Chủ Nhật, Tháng Năm 5, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê, Đà Nẵng- 2024: Khẳng định chủ quyền biển đảo

ĐNA -

(Đà Nẵng). “Lễ hội Cầu ngư là tinh thần cốt lõi của trách nhiệm thiêng liêng “Bảo tồn và nâng tầm phát triển”, đưa lễ hội truyền thống cấp quận Thanh Khê, thành lễ hội cấp thành phố. Lễ hội thực sự là bằng chứng vật chất, xác thực đậm nét, cách ứng xử với biển đảo của người dân Thanh Khê, từ bao đời nay, khẳng định chủ quyền quốc gia mình trên biển”, ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND Quận Thanh Khê, Trưởng BTC Lễ hội Cầu ngư năm 2024 nhấn mạnh.

Sáng nay, 29/2/2024, tại Công viên biển Hà Khê – phường Xuân Hà, quận Thanh Khê đã diễn ra nghi thức Lễ hội cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê, Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Hồ Thuyên đánh trống Khai mạc Lễ hội (ảnh trái); Phó Chủ tịch UBND Quận Thanh Khê, Trưởng BTC Lễ hội Cầu ngư năm 2024 Nguyễn Hữu Công đọc diễn văn khai mạc Lễ hội. Ảnh trong bài: T.Đ. 

Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời, là sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển miền Trung, cư dân ở các làng chài ven biển Đà Nẵng, trong đó có ngư dân làng biển Thanh Khê.

Năm 2016, Bộ Văn hóa – thể thao và Du lịch đã có quyết định (số 829/QĐ-BVHTTDL), công nhận và trao Bằng “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” cho “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng”.

Lãnh đạo thành phố, quận Thanh Khê, các Sở, ngành dâng hương.

Tại làng biển Thanh Khê nói riêng, những làng chài ven biển duyên hải nói chung, Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông. Lễ hội ra đời và phát triển trên nền tảng của nếp sống, tập tục, văn hoá tâm linh của cộng đồng; cùng điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và lịch sử. Lễ hội bao giờ cũng phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt của ngư dân làng chài, trong đó có các làng chài của vùng đất Thanh Khê.

“Ngược dòng lịch sử, tổ tiên chư phái tộc làng Thanh Khê di dân vào Nam, mở đất, lập làng khoảng từ thế kỷ XVII với bước đi “Tiên nhập Phú Lộc, hậu khai Thanh Khê”. Sách “Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng” có ghi: “Thanh Khê là tên của một làng mà đa số người dân chuyên nghề đánh bắt và chế biến hải sản, được hình thành từ giữa thế kỷ XVII”. Do địa hình có nhiều dòng khe và đoạn sông khá lớn chảy qua địa phận các làng Phú Lộc, Thanh Khê rồi đổ ra biển, nên người dân nơi đây có điều kiện thuận lợi để mưu sinh nghề đánh bắt cá ven sông, biển và đánh bắt cá xa bờ.

 Đến cuối thế kỷ thứ XIX, các hội ghe, vạn ghe phát triển nghề cá đã hình thành. Sự tham gia của dân các làng Thanh Khê, Phú Lộc, Hà Khê vào hoạt động đánh bắt hải sản khá phát triển, đã phản ánh rõ truyền thống nghề cá đã hiện hữu lâu đời ở nơi đây. Có thể khẳng định đời sống hoạt động ngư nghiệp của người dân làng biển Thanh Khê đã hình thành và đi song hành với thuở khai phá vùng đất, lập làng của lớp tiền nhân ở vùng đất này.

Ghe thuyền xuât quân ra khơi đánh bắt đầu năm.Qua hơn 3 thế kỷ, các thế hệ làng biển Thanh Khê theo cha truyền con nối đã đúc kết nhiều kinh nghiệm trong ứng xử với sóng gió nơi biển cả.

