Thứ năm, Tháng mười một 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nhớ những kỷ niệm cùng dân công hỏa tuyến

ĐNA -

Ngày 26/1/1954, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng Đại đoàn 308 và Trung đoàn 148 (Đại đoàn 316) mở chiến dịch sang Thượng Lào. Đầu tháng 2/1954, đơn vị tôi được điều di chuyển sang Lào, chuẩn bị cho trận đánh mở màn ngày 13/3/1954. Tổng cục Cung cấp đưa một đại đội dân công hỏa tuyến khoảng 100 người (khoảng 70% là nữ) di chuyển từ Phú Thọ lên để hỗ trợ lương thực, khiêng thương binh, vũ khí giúp chúng tôi.

Hình ảnh dân công hỏa tuyến được tái tạo trong Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Đầu năm 1954 (dịp gần Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 1954), tôi được điều lên tham gia chiến đấu ở Mặt trận Điện Biên Phủ với chức vụ Chính trị viên Đại đội sơn pháo 756, Tiểu đoàn 275, Trung đoàn 675 (Đại đoàn Công pháo 351).

Trung đoàn 675 được giao nhiệm vụ phối hợp với các đại đội pháo của Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312, tổ chức thành các cụm pháo, bố trí ở hướng Đông và Đông Bắc Điện Biên Phủ, có nhiệm vụ trực tiếp chi viện cho bộ binh tiến công đột phá khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp.

Ngày 26/1/1954, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng Đại đoàn 308 và Trung đoàn 148 (Đại đoàn 316) mở chiến dịch sang Thượng Lào. Đầu tháng 2/1954, đơn vị tôi được điều di chuyển sang Lào, chuẩn bị cho trận đánh mở màn ngày 13/3/1954. Tổng cục Cung cấp đưa một đại đội dân công hỏa tuyến khoảng 100 người (khoảng 70% là nữ) di chuyển từ Phú Thọ lên để hỗ trợ lương thực, khiêng thương binh, vũ khí giúp chúng tôi.

Khi hội quân, đại đội dân công hỏa tuyến mỗi người gùi khoảng 10kg gạo (ngày đó, trung bình mỗi người đi bộ gánh theo khoảng 20kg gạo, một phần ăn trên đường, phần còn lại cho bộ đội). Đơn vị không có ai bị thương nặng nên anh chị em dân công hỏa tuyến hỗ trợ chúng tôi gánh pháo, đạn pháo. Mỗi khẩu sơn pháo 75mm nặng khoảng 540kg được tháo ra làm 7-9 bộ phận, 4 bộ phận nặng nhất, mỗi bộ phận khoảng 100kg, được 4-8 người khiêng, tùy địa hình, còn 2 bánh xe và lá chắn nặng 30kg/bộ phận thì do 2 người đảm nhiệm. Ngoài ra, đại đội còn được cấp 30 quả đạn pháo nặng khoảng 20kg/quả, mỗi người gùi một quả. Khi mệt, chúng tôi sẽ đổi người.

Trời khô ráo, có nắng, đi đường bằng khiêng pháo đã khó, mà thời điểm đó vào dịp gần Tết, trời mưa, đường mòn nhỏ lầy lội, trơn như đổ mỡ, lại phải leo núi cao, băng suối khiến cả bộ đội và dân công đều rất vất vả. Lo anh chị em dân công sợ gian nan rồi bỏ về, chúng tôi đã bàn nhau vận động bộ đội 2 người dùng chung 1 màn, 1 võng, 1 chăn, còn lại nhường cho dân công, bởi về đêm trời rất lạnh, lại ướt, muỗi, vắt nhiều vô kể. Đoàn cũng tổ chức nấu cơm chung để tiết kiệm lương thực và giảm khói bốc lên, tránh bị máy bay của địch phát hiện, đánh phá. Ngoài ra, những lúc nghỉ ngơi, chúng tôi còn kể chuyện bộ đội ta đánh giặc dũng cảm như thế nào; chủ trương của Đảng, Bác Hồ trong đánh quân xâm lược ra sao… để mọi người hiểu và thêm lòng tin.

Định lượng tiêu chuẩn một người là 800g gạo/ngày. Mấy ngày đầu, đoàn đều tổ chức nấu hai bữa cơm nóng vào sáng sớm và chiều tối. Nhưng để trải qua hàng chục ngày tới đất Lào, gặp những người anh em Pathet Lào thì chắc chắn không đủ gạo, vì vậy, chỉ huy các đơn vị có lệnh đột nhập sân bay Mường Thanh-nơi địch tập kết nhiều thóc, gạo. Trời khuya, ta di chuyển vào phía Tây sân bay, mục đích là lợi dụng lúc địch canh gác sơ hở thì xúc thóc, gạo mang về. Ban đầu, chỉ có bộ đội chủ lực được giao nhiệm vụ, nhưng sau đó có thêm nhiều dân công hỏa tuyến gan dạ “đòi” đi theo. Khi vào đến nơi, bị lính gác phát hiện, bắn xối xả vào rừng, lực lượng của ta phải tản ra, rút về. Địch không dám đuổi vì trời tối đen như mực, sợ trúng phục kích.

