Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kỷ niệm 45 năm đào tạo ngành Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng

ĐNA -

(Đà Nẵng). Ngày 9/11/2024, Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã tổ chức kỷ niệm 45 năm đào tạo ngành. Từ cột mốc 45 năm thành lập ngành đào tạo, chặng đường sắp tới, đặt ra khá nhiều thách thức và yêu cầu mới, trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ và sự phát triển không ngừng của các lĩnh vực công nghệ mới, Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) xác định phải tiếp tục nâng cao số lượng và trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên, làm chủ các công nghệ mới trong chuyên ngành, nhằm hoàn thành sứ mệnh đào tạo những thế hệ tri thức ưu tú, nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển của đất nước trong xu thế, thời đại mới.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), trao chứng nhận 3 chương trình đào tạo Khoa, đạt chuẩn kiểm định ASSIN (Năm 2023). Cách đây 5 năm, Khoa đã đã có chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế (2018), trở thành một trong những khoa đi đầu trong công tác đảm bảo chất lượng của miền Trung cũng như cả nước. Ảnh: T.Ngọc.

“Chặng đường 45 năm qua ghi dấu một số mốc son của ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng): Năm 1979, thầy Lý Ngọc Sáng – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đã chỉ đạo thành lập Nhóm Tính toán. Năm 1982, Nhóm Tính toán tiếp nhận máy tính điện tử Minsk-22 do Liên Xô sản xuất. Thầy Phan Huy Khánh, Thầy Phan Đình Lợi (có mặt trong buổi kỷ niệm hôm nay), là những người đã trực tiếp ra Hà nội tiếp nhận và vận chuyển máy Minsk-22 về Trường.

Năm 1984, Bộ môn Máy tính tiếp nhận máy vi tính Apple là quà tặng của một Việt kiều ở Quảng Nam. Thầy Nguyễn Ngọc Diệp, Thầy Đặng Bá Lư lại vào TP.Hồ Chí Minh, và nhận chiếc máy vi tính đầu tiên của Trường và cũng là đầu tiên của cả Miền Trung”, PGS.TS Nguyễn Tấn Khôi-Trưởng khoa, Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), chia sẻ.

“Cuối năm 1981, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, quyết định cho lại trường trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng máy tính điện tử Minsk-22. Tháng 3/1982, 5 xe ô tô “Zin Khơ” 5 tấn từ Đà Nẵng chạy ra Hà Nội để nhận máy.

 Minsk-22 có khoảng 10 tủ sắt (lớn hơn tủ quần áo) và rất nhiều thùng sắt, hòm gỗ đựng máy móc, thiết bị, linh kiện, tài liệu… Một cần cẩu lớn được thuê để cẩu máy từ lầu 2 nhà C1 xuống 5 thùng xe tải. Các tủ máy rất nặng và cồng kềnh. Để giảm xóc và tránh va đập, phải mua rơm khô để chèn giữa các tủ. Mỗi tủ máy lại được trùm bọc kín một lớp chăn chiên. Sáng hôm đó, trời lạnh cóng. Chúng tôi hãnh diện nhìn cán bộ, sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội dừng lại hai bên đường, xuýt xoa, tò mò nhìn đoàn xe phủ bạt kín mít chạy lầm lũi qua cổng parabol , rồi rẽ trái về phương Nam.

Có thể nói máy Minsk-22 là một nhân chứng quý giá về một thế hệ MTĐT dùng bán dẫn. Có thể tìm thấy ở đó, thật sống động, kiến trúc và nguyên lý Von Neumann phát triển từ mô hình Turing, cấu trúc phần cứng, cơ chế biểu diễn thông tin, sử dụng các thiết bị vào/ra, lập trình bằng ngôn ngữ máy 2 địa chỉ, v.v…

Những năm 80, khi Minsk-22 đã trải qua một thời kỳ vẻ vang, trở nên cũ kỹ hơn so với máy EC-1022 thế hệ sau đứng bên cạnh. Cho đến nay, không còn ai nhớ về những ngày tháng đó”, Thầy Phan Huy Khánh hồi tưởng và kể lại.

