(Đà Nẵng). Sáng nay 4/4/2025, đã diễn ra nghi thức chánh tế Lễ hội Đình làng Hải Châu năm 2025. Lễ hội là hoạt động truyền thống, hướng về nguồn cội, hướng đến kỷ niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, đặc biệt với năm nay kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất (1975 – 2025).

Ngôi Đình chùa và quần thể hiếm hoi còn lại cho đến ngày nay giữa trung tâm đô thị
Khu di tích Đình (Chùa) Hải Châu hiện tọa lạc tại K48/46, đường Phan Châu Trinh, phường Hải Châu I, quận Hải Châu (trung tâm nội thành Đà Nẵng).
Khởi thủy đầu tiên của Đình (Chùa) cùa làng Hải Châu, là Đình thờ Thành Hoàng làng và các vị tiền hiền – hậu hiền của Làng. Đình được xây dựng tại khu đất Nghĩa Lợi (gần bên bờ sông Hàn, mặt Đình hướng về phía đông nhìn ra sông). Đình tồn tại cho đến năm 1858 – 1860 thì bị hư hại nặng, do chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và Tây Ban Nha.
Đến năm 1860, nhân dân Hải Châu chuyển đến xây dựng Đình làng tại khu đất, nay thuộc “địa phần” Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng (tiền thân là trường Trung học Y tế Đà Nẵng). Đến năm 1903, nhân dân Hải Châu bị nạn dịch đậu mùa, người Pháp bèn trưng dụng Đình Làng Hải Châu để làm Trạm Y tế để điều trị bệnh nhân.
Năm 1904 người Pháp trả lại Đình theo nguyện vọng của dân làng. Nhưng nhân dân địa phương, với quan niệm tập tục, một lần nữa làm đơn thỉnh nguyện dâng lên Vua Thành Thái. Đình chùa Hải Châu được xây dựng mới, tức tại vị trí hiện nay (tổ 6, K48/46, đường Phan Châu Trinh,phường Hải Châu I, quận Hải Châu).

Tài liệu khảo cứu của Bảo tàng Đà Nẵng ghi nhận: “Lần xây dựng thứ 3 này có tính quy mô hơn, bao gồm Đình (Chùa), Nhà Thờ tiền hiền, Nhà Thờ 43 Chư phái tộc, Miếu Bà (thờ Thánh mẫu Thiên Yana) và một hồ nước phía trước cổng tam quan của ngôi Đình (thả hoa Sen và hoa Súng). Chính giữa sân Đình có xây thêm một bàn thờ và một bức bình phong lộ thiên.
Quần thể di tích Đình (Chùa) Hải Châu sau thời gian gần 50 năm, thì bắt đầu xuống cấp. Vào năm 1957, cụ Cố Lê Văn Tập đã cúng hiến tiền bạc, cụ Nguyễn Văn Tuất được bầu làm Chánh đốc công (chịu trách nhiệm trông coi việc tu sửa). Lần trung tu này gần như giữ nguyên dáng nét cổ xưa của ngôi Đình Làng, được xây dựng trước đó”.

Quần thể di tích gắn liền với lịch sử Nam Tiến hình thành bờ cõi non sông
Bao năm nay, Đình (Chùa) cùa làng Hải Châu (thuở mở cõi), cùng quần thể di tích này vẫn được trân trọng ghi nhận là “Di tích xưa, gắn với quá trình lịch sử Nam tiến, lịch sử hình thành Đà Nẵng. Đình chùa là minh chứng cho quá trình khai khẩn đất đai, mở rộng bờ cõi của Tiền nhân, một di tích “rất hiếm hoi” còn sót lại, giữa trung tâm Đà Nẵng, qua nhiều biến động thăng trầm”.
Hồ sơ di tích của Bảo tàng Đà Nẵng, và tìm hiểu thêm của người viết, bên cạnh di tích Đình (Chùa) Hải Châu, còn có các di tích khác (tương cận nhau trong khuôn viên Đình chùa).
Đó là nhà thờ 43 chư phái tộc (tên chữ Nôm: Kính Ái tự đường), nhà thờ Tiền Hiền, nhà thờ Thành Hoàng (theo tín ngưỡng dân gian, Thành Hoàng là vị thần trông coi, bảo hộ cho một làng, một xứ, rộng hơn là một khu vực), Miếu Bà, cổng Tam Quan và hồ Sen. Các di tích được xây dựng gần như cùng thời (thập niên đầu của những năm 1900), được giữ gìn, tôn tạo và hợp thành quần thể di tích có giá trị lịch sử.

