Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Kỳ thi Olympic Tin học Miền Trung và Tây Nguyên 2023: Quy mô lớn, vươn tầm hội nhập các sân chơi học thuật quốc tế

ĐNA -

Sáng nay 18/3/2023, vòng chung kết kỳ thi Olympic Tin học Miền Trung – Tây Nguyên lần thứ IV đã chính thức bế mạc. Kỳ thi khai mạc chiều 17/3 và từ 14h chiều hôm qua, các thí sinh bước vào vòng tranh tài thực hành và sáng tạo các giải pháp lập trình. Hơn 1.500 học sinh trải nghiệm VKU CAMPUS TOUR 2023

Kỳ thi Olympic Tin học Miền Trung – Tây Nguyên do Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng chủ trì, phối hợp cùng Hội Tin học Việt Nam, ICPC Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng và Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng tổ chức.

Phó GS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU và Nhà giáo Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở Giáo dục thành phố Đà Nẵng, trao giải cho các em. Ảnh trong bài: T.N.

Ở mùa thi thứ IV, BTC ghi nhận số lượng thí sinh đạt mức cao nhất so với 3 mùa trước, ngay từ vòng sơ loại (diễn ra bằng hình thức thi trực tuyến, ngày 4/3/2023), đã có hơn 2.000 học sinh của 281 trường THCS, THPT của 63 tỉnh/thành trên toàn quốc tham gia.
Tại vòng chung kết, có 893 thí sinh xuất sắc đã vượt qua vòng loại tham dự. Trong đó, 97 thí sinh sẽ tranh tài ở bảng Siêu cúp (dành cho học sinh trong đội tuyển dự thi học sinh Giỏi quốc gia môn Tin học); 337 thí sinh có mặt ở bảng chuyên Tin (học sinh chuyên/chọn môn Tin học ở các trường THPT chuyên) và 459 thí sinh tham gia bảng thi của khối không chuyên Tin.

Các địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất là Đà Nẵng (165 em) ; Hà Nội (95) ; Quảng Trị (88); Quảng Nam (49); Lâm Đồng (43); Đồng Nai (43) và Đăk Lăk (36). Ở khối trường, các Trường có thí sinh tham dự vòng chung kết gồm THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng (49 thí sinh) ; THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định (28) và THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định (24 thí sinh).

“Tầm ảnh hưởng, sự lớn mạnh của kỳ thi thể hiện rõ qua các so sánh: Năm 2020, lần I, chỉ có 217 thí sinh của 19 trường phổ thông trên 19 tỉnh thành. Năm 2021, lần II, có 827 thí sinh của 50 trường phổ thông trên 36 tỉnh thành. Năm 2022, lần III, có 1087 thí sinh của 201 trường phổ thông trên 40 tỉnh thành. Năm 2023, lần IV, có 2019 thí sinh của 281 trường phổ thông trên tất cả 63 tỉnh thành, đăng ký tham gia.

Các con số trên khẳng định uy tín, chất lượng và độ tin cậy của cuộc thi Olympic Tin học Miền Trung –Tây Nguyên. Đặc biệt kể từ năm nay, cuộc thi càng được nâng cao uy tín, độ tin cậy hơn khi VKU chính thức ký hợp tác với ICPC Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam để đảm bảo chuyên môn, bảo mật và tính minh bạch về đề thi, kết quả thi”, Phó GS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU chia sẻ thêm.

Đỗ Gia Huy (ảnh trên) – học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đăklăk) và Lê Thiên Quân – học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị), 2 trong 3 bạn giành HC Vàng ở bảng Siêu cúp.

 

Tại vòng chung kết, có 508 thí sinh dự thi trực tiếp (onsite) và 385 thí sinh dự thi trực tuyến (online). Các em sẽ vận dụng ngôn ngữ lập trình Pascal, C, Python, C++ để giải quyết các yêu cầu của đề thi. Về cấp độ khó, BTC cho biết, đề thi bảng Siêu cúp sẽ theo khuôn mẫu và nội dung đề thi học sinh giỏi cấp quốc gia ; đề thi bảng chuyên Tin bám sát theo chương trình chuyên sâu THPT chuyên môn Tin học” năm 2009 của Bộ GD&ĐT, khuôn mẫu đề thi vận dụng theo đề cuộc thi học sinh giỏi khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ và tiếp cận đề thi học sinh Giỏi cấp quốc gia. Ở bảng không chuyên Tin, đề thi theo được nâng cao theo chương trình môn Tin học hiện hành của khối THCS và THPT.

“Đề thi với em là vừa sức, em đã vận dụng tốt Ngôn ngữ lập trình C++, một số thuật toán để giải quyết độ khó của đề. Qua kỳ thi, em học hỏi thêm được rất nhiều kiến thức, có kinh nghiệm hơn trong cách làm bài. Em rất thích các chuyên ngành công nghệ thông tin, trong đó, định hướng của em là theo đuổi ngành An ninh mạng. Nhất định em sẽ tự đánh giá lại năng lực của chính em đối với một môn học, một lĩnh vực mà em đã xác định là nghề của tương lai” – bạn Lê Đình Tuyết Mai, học sinh chuyên Tin, trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình chia sẻ.

