Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Lần đầu tiên, thành phố Đà Nẵng mở giải Báo chí về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn



ĐNA -

(Đà Nẵng). Chiều nay (13/11/2024), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã tổ chức phát động giải Báo chí về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn.

Đồng chủ trì hội nghị phát động Giải Báo chí (từ trái sang): Ông Võ Công Chánh, Trưởng ban Ban Nội chính Thành ủy; ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư thường trực Thành ủy và ông Lê Văn Trung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

“Đối với giải ở cấp Trung ương, là lần thứ V, còn đối với Đà Nẵng, đây là lần đầu tiên. Giải do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, phối hợp với Ban Nội chính Thành ủy (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí) tổ chức. Sau khi xét chọn Giải cấp thành phố, Hội đồng Giám khảo thành phố phối hợp với Hội Nhà báo thành phố sẽ lập hồ sơ gửi trình Hội đồng xét, chọn tác phẩm, sau đó gửi về Ban tổ chức Giải TƯ”, ông Lê Văn Trung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cho biết.

Tên đầy đủ của giải là “Giải Báo chí phòng,chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ năm, năm 2024 – 2025” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Cơ quan Thường trực Giải là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố (Số 12 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Tác phẩm dự thi giải được thể hiện bằng tiếng Việt (nếu tác phẩm phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số, phải gửi bản dịch ra tiếng Việt. Thời lượng phát thanh tối đa 60 phút/tác phẩm; tác phẩm truyền hình bằng tiếng dân tộc thiếu số, phải dịch ra tiếng Việt, có phụ để tiếng Việt. Thời lượng tác phẩm truyền hình tối đa 90 phút/tác phẩm.).

Tác phẩm được đăng, phát lần đầu, từ ngày 1/1/2024 đến 30/4/2025 trên các cơ quan báo chí địa phương, trung ương trên địa bàn thành phố; Trang/Cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố.

Lưu ý: Tác phẩm (trên báo in, báo điện tử) phải là bài viết, mang tính nghiên cứu, lý luận, tổng kết thực tiễn, mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài, nhưng không quá 5 kỳ, của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một chủ đề.

Ông Lê Văn Trung, Chủ tịch và Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng, phổ biến ý nghĩa mục đích, kế hoạch và thể lệ của Giải. Ảnh: T.Ngọc.

Tương tự đối với báo nói (Phát thanh), mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt chương trình phát thanh, nhưng không quá 5 chương trình (cùng một chủ đề). Báo hình (Truyền hình), mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt phóng sự, ký sự, phim tài liệu, nhưng không quá 5 phóng sự; một hoặc một loạt chương trình truyền hình, nhưng không quá 5 chương trình về cùng một chủ đề, sự kiện.

Tác phẩm bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị, có tính phát hiện; phương pháp thể hiện sáng tạo, hấp dẫn.

Về loại hình và thể loại báo chí tham dự giải, bao gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và sản phẩm báo chí đa phương tiện; Bài báo nghiên cứu, phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, phóng sự, phóng sự điều tra, phim tài liệu, bản tin, chuyên đề, chuyên mục, tọa đàm, điều tra, ký sự, bình luận, chuyên luận.

“Tác phẩm tham dự Giải cần tập trung phản ánh theo 8 nội dung của Thể lệ số 04/TL-BTC, ngày 19/6/2024 của Ban Tổ chức Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng tiêu cực lần thứ năm, năm 2024- 2025 quy định. Những tác phẩm dự thi đã được trao thưởng các Giải của địa phương, ngành hoặc liên ngành Trung ương vẫn được quyền tham dự Giải, nhưng cần ghi rõ mức giải đã đoạt, đơn vị và thời gian tổ chức”, bà Tăng Hoàng Hôn Thắm – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.

Tác giả (Nhóm tác giả; với số lượng được quy định là 1 Nhóm tối đa không quá 7 người), là công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, có tác phẩm báo chí phù hợp với tiêu chí và thể lệ Giải, tác phẩm đã được đăng, phát trên các loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động báo chí) trong thời gian từ ngày phát động đến ngày 30/4/2025, đều có quyền gửi tác phẩm tham dự Giải.

Nhóm tác giả, tác phẩm, cá nhân được gửi tối đa 5 tác phẩm thuộc một hoặc nhiều thể loại tham dự Giải. Tác giả, nhóm tác giả là công dân Việt Nam ở trong và ngoài thành phố, có tác phẩm báo chí được đăng, phát trên các cơ quan báo chí địa phương, trung ương trên địa bàn thành phố; Trang/Cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố, cũng có quyền gửi tác phẩm tham dự Giải.

Đại diện các Ban trực thuộc Thành ủy Đà Nẵng, các cơ quan báo chí, các nhà báo và đại diện các tổ chức mặt trận, tham dự hội nghị phát động chiều 13/11/2024.Ảnh: T.Ngọc.

Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng cũng lưu ý, tác phẩm được xét trao Giải cần phải đảm bảo tính chân thực, khách quan, có tính thuyết phục cao về nội dung và hình thức, tác động tích cực về định hướng dư luận; góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nếu trong trường hợp tác phẩm tham dự Giải Báo chí nếu có vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, các quy định của Nhà nước có liên quan và vi phạm các quy định của Thể lệ Giải, Ban Tổ chức Giải và Ban giám khảo Giải sẽ tiến hành thu hồi giải thưởng, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về quy định gửi tác phẩm tham dự giải, Ban tổ chức cho biết, đối với tác phẩm báo in, báo điện tử, tác phẩm trên cồng/trang thông tin điện tử: gửi nguyên bản gốc được đăng trên các báo, tạp chí hoặc pho to từ tác phẩm gốc (1 bản) ghi rõ tên cơ quan báo chí, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng, thời gian đăng bài kèm giấy xác nhận của cơ quan chủ quản và bản giới thiệu khái quát về tác phẩm. Tác phẩm báo điện tử: in giấy khổ A4, ghi rõ tên báo, thời gian đăng tải (kèm giao diện và đường link tác phẩm).

Đối với tác phẩm phát thanh: ghi file tác phẩm vào USB hoặc ổ cứng, ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng, thời gian và kênh phát sóng, kèm theo lời bình của tác phẩm trên giấy A4 (01 bản) và đường link tác phẩm trên trang điện tử của Đài kèm theo giấy xác nhận phát sóng của cơ quan chủ quản và bản giới thiệu khái quát về tác phẩm.

Đối với tác phẩm truyền hình: ghi file tác phẩm vào USB hoặc ổ cứng, ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo bản thuyết minh.

“Phòng chống lãng phí hiện nay được xem là vấn đề rất cấp thiết” – ông Nguyễn Đình Vĩnh – Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: Văn phòng Hội Nhà báo thành phố (Số 46 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) hoặc Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố (Số 12 Trần Phú, phường Thạch Thang, TP Đà Nẵng).

Tác phẩm tham dự Giải phải ghi rõ: Họ và tên tác giả, đồng tác giả, nhóm tác giả (cả tên khai sinh và bút danh); tên tác phẩm, thể loại; cơ quan (đơn vị); địa chỉ; số điện thoại liên hệ của tác giả, tập thể tác giả; ngày, tháng, năm sáng tác, sưu tầm, công diễn, biểu diễn, công trình kiến trúc đã xây dựng, trưng bày, xuất bản, tái bản, đăng báo, tạp chí hoặc phát sóng…được đóng trong phong bì, túi niêm phong, (ghi ngoài phong bì: Hồ sơ tham dự Giải Báo chí phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ năm, năm 2024 – 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tổng kết và trao giải: Trước ngày 21/6/2025 (dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925 – 21/6/2025).

Ông Võ Công Chánh, Trưởng ban Ban Nội chính Thành ủy đã có chia sẻ thêm thông tin, gợi ý hướng nội dung khai thác, chủ đề tác phẩm dự thi theo quy định và yêu cầu Giải. Ảnh: T.Ngọc.

Giải Báo chí phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có các nhóm giải tương ứng với 4 loại hình báo chí: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và cổng/ trang thông tin điện tử.

Mỗi nhóm gồm nhiều thể loại tác phẩm báo chí tương ứng và các mức giải thưởng Giải đặc biệt, Giải A, B, C và Khuyến khích; sau khi tổng hợp điểm của Ban Giám khảo.

Các Giải dành cho cá nhân, gồm 1 Giải đặc biệt (10 triệu đồng); 2 Giải A (6 triệu đồng/giải); 2 Giải B (4 triệu đồng/giải); 2 Giải C (2 triệu đồng/giải);, 5 Giải khuyến khích (1 triệu đồng/giải) và 2 Giải tập thể (7 triệu đồng/giải).

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, bà Nguyễn Thu Phương cho biết, theo đề nghị của các nhà báo; Sở sẽ đưa chủ đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vào các phiên họp báo định kỳ, hoặc hằng tháng. Sở cũng sẽ chủ động chia sẻ thông tin qua Group Báo chí, tăng cường thông tin cho các báo-đài. Ảnh: T.Ngọc

“Phòng chống lãng phí hiện nay được xem là vấn đề rất cấp thiết. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần lưu ý qua các phát biểu và bài viết, với một tinh thẩn khẩn trương và quyết liệt. Lãng phí hiện nay diễn ra khá phổ biến và trên diện rộng, Lãng phí thời gian – Lãng phí công sức – Lãng phí tiền bạc, cứ thế kéo dài, gây bức xúc, làm hao tổn nguồn lực, làm chậm thời cơ phát triển của địa phương, của đất nước. Tôi kỳ vọng các cơ quan báo chí, với tầm nhìn, với kiến văn của mình, phát hiện vấn đề, phản ảnh thực trạng, đặc biệt kèm theo kiến nghị, đề xuất, giải pháp cho vấn đề lãng phí đó. Góp phần thiết thực làm cho cuộc đấu tranh Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có hiệu quả cao hơn”, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, nhấn mạnh./.

Trần Ngọc