Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kỷ niệm 61 năm ngày Truyền thống Lực lượng CSND: Lực lượng Cảnh sát Nhân dân phát huy truyền thống vẻ vang “Mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ”

ĐNA -

Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố hai Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát Nhân dân và chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh sát Nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ đó, ngày 20/7 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Nhân dân Việt Nam. Cùng với các lực lượng khác trong ngành Công an, lực lượng Cảnh sát Nhân dân là lực lượng vũ trang ra đời từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong suốt chặng đường vẻ vang của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với lý tưởng cách mạng, với lợi ích dân tộc gắn bó máu thịt với nhân dân, đã lập nên nhiều thành tích, chiến công xuất sắc trên các mặt công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý, xứng đáng “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ”.

Lực lượng Cảnh sát Nhân dân phát huy truyền thống vẻ vang “Mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ”

I- Lực lượng Cảnh sát Nhân dân ra đời, bảo vệ Đảng, chính quyền cách mạng còn non trẻ và cùng toàn dân kháng chiến chống Pháp
Ngày 19/8/1945, cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng được thành lập tại Hà Nội và lần lượt tại các địa phương trong cả nước. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an Nhân dân ra đời: Ở Bắc Bộ thành lập Sở Liêm phóng Bắc Bộ; ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát và ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc (bao gồm cả lực lượng Trinh sát và Cảnh sát). Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an Nhân dân đều có chung nhiệm vụ là trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân. Ngày 19/8/1945, lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập và lực lượng Cảnh sát Nhân dân đã trở thành lực lượng nòng cốt, xung kích trong việc giữ gìn trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng.

Ngay sau khi được thành lập, lực lượng Cảnh sát Nhân dân tại các địa phương trong cả nước đã phối hợp với lực lượng Trinh sát (tiền thân của lực lượng An ninh Nhân dân) trấn áp bọn phản cách mạng, bọn lưu manh côn đồ, giữ gìn trật tự trị an ở các thành phố, thị xã, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ căn cứ về Hà Nội. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát đã phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng khác bảo vệ tuyệt đối an toàn Lễ Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945 tại Thủ đô Hà Nội. Mặc dù mới được thành lập, song lực lượng Cảnh sát Nhân dân đã phối hợp với lực lượng An ninh Nhân dân chủ động, nhanh chóng ổn định đi vào hoạt động với vai trò là lực lượng chuyên chính của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống các thế lực phản động và bọn tay sai của phát xít Nhật, thực dân Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch, âm mưu gây bạo loạn lật đổ chính quyền cách mạng, bọn lưu manh côn đồ, cướp của, giết người, làm mất trật tự trị an; đã điều tra khám phá hàng trăm vụ cướp của, giết người, bắt cóc tống tiền; triệt phá các tổ chức do bọn phản động lập ra để chống phá cách mạng nước ta. Nổi bật nhất là chiến công của Nha Công an Trung ương (gồm lực lượng Trinh sát và Cảnh sát) trong vụ án lịch sử số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) ngày 12/7/1946, phá tan tổ chức phản động nguy hiểm cấu kết với thực dân Pháp đảo chính lật đổ chính quyền cách mạng; điều tra khám phá vụ thảm sát cả nhà chủ hiệu kim hoàn Vĩnh Tường ngày 03/8/1946 ở thành phố Hải Phòng do binh lính Pháp gây ra; cùng các lực lượng khác bảo vệ an toàn cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong cả nước tháng 01/1946.

Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23/SL-LCT hợp nhất các Sở Cảnh sát, Sở Liêm phóng thành Việt Nam Công an vụ. Đây là mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng.

Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại làng Vạn Phúc (Hà Nội), quyết định phát động cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Căn cứ vào tương quan lực lượng địch – ta, Hội nghị khẳng định: “Cuộc kháng chiến của nhân dân ta trường kỳ nhưng nhất định thắng lợi”. Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, mệnh lệnh chiến đấu đã được phát ra qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Người nói: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Nhiệm vụ của lực lượng Công an Nhân dân nói chung, Cảnh sát xung phong và Công an trật tự nói riêng là di chuyển hồ sơ, tài liệu, di chuyển trại giam; bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ các cơ quan, kho tàng của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; theo dõi và đẩy đuổi các đối tượng nghi vấn ra khỏi khu vực chiến sự; bảo vệ bí mật quân sự và tham gia chiến đấu tiêu hao sinh lực địch; đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động quân sự của địch, hoạt động của bọn phản cách mạng, chuẩn bị đưa người trở về vùng địch tạm chiếm để hoạt động.