Cùng chung nhìn nhận về kỳ thi như cô bạn cùng trường, bạn Châu Nguyễn Tố Trinh – học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình, bày tỏ: “Em và các bạn rất biết ơn các Thầy cô, biết ơn Ban tổ chức đã mở kỳ thi này. Tham gia kỳ thi, em có cơ hội nhận biết được rằng trình độ, kiến thức về Tin của mình ở mức nào, đến đâu. Ban đầu, khi Trường cử vào Đà Nẵng dự thi, em rất lo sợ, vì em biết có rất nhiều bạn giỏi hơn mình. Nhưng sau đó, em đã suy nghĩ lại. Phải mạnh dạn đón nhận thử thách của một kỳ thi lớn mà lần đầu tiên em tham dự… Em sẽ cố gắng hơn, tự học, tự tìm hiểu, và chuyên ngành em yêu thích là Khoa học máy tính”.

Kỳ thi Olimpic Tin học Miền Trung – Tây Nguyên dành cho học sinh yêu thích công nghệ thông tin trên cả nước, sân chơi hấp dẫn, bổ ích, thúc đẩy đam mê học hỏi và sáng tạo, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cao trong tương lai.

Thay mặt Hội đồng Giám khảo, PGS.TS. Đỗ Phan Thuận (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhìn nhận: Kỳ thi Olimpic Tin học Miền Trung – Tây Nguyên lần IV, năm 2023 trở thành kỳ thi có quy mô lớn nhất, có chất lượng chuyên môn vượt trội về nhiều mặt. Có thí sinh đã đạt điểm gần như tuyệt đối. Dù đề thi năm nay khó hơn các năm trước rất nhiều.
Đơn cử như ở bảng Siêu cúp, Ban ra đề quyết định đưa vào đề 3 bài có độ khó ngang tầm các đề thi quốc tế, trong đó có 1 bài rất khó, một hình thức thi đấu giữa thí sinh với thí sinh, thí sinh với BGK, dạng đề này hội nhập các dạng bài quốc tế, nâng cao bản lĩnh thi đấu cho các em.

Nhìn chung, kỳ thi Olimpic Tin học Miền Trung – Tây Nguyên là một dịp cọ xát rất có ý nghĩa, giúp các em tham gia kỳ thi cải thiện kỹ năng làm bài, nâng cao tư duy thuật toán, nắm vững chiến thuật thi đấu, quyết định chọn giải bài toán nào trước, cân đối được lượng thời gian cho phép để giành chiến thắng. Về đề thi, chúng tôi chủ yếu hướng đến các vấn đề của khoa học máy tính, những nội dung có liên quan đến các chuyên ngành, sau này các em sẽ học, và những ứng dụng, những bài toán thực tế. Đây cũng là những gợi mở, giúp các em tìm tòi thêm, nghiên cứu thêm các lĩnh vực của công nghệ thông tin”.

Tổng kết cuộc thi, Ban tổ chức đã trao: bảng Siêu cúp, 3 huy chương (HC) Vàng; 6 HC Bạc, 10 HC Đồng và giải 6 Khuyến khích ; bảng chuyên Tin (17 HC vàng, 35 HC Bạc, 54 HC Đồng và 24 giải Khuyến khích); bảng không chuyên Tin (44 HC Vàng, 89 HC Bạc; 130 HC Đồng …). Giải thưởng Kỳ thi Olympic Tin học miền Trung – Tây Nguyên lần thứ IV, có tổng tiền thưởng sẽ trao cho những thí sinh giành thành tích vượt trội (ở 3 Bảng đấu) lên đến 100 triệu đồng.

Qua bảng tổng sắp của các bảng đấu, đặc biệt là bảng Siêu cúp, một tín hiệu rất vui là việc dạy Tin học ở Miền Trung – Tây Nguyên được ngành Giáo dục – Đào tạo, các trường, nhất là các Trường chuyên, đặc biệt quan tâm. Chất lượng giảng dạy và học tập đã gần như đồng đều, không còn nhìn nhận rằng thành phố lớn, hay thị xã thì có điều kiện dạy và học Tin học hơn tỉnh, huyện. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các nhân tố tài năng, cũng được các địa phương rất quan tâm. Và hơn hết, nhiều bạn trẻ đã sớm yêu thích và đầu tư thật sự cho môn Tin học.

Trải nghiệm VKU CAMPUS TOUR 2023
Song song với vòng chung kết “Olympic Tin học Miền Trung – Tây Nguyên, lần thứ IV, năm 2023”, ngày 18/03/2023, VKU đã đón gần 1.500 học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tham ngày hội “Trải nghiệm VKU” với nhiều hoạt động với các hoạt động bổ ích, sáng tạo và trải nghiệm như: Thực nghiệm RoboCar-VKU; Các lớp học trải nghiệm: Thiết kế website, Internet of Thing, Mạng máy tính; Các gian hàng sáng tạo khởi nghiệp; Thi ảnh đẹp “Ấn tượng VKU” và trải nghiệm không gian văn hóa Hàn Quốc;… nhằm tạo cơ hội cho các em học sinh THPT tham quan, trải nghiệm môi trường nghiên cứu, sáng tạo, học tập và sinh hoạt thực tế cùng với sinh viên của Trường.