Cũng vào năm 1900 thời Thành Thái, còn có một sự kiện địa chính đáng ghi nhớ , đó là phần (đất đai) chính còn lại của xã, được nhà Vua ban cho “Xã hiệu” là “Hải Châu Chánh Xã”. Và vào thời Thành Thái, làng Hải Châu đã được tách ra để hình thành nên các làng mới (như Nam Dương, Phước Ninh, Thạch Thang, Thạc Gián, Vĩnh Trung, …).
Giới nghiên cứu thống nhất rằng,các Làng (Xã) xưa (của Đà Nẵng), đồng thời cũng là những Làng (Xã) góp phần hình thành nên thành phố Đà Nẵng hôm nay, phải kể đến đầu tiên, là: Làng An Hải, Làng Nại Hiên và Làng Hải Châu.
Gia phả của tộc Nguyễn Văn (1 trong 43 tộc họ của làng Hải Châu) còn ghi rõ: Các bậc tiền hiền khai khẩu, hậu hiền khai cư làng Hải Châu, vốn xuất thân từ làng Hải Châu, thuộc huyện Tịnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Những tiền nhân này đã theo Vua Lê Thánh Tông vào Nam khai phá đất đai, và lập nên Làng Hải Châu (thời điểm khai sinh vùng đất mới này vào cuối thế kỷ XV).
Buổi đầu thành lập Làng có 6 họ tộc gọi là “Lục Tộc tiền hiền”, gồm tộc Lê, Trần, Nguyễn, Đặng, Phan, Phạm. Về sau có thêm 6 tộc nữa là Đỗ, Võ, Đinh, Ngô, Trương, Hồ, gọi là ‘Thập Nhị Chư phái”, Đến thời Tự Đức (1848 – 1883), làng Hải Châu có 42 họ tộc; sang đến thời Thành Thái (1889 – 1907) có thêm một tộc nữa đến sinh cơ lập nghiệp.
Còn nhớ, trong dịp diễn ra lễ hội Đình làng Hải Châu 2024, ngày 30/3/2024 vừa qua, từ Thanh Hóa, một đoàn khách đã tìm vào và đến Đình để dâng hương tưởng nhớ. Đoàn không khỏi ngỡ ngàng khi thăm toàn bộ quần thể di tích, đặc biệt, rất xúc động khi được tận mắt xem những di vật của tiền nhân, từ thuở khai hoang lập ấp ngày đầu, cho đến ngày nay, vẫn còn được gìn giữ.

Với đoàn khách, Đình làng Hải Châu đã trở thành nơi quần tụ tâm linh, nơi con cháu Hải Châu , dù là người con xa xứ (vào Nam mở đất lập nghiệp), hay chánh xứ (từ Bắc vào), đều có thể đến để dâng nén nhang thành kính tri ân công đức to lớn của tổ tiên..
Đoàn khách thổ lộ, họ chính là “hậu duệ” của các Cụ, những tiền nhân đã ra đi từ xã Hải Châu ngày xa xưa ấy, vào Nam mở cõi. Ngày nay, xã Hải Châu (xưa) là phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn, Tỉnh Thanh Hoá.
“Đối với mỗi người dân vùng đất Hải Châu, Lễ hội Đình làng không chỉ là một sự kiện văn hóa quan trọng mà còn là nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân. Đây cũng là dịp để nhân dân trong và ngoài địa phương cùng hội tụ, thắt chặt tình đoàn kết, giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của quê hương.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Đình làng Hải Châu vẫn được giữ gìn và phát triển, trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân. Hơn cả một nghi lễ, đây còn là bài học sống động về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giúp thế hệ hôm nay và mai sau luôn khắc ghi công lao của cha ông trong hành trình khai lập và bảo vệ quê hương, xứ sở”, Phó Chủ tịch Thường trực Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đình làng Hải Châu năm 2025 Trương Thanh Dũng nhấn mạnh.
Về địa phận “Hải Châu Chánh Xã”, sau này được cải đổi gọi là khu phố Hải Châu, hay khu phố Chùa Hải Châu cho đến tháng 3/1975. Từ năm 1976 đến 31/12/2024, khu phố Hải Châu được chia thành 2 phường là phường Hải Châu I và Hải Châu II, thuộc quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Thực hiện Nghị quyết số 1251/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2023 – 2025 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025); Phường (mới) Hải Châu được thành lập, trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên (0,95 km2, quy mô dân số là 18.146 người của phường Hải Châu I), cùng toàn bộ diện tích tự nhiên (0,36 km2, quy mô dân số 16.875 người của phường Hải Châu II).
Theo dòng lịch sử, Hải Châu từ tên xã, khu phố, rồi là phường, sau đó cũng được dùng để đặt tên cho Quận trung tâm nội thành của Đà Nẵng. Quận Hải Châu được thành lập ngày 23/1/1997, sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính độc lập, trực thuộc trung ương.

