Thứ bảy, Tháng chín 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Lễ ban sóc- nghi lễ khởi đầu cho Festival 4 mùa xứ Huế

ĐNA -

(Huế). Lễ Ban Sóc tức là nghi lễ ban lịch cho năm mới với nhiều ý nghĩa nhân văn tốt đẹp. Nghi lễ này vốn có từ hàng trăm năm trước dưới chế độ quân chủ phong kiến, và là một nghi thức phổ biến ở các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo. Từ năm 2020, lễ Ban Sóc đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nghiên cứu phục hồi dưới dạng sân khấu hóa và được tổ chức hàng năm đúng vào ngày 1/1, xem đây là lễ hội khai màn cho festival Bốn mùa của xứ Huế.

Lễ Ban sóc đầu năm tại Hoàng cung Huế – nghi lễ khởi đầu cho Festival 4 mùa xứ Huế.

Do ảnh hưởng văn hóa Nho giáo theo mô hình Trung Hoa, các triều đại quân chủ Việt Nam đã “phụng chính Sóc” (theo lịch chính thức của Trung Quốc) từ rất sớm, tuy nhiên sử không chép nghi thức Tiến Lịch hay Ban Sóc ở nước ta được áp dụng từ bao giờ; mãi đến thời Hậu Lê thì mới được ghi chép rõ ràng. Theo Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, triều Lê gọi lễ Ban Sóc là lễ Tiến Lịch và được tổ chức vào ngày 24 tháng 12 (âm lịch) hàng năm. Lễ Tiến Lịch được tổ chức theo nghi thức Đại triều, rất hoành tráng, ngay ở sân rồng trước điện Kính Thiên.

Các nghi thức được tái hiện hoành tráng

Thời Nguyễn, kế thừa thời Lê, các nghi lễ để nghiên cứu và tổ chức hoàn bị hơn. Lễ Ban Sóc được tiến hành theo nghi thức Đại Triều ngay trước sân điện Thái Hòa. Nhưng cuối thời Minh Mạng (từ năm 1840 về sau), lịch không chỉ ban cho hoàng gia và bách quan mà còn ban cấp cho cả thiên hạ nên nhà vua đã quyết định cho tổ chức phía trước cửa Ngọ Môn với tính chất mở rộng hơn nhiều.

Lãnh đạo UBND tỉnh và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chủ trì nghi lễ.

Ngày xưa, chuyện biên soạn và in ấn lịch không hề đơn giản, thời Lê, việc biên soạn lịch được giao cho Tư Thiên giám nghiên cứu từ đầu năm, qua rà soát đối chiếu nhiều lần, đến đầu tháng 12 mới dâng lên nhà vua ngự lãm, được chuẩn y rồi mới tiến hành in ấn. Đến ngày 24/12 thì tiến hành lễ Tiến Lịch. Thời Nguyễn, việc biên soạn lịch được giao cho Khâm Thiên giám nghiên cứu, biên soạn ngay tháng sau tết và được cả bộ Lễ và Nội các rà soát kỹ càng trước khi trình nhà vua chuẩn y. Khoảng tháng 5 tháng 6 thì lịch được in ấn, số lượng căn cứ theo nhu cầu của triều đình và các địa phương báo về. Thường thì tại kinh đô, Khâm Thiên giám sẽ phụ trách việc in lịch đủ để dâng cho triều đình, hoàng gia và ban cấp cho các tỉnh ở khu vực Trung bộ, từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa; ở phía Bắc và phía Nam sẽ giao cho các tỉnh lớn như Hà Nội, Nam Định tổ chức in ấn theo mẫu của Khâm Thiên giám.

Đông đảo đại biểu, nhân dân và du khách tham dự lễ
Do lễ Ban Sóc được tiến hành theo nghi thức Đại triều nên được cử hành rất long trọng. Đầu thời Nguyễn, hoàng đế sẽ từ điện Càn Thành (mặc áo mũ) qua điện Cần Chánh, sau khi chuẩn bị và tiến hành một số nghi thức nội bộ sẽ ngự lên kiệu ra điện Thái Hòa để tiến hành đại lễ. Trước đó, Khâm Thiên giám và bộ Lễ sẽ phối hợp để chuẩn bị ngự án (đặt ở đường Dũng đạo trước sân rồng), thiết nhã nhạc, trải chiếu và sắp đặt vị trí cho bách quan tham dự. Từ năm Tân Sửu (1841), nghi thức được tổ chức trước cửa Ngọ Môn nên nhà vua sẽ từ điện Cần Chánh đến cửa Ngọ Môn và lên ngồi ở ngự tọa đặt chính giữa lầu Ngũ Phụng; ngự án sẽ được đặt ở phía Nam cổng, ngay trên đường Dũng đạo; bách quan sẽ hành lễ ở sân trước cửa Ngọ Môn; giàn nhã nhạc, chiếu lạy… đã được chuẩn bị từ đêm trước. Đúng sáng ngày mùng 1 tháng 12 (âm lịch), lễ Ban Sóc được cử hành, bắt đầu bằng 3 hồi chiêng trống; Hoàng thân và bách quan theo lịch trình buổi lễ để quỳ lạy nhà vua (4 lạy mỗi lần), nghe Chiếu Ban Sóc, nhận lịch vua ban…Lễ xong, nhà vua hồi cung.

 

Đại biểu và du khách được tặng lịch mới vào ngày đầu năm mới.

Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp từ ngàn xưa nên lịch pháp có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ để dùng để theo dõi ngày tháng mà còn để biết các khí, tiết trong năm, từ đó có sự điều tiết nông vụ phù hợp, phòng chống thiên tai, côn trùng và các loại thiên địch khác. Việc bách quan và nhân dân các địa phương được nhận lịch còn bao hàm ý nghĩa họ nhân được hoàng ân và sự chỉ giáo của Thiên tử, từ đó biết “tri thiên mệnh” để vâng mệnh vua và sống hòa hợp với tự nhiên. Đó cũng là một phần quan trọng của đạo Thái Hòa. Cũng vì vậy, lễ Ban Sóc có ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc.

Từ năm 2020, lễ Ban Sóc đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nghiên cứu phục hồi dưới dạng sân khấu hóa và được tổ chức hàng năm đúng vào ngày 1/1, xem đây là lễ hội khai màn cho festival Bốn mùa của xứ Huế.

Từ năm 2020, tại Cố đô Huế, lễ Ban Sóc đã được nghiên cứu phục dựng và được tổ chức ở phía trước cửa Ngọ Môn vào ngày đầu năm mới (Dương lịch), xem đây là lễ hội đầu tiên của festival Bốn mùa được tổ chức hàng năm. Do được dàn dựng theo kiểu sân khấu hóa nên các nghi thức đã được giản lược và thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Dù vẫn còn một số điểm cần bổ sung, hoàn thiện nhưng nhìn chung, lễ Ban Sóc đã tạo nên một sức thu hút đáng kể đối với du khách và cộng đồng nhân dân địa phương và hứa hẹn sẽ trở thành một trong những lễ hội văn hóa du lịch hấp dẫn của xứ Huế trong những ngày đầu xuân./.

TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế
Ảnh: Bảo Minh, Lê Đình Hoàng