Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoạt động báo chí hiện nay

ĐNA -

Là người đặt viên gạch đầu tiên cho nền báo chí cách mạng Việt Nam với việc tổ chức và xuất bản tờ Thanh niên từ năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản báo chí quý báu với những giá trị to lớn về nội dung, tư tưởng, góp phần dẫn dắt nền báo chí cách mạng nói chung, người làm báo nói riêng phát triển và trưởng thành.Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng

Bác Hồ gặp mặt các phóng viên báo Thanh niên, tiền thân báo chí cách mạng Việt nam
trong những ngày đầu thành lập

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho Nhân dân. Cuộc đời hoạt động của Người không tách rời hoạt động báo chí. Người làm báo là làm cách mạng và để làm cách mạng.

Người cho rằng, hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng nên báo chí cách mạng trước tiên phải mang tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng nhằm tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Vì vậy, dù viết về đề tài nào, bằng hình thức, thể loại nào, các bài báo của Người đều là vũ khí sắc bén vạch tội, tấn công kẻ thù, là phương tiện hữu hiệu để “thắp lửa” cho quần chúng cách mạng và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới.

Những tư tưởng dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nền báo chí cách mạng nước nhà, với người làm báo chỉ ngắn gọn trong 5 câu: Viết cho ai? Viết để làm gì? Thế thì viết cái gì? Cách viết thế nào? Viết rồi phải thế nào?  nhưng không phải ai cũng làm được, tạo nên một phong cách báo chí riêng, độc đáo mang tên Hồ Chí Minh. Từ mục đích chung sử dụng báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, trước mỗi bài báo, Người đều xác định rõ, bài báo đó viết cho ai, viết để làm gì; từ đó lựa chọn viết cái gì, viết như thế nào để có thể tác động lên người nghe, người đọc, làm họ thay đổi nhận thức, ý nghĩ, tình cảm và hành vi, hướng họ vào hành động theo nhận thức mới.

Viết về kẻ địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng lối văn châm biếm ý nhị nhưng ý tứ sâu xa, sắc sảo, thông minh đến kỳ lạ; văn phong vừa có tính chất báo chí, vừa có tính chất nghệ thuật văn chương. Viết cho quần chúng nhân dân, Người dùng lời văn nôm na, vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ của dân tộc, diễn đạt theo cách nói, cách nghĩ, cách cảm của quần chúng.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây và chống luôn là hai mặt của một vấn đề, phải lấy xây để chống, chống để xây, trong đó xây dựng là cái cơ bản nhất. Do đó, viết báo là để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta, nhưng đồng thời, cũng để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của Nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, thật thà, chân thành, chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền. Nếu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại.

Mỗi bài báo của Người đều phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn giữa ngôn từ, cách diễn đạt với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng, đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc, mang cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Do đó, tư tưởng của Người, dù là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hằng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại đều được truyền đạt một cách thấm thía, sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ, có sức thuyết phục mạnh mẽ.

Học tập tư tưởng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh

Nhờ thông tin báo chí kịp thời, nhanh chóng với những cứ liệu được khảo sát, điều tra tỉ mỉ, lý lẽ xác đáng đầy thuyết phục và tình cảm chân thành, thiết tha đi vào lòng người, báo chí cách mạng đã góp phần vạch trần tội ác của kẻ thù xâm lược, kêu gọi sự ủng hộ, đoàn kết của các dân tộc bị áp bức, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới với những phong trào “phản chiến” được hình thành và phát triển mạnh mẽ ngay trong lòng các nước thực dân, đế quốc.

Ở trong nước, trên cơ sở đường lối chính trị đúng đắn, báo chí cách mạng đã đi tiên phong trong cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa tư tưởng, làm sáng tỏ mục tiêu cách mạng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, từ đó thức tỉnh và hiệu triệu cả dân tộc đứng lên làm cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó, tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng của phong cách báo chí Hồ Chí Minh với cách diễn đạt trong sáng, giản dị mà hàm súc, kết cấu bài viết chặt chẽ và gọn gàng, thông tin thời sự và xác thực… cốt để quần chúng hiểu ngay và làm được, nắm cái thần của sự vật, đi ngay vào cái cốt lõi của vấn đề, đã được những người làm báo học hỏi và vận dụng thành công trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng đất nước.

Bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, báo chí cách mạng tiếp tục là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, giúp Nhân dân trong và ngoài nước hiểu rõ về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đấu tranh phản bác những thông tin một chiều, xuyên tạc, thù địch; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút sự ủng hộ và thiện cảm của bạn bè thế giới, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Thực hiện lời dạy của Người, báo chí trong những năm qua đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ cách mạng của mình là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Với sự phát triển mạnh mẽ, sôi động của đội ngũ người làm báo, của hàng trăm cơ quan báo chí trên nhiều thể loại, đa dạng về ấn phẩm, nội dung thông tin báo chí cũng ngày càng hấp dẫn, sinh động, phong phú, phản ánh đầy đủ, kịp thời và toàn diện những vấn đề trong và ngoài nước.

Quán triệt tư tưởng phê bình, xây và chống trong phong cách báo chí Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng đã thực sự là ngọn cờ tiên phong đi đầu, biểu dương cái mới, cái tốt, những nhân tố tích cực và phê phán mạnh mẽ cái sai, cái xấu, cái cũ, những nhân tố tiêu cực,… Báo chí đã đi sâu vào thực tế, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, phát hiện những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; đấu tranh không khoan nhượng với mọi đối tượng, hiện tượng làm tổn hại đến lợi ích chân chính của dân tộc, phanh phui các vụ, việc tiêu cực, tình trạng lãng phí, tham nhũng, lạm quyền…

Báo chí cũng góp phần không nhỏ phản ánh sinh động thực tiễn và quan điểm của các tầng lớp nhân dân, giúp Đảng và Nhà nước có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Đặc biệt, học tập sáng tạo cách viết và phong cách báo chí Hồ Chí Minh, đội ngũ những người làm báo Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành qua năm tháng. Nhiều nhà báo không ngại khó khăn, thử thách, sẵn sàng xung kích đi đầu trong việc thông tin, cung cấp sự kiện cho công chúng, định hướng dư luận xã hội, vạch ra những hiện tượng, những vấn đề bức xúc trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, thực hiện hiệu quả chức năng thông tin, phản biện xã hội của báo chí.

Trong bối cảnh đất nước và thế giới có nhiều thay đổi, khi internet phổ biến toàn cầu, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần ngăn chặn tình trạng nhiễu và loạn thông tin, loại bỏ những nguy cơ có thể gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề không chỉ cho đời sống xã hội mà thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh dân tộc và chế độ chính trị của đất nước.

Vận dụng vào thực tiễn báo chí nước ta hiện nay

Đến nay, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị luôn vẹn nguyên giá trị nhưng trong từng cơ quan báo chí, từng bài viết cần có sự vận dụng sáng tạo và linh hoạt.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xã hội hóa thông tin hiện nay, mỗi bài báo dù viết về vấn đề đối nội hay đối ngoại, tiếp cận từ góc độ nào cũng đều có những tác động nhất định đến dư luận xã hội trong và ngoài nước. Do đó, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung và cả cách viết. Chỉ một sự thiếu cẩn trọng, cẩu thả khi viết có thể tác động xấu đến đời sống xã hội, phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng và cạnh tranh với các tờ báo khác, báo chí cách mạng phải phản ánh nhanh chóng, kịp thời những vấn đề thời sự của đất nước, những vấn đề dư luận đang quan tâm. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, yếu tố quyết định để độc giả trung thành và tin tưởng với một ấn phẩm báo chí, cơ quan báo chí là chất lượng thông tin. Đặc biệt, khi trình độ dân trí ngày càng cao, sự tác động đa chiều của hội nhập quốc tế, đòi hỏi báo chí phải thực sự giàu tri thức, mẫu mực về mọi mặt. Do đó, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết là bài học hàng đầu mà báo chí cần nghiêm khắc tuân thủ.

Những cuộc khủng hoảng thông tin gần đây cho thấy, dù báo chí chính thống đã nhanh chóng định hướng dư luận bằng những chứng cứ, lý lẽ xác đáng trước cơn bão thông tin đa chiều, nhưng vẫn còn đó những tòa soạn báo vị lợi, thiếu trách nhiệm, đạo đức cần có của người làm báo. Vì vậy, trong thời đại ngày nay, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò đi đầu, xung kích trong cuộc đấu tranh tư tưởng, cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, hấp dẫn và sáng tạo nhưng phải chính xác, có độ tin cậy cao, chứ không phải thông tin thụ động, ngồi chờ hoặc đi theo sau hay chủ quan duy ý chí trong định hướng thông tin, làm chậm cơ hội chiếm lĩnh trận địa thông tin.

Lấy tư tưởng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh soi rọi vào thực tiễn báo chí cách mạng hiện nay, có thể thấy, những di sản báo chí của Người tiếp tục là “kim chỉ nam” dẫn đường cho báo chí cách mạng và những người làm báo tiếp tục đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguồn huyện ủy Trà My