Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kỷ niệm 112 năm ngày ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

ĐNA -

“Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”, đó là ý chí thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bước chân lên con tàu Amiral Latouche Tréville ngày 5/6/1911 tại bến cảng Nhà Rồng.

Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc. Bởi không có độc lập tự do thì không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội chính là xây dựng đất nước hùng cường hơn, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để giữ vững độc lập tự do.

Tàu Amiral Latouche Tréville

Hai bàn tay  và một niềm tin sắt đá
Đó là niềm tin của người thanh niên mới 21 tuổi, chưa hiểu biết nhiều về các con đường cách mạng, chưa thể xác định được đâu là cách giải phóng đất nước. Nhưng bằng lòng yêu nước nồng nàn, bằng ý chí và nghị lực phi thường, Người đã mạnh dạn xuống tàu ra nước ngoài trên con đường chưa thể hình dung hết, nhưng mục tiêu thì rất rõ: “Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Cách thức để thực hiện con đường ấy là: “Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”. Và Người đã thực sự làm rất nhiều việc “để sống”, “để đi”, đương nhiên còn “để hoạt động” như làm phụ bếp, bồi bàn, quét tuyết, rửa ảnh, sơn mài, viết báo…

Hai bàn tay giơ lên đó đã khẳng định một niềm tin sắt đá vào bản thân mình, sự thích nghi và cải biến hoàn cảnh, sức mạnh nội lực, thành quả của sự lao động hăng say.

Nhà văn Lỗ Tấn đã nói một câu trứ danh: “Trên đường thành công không có dấu chân người lười biếng”. Rõ ràng gần như ai cũng có hai bàn tay nhưng vì sao có người có thể lao động kiếm sống, có thể hành động đạt kết quả, có thể đi đến đích… mà những người khác lại không? Phải chăng họ thiếu sự siêng năng, thiếu phương hướng, thiếu quyết tâm, thiếu lòng dũng cảm…? Có lẽ yếu tố nào cũng liên quan, nhưng qua đó chúng ta thấy rõ Bác Hồ đã đi đến đích vì Người hội đủ những điều đó.

Nhưng bằng lòng yêu nước nồng nàn, bằng ý chí và nghị lực phi thường, Người đã mạnh dạn xuống tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam và những người cùng khổ trên Thế giới.

Hai bàn tay đó đương nhiên không phải chỉ là hai bàn tay đơn thuần mà là hình tượng cụ thể của khối óc, nhiệt huyết, trách nhiệm, quyết tâm, khao khát, kỹ năng… Trong chúng ta, nếu muốn thành công thì không thể nào thiếu “hai bàn tay” tương tự, dù làm việc, hành động ở cấp độ thấp, ở quy mô nhỏ. Càng muốn đạt thành tựu lớn lao thì “hai bàn tay” ấy phải có sự lớn lao tương xứng. Không thể kỳ vọng có thành công lớn nếu thiếu sự hăng say, tận tâm, kiên trì, phấn đấu không ngừng nghỉ…

Câu chuyện Bác Hồ đi tìm đường cứu nước đến nay qua 112 năm vẫn có thể được soi chiếu ở nhiều góc độ. Ở khía cạnh gợi mở về nhân sinh quan, về phương châm hành động của mỗi người, chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy bài học về hình tượng “hai bàn tay” để vận dụng trong cuộc sống, hành động, công tác để có thể đạt được những thành công mỹ mãn!

Thế Cương/tổng hợp