(Đà Nẵng). Ngày 5/7/2025, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển. Tiền thân của Trường là Viện Đại học Đà Nẵng, được thành lập ngay sau ngày thống nhất đất nước (1975). Sự kiện đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ đầy tự hào với nhiều thành tựu nổi bật, khẳng định vị thế của nhà trường là trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Thông điệp kỷ niệm 50 năm thành lập Trường của PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm kiến tạo một hệ sinh thái giáo dục mở, linh hoạt và năng động, nơi tri thức gắn kết chặt chẽ với thực tiễn sản xuất doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Nhà trường mong muốn đào tạo những thế hệ kỹ sư không chỉ có năng lực cạnh tranh toàn cầu mà còn giàu bản lĩnh, trách nhiệm và khát vọng cống hiến. Đó chính là lý tưởng, là động lực, là cam kết bền vững của trường Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức và đóng góp thiết thực cho sự phát triển của dân tộc trong kỷ nguyên mới”.
Xương rồng, cát trắng, linh kiện, phụ tùng từ thiết bị chiến tranh hư hỏng thành đồ dùng học tập
“Ngày 11/7/1975, Viện Đại học Đà Nẵng được thành lập theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Cách mạng Trung – Trung bộ, đến tháng 10 năm 1976, trên cơ sở của Viện Đại học Đà Nẵng, Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp đã ra quyết định thành lập Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, là 1 trong 3 trường trường đại học đa ngành kỹ thuật của cả nước, làm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái thiết đất nước trên dải đất miền Trung bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đó là “Món quà vô cùng quý giá, mà Đảng và Nhân dân trao cho Miền Trung” như lời nói của ông Võ Chí Công (Bí thư khu ủy thời bấy giờ)”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết.

Theo hồi ức của GS.TSKH Bùi Văn Ga, Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước, là Cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng khóa đầu tiên “Trường hình thành trên khu đất chỉ có xương rồng, cát trắng, mọi thứ hầu như đều không có. Các Thầy phải đi tìm, nhặt linh kiện, thiết bị điện tử từ phương tiện chiến tranh, mang về l;àm đồ dùng dạy học”.
Tuy nhiên với quyết tâm chính trị của Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp và của Khu Ủy Trung Trung bộ, bằng những nỗ lực vượt bậc của tập thể lãnh đạo nhà trường thời bấy giờ, trường đã tổ chức tuyển sinh khóa học đầu tiên (cũng ngay trong năm 1975) với 329 sinh viên hệ chính quy, vào các ngành học “khóa 75” thuộc khoa Cơ khí, Điện và Kinh tế.
Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp lúc bấy giờ (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát; Liên Khu ủy Khu 5, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Trung – Trung bộ, Tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, các địa phương trong khu vực, đơn vị bộ đội, các cơ quan, trường đại học bạn, đã hỗ trợ hết mình cho nhà trường về đội ngũ, cơ sở vật chất để Nhà trường vượt qua được giai đoạn đầu đầy thử thách.
Đặc biệt những thế hệ thầy cô giáo và những cán bộ đầu tiên với đầy sự năng động, nhiệt tình, cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho sự phát triển của nhà trường. Các Thầy Cô giáo và sinh viên phải tăng gia sản xuất, lập các khu chăn nuôi, trồng trọt để có đủ lương thực, thực phẩm. Khu cát trăng mênh mông dần dần được phủ màu xanh, đáp ứng thực phẩm hằng ngày cho thầy trò. Có đủ miếng ăn đã khó, có đủ điều kiện học tập, thí nghiệm lại càng khó hơn.
Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí ở Quân ủy quân khu 5, các Thầy Cô giáo đã tìm được các máy móc hỏng sau chiến tranh để lấy các linh kiện, phụ tùng, thiết bị lắp ráp tạo thành thiết bị thí nghiệm. Các trường đại học phía Bắc, đặc biệt là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chi viện giáo trình, tài liệu học tập, cử giáo viên vào thỉnh giảng để hỗ trợ cho nhà trường. Có quá nhiều gian khó mà Thầy cô, các thế hệ sinh viên khóa 1,2 đã phải trải qua.

