Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Làng hương truyền thống giữa lòng cố đô

ĐNA -

Huế từ lâu đã nổi tiếng với nhiều di sản văn hóa, lịch sử cũng như các làng nghề độc đáo chứa đựng cái hồn của mảnh đất cố đô, trong đó nổi bật nhất phải kể đến làng hương Thủy Xuân. Không quá nhộn nhịp hay sôi động, làng hương Thủy Xuân vẫn mang lại một nét đẹp cổ kính mà cuốn hút, với những bó hương đa sắc, rực rỡ và nổi bật.

Thời gian lý tưởng nhất để du khách có thể trải nghiệm hành trình này, chính là khi tiết trời vào hạ (từ tháng 3 cho đến tháng 8 hàng năm).

Các nghệ nhân của Làng hương Thủy Xuân chia sẻ, nghề làm hương ở đây bắt đầu từ khoảng 700 năm trước. Vào thời nhà Nguyễn, làng Thủy Xuân là địa chỉ hành hương của triều đình, quan lại và nhân dân vùng Thuận Hóa, Phú Xuân. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, “bãi bể nương dâu”, làng Hương Huế vẫn tiếp tục lưu giữ nghề truyền thống, qua đó cung cấp ra thị trường đủ các loại hương như: Hương quế, nụ trầm hương dầu sả, hương thơm tẩy mùi, nhang vòng. Và nổi bật nhất là hương trầm.

Chất lượng vượt trội, hình thức ngày càng cải tiến đa dạng. Nhờ vậy, hương làng Hương Huế không chỉ cung cấp cho khách hàng địa phương, các tỉnh thành lân cận mà còn được xuất đi nhiều tỉnh thành phố với nhiều phân khúc sản phẩm khác nhau.

Làng hương Thủy Xuân được xem là một trong những điểm du lịch không thể bỏ lỡ mỗi khi du khách có ý định dừng chân ghé thăm xứ Huế. Tọa lạc trên đường Huyền Trân Công Chúa, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km theo hướng Tây Nam. Làng cũng nằm trên tuyến đường đi đến lăng Tự Đức, gần đồi Vọng Cảnh nên rất thuận tiện để giới thiệu cho khách thập phương biết đến làng nghề nhiều hơn.

Thỏa sức tạo dáng khi ghé đến làng hương Thuỷ Xuân.

Tham quan làng nghề trầm hương, du khách sẽ có dịp tìm hiểu rõ hơn về quy trình làm hương thủ công vô cùng tỉ mỉ và độc đáo, đồng thời sẽ được tự tay se nên một que hương. Đây là một cơ hội trải nghiệm quý báu để du khách có một cái nhìn sâu sắc hơn về nghề làm hương, cũng như những nét đẹp về văn hóa, con người và cuộc sống thường nhật của người dân Huế mộng mơ.

Để làm ra một que hương, đầu tiên ở bước chọn nguyên liệu, bột hương sẽ được tạo thành bằng cách cân chỉnh một tỉ lệ nhất định bột trầm, quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, bạch đàn, quế… hòa với nước. Thêm vào đó, một số nguyên liệu khác như bột vỏ bưởi rừng, bạch đàn… cũng được thêm vào để làm gợi dậy mùi hương hoàn thiện cho sản phẩm của làng hương Thủy Xuân.

Trong tâm thức người Việt, hương được thắp rất kỵ bị tắt nửa vời hay đột ngột bùng lên. Do đó, nguyên liệu làm ruột hương được người dân sử dụng là ruột tre già lấy từ rừng Bình Điền, Phong Sơn hay Nam Đông. Ruột để khô, chẻ nhỏ, phơi nắng đến khi khô và giòn lại. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có một tay nghề vững vàng để làm ra loại chân hương đều tăm tắp, hương đốt cháy đều, không hề bị tắt.

Theo những kinh nghiệm mà “thổ địa” xứ Huế chia sẻ, du khách có thể đặt chân tới làng hương vào bất kỳ thời điểm nào ở trong năm. Tuy nhiên, lý tưởng nhất để du khách có thể trải nghiệm hành trình này, chính là khi tiết trời vào hạ (từ tháng 3 cho đến tháng 8 hàng năm).

Bởi lẽ, vào mùa khô, với đặc tính nắng nóng, người dân thường đem hương ra ngoài để phơi khô. Lúc này, khung cảnh của làng hương trở nên rực rỡ sắc màu và vô cùng đẹp mắt. Bên cạnh đó, Tết Nguyên Đán cũng chính là dịp để nhiều người đến mua hương, khiến khung cảnh trầm lắng ngày thường cũng trở nên sầm uất hơn.

Làng hương Thủy Xuân được xem là một trong những điểm du lịch không thể bỏ lỡ mỗi khi du khách có ý định dừng chân ghé thăm xứ Huế’.

Khi đặt chân đến làng hương Thuỷ Xuân, du khách không những được tìm hiểu thêm về nghề làm hương lâu đời tại cố đô Huế, mà còn có thể lưu lại những bức hình với bó hương đầy màu sắc và cực kỳ bắt mắt nơi đây.

Đứng dưới ánh nắng dịu dàng, du khách có thể xoè và bung toả từng bó hương ra, để làm nên những đóa hoa sặc sỡ sắc màu. Điều này đã làm nên một hậu cảnh có một không hai, giúp chúng ta thêm lung linh hơn trong mỗi bức hình.

Tăng Anh Thành