ASEAN news – Là công trình thủy điện được xây dựng đầu tiên tại Việt Nam, Thủy điện Ankroet thuộc địa phận xã Lát (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), do người Pháp thi công trong nhiều năm mới hoàn thành trong bối cảnh chủ yếu dựa vào sức người và công cụ hỗ trợ thô sơ. Trải qua gần 80 năm xây dựng và vận hành, Thủy điện Ankroet luôn để lại những giá trị cốt lõi mà giới chuyên môn và du khách trong và ngoài nước từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Háo hức khám phá quên cả thời gian
Thủy điện Ankroet nằm bên cạnh hồ Suối Vàng. Sau gần 80 năm kể từ thời điểm bắt đầu khởi công xây dựng, đến nay, Thủy điện Ankroet đã không còn giữ được vai trò quan trọng về mặt công năng như trước đây, tuy nhiên những giá trị về lịch sử, xây dựng, kiến trúc cảnh quan và du lịch khám phá vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa được nhiều người biết đến.
Muốn khám phá công trình kiến trúc và công nghệ tầm cỡ Đông Dương, du khách có thể đến ngã ba Phước Thành, Phường 7 (ngã ba Xô Viết Nghệ Tĩnh – Đankia – Ankroet), đi theo đường Ankroet khoảng 7,2 km đến ngã ba Đạ Nghịt (Thảo Nguyên Quán) quẹo tay phải theo ĐT 722 khoảng 1,2 km tại đoạn cua xuất hiện một tấm biển đá là cổng vào nhà máy Thủy điện Ankroet. Từ đó, du khách đi theo đường nhựa ngoằn ngoèo xen lẫn dưới tán rừng khoảng 2 km là vào đến nhà máy nằm dưới thung lũng giữa rừng sâu, bao quanh là cảnh quan rừng tự nhiên tuyệt đẹp. Với không khí trong lành, không gian yên tĩnh, du khách không thể cưỡng lại tính hấp dẫn, tò mò khám phá công trình kiến trúc độc đáo gần 80 năm qua. Tại cổng vào nhà máy, du khách tiếp tục đi theo ĐT 722 khoảng 800 m nữa sẽ nhìn thấy bên trái xuất hiện Hồ Ankroet và công trình đập tràn với kiến trúc hiếm có, là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách gần xa.
Trong quá trình phát triển đất nước, chủ động an toàn năng lượng quốc gia, trong nhiềunăm qua, nhà nước thu hút nhiều nguồn lực để xây hàng loạt nhà máy thủy điện công suất lớn trong cả nước và nhiều nguồn cung cấp điện khác như điện mặt trời, điện gió… Do đó, hiện nay, Thủy điện Ankroet không còn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện như trước đây nữa, song đây là công trình thủy điện có nhiều yếu tố cốt lõi có giá trị về lịch sử, kỹ thuật xây dựng, công nghệ và kiến trúc cảnh quan. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Vĩnh Phúc – Quản đốc nhà máy Thủy điện Ankroet, là một trong những người luôn gắn bó với nhà máy rất lâu năm từ những lúc còn là cán bộ kỹ thuật ở Công ty Điện lực Lâm Đồng, là người rất nhiệt tình, am hiểu rất sâu quá trình xây dựng và vận hành Thủy điện Ankroet. Ông cho biết: Thủy điện Ankroet là một công trình thủy điện có bề dày lịch sử, là dấu mốc quan trọng đối với thủy điện Việt Nam. Đến nay, sứ mệnh xưa cũ đã hoàn thành, Thủy điện Ankroet đã và đang thực hiện một sứ mệnh hoàn toàn mới, sứ mệnh của một đại sứ du lịch, góp phần tô điểm cho vẻ đẹp nhiều nét đặc trưng của cao nguyên Lâm Viên và thu hút du khách đến với địa phương cũng như tìm hiểu khám phá về Nhà máy thủy điện cổ nhất Việt Nam và Đông Dương.
Các thông số kỹ thuật ấn tượng
Hồ chứa Ankroet và các công trình đường hầm, đường ống được tiến hành xây dựng song song cùng với nhà máy. Hồ Ankroet có hồ chứa với mực nước dâng 1.410,72 m, mực nuớc chết 1406,7 m; dung tích hữu ích: 1 triệu m3. Đập tràn kiểu thiết kế không cửa van; kết cấu đập tràn được xây với kỹ thuật độc đáo, hoàn toàn là đá chẻ, cao trình ngưỡng: 1.410,72 m, chiều dài ngưỡng: 97,0 m, lưu lượng xã lũ thiết kế: 1.495 m3/giây. Cửa lấy nước vào đường hầm kiểu hở, kết cấu bê tông; cao trình ngưỡng: 1.406,29 m.