Để rồi trên dải đất Miền Trung-Tây nguyên, cựu sinh viên của Trường đóng vai trò chủ lực trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội. Thật khó có thể hình dung được làm thế nào khu vực có thể phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay nếu thiếu vắng lực lượng cán bộ được đào tại Trường Đại học Bách khoa thân yêu của chúng ta”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu nhấn mạnh.
1 trong 3 trường Đại học hàng đầu của Việt Nam về đào tạo kỹ sư công nghệ
“Ngày 4/4/1994, Nghị định số 32/CP của Chính phủ về thành lập Đại học Đà Nẵng, trong đó có Trường Đại học Kỹ thuật (tên mới của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) trở thành 1 trong 5 trường thành viên đầu tiên, giữ vai trò nòng cốt trong sự hình thành và phát triển của Đại học Đà Nẵng. Đến năm 2004, thì đổi tên lại thành Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, một “học hiệu” thân quen, giàu truyền thống và rất đỗi tự hào.
Thành tựu nổi bật nhất của Nhà trường trong 50 năm qua là đã đào tạo, cung cấp một lực lượng lớn cán bộ, chuyên gia, kỹ sư cho đất nước. Thật tự hào khi đi suốt chiều dài của đất nước đều bắt gặp những cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa thành đạt. Nhiều người đã nắm giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp, trường Đại học…, đang ngày đêm cống hiến trí tuệ, tâm sức cho quê hương, đất nước.
Nhờ lực lượng cán bộ được đào tạo từ Trường Đại học Bách khoa, khu vực Miền Trung-Tây nguyên kịp thời có được đội ngũ cán bộ hùng hậu phục vụ công cuộc tái thiết đất nước sau ngày Giải phóng. Nhờ đó kinh tế-xã hội của các tỉnh trong khu vực phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Nhiều công trình, dự án, sản phẩm Khoa học công nghệ – Sáng tạo của các thế hệ Thầy và trò “Bách khoa Đà Nẵng” đã và đang đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kế thừa danh tiếng của Trường Đại học Bách khoa qua 50 năm hình thành và phát triển, các thế hệ cán bộ quản lý – Giảng viên – Sinh viên của trường, hãy cùng phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy niềm tự hào là “Dân Bách khoa”, cùng chung tay phát triển mãi trường, để Đại học Bách khoa luôn là 1 trong 3 trường Đại học hàng đầu của Việt Nam về đào tạo kỹ sư công nghệ”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhìn nhận.

Trải qua 50 năm, Trường đã phát triển thành một đại học kỹ thuật trọng điểm của Khu vực miền Trung và cả nước với 14 khoa, 9 đơn vị chức năng, 11 trung tâm nghiên cứu – đào tạo; 16 ngành tiến sĩ, 18 ngành thạc sĩ, 41 ngành/chuyên ngành đại học, với quy mô gần 18.000 sinh viên, học viên. Đội ngũ 546 cán bộ viên chức, trong đó 407 giảng viên. Tỷ lệ giảng viên giảng dạy lý thuyết có bằng tiến sĩ đạt 74,4%, thuộc tốp các trường có tỷ lệ tiến sĩ cao nhất cả nước.
Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 97%, khẳng định chất lượng đào tạo thuộc nhóm hàng đầu cả nước. Khẳng định vị thế tiên phong và trách nhiệm quốc gia trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; trong 5 năm gần đây, Trường mở mới 11 chương trình đào tạo đại học ở các lĩnh vực tiên tiến gồm: Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Cơ khí hàng không, Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật và Quản lý xây dựng đô thị thông minh, Mô hình thông tin và Trí tuệ nhân tạo trong Xây dựng, Công nghệ sinh học Y dược, Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng, Vi điện tử – Thiết kế vi mạch, Quản lý năng lượng, Xây dựng đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Mở mới 1 chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ (Quản lý công nghiệp) và 1 chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ (Quản lý xây dựng).
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đạt nhiều thành tựu ấn tượng: Trường đạt chuẩn HCERES (chu kỳ 2); 26 CTĐT đại học đạt chuẩn quốc tế (CTI: 3; ASIIN: 11; AUN-QA: 12); 4 Chương trình đào tạo thạc sĩ được kiểm định bởi ASIIN.

Trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng luôn xác định Hợp tác quốc tế và Quan hệ doanh nghiệp là hai trụ cột chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực hội nhập. Trường đã thiết lập quan hệ với hơn 100 đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế; triển khai nhiều chương trình liên kết đào tạo với các đối tác như Mỹ, Pháp, Nhật. Trường cũng tích cực tham gia các dự án Erasmus+, DAAD, JICA, AUF… với hàng trăm lượt trao đổi học giả, sinh viên, giảng viên mỗi năm. Về quan hệ doanh nghiệp, Nhà trường hợp tác sâu rộng với nhiều tập đoàn lớn như Fujikin, LG, ABB, Mitsubishi, EVN, Viettel, Thaco… Thông qua các chương trình liên kết đào tạo, thực tập, Capstone Project, sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tiễn và nâng cao năng lực.
Tại sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập, thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị: Giáo dục đại học không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực, mà còn phải là trung tâm đổi mới sáng tạo, là nơi tạo ra tri thức mới và giải pháp cho các vấn đề phục vụ phát triển của đất nước.
Thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thúc đẩy tự chủ đại học, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tôi tin rằng Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng hoàn toàn có đủ năng lực và nền tảng để vươn xa hơn nữa, tiếp tục khẳng định vị thế, là điểm sáng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Trường hãy tập trung đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, cần cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW bằng các chiến lược dài hạn, trung hạn và kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng các trung tâm nghiên cứu – đổi mới sáng tạo, vườn ươm công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Tăng cường số lượng và chất lượng công bố quốc tế, thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, hướng tới việc trở thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến.
Đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hội nhập quốc tế. Tham gia tích cực và chủ động vào các chủ trương lớn của Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành mũi nhọn là thế mạnh của nhà trường như công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và các ngành kỹ thuật quan trọng khác. Tích cực thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Áp dụng các công nghệ mới vào giảng dạy và quản lý đại học; xây dựng nền tảng học tập thông minh, tài nguyên học liệu mở”.

Khánh thành Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia dùng chung Cơ điện tử và Ứng dụng
Trong khuôn khổ sự kiện lễ kỷ niệm, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia dùng chung Cơ điện tử và Ứng dụng, của trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng cũng chính thức khánh thành (trưa ngày 5/7).
Dự án được được phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 884/QĐ-BGDĐT ngày 21/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia dùng chung Cơ điện tử và ứng dụng , sẽ chính thức phục vụ sinh viên từ năm học 2025–2026, với nhiều lĩnh vực khác nhau như Robots, IoTs, Khoa học vật liệu, Khuôn mẫu, Thiết kế mô phỏng..
Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Cơ điện tử phục vụ cho nền sản xuất công nghiệp của đất nước, đồng thời thúc đẩy chính sách sử dụng chung trang thiết bị thí nghiệm, thực hành để thu hút, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo.

Dự án được thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025 với tổng vốn đầu tư 40.000.000.000 đồng, bao gồm Đầu tư mua sắm, lắp đặt đồng bộ thiết bị thí nghiệm lĩnh vực Cơ điện tử và ứng dụng; Cải tạo, sửa chữa cơ bản cho phòng thí nghiệm trước khi lắp đặt trang thiết bị. Đây cũng là không gian đổi mới sáng tạo, kết nối công nghệ và nâng tầm chất lượng đào tạo kỹ sư thế hệ mới.
Lễ kỷ niệm 50 năm không chỉ là dịp để tri ân các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên đã đóng góp cho sự phát triển của nhà trường, mà còn là dấu mốc quan trọng để Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng tiếp tục khẳng định tầm nhìn chiến lược, vững bước trên hành trình đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững trong giai đoạn mới./.
Trần Ngọc