Ngày nay, nghề đánh bắt cá ở làng biển Thanh Khê vẫn tiếp tục hoạt động, tuy có gặp những khó khăn nhất định nhưng truyền thống hoạt động nghề cá của dân vạn chài và đời sống tinh thần, tín ngưỡng vẫn tồn tại và giữ vững. Đây chính là nền tảng gốc cho Lễ hội Cầu ngư làng biển Thanh Khê được duy trì hằng năm ở trên mảnh đất nơi đầu sóng, ngọn gió này”, Trưởng BTC Lễ hội, ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND Quận Thanh Khê, nhấn mạnh.

 Lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê có tính truyền thống, tồn tại lâu dài trong tiềm thức của cư dân vùng biển, được trao truyền qua các thế hệ. Lễ hội đã tiếp nhận tâm lý, đời sống sinh hoạt, tư tưởng văn hoá, nghệ thuật dân gian, tạo thành bản sắc riêng của đời sống tinh thần người dân Thanh Khê.

Cầu Quốc thái – Dân an , cầu Ngư dân thắng lợi, đời sống ấm no.

Nhiều năm nay, các nghi thức của phần Lễ được nghiên cứu phục dựng, giữ đúng nếp tín ngưỡng, phong tục của tiền nhân. Đó là nghi thức nghinh Thần; lễ tế cáo Trời đất, cầu xin mưa thuận gió hoà cho ngư dân đi biển, tế ngư thần xin được mùa biển bội thu; và cầu mong cuộc sống được no ấm, hạnh phúc, bình an và yên vui. Cao hơn cả là cầu Quốc thái – Dân an. Tự bao giờ, cầu An cầu Ngư luôn đã là nội dung trọng tâm của Lễ Tế chính.

Diễn ra từ ngày 27/2/2024, Lễ hội Cầu Ngư quận Thanh Khê 2024, bao gồm nhiều hoạt động truyền thống, phản ảnh nhịp sống của làng chài. Ban tổ chức nỗ lực tái hiện dưới hình thức thi ngoáy thúng, đan lưới, ẩm thực “Hương vị biển”, thi chưng mâm Ngũ quả,… Và đặc biệt không thể thiếu là không gian hát tuồng, hô hội bài chòi… ;

Người dân vùng biển cần sức khỏe cường tráng, dẻo dai và cả khéo léo, nên các môn thể thao vận động “đặc trưng” cũng được đưa vào phần hội, bao gồm cả trò chơi dân gian Việt Nam: thi gánh cá, đẩy gậy; kéo co và đi cà kheo (2 môn này dành cho cả Nữ, lẫn  nam); và hội nhập các môn thể thao bãi biển: bóng đá, kabaddi ; biểu diễn dù lượn, mô tô lướt sóng, thuyền Kzal….

Lễ hội đã đề cao giá trị kết nối cộng đồng trong đời sống hiện đại, điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.

Trong khuôn khổ lễ hội, sáng nay 29/2, đã diễn ra lễ xuất quân đánh bắt hải sản đầu Xuân Giáp Thìn 2024 của ngư dân Thanh Khê. Nhân dịp này, chương trình “Tự Hào cờ Tổ quốc” của báo Người Lao Động đã trao tặng ngư dân quận Thanh Khê 1.000 lá cờ và 10 túi xách y tế.

 Sản phẩm nông nghiệp kết hợp thủy sản.

Tại không gian lễ hội, Ban tổ chức duy trì không gian gian trưng bày giới thiệu chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, các gian trưng bày sản phẩm chế biến từ thủy hải sản, sản phẩm OCOP của các Quận trên địa bàn Đà Nẵng.

Lễ hội Cầu ngư truyền thống được tổ chức trong nhiều năm qua đã hiện thực hóa thành công trọng trách bảo tồn và phát huy lễ hội, một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị vốn có như giá trị tâm linh, tín ngưỡng, lịch sử truyền thống, văn hóa – nghệ thuật, xác lập chủ quyền biển đảo…; tạo không khí vui tươi, náo nức trước khi bước vào vụ đánh bắt năm. Lễ hội cũng đã thu hút đông đảo người dân và du khách dự xem, tham quan, tìm hiểu đời sống văn hóa đặc thù của người dân biển./.

Trung Đức