“Qua việc duy trì Lễ hội, chúng tôi một lần nữa mong muốn được góp một tiếng nói tích cực trong việc gìn giữ truyền thống, đồng thời lan tỏa tinh thần tri ân nguồn cội, phát huy tình yêu quê hương đất nước, bản sắc văn hóa địa phương trong thời đại mới”, ông Trương Thanh Dũng – Phó Chủ tịch thường trực UBND Quận Hải Châu, Trưởng ban Tổ chức lễ hội, nhấn mạnh thêm.
Gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa
Không chỉ là hoạt động văn hóa thường niên rất được chú trọng, lễ hội góp phần giữ gìn một phong tục đẹp, hướng về nguồn cội của người dân bản địa, hướng về dịp kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 Âm lịch; lại vừa rất có ý nghĩa trong quảng bá đời sống văn hóa Việt, đa dạng nhịp sống du lịch của quận và của thành phố.

Đoàn đại biểu 9 Phường dâng hương hoa lễ vật tưởng nhớ. Ảnh: T.Ngọc.
Phần Lễ, trước nghi thức Chánh tế (vào sáng nay 4/4/2025), lễ Vọng đã diễn ra từ chiều ngày 3/4/2025), với đầy đủ các nghi thức trang nghiêm, được lưu truyền.
Lễ hội Đình làng Hải Châu, ngoài phần Lễ (lễ vọng, chánh tế và lễ dâng hương, thả hoa đăng), thể hiện lòng biết ơn đối với các vị phúc thần, các bậc tiền hiền, hậu hiền đã khai làng, lập ấp; phần Hội năm nay gồn nhiều hoạt động văn hóa – thể thao đa dạng: Hội thi văn nghệ với các ca khúc về Hải Châu; Trình diễn áo dài nghệ thuật với chủ đề “Đà Nẵng, 50 năm xây dựng, phát triển và hội nhập”. Các thế hệ hậu sinh cùng hòa mình vào mọi không gian lễ hội vừa trang nghiêm, vừa rộn ràng sắc màu.

“Trong 2 ngày diễn ra, Lễ hội Đình làng Hải Châu có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, thu hút đông đảo các diễn viên, vận động viên đến từ 9 phường; các trường mầm non; các nhóm, Câu lạc bộ tham gia, tất cả đã góp phần làm phong phú, đa dạng các hoạt động của Lễ hội. Mỗi hoạt động, mỗi tiết mục đều mang đậm yếu tố truyền thống dân gian, thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng, địa phương không chỉ được trao truyền mà còn được kế thừa, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới.
Tất cả đã kết nối các giá trị truyền thống và hiện đại; góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Thời gian tới, kỳ vọng, sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa để làm phong phú hơn Lễ hội Đình làng Hải Châu, tăng cường các hoạt động tạo điểm nhấn hướng tới nâng tầm Lễ hội, đưa Đình làng Hải Châu thực sự trở thành một “bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hóa – lịch sử phong phú, có sức lôi cuốn, hấp dẫn đối với mọi người, mọi thế hệ”, ông Trương Thanh Dũng chia sẻ và gửi gắm./.
Trần Ngọc