Đến với ngày hội trải nghiệm này, các em học sinh được tham quan cơ sở vật chất hạ tầng khang trang, hiện đại được Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đầu tư ước tính hơn 1.000 tỷ đồng trên diện tích khuôn viên campus rộng lớn gần 24 hecta với hệ thống giảng đường, khu làm việc đạt tiêu chuẩn cùng hệ thống 60 phòng thực hành, thí nghiệm gồm 2.200 máy tính nối mạng, các thiết thực hành điều khiển tự động và hệ thống nhúng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập cho sinh viên. Trong đó, có 19 phòng nghiên cứu, thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế (với các thiết bị hiện đại do Chính phủ Hàn Quốc đầu tư).

Các em học sinh tham quan không gian Khoa Khoa học máy tính.

“Thật sự, em choáng ngợp và bất ngờ với cơ sở vật chất của Trường, em nghĩ rằng, một đại học đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông phải như thế này, thì mới bảo đảm tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu phát triển“ – bạn Lê Đình Tuyết Mai, học sinh chuyên Tin, trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình cho biết.

Trong khi đó, dù mới là học sinh cuối cấp bậc THCS, bạn Nguyễn Cao Đức, lớp 9/2, trường Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) lại quan tâm tìm hiểu các ngành đào tạo của VKU. “Được trường cử dự thi Olympic Tin học Miền Trung – Tây Nguyên, cũng là cơ hội tuyệt vời để em biết VKU đang đào tạo những chuyên ngành nào, có ngành mà em đang rất quan tâm hay không ?”. Cao Đức cho hay em đã rất bất ngờ vì cơ sở vật chất của trường khang trang, hiện đại, thầy cô ở trường rất dễ gần gũi, và trường đã có ngành đào tạo mà Đức đang tìm: Trí tuệ nhân tạo (AI) và An ninh mạng.

“Em xác định trong 3 năm cấp 3, em sẽ không ngừng tự tìm tòi, học tập nghiêm túc theo hướng nâng cao đối với Tin học – bộ môn em rất yêu thích, bởi kiến thức mới về Tin học xuất hiện liên tục qua các nghiên cứu. Tốc độ đào thải kiến thức cũ rất nhanh, không tự học, tự nghiên cứu thì xem như lạc hậu. Đã theo đuổi như một đam mê, em sẽ cố gắng hết khả năng của mình. Ba mẹ đều rất ủng hộ, nên em có nhiều động lực để đi đến cùng. Kỳ thi Olimpic lần này với em rất có ý nghĩa, em được dịp cọ xát và trau dồi thêm nhiều kỹ năng, biết mình cần đọc thêm, học thêm kiến thức gì ?

Bạn Nguyễn Cao Đức từng giành giải 3 kỳ thi Tin học trẻ toàn quốc với sản phẩm “Website tìm hiểu lịch sử – văn hóa Quảng Nam”. Đức đã có trải nghiệm ban đầu về AI khi quyết định sử dụng AI, nâng cao trải nghiệm cho người dùng ở phần mềm sáng tạo (website) nói trên.

TS Nguyễn Văn Bình – Giảng viên khoa Khoa học máy tính trò chuyện cùng bạn Nguyễn Cao Đức.

“Miền Trung – Tây Nguyên lâu nay vẫn luôn là khu vực chịu thiệt thòi về mọi mặt, từ thời tiết khắc nghiệt, thiên tai ngày càng cực đoan tàn phá nặng nề, đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Rất ít sân chơi học thuật và sáng tạo có tầm vóc quốc gia, quốc tế để các trường, các em học sinh có điều kiện tham gia, cọ xát và trải nghiệm để được phát triển như các thành phố lớn ở 2 đầu đất nước. Do vậy, VKU đã và đang, cũng như sẽ luôn nỗ lực thực hiện sứ mệnh góp phần phát triển, từng bước đưa Miền Trung – Tây Nguyên vươn lên sánh cùng 2 đầu đất nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; góp phần đưa Việt Nam thực sự là là quốc gia phát triển mạnh về ICT.

Nếu ở khu vực phía Nam đã có kỳ thi Olimpic truyền thống 30 tháng 4, rồi giải Olimpic Duyên hải và vùng Đồng bằng Bắc bộ… thì Miền Trung – Tây Nguyên có giải Olimpic Tin học. Về kết quả của kỳ thi, theo quy chế tuyển thẳng của VKU, các thí sinh giành vị trí cao, sẽ trở thành sinh viên của trường. Và đến nay, với sự bảo đảm chất lượng của của ICPC VN, một số trường đại học cũng đang xem xét, sử dụng kết quả của kỳ thi Olimpic Tin học Miền Trung – Tây Nguyên”, Phó GS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU – nhấn mạnh./.

T.Ngọc