Thứ ba, Tháng Một 14, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Lạm phát kinh tế châu Âu



ĐNA -

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phải thông qua biện pháp khẩn cấp tránh để thị trường tài chính rơi vào hỗn loạn do tình trạng bán tháo trái phiếu chính phủ ở các nước phía nam khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Lạm phát tăng vọt, giá cả leo thang, thâm hụt thương mại lên mức kỷ lục đang cản trở đà phục hồi kinh tế của Eurozone.

Lạm phát của Eurozone trong tháng 5 vừa qua đã lên mức cao kỷ lục mới là 8,1%, trong bối cảnh giá năng lượng và thực phẩm leo thang trên toàn cầu. Gián đoạn chuỗi cung ứng khiến giá hàng hóa tiêu dùng, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, cũng tăng vọt. Hiện mức lạm phát của Eurozone đã tăng hơn 4 lần so với mức 2% mục tiêu mà ECB đề ra.

Theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), thâm hụt thương mại của Eurozone tăng gần gấp đôi trong tháng 4 so với tháng 3. 19 nước thành viên Eurozone đều ghi nhận thâm hụt thương mại ở mức 32,4 tỷ euro trong tháng 4, tăng mạnh so với 16,4 tỷ euro thâm hụt trong tháng trước đó.

Cảnh báo về tình trạng dễ bị tổn thương có thể gia tăng do sự không chắc chắn liên quan cuộc xung đột ở Ukraine và những thay đổi chính sách ở các nền kinh tế phát triển, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos nhấn mạnh, rủi ro gia tăng đe dọa sự ổn định tài chính của các thành viên Eurozone. Giá hàng hóa và năng lượng tiếp tục ở mức cao và dễ biến động là nguyên nhân gây ra căng thẳng trên thị trường phái sinh. Trong khi đó, các tập đoàn phi tài chính ở Eurozone đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ do áp lực giá đầu vào tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm.

Nhằm giải quyết tình trạng lạm phát tăng kỷ lục ở khu vực, ECB đã công bố kế hoạch tăng lãi suất và xem xét dừng các biện pháp kích thích từng được áp dụng trong gần mười năm qua. Theo kế hoạch, trong tháng 7 tới, ECB sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% và sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9, có thể với biên độ rộng hơn.
Đây sẽ là lần đầu tiên sau 11 năm, ECB thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngoài ra, ECB cũng sẽ ngừng thu mua trái phiếu chính phủ châu Âu. Tuy nhiên, động thái của ECB đã gây ra tình trạng bán tháo và giảm giá trên thị trường trái phiếu. Sự khác biệt về lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Đức và trái phiếu chính phủ của các quốc gia ở phía nam khu vực Eurozone, đặc biệt là Italia, hiện ở mức cao nhất trong hơn hai năm qua.

Kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 7 tới khiến ECB rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi ngân hàng này phải chống lạm phát, nhưng lại không được “hãm phanh” quá mạnh nền kinh tế Eurozone. Tình hình trở nên báo động trước tình trạng lợi suất trái phiếu chính phủ của các nước Nam Âu tăng mạnh trong những ngày qua.

Tại cuộc họp bất thường hôm 15/6, Hội đồng thống đốc ECB đã quyết định cấp hỗ trợ đặc biệt cho các thành viên Eurozone có mức nợ cao. Để bảo đảm việc thắt chặt chính sách tiền tệ không gây quá nhiều gánh nặng cho các nước Nam Âu, khoản tiền từ trái phiếu đáo hạn của Chương trình thu mua khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) sẽ được tái đầu tư và điều này có thể giải tỏa sức ép đối với các quốc gia có mức nợ cao và phải trả lãi suất trái phiếu chính phủ cao hơn.

Sau quyết định của ECB, thị trường trái phiếu phần nào được trấn an, khi lợi suất trái phiếu giảm nhẹ. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Commerzbank bày tỏ hoài nghi về tính hiệu quả khi ECB sử dụng tái đầu tư trái phiếu đáo hạn để hỗ trợ trái phiếu của các quốc gia mắc nợ cao. Trên thị trường tiền tệ, các nhà đầu tư đã phản ứng không mấy tích cực với quyết định mới của ECB.

Giá trị đồng euro đã quay đầu giảm. Hiệu quả các biện pháp mà ECB vừa đưa ra vẫn là một ẩn số, khi giá các loại hàng hóa chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới, đặt các nước Eurozone trước thách thức lớn khi bức tranh kinh tế bị phủ bóng bởi giá cả và lạm phát leo thang kỷ lục.

PV (báo Nga)