Ngày 19/01/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phá hội tề”. Trong phong trào phá tề trừ gian đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng địch. Cũng trong năm 1948, thực hiện chủ trương “Bao vây kinh tế địch” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Công an trật tự các tỉnh đã tăng cường công tác bao vây, cô lập kinh tế địch đạt kết quả tốt. Điển hình như Công an các tỉnh Phú Thọ, Phúc Yên, Hưng Yên, Hải Dương… lập nhiều hàng rào bao vây kinh tế địch, các trạm kiểm soát buôn lậu; phục vụ ổn định kinh tế tại các vùng tự do.

Cùng với các hoạt động bao vây kinh tế địch, lực lượng Trị an hành chính đã đẩy mạnh đấu tranh chống tội phạm kinh tế, phát hiện bắt hàng trăm vụ buôn lậu, đầu cơ tích trữ, khám phá nhiều vụ án lớn như: Công an Lạng Sơn bắt 5 vụ buôn vàng; Công an Hải Dương bắt 24 vụ trốn thuế, thu giữ 5.000 mặt hàng; Công an Nghệ An, Hà Tĩnh khám phá vụ lấy cắp 17 vạn đồng (tiền Chính phủ kháng chiến), 5 vụ tiền giả; Công an Hà Giang khám phá 15 vụ tham ô, trong đó có vụ tham ô 1.000 tấn muối… Chiến công của lực lượng Trị an hành chính trong bao vây kinh tế địch, phòng chống tội phạm, bảo vệ kinh tế lúc này có ý nghĩa hết sức quan trọng, hạn chế hao hụt ngân khố quốc gia để tập trung cho kháng chiến, góp phần cô lập địch để tiêu diệt địch.

Đầu năm 1950, tình thế ở chiến trường lúc này đang có lợi cho ta, ta càng đánh càng mạnh, vùng tự do càng được mở rộng, yêu cầu công tác bảo vệ căn cứ, vùng tự do và nội bộ càng cao, nhiệm vụ nắm tình hình địch, phục vụ tổng phản công đòi hỏi cấp thiết. Chính vì vậy, ngày 05/5/1950 Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Chỉ thị số 10/CT-TW về “Đảng lãnh đạo Công an” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Công an. Thực hiện chỉ thị này, các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương đều quan tâm lãnh đạo công tác Công an; chỉ đạo các cơ quan, ban ngành phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, cử một số cán bộ Đảng có năng lực tăng cường cho ngành Công an. Tiếp đó, ngày 12/5/1951, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 05-CT/TW quy định nhiệm vụ và tổ chức Nha Công an Việt Nam – Đây là Chỉ thị quan trọng để xây dựng ngành Công an phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nền tảng xây dựng ngành Công an sau này. Được tăng thêm sức mạnh tinh thần, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an đã nêu cao tinh thần mưu trí, dũng cảm, kiên cường, giữ vững khí tiết của người Công an cách mạng, không hề khai báo khi bị địch bắt, tra tấn vô cùng dã man; tiêu biểu như Anh hùng liệt sỹ Trần Thành Ngọ (Hải Phòng), Nguyễn Văn Dưỡng (Lạng Sơn), Bửu Đóa (Khánh Hòa), Bùi Thị Cúc (đội viên Công an xung phong Hưng Yên)… Những gương sáng đó đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng qua những chặng đường lịch sử.

Ở hậu phương, lực lượng Công an trật tự đã giải quyết tốt nhiều vấn đề về trật tự an toàn xã hội. Thực hiện Thông tư 118/TT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chống lưu manh, trộm cắp, Công an Nghệ An đã khám phá 4 vụ giết người cướp của, 3 vụ in, tiêu thụ tiền giả, 40 vụ cướp, hàng chục vụ biển thủ công quỹ, khám phá vụ trộm 17 vạn đồng tiền công quỹ ở Sở Tài chính Trung Bộ. Công an các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang khám phá nhiều vụ trộm cắp, cướp của, hàng chục vụ tham ô, nhiều vụ buôn bán thuốc phiện, vũ khí… Trong công tác giữ gìn trật tự, chống lưu manh, trộm cắp, lực lượng Công an đã tổ chức nhân dân tham gia đấu tranh, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật. Nhiều đồn, trạm Công an đã tổ chức các buổi “Nhân dân phê bình Công an” để lắng nghe ý kiến của nhân dân, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa Công an nói chung, nhất là lực lượng Công an trật tự nói riêng với nhân dân để làm tốt công tác giữ gìn an ninh, trật tự.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng quyết liệt. Để phục vụ có hiệu quả cho công cuộc kháng chiến đòi hỏi Công an phải tăng cường lực lượng và củng cố về mặt tổ chức; ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 141/SL-LCT, đổi Nha Công an Việt Nam thành Thứ bộ Công an, trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Sắc lệnh đã quy định nhiệm vụ của Công an thời kỳ này, trong đó có nhiệm vụ của Trị an dân cảnh, Trị an hành chính là: Bài trừ lưu manh trộm cắp, bài trừ tệ nạn xã hội và giữ gìn trật tự an ninh trong nhân dân; quản trị các trại giam, giáo dục cải tạo phạm nhân. Sắc lệnh cũng quy định tổ chức, bộ máy của Thứ bộ Công an gồm 7 đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó có Vụ Trị an hành chính; các khu, sở, ty Công an và hệ thống tổ chức Công an cấp huyện, cấp xã. Tại kỳ họp từ ngày 27/8 đến ngày 29/8/1953, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết đổi tên Thứ bộ Công an thành Bộ Công an. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh của Công an nhân dân Việt Nam, trong đó có lực lượng Cảnh sát Nhân dân.

Tháng 11/1953, Trung ương Đảng chính thức thông qua cương lĩnh cải cách ruộng đất và được Quốc hội nhất trí tán thành ngày 01/12/1953. Thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, ngành Công an đã cử cán bộ tham gia phát động quần chúng cải cách ruộng đất, lực lượng Trị an hành chính có nhiệm vụ: “Kết hợp phát động quần chúng thu thập và kiểm soát vũ khí, chỉnh đốn và xây dựng Công an xã, tiến hành lập danh sách hộ khẩu trong xã, theo dõi sự biến chuyển về nhân khẩu (số người đến hoặc đi khỏi xã). Trong quá trình tổ chức thực hiện, lực lượng Trị an hành chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó.

Thất bại trên các chiến trường Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, Thượng Lào, thực dân Pháp tập trung quân chiếm cứ điểm Điện Biên Phủ. Lực lượng Trị an hành chính cùng các lực lượng khác của ngành Công an được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ. Với quy mô và tầm quan trọng của chiến dịch, ngành Công an đã thành lập “Ban công tác tiền phương” nằm trong “Hội đồng cung cấp mặt trận” để trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch; lực lượng Trị an hành chính đã tham gia bảo vệ chiến dịch, phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng chục vụ phạm pháp hình sự, bắt những tên lưu manh, trộm cắp hàng hóa, tài sản của Nhà nước, bắt bọn buôn lậu lợi dụng con đường dân công để làm ăn phi pháp; đồng thời cùng với các lực lượng khác của ngành Công an đã làm tốt công tác bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ các cơ quan đầu não chỉ đạo kháng chiến.

Ngày 07/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán tại Giơnevơ và ký kết với Chính phủ Việt Nam “Hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương”. Trải qua 9 năm kháng chiến đầy hy sinh gian khổ, lực lượng Trị an hành chính, tiền thân là Cảnh sát xung phong, Công an Trật tự đã bảo vệ vững chắc trật tự trị an ở vùng căn cứ, vùng tự do, chiến đấu diệt địch, phá tề, phục vụ bảo vệ an toàn các chiến dịch, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố hai Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát Nhân dân

II – Lực lượng Cảnh sát Nhân dân bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước
Ngày 17/02/1955, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 9 đã khẳng định “Nếu không đẩy mạnh công tác trị an thì không thể mau chóng ổn định trật tự xã hội”. Hội nghị cũng xác định những nhiệm vụ công tác cơ bản của lực lượng Trị an hành chính, đẩy mạnh công tác trị an ở nông thôn, thành phố, đảm bảo giữ gìn trật tự, trị an xã hội trong tình hình miền Bắc mới được giải phóng.

Ngày 28/7/1956, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 982/TTg về việc thành lập Cục Cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công an, theo đó lực lượng Trị an hành chính các cấp cũng đổi tên thành Cảnh sát Nhân dân. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân về mặt tổ chức, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, xứng đáng là công cụ chuyên chính sắc bén của Đảng.