Đường hầm dẫn nuớc (được cải tạo năm 1998) có kết cấu bê tông bọc thép, kiểu hình tròn có đường kính 1,6 m; chiều dài ống từ hồ đến trạm van là 468,5 m. Giếng điều áp, kiểu hình trụ; có đường kính: 3,8 m, chiều cao: 44 m. Đường ống thủy áp có kết cấu thép dày 10 mm, đường kính: 1,3 m, có chiều dài 180 m. Cao trình đầu ống: 1404,39 m, cuối ống: 1324,46 m, turbin: 1322,17 m. Số khối neo: 3 khối neo; số mố đỡ: 20 mố đỡ, có 3 khớp bù giản nở. Như vậy, độ cao dòng nước từ hồ Ankroet đổ xuống turbin nhà máy khoảng 88 m.
Nền tuyến đường ống áp lực được gia cố (năm 2004) bằng néo xuống nền đá bằng các cáp thép và khung bê tông cốt thép, kết hợp tường bê tông cốt thép kết cấu mỏng ở chân mái dốc, do đó luôn có tính chịu lực cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối vận hành.
Năm 1942, nhà máy bắt đầu được khởi công. Năm 1945, nhà máy được hoàn thành và đưa vào vận hành lần đầu tiên có 2 tổ máy phát, với tổng công suất ban đầu 2 x 300 kW. Turbine hiệu BELL, máy phát điện hiệu CEM-LEHAVRE – Mỹ, hiện được trưng bày tại viện bảo tàng EVN và tại công viên của nhà máy Ankroet. Năm 1964, nhà máy được mở rộng, lắp thêm 2 tổ máy mới. Turbine hiệu Neyrpic, máy phát hiệu Alsthom – Pháp, nâng công suất thành 2 x 300 + 2 x 1.250 kW (3.100 kW).
Năm 1992 – 1995, nhà máy xử lý đập Đankia. Năm 1997 – 2001, nhà máy tiếp tục xử ký đập Ankroet, đường hầm, đường ống. Năm 1999, cải tạo lắp đặt tổ máy mới H5 1.600 kW thay cho tổ máy cũ H3 300 kW (1 trong 2 tổ máy đầu tiên), nâng công suất nhà máy từ 3.100 kW thành 2 x 1.250 + 300 + 1.600 kW (4.400 kW). Dự án hoàn thành và đưa vào vận hành từ tháng 9/1999. Năm 2004, cải tạo lắp đặt 2 tổ máy mới 2 x 1.400 kW thay cho các tổ máy cũ H1, H2, H4, nâng cấp hệ thống thiết bị điện, hệ thống điều khiển bảo vệ rơle, thay thế điều tốc tổ máy H5. Nhà máy hoàn thành và đưa vào vận hành từ tháng 11/2004 với 3 tổ máy cho đến nay, đảm bảo khả năng phát điện của nhà máy ổn định và đạt công suất 4.400 kW. Điện lượng thiết kế trung bình năm: 21,66 triệu kWh. Lưu lượng nước sau khi phát điện được hòa vào Suối Vàng chảy xuống dòng sông Đa Dâng, do đó nhìn tổng thể khuôn viên nhà máy ở đáy chân tường có dòng nước cuồn cuộn đổ ra Suối Vàng quanh năm rất thú vị như một bức tranh sống động tự nhiên luôn hãnh diện khoe mình như muốn chào đón du khách thập phương.
Trước yêu cầu nâng cấp hệ thống điều khiển các tổ máy đã xuống cấp; đồng thời, thực hiện hiện đại hóa nhà máy, năm 2016, nhà máy được hiện đại hóa bằng điều khiển PLC/HMI và hệ thống SCADA, bảo vệ rơ le bằng rơ le kỹ thuật số, giám sát camera từ xa. Năm 2018, tiếp tục hiện đại hóa bằng PLC/HMI cho các nhóm thiết bị chấp hành (van, điều tốc, kích từ), do đó, hiện nay tổng thể nhà máy vận hành với những công nghệ rất hiện đại.