Anh em về đến điểm tập kết, may mắn không ai trúng đạn, khi điểm danh thì thấy thiếu anh dân công tên Dần, quê Phú Thọ. Cả đơn vị đang lo lắng thì anh Dần chạy về, mồ hôi như tắm, hai tay còn xách hai bao thóc. Vừa mừng vừa ngạc nhiên, mọi người xúm vào hỏi. Thì ra khi bị địch phát hiện, nổ súng, Dần nhanh trí nhảy vào nấp trong thùng thóc, đợi địch rút thì nhảy ra, bình tĩnh xúc đầy hai bao tải kéo về. Tuy số thóc không nhiều nhưng phải thấy rằng sự dũng cảm, gan dạ của dân công hỏa tuyến không hề thua kém bộ đội chủ lực. Điều khiến chúng tôi áy náy là do nhiệm vụ gấp gáp, không kịp đề nghị cấp trên khen thưởng anh Dần.

Bình thường, bữa ăn của chúng tôi có cơm và thức ăn là chút lạc rang muối, tép khô nấu rau tàu bay, chuối xanh, nõn chuối rừng kiếm được dọc đường. Nhưng hành quân đường dài, lương thực rồi cũng hết, cả đoàn phải động viên nhau cố gắng đi tiếp, sang đến Lào rồi bà con sẽ giúp đỡ. Mấy ngày liền không có hạt cơm nào vào bụng, anh em có đói thì tìm cây chuối lấy nõn ăn. Nhưng ăn nhiều nõn chuối ai cũng bị xót ruột, vì thế các bữa ăn sau đó chỉ có rau rừng luộc ăn với muối.

Hành quân đến bờ sông Nậm Hu ở tỉnh Phongsaly của Lào, đoàn dừng lại nghỉ vào ban đêm. Bỗng một anh dân công bảo rằng, đêm nay là Giao thừa năm Giáp Ngọ rồi. Chúng tôi cười, bảo nhau nếu đúng như thế thì ta chả có gì ăn Tết cả, rồi đi kiếm mấy lá có vị chát, lấy nước sông đun làm trà, kể chuyện Tết. Cả bộ đội với dân công tranh nhau kể chuyện, khoe Tết quê tôi có món này, làm món kia, có đặc sản gì… cho đến gần sáng.

Sang đến đất bạn, bà con nhân dân Lào ra đón chúng tôi rất đông. Được cho thóc, dân công hỏa tuyến liền đóng cối xay gạo nhưng cũng không đủ để nấu cơm cho cả đoàn. Thấy bộ đội bị đói, nhân dân Lào liền tặng một con bò để thịt nấu cháo. Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện rất thân tình. Nhân dân Lào, người thì muốn cầm thử súng, người thì sờ, nắn xem tay, chân bộ đội Việt Nam có rắn chắc không, sao đói khổ mà đi khỏe thế. Biết đang là Tết ta, nhiều bà con còn tặng thêm bánh nếp, trứng gà…

Có thể nói, cách thức tổ chức lực lượng dân công hỏa tuyến của ta đã góp phần không nhỏ trong thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chuẩn bị cho chiến dịch, ta đã huy động hàng chục vạn dân công hỏa tuyến cùng thanh niên xung phong với hàng chục triệu ngày công. Xét riêng về lực lượng và nhiệm vụ thì dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong là chủ lực trong vận chuyển vật tư chiến đấu từ hậu phương lên Điện Biên. Nhiều dân công đã sáng tạo ra những cách thức tổ chức hoạt động hiệu quả, có thể kể đến như cải tiến nâng mức vận chuyển của xe đạp thồ từ 100kg/chuyến lên 200kg, 300kg/chuyến. Sự cống hiến của lực lượng này không chỉ ở hiệu quả vận chuyển hàng chục nghìn tấn hàng hóa phục vụ chiến đấu, trực tiếp tham gia chiến đấu mà còn ở công sức của họ làm nên những con đường vận tải chiến lược, bảo đảm thông suốt ngày đêm như: Đường 42 Tuần Giáo-Điện Biên (nay là Quốc lộ 279), đường Hữu nghị 12 Điện Biên-thị xã Lai Châu (nay là Quốc lộ 12), đường 41 Hà Nội-thị xã Lai Châu (nay là Quốc lộ 6), đường thị xã Lai Châu-Chăn Nưa… Họ cũng có vai trò đặc biệt đối với bộ đội chủ lực trong các nhiệm vụ quan trọng như: Dẫn đường cho bộ đội hành quân; rà phá bom, mìn; vận chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau; chiến đấu bảo vệ lực lượng và các công trình phục vụ chiến đấu; tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng phục vụ chiến trường…

Dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong đa phần là những người còn rất trẻ. Họ là nông dân, học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường; hoặc những người đang làm việc trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Động lực thôi thúc họ tình nguyện tham gia kháng chiến đều xuất phát từ tình yêu quê hương, Tổ quốc, yêu đồng bào, cùng sự quyết tâm đánh đuổi giặc xâm lược. Đây là lực lượng đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá đúng đắn vị trí, vai trò to lớn trong chiến tranh nhân dân để sớm tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ cách mạng, góp phần đưa đất nước đến hòa bình./.

Lê Huy/sưu tầm