Tháng 11, 12/1959, lực lượng Cảnh sát cùng các lực lượng khác của Công an Nhân dân đã phối hợp với Quân đội nhân dân mở chiến dịch đập tan âm mưu gây bạo loạn, cướp chính quyền tại tỉnh Hà Giang, làm tan rã lực lượng phản động gồm 1.112 tên phỉ, tiêu diệt và bắt sống 152 tên, gọi hàng 139 tên, thu 335 súng các loại. Lực lượng Cảnh sát đã cùng lực lượng An ninh đấu tranh bắt gọn hầu hết các toán gián điệp, biệt kích của Mỹ, ngụy tung ra phá hoại miền Bắc, bắt giữ 463 tên, thu nhiều tấn vũ khí, chất nổ, phương tiện hoạt động; bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ sở kinh tế, cơ quan, xí nghiệp, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình văn hóa – xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân; tổ chức cho nhân dân đi sơ tán khỏi vùng có chiến sự ác liệt. Đấu tranh, trấn áp, bắt giữ, xử lý hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm, kịp thời dập tắt các vụ cháy lớn, làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

Công tác xây dựng lực lượng Công an Nhân dân trong thời kỳ này luôn được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển. Để xây dựng lực lượng Cảnh sát Nhân dân thành một lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công an, thừa hành pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và tội phạm khác, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, nhằm góp phần đảm bảo cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước ở miền Nam; ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát Nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 20/7 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Nhân dân Việt Nam.

Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát Nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Ngày 24/7/1963, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 85/NQ-BCT về “Nâng cao ý thức, trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Công an có Chỉ thị số 1623 P7B/G78 về xây dựng cơ quan xí nghiệp, đơn vị an toàn. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tích cực thực hiện cuộc vận động “3 xây, 3 chống”, khám phá nhiều vụ tham ô lớn. Trước tình hình tham ô xảy ra nghiêm trọng trong ngành thương nghiệp, Công an các địa phương đã hỗ trợ ngành thương nghiệp trong công tác bảo vệ, kiến nghị, bố trí cán bộ tốt vào các khâu chủ chốt, tham mưu cho cấp ủy Đảng củng cố thương nghiệp, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của tập thể.

Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng đã vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, bảo vệ an toàn các kế hoạch, địa điểm chuyển quân, chuyển hàng, kho tàng, bến bãi và các cuộc hành quân của bộ đội ta vào chiến trường miền Nam. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân ngày đêm bám đất, bám đường, bắn trả máy bay địch, nguỵ trang, phân tán xe cộ, bảo vệ vật tư, phương tiện vận tải chi viện cho tiền tuyến; các chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy, cảnh sát khu vực, cảnh sát giao thông… quên mình trong lửa đạn để cứu người, cứu tài sản là những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” sử dụng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã mưu trí dũng cảm, không sợ hy sinh, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ dưới nền bom đạn, cứu chữa tài sản của nhà nước, tài sản và tính mạng của nhân dân. Điển hình: Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hạ Long trong 2 năm 1965, 1966 đã cứu chữa 22 vụ cháy, trong đó 8 vụ cháy do địch ném bom, bắn phá gây ra, cứu được hàng trăm tấn xăng, nhiều hầm lò sản xuất, nhiều tài sản giá trị khác. Ngày 19/6/1966, máy bay Mỹ ném bom bắn phá kho xăng Đức Giang (Hà Nội), xăng dầu bốc cháy dữ dội; Công an Hà Nội cùng Cục Phòng cháy chữa cháy điều động các lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở các địa phương lân cận, cùng với Quân khu Thủ đô, nhân dân vùng Gia Lâm quyết chiến với giặc lửa; một thời gian vật lộn với khó khăn, đối mặt với cái chết, các lực lượng chữa cháy đã dập tắt được vụ cháy, cứu được 12 bồn xăng và hàng nghìn phuy xăng …

Cuối năm 1965, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Giao thông trật tự, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn trọng điểm đưa lực lượng Cảnh sát giao thông bám chốt, bám đường suốt ngày đêm; bom đạn quân thù không khuất phục được ý chí kiên cường của Cảnh sát giao thông với quyết tâm bảo đảm thông đường, thông xe vì tiền tuyến gọi, vì miền Nam thân yêu. Điển hình như đồng chí Hoàng Hữu Nờ, Chỉ huy Đồn 84 Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Tiến Tuẫn, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Cảnh sát giao thông ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh…

Cùng với các lực lượng khác, Cảnh sát khu vực có vai trò rất quan trọng, đóng góp nhiều công sức, kể cả tính mạng vào công tác phòng không nhân dân, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa của kẻ thù. Dưới làn bom của giặc Mỹ, các đồng chí khu vực không quản ngại hy sinh giúp đỡ các cụ già, em nhỏ, người tàn tật, gia đình neo đơn di chuyển đến nơi an toàn, tuần tra canh gác, giữ gìn trật tự, bảo vệ tài sản công cộng, tài sản của nhân dân, nhiều đồng chí đã dũng cảm cứu chữa những người dân bị thương, bị sập hầm, bị cháy nhà, giải quyết hậu quả sau những trận ném bom… Đặc biệt có đồng chí lấy thân mình che bom đạn cho dân, như Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Uân (Hà Nội); Anh hùng Hồ Bá Thọ, hàng chục lần lấy thân mình làm thang cho các cháu học sinh K8 lên xuống xe và xông pha trong lòng bom đạn, hướng dẫn các cháu vào nơi trú ẩn an toàn.

Ngày 16/4/1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2; chúng sử dụng hàng trăm lượt máy bay và tàu chiến bắn phá các địa phương ven biển, dùng B52 ném bom rải thảm các thành phố, thị xã từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh. Đặc biệt, ngày 18/12/1972, Đế quốc Mỹ đã dùng máy bay B52 ném bom rải thảm vào Thủ đô Hà Nội và TP Hải Phòng suốt 12 ngày đêm. Lực lượng Cảnh sát Nhân dân đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, cùng các lực lượng khác vừa chiến đấu đánh trả máy bay địch, vừa tích cực hướng dẫn nhân dân trú ẩn, cứu thương, đưa nhân dân đi sơ tán, bảo vệ tài sản của Nhà nước và tài sản của nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự, góp phần vào thắng lợi của trận “Điện Biên phủ trên không”.

Tháng 3/1975, quân và dân miền Nam liên tiếp giành được thắng lợi trong chiến dịch Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng và một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, hình thành thế bao vây Sài Gòn. Ngày 31/3/1975, Hội nghị Bộ Chính trị nhận định thời cơ giải phóng Sài Gòn – Gia Định đã chín muồi, toàn quân ta cần “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất trong tháng 4/1975, không thể chậm được”. Cùng với cả nước tập trung huy động nhân lực, vật lực cho ngày thống nhất đất nước, gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Nhân dân chi viện cho miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào chiến thắng lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, lực lượng Cảnh sát nhân dân cùng lực lượng An ninh đã nhanh chóng tiếp quản và tích cực lập lại trật tự xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, ổn định đời sống của nhân dân ở các tỉnh, thành phố vừa mới giải phóng.

Lực lượng Cảnh sát Nhân dân vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng ngày 28/12/2003

III – Lực lượng Cảnh sát nhân dân tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới của đất nước
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30, lực lượng Cảnh sát nhân dân ở miền Bắc tiếp tục tăng cường hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cho Công an các Sở, Ty ở miền Nam, tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự ở vùng mới giải phóng.

Ngày 02/12/1980, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 31/NQ-TW về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Nghị quyết chỉ rõ: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, sử dụng đồng bộ mọi biện pháp nhằm tích cực xây dựng, chủ động phòng ngừa, chủ động tiến công và tiến công liên tục, tiến công để làm chủ, làm chủ để tiến công, nhằm tiêu diệt và làm tan rã bọn phản cách mạng và bọn tội phạm khác”. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, lực lượng Cảnh sát Nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng An ninh nhân dân truy quét tàn quân ngụy, trấn áp các tổ chức phản động như: Vụ “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam” (7/1982); tổ chức “Lực lượng dân quân phục quốc” ở thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức “Sư đoàn Thanh Long – Long Thoại” ở Hậu Giang; tổ chức phản động trong Viện hóa đạo Ấn Quang… và hàng trăm tổ chức phản động khác.

Từ năm 1980 – 1985, lực lượng Cảnh sát Nhân dân đã bắt 192.504 tên (30% là lưu manh chuyên nghiệp), triệt phá 13.001 băng ổ nhóm, trong đó có 81 băng cướp của giết người, 60 băng cướp của tống tiền, điển hình như: băng cướp do tên Nguyễn Văn Sơn, tức “Sơn Dứa” cầm đầu, chuyên cướp trên tàu hỏa (02/1980); băng cướp gồm 20 tên do Nguyễn Khắc Lễ cầm đầu (8/1982); băng cướp do tên Võ An Khê cầm đầu ở An Giang (3/1983); băng cướp do tên Trần Văn Tuyến cầm đầu ở Hải Phòng (3/1983); băng cướp do tên Nguyễn Trung Thành cầm đầu ở Nghĩa Bình (12/1984); băng cướp do tên Nguyễn Văn Nghĩa cầm đầu ở Hà Nội (2/1985)…

Thực hiện Nghị quyết 128/HĐBT ngày 02/8/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về các biện pháp cấp bách bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã đấu tranh có hiệu quả với bọn tội phạm kinh tế, tập trung vào các ngành trọng điểm là giao thông vận tải, vật tư, lương thực, chú trọng bảo vệ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, vật tư quý hiếm, lập lại trật tự kinh tế và ổn định trật tự an toàn xã hội; tổ chức nhiều đợt tấn công truy quét bọn buôn lậu hoạt động trên tuyến biên giới Tây Nam. Kết quả: Lực lượng Cảnh sát đã điều tra khám phá, xử lý 76.389 vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, thu nhiều hàng hóa, tài sản có giá trị lớn.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), lực lượng Cảnh sát nhân dân và lực lượng An ninh đã nắm chắc tình hình, đấu tranh có hiệu quả với bọn Fulro. Tiểu đoàn I, Cục Cảnh sát Bảo vệ được thành lập, trực tiếp chiến đấu chống bọn Fulro, phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh, làm tốt công tác dân vận, trực tiếp chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, đã đánh 2.025 trận, tiêu diệt 2.435 tên, bắt sống gần 3.000 tên, kêu gọi 9.546 tên ra trình diện. Sau hơn 10 năm chiến đấu ở vùng rừng núi Tây Nguyên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát nhân dân đã góp phần quan trọng vào chiến công chung, tiêu diệt và làm tan rã bọn Fulro, tạo nên bước chuyển biến tích cực trên mặt trận an ninh, trật tự ở địa bàn Tây Nguyên. Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn I và liệt sỹ Lưu Thế Hà (cán bộ Tiểu đoàn I).

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về quản lý nhân khẩu và cấp giấy chứng minh nhân dân thống nhất trong cả nước, với quyết tâm cao, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã hoàn thành công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân cho đồng bào miền Nam, phục vụ kịp thời nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển xã hội. Thông qua công tác quản lý hành chính, đã phát hiện 31.740 đối tượng hình sự, 253.730 đối tượng chính trị, trên 117.229 đối tượng nguỵ quân, nguỵ quyền trốn trình diện, cải tạo; thu hồi hàng vạn khẩu súng quân dụng, đạn dược, thuốc nổ, phương tiện chiến tranh.

Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện và sâu sắc, nhằm đưa nước ta vượt qua khó khăn, khủng hoảng, tiếp tục đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động ráo riết tiến hành chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, nhằm phủ định sự lãnh đạo của Đảng, xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; triệt để lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã đổi mới toàn diện các mặt công tác, xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, theo hướng tập trung thống nhất, chuyên sâu, tăng cường nghiệp vụ cơ bản; kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ theo chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ; đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn việc học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân với công tác xây dựng Đảng, chấn chỉnh tác phong, phương pháp làm việc, kiên quyết thanh loại những cán bộ sa sút ý chí chiến đấu, năng lực kém và vi phạm phẩm chất đạo đức… Tập trung tấn công liên tục bọn tội phạm hình sự, nhất là các loại đối tượng nguy hiểm, phấn đấu làm giảm trọng án, đấu tranh ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tham nhũng, buôn lậu; củng cố, nâng cao chất lượng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, điều tra, công tác khoa học hình sự, hồ sơ nghiệp vụ và các biện pháp quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội… cùng các lực lượng khác trong ngành đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ vững trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tham mưu giúp Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm”, “Chương trình quốc gia phòng, chống ma tuý”; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trọng đại của đất nước; chủ động phòng ngừa và liên tục tấn công, truy quét tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm mới có yếu tố nước ngoài, tội phạm công nghệ cao…; ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội, từng bước thiết lập lại trật tự an toàn giao thông, làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… góp phần tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả nhiều vấn đề cơ bản, chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, liên tục triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và theo các tuyến, địa bàn trọng điểm, qua đó đã kiểm soát và kiềm chế được tình hình phức tạp, tạo được chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực công tác, làm chuyển biến những địa bàn phức tạp; nhiều chuyên án, vụ án lớn về hình sự, kinh tế, ma túy được khám phá để lại dấu ấn đẹp trong nhân dân, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao.

Chy Lê/nguồn dhan.edu