Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc “Tình sâu nghĩa nặng”



ĐNA -

 Theo TTXVN, tối 16/11/2024, Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp thực hiện Chương trình cầu truyền hình trực tiếp Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc – Tình sâu nghĩa nặng. Chương trình nhằm ghi nhớ về những dấu son lịch sử của dân tộc với những cống hiến, những hy sinh của các thế hệ đi trước để có được hòa bình, độc lập, hạnh phúc và phồn vinh của đất nước. Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự chương trình tại điểm cầu Cà Mau.

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu tại điểm cầu Cà Mau. Ảnh: TTXVN.

Tham dự Chương trình tại điểm cầu Cà Mau có Tổng Bí thư Tô Lâm; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến…

Cầu truyền hình nhằm ghi nhớ về những dấu son lịch sử của dân tộc với những cống hiến, những hy sinh của các thế hệ đi trước để có được hòa bình, độc lập hạnh phúc và phồn vinh của đất nước. Đồng thời, nêu bật ý nghĩa của sự kiện tập kết ra Bắc, đánh dấu một cuộc dịch chuyển lực lượng lịch sử góp phần cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự chương trình tại điểm cầu Cà Mau.

Cầu truyền hình diễn ra tại 3 điểm cầu là: Tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc” (Cà Mau); Tượng đài “Con tàu tập kết ra Bắc” (Thanh Hóa) và Nhà hát lớn Thành phố Hải Phòng. Đặc biệt, hai điểm cầu ở Cà Mau và Hải Phòng là những nơi đã chứng kiến sự kiện lịch sử quan trọng này.

Dự Chương trình tại điểm cầu thành phố Hải Phòng ở Quảng trường Nhà hát thành phố có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tham dự Chương trình tại điểm cầu thành phố Hải Phòng – Ảnh: VGP.

Tại điểm cầu Thanh Hóa có Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung.
Các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Cà Mau, thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa; các nhân chứng lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc và đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các địa phương cùng tham dự chương trình tại các điểm cầu.

Cách đây tròn 70 năm, sau khi Hiệp định Genève được ký kết (năm 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã quyết định đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc nhằm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, chiến sĩ để vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.

Quyết định đưa cán bộ, chiến sĩ và con em đồng bào miền Nam thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc tạo nền tảng xây dựng miền Bắc, củng cố lực lượng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước; thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm của mỗi người dân Việt Nam, khẳng định tình đoàn kết Nam – Bắc một nhà, dân tộc Việt Nam là một.

Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ – Ảnh: VGP

Cầu truyền hình với 3 chương nội dung gồm: “Khát vọng thống nhất”, “Một dải sắt son” và “Rạng danh Việt Nam” đã đưa khán giả gặp gỡ rất nhiều con người đã sống và trải qua giai đoạn lịch sử đó của đất nước. Đặc biệt, những màn trình diễn nghệ thuật là một phần quan trọng trong Chương trình, là sợi dây kết nối tiếp thêm những mạch nguồn cảm xúc cho khán giả sau mỗi câu chuyện.

Những màn trình diễn nghệ thuật là một phần quan trọng trong Chương trình, là sợi dây kết nối tiếp thêm những mạch nguồn cảm xúc cho khán giả sau mỗi câu chuyện – Ảnh: VGP.

Chương trình đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả, như lời tri ân của thế hệ sau đến thế hệ trước và cũng là một lời nhắc nhở bản thân mỗi cá nhân nỗ lực hơn để cống hiến cho quá trình xây dựng và phát triển của đất nước.

Cà Mau: Khánh thành tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc
Tối 16/11, tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954 và đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, “Sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 là một cuộc chuyển quân có ý nghĩa chiến lược nhằm đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra Bắc lao động, học tập để đào tạo cán bộ cách mạng miền Nam, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa; làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước”

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết thêm, công trình tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954 là một trong những công trình có ý nghĩa lịch sử to lớn, là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đây cũng là một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ 17, nhiệm kỳ 2025-2030.

Với giá trị ý nghĩa lịch sử của sự kiện, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đối với địa điểm tập kết ra Bắc 1954 tại bờ nam Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) nhằm phát huy tinh thần cách mạng của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc và trân trọng những giá trị lịch sử văn hoá của dân tộc.

Tượng đài tập kết ra Bắc tại bờ nam Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời).

Thùy Linh