovico và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải trao hợp đồng tư vấn khảo sát, lập quy hoạch tổng thể dự án phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay tại Lào giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Bộ Giao thông công chính Lào và Tổng công ty Cảng hàng không Lào.

Vietnam Airlines và Lao Airlines cũng trao biên bản ghi nhớ về việc tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác song phương.

Vietnam Airlines và Lao Airlines trao biên bản ghi nhớ về việc tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác song phương. Ảnh: VGP.

Cục Chăn nuôi và Thủy sản Lào và Công ty cổ phần Tập đoàn Nông sản Việt – Lào trao thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển chuỗi nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại các hồ thủy điện của Lào.

Viện Khoa học phát triển nhân lực và hợp tác quốc tế (IHC) và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA) và Hội Doanh nghiệp trẻ Lào (YEAL) trao thỏa thuận hợp tác ba bên đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Lào.

Thế Tỉnh/nguồn chinhphu.vn