Khi nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, người ta không chỉ nghĩ đến sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn quan tâm đến hành trình hình thành nhân cách cao đẹp của Người từ thuở ấu thơ. Trong hành trình ấy, làng Dương Nỗ, một ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Phổ Lợi, nay thuộc phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa, thành phố Huế đã trở thành một trong những điểm dừng chân quan trọng. Nơi đây không chỉ lưu giữ ký ức tuổi thơ Bác Hồ mà còn trở thành di sản văn hóa, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố Huế.

Tuổi thơ Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ
Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi còn nhỏ có tên là Nguyễn Sinh Cung, từng sống tại làng Dương Nỗ từ năm 1898 đến năm 1900, trong độ tuổi 8–10. Đó là giai đoạn thân phụ của Người, cụ Nguyễn Sinh Sắc, dạy học và ôn luyện để chuẩn bị tham gia kỳ thi Hội tại kinh đô. Cùng với mẹ và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm, gia đình nhỏ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung sống trong một ngôi nhà tranh đơn sơ, hoà mình vào cuộc sống bình dị và nghĩa tình của một làng quê xứ Huế.
Chính tại Dương Nỗ, Hồ Chí Minh đã sớm tiếp xúc với văn hóa dân gian, phong tục tập quán, nếp sống cần cù, trọng nghĩa trọng tình của người dân miền Trung. Nơi đây cũng là nơi Người học chữ Nho, giúp đỡ cha mẹ, vui chơi với bạn bè, hình thành những phẩm chất đạo đức đầu đời, lòng yêu nước, tinh thần hiếu học, tính giản dị và ý thức cộng đồng.
Bốn di tích gắn liền với thời thơ ấu của Bác
Trải qua hơn một thế kỷ, làng Dương Nỗ vẫn lưu giữ được những dấu tích quan trọng của quãng đời thơ ấu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, tại đây có bốn di tích tiêu biểu:
Nhà lưu niệm (ngôi nhà gia đình Bác ở)
Là ngôi nhà tranh đơn sơ, nơi gia đình Người từng sinh sống. Đây là không gian thiêng liêng, nơi Người từng học chữ, đọc sách và trải nghiệm những năm tháng tuổi thơ đầy ý nghĩa.
Đình làng Dương Nỗ
Không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của làng, đình còn là nơi Người từng tham gia xem hát tuồng, dự lễ tế thần, góp phần bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc trong tâm hồn tuổi nhỏ.
Am Bà
Một địa điểm tín ngưỡng dân gian thân thuộc của người dân trong vùng, nơi Người từng theo bà con đến cúng lễ, làm quen với đời sống tâm linh của người Việt.

Bến Đá (bến đò làng Dương Nỗ)
Nơi gắn bó với những chuyến đi học, đi theo cha đến các làng bên, hay lên kinh thành Huế. Hình ảnh dòng sông, con đò, bến nước là những ký ức sâu đậm trong tâm hồn một cậu bé sau này trở thành vị lãnh tụ dân tộc.
Trong số đó, Nhà Bác ở và Đình làng Dương Nỗ đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, khẳng định vị thế và giá trị lịch sử – văn hóa của các địa danh này trong dòng chảy ký ức dân tộc.

Ngày hội làng Dương Nỗ, điểm hẹn văn hóa và ký ức cộng đồng
Trong 3 năm trở lại đây, từ sáng kiến của ngành Văn hóa và nỗ lực của địa phương, Ngày hội làng Dương Nỗ được tổ chức định kỳ vào tháng 5 hàng năm, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5). Đây không chỉ là sự kiện tưởng niệm, tri ân Người mà còn là hoạt động văn hóa – du lịch đặc sắc thu hút đông đảo người dân và du khách.
Ngày hội là một chuối hoạt động bao gồm các nghi thức truyền thống như rước, dâng hoa sen lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, hát Bài Chòi, ca Huế, đua trải trên sông Phổ Lợi, trải nghiệm ẩm thực truyền thống địa phương, trưng bày các sản phẩm thủ công…. Không khí ngày hội vui tương, gần gũi, tạo nên một không gian giao lưu, giáo dục truyền thống và quảng bá giá trị di sản một cách sinh động, hiệu quả.

Huế biến di sản Hồ Chí Minh thành nguồn lực phát triển
Trong những năm gần đây, thành phố Huế đã xác định rõ định hướng: biến di sản thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững. Các di tích gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có Dương Nỗ, được xem là tài sản tinh thần quý giá, góp phần giáo dục truyền thống, phát triển du lịch và thúc đẩy các hoạt động văn hóa cộng đồng.
Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế đã cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiều nỗ lực cụ thể như:
Tôn tạo, bảo tồn và phục dựng nguyên trạng các di tích gắn với Bác tại Dương Nỗ, bảo đảm tính chân thực lịch sử nhưng vẫn hài hòa với môi trường và nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Xây dựng các tour du lịch trải nghiệm với chủ đề “Theo chân Bác Hồ thuở ấu thơ” để kết nối Dương Nỗ với các điểm di tích khác ở Huế như Trường Quốc Học Huế, Nhà lưu niệm gia đình Bác tại đường Mai Thúc Loan…, tạo thành một tuyến du lịch giáo dục ý nghĩa.
Tổ chức lễ hội và các hoạt động văn hóa định kỳ, gắn kết cộng đồng dân cư địa phương trong việc gìn giữ và kể lại ký ức về Bác, từ đó chuyển hóa di sản thành tài nguyên du lịch mang tính đặc thù.
Phối hợp với ngành giáo dục để đưa học sinh – sinh viên về tham quan, học tập tại các di tích, biến nơi đây thành “lớp học không tường” nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự lực và nhân ái cho thế hệ trẻ.
Đặc biệt, quá trình khai thác giá trị di sản tại Dương Nỗ không bị thương mại hóa hay biến dạng, mà được triển khai theo hướng nhân văn, bền vững và gắn kết cộng đồng, đúng với tinh thần “lấy văn hóa làm nền tảng”.

Từ một làng quê bình dị đến điểm nhấn trong hành trình di sản
Dương Nỗ hôm nay đã trở thành một biểu tượng sống động về di sản Hồ Chí Minh tại Huế. Không gian làng quê yên bình, những di tích đơn sơ nhưng đầy thiêng liêng, cùng sự hiện diện của người dân quê chân chất, mộc mạc, tạo nên một tổng thể hài hòa giữa quá khứ và hiện tại.
Bằng cách kết nối di sản với phát triển văn hóa, giáo dục và du lịch, thành phố Huế đang từng bước biến những ký ức về Người thành nguồn lực tinh thần – vật chất phục vụ công cuộc phát triển đô thị bền vững. Không chỉ bảo tồn một vùng đất gắn với Hồ Chí Minh, Huế đang lan tỏa giá trị ấy vào đời sống đương đại, biến tình yêu với Người trở thành động lực sáng tạo và phát triển.
Làng Dương Nỗ không chỉ là nơi lưu dấu những kỷ niệm tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là minh chứng sống động cho giá trị bền vững của di sản trong lòng một đô thị văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại đây không dừng lại ở việc lưu giữ quá khứ, mà còn mở ra hướng đi mới cho sự phát triển, nơi di sản trở thành nguồn lực tinh thần, giáo dục và kinh tế. Tư duy “bảo tồn để sống động, phát huy để lan tỏa” đang được hiện thực hóa rõ nét, góp phần xây dựng Huế trở thành thành phố văn hóa, nhân văn và phát triển bền vững trong lòng cả nước và bạn bè quốc tế.
Minh Anh- Hương Bình