Di sản kiến trúc du khách không thể bỏ lỡ
Thủy điện Ankroet được xây dựng năm 1942 và vận hành vào năm 1945, song đến năm 1999, do yêu cầu hiện đại hóa, các tổ máy đầu tiên được đưa ra khỏi vị trí, thay thế bằng những tổ máy phát điện mới có công suất phát điện lớn hơn và mang tính tự động hóa cao. Hiện nay, một trong 2 tổ máy trước đây đã được đưa ra Hà Nội để trưng bày tại Nhà truyền thống của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, một tổ máy khác được trưng bày tại khuôn viên của Nhà máy để giới thiệu với du khách, đồng thời làm kỷ niệm.
Có thể nói với kiến trúc cảnh quan xanh đẹp và kỹ thuật xây dựng độc đáo và công nghệ tổ máy cũ được trưng bày đã làm cho biết bao niềm mơ ước không chỉ đối với du khách mà còn sự mong muốn của nhiều giảng viên và các sinh viên ngành kiến trúc, ngành xây dựng và ngành điện mong muốn một lần trong đời đến đây để nghiên cứu và khám phá nhiều điều thú vị chưa được công bố.
Một trong những tổ máy đầu tiên được trưng bày tại khuôn viên nhà máy
Qua cuộc trao đổi cởi mở và chân tình, ông Phúc cho biết thêm: Nhà máy Thủy điện Ankroet được người Pháp cho khởi công xây dựng từ năm 1942, đến năm 1945 mới hoàn thành và chính thức đưa vào hoạt động, phát điện phục vụ nhu cầu sử dụng điện tại Đà Lạt khi người Pháp muốn xây dựng nơi đây thành thủ phủ của Đông Dương. Vị trí nhà máy nằm sâu trong thung lũng Đan Kia – Suối Vàng, được bao phủ bởi cánh rừng thông tự nhiên, nên Thủy điện Ankroet tách biệt với các khu dân cư. Đây là một công trình được xây dựng chủ yếu bằng đá chẻ. Mặc dù nhà máy nằm giữa rừng sâu, song với tình yêu thiên nhiên và có trách nhiệm với rừng, do đó các thế hệ quản lý nhà máy luôn trồng bổ sung các cây cảnh quan xung quanh để tạo mảng xanh, làm cho kiến trúc cảnh quan đã đẹp càng đẹp hơn. Để có thể vào bên trong nhà máy bắt buộc du khách phải đi qua một cây cầu nhỏ bắc qua Suối Vàng rất gần dòng nước xả sau phát điện hòa quyện cùng dòng nước tự nhiên của Suối Vàng tạo nên một không cảnh tuyệt đẹp. Nhìn tổng thể kiến trúc cảnh quan nhà máy như một biệt thự cổ ở giữa rừng sâu, với biết bao nhiêu điều thú vị chưa được khám phá khi du khách đến cao nguyên Lâm Viên.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử, những tổ máy phát điện do Mỹ, Pháp sản xuất lần lượt hoàn thành sứ mệnh của mình. Để có thể xây dựng thành công nhà máy thủy điện trong điều kiện không có máy móc hỗ trợ đã có hàng ngàn công nhân xây dựng được điều động từ mọi miền của đất nước về đây và các chuyên gia ra sức làm việc không mệt mỏi vì năng lượng cho tương lai. Với đặc thù công việc nặng nhọc và hoàn toàn mới lúc bấy giờ, cộng với đói rét, bệnh tật nhưng trong điều kiện thiếu thuốc men đã khiến không ít người ngã bệnh, phải ra đi trước ngày thủy điện được hoàn thành. Với lòng thành kính biết ơn, để tưởng nhớ đến những con người đã hy sinh cho công cuộc xây dựng công trình thế kỷ, những thế hệ sau của nhà máy đã cho xây dựng một bia tưởng niệm ở phía tay trái nhà máy, nơi có cảnh quan yên tĩnh để ghi nhớ công ơn cũng như an ủi phần nào linh hồn những người đã khuất.
Với bề dày lịch sử và vận hành tuyệt đối an toàn nhà máy của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên qua các thời kỳ suốt gần 80 năm qua, nhà máy Thủy điện Ankroet được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Ba ngày 7/1/1995 vì đã có thành
tích xuất sắc trong lao động sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Nhì ngày 4/10/2001 vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 1996 đến năm 2000, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, nhà máy còn được nhận nhiều bằng khen và giấy khen của các bộ, ngành và địa phương…. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với tinh thần lao động sáng tạo không ngừng của tập thể và cá nhân nhà máy trong suốt gần 80 năm qua. Năm 2004, nhà máy Thủy điện Ankroet đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là động lực lớn lao để động viên tinh thần tất cả cán bộ, công nhân viên nhà máy tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả trước nhiệm vụ mới, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
T.S PHẠM S (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng)