Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Lạm bàn chuyện quảng cáo và sức khỏe

ĐNA -

Ngày nay, khi đất nước bước vào nền kinh tế thị trường thì chuyện quảng cáo đã trở thành phổ biến và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Ai cũng có thể bắt gặp quảng cáo ở mọi nơi, mọi lúc từ các loại phương tiện thông tin đại chúng với các loại hình báo chí đến mạng xã hội, rồi là quảng cáo trực tuyến, trực quan từ trong nhà ra tới ngoài… cột điện với đủ loại sản phẩm từ hữu hình đến vô hình. Nói chung là “thượng vàng hạ cám” đều có thể được người ta quảng cáo với mục đích cuối cùng là có được doanh thu, lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Trong thời đại của văn minh và phát triển thì phải chấp nhận “sống chung” với quảng cáo như là một quy luật tất yếu và cũng không nên lên án nó một cách cực đoan, vì khách quan mà nói, nó có những mặt tích cực, nhờ xem quảng cáo cũng cái để người ta quan tâm và đi tìm mua những sản phẩm hữu ích cho bản thân, bạn bè và gia đình…

Trong bài viết này, người viết đề cập đến quảng cáo dưới góc độ tiêu cực hay còn gọi là mặt trái của quảng cáo, nhất là khi nó liên quan đến sức sức khỏe con người, vì có những điều nếu cứ nghe theo quảng cáo mãi sẽ có ngày “rước họa vào thân” do những lời giới thiệu“có cánh” về một loại sản phẩm nào đó mà chất lượng thì luôn “từ tốt trở lên”.

Ảnh minh họa

Trước hết là quảng cáo về các loại thực phẩm chế biến, mà trong đó không ít loại loại khá bắt mắt và thơm ngon, tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên sẽ tiềm ẩn nhiều hiểm họa đối với sức khỏe. Những sản phẩm được quảng cáo nhiều nhất có thể đến là mì ăn liền, một loại thực phẩm chế biến điển hình, sau đó là các loại bột nêm, xúc xích, đồ uống có cồn (bia), các loại nước tăng lực, nước giải khát ngọt có ga, bánh kẹo… Qua tìm hiểu,  muối, đường và chất béo bão hòa thường được thêm vào thực phẩm chế biến sẵn vì nhiều lý do, như làm cho thực phẩm có mùi vị hấp dẫn hơn hoặc để kéo dài thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, ăn nhiều muối, đường và chất béo bão hòa hơn mức khuyến cáo có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Trong mì ăn liền và một số thực phẩm chế biến sẵn khác còn có Trans fat, là một loại chất béo bão hoà thuộc nhóm chất béo xấu, chúng cũng gây nên nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Trans fat tồn tại trong dạng rắn khi ở nhiệt độ bình thường. Chất béo trans được khuyến cáo nên hạn chế tối đa việc tiêu thụ dù chỉ là một lượng nhỏ đi chăng nữa.

Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn thường được bảo quản bằng cách dùng các hóa chất bảo quản thực phẩm (phụ gia thực phẩm) để kéo dài thời hạn sử dụng, duy trì hình thức, độ giòn tươi và đặc tính tự nhiên của thực phẩm. Đơn cử, quảng cáo sợi mì dai đến mức có thể đàn hồi, người kéo qua kéo lại được, tuy là hình ảnh ẩn dụ nhưng cũng ngầm cho người ta hiểu là có chất phụ gia trong đó để biết là nó “dai” đến mức như vậy. Và tất nhiên là phụ gia thực phẩm được cho là không có lợi đối với sức khỏe, chẳng hạn các loại dầu hydro hóa một phần có thể làm phát triển bệnh ung thư. Ngay cả đến cảc thực phẩm chay, tưởng như xuất phát tư nguồn gốc thực vật thì sẽ “lành” hơn nhưng đã có chất bảo quản, chất phụ gia trong đó thì cũng chỉ “lành” tương đối thôi. Dẫn chứng là đã có một số vụ ngộ độc thực phẩm là do ăn các loại thực phẩm chay chế biến sẵn. Một số chất phụ gia có thành phần hóa học như hydroxanisole butylated và diacetyl đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu là có tính chất gây ung thư.

Ông Lê Quang Tự Do, cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết đã cơ bản dẹp được các quảng cáo sai sự thật, phóng đại về thuốc chữa bệnh trên yotube

Thực tế là còn khá nhiều người rất chủ quan, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” nên cứ vô tư đi quảng cáo và vô tư tiêu thụ sau khi xem, nghe quảng cáo, để rồi tặc lưỡi cho qua nhiều hiểm họa, rủi ro bắt gặp mỗi ngày kiểu như: “thấy người ta uống rượu, chưa chết, xem ra rượu uống được không sao; thấy người ta hút thuốc chưa chết, chắc thuốc hút được…Và chỉ khi thấy người ta uống thuốc trừ sâu, uống xong đổ vật ra đất, giãy đành đạch may chăng mới tỉnh và ngừng lại”…Điều đáng quan tâm nữa là, quảng cáo càng hấp dẫn thì giới trẻ, đặc biệt là các cháu lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng lại rất thích rồi đòi bố mẹ mua cho bằng được, không chỉ 1 lần mà là nhiều lần chỉ vì xem quảng cáo hấp dẫn mỗi ngày.

Lạm bàn đôi chút về chuyện quảng cáo những sản phầm liên quan đến sức khỏe con người, đến tương lai giống nòi để thấy rằng quảng cáo cũng nên có chọn lọc, nhân văn và nhân đạo. Thiết nghĩ, đó cũng là nét văn hóa, văn minh trong xu thế phát triển của xã hội chúng ta./.

Diệp Dân Hùng