Hội Tin học Việt Nam trân trọng ghi nhận và khen thưởng thành tích của Khoa trong những lần thi tài ICPC khu vực, quốc gia và quốc tế. Ảnh: T.Ngọc

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), kể từ khi thành lập vào năm 1975, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã dần trở thành cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn khu vực miền Trung. Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm khoảng 3.500 sinh viên (cho các chuyên ngành đại học, cùng với các chuyên ngành tiến sỹ và thạc sỹ). Ngành Công nghệ thông tin luôn được coi là một trong những ngành đào tạo  mũi nhọn của Trường Đại học Bách khoa, đặc biệt, trong xu thế công nghệ chiếm lĩnh toàn cầu như hiện nay.

Trong 45 năm qua, Khoa Công nghệ thông tin đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao với hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư bài bản, hệ thống chương trình học phong phú, mới mẻ, đội ngũ giảng dạy nhiều kinh nghiệm và được cập nhật kiến thức liên tục. Dưới sự chỉ đạo của nhà trường, Khoa đã có nhiều hoạt động hợp tác đào tạo với các trường đại học uy tín trên thế giới như Đại học Polytech Marseille và Viện Đại học Bách khoa Grenoble của Pháp, các trường Đại học lớn của Nhật bản, Hàn Quốc, Mỹ, …

PGS.TS Nguyễn Tấn Khôi – Trưởng khoa (bên phải), tặng hoa tri ân Thầy Đặng Bá Lư , đại diện các thế hệ đã đặt nền móng xây dựng cho Khoa Công nghệ thông tin. Một thế hệ với biết bao khó khăn vất vả, các Thầy đã phải xuôi ngược ra Bắc, vào Nam, đi giao lưu, vận động quốc tế, để có được những chiếc máy tính đầu tiên. Ảnh: T.Ngọc.

Bên cạnh công tác đào tạo, Khoa Công nghệ thông tin là một trong những đơn vị tiên phong của nhà trường trong các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp. Khoa thường xuyên mời chuyên gia doanh nghiệp tham gia giảng dạy, hướng dẫn sinh viên làm đồ ánn, triển khai thực tập tại doanh nghiệp, mời chuyên gia doanh nghiệp giảng dạy tại Khoa. Khoa cũng rất chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế và quốc gia về lĩnh vực công nghệ thông tin và các lĩnh vực liên quan, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Khoa, của Trường.

Từ cột mốc 45 năm thành lập ngành đào tạo, PGS.TS Nguyễn Tấn Khôi – Trưởng khoa, cho biết, chặng đường sắp tới, đặt ra khá nhiều thách thức và yêu cầu mới, trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ và sự phát triển không ngừng của các lĩnh vực công nghệ mới, Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) xác định phải tiếp tục nâng cao số lượng và trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên, làm chủ các công nghệ mới trong chuyên ngành, nhằm hoàn thành sứ mệnh đào tạo những thế hệ tri thức ưu tú, nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển của đất nước trong xu thế, thời đại mới. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), cũng lưu ý: Giai đoạn phát triển sắp tới, nhiệm vụ đặt ra sẽ ngày càng nặng nề, đòi hỏi Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, giảng viên trong Khoa phải liên tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy theo hướng hiện đại. Chuyển từ truyền đạt kiến thức sang phát huy kỹ năng sinh viên, trang bị hành trang tốt nhất cho học viên, sinh viên khi ra trường.

Khoa cũng cần tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng; hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu, trang thiết bị dạy và học, đáp ứng quy mô, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, khẳng định vị thế là địa chỉ đào tạo nhân lực công nghệ thông tin uy tín nhất tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên./.

Trần Ngọc­