Thứ Bảy, Tháng 2 22, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Lễ hội mùa xuân ở cố đô Huế



ĐNA -

Mỗi năm, đến độ Tết đến xuân về, ở Việt Nam nói chung và Huế nói riêng không chỉ là sự chuyển giao của đất trời, mà còn là dịp để mọi người cùng nhau hướng về cội nguồn, ngưỡng vọng các bậc tiền nhân, cầu năm mới bình an và hiểu thêm những giá trị văn hóa lịch sử mà ông cha để lại, đồng thời lại có thể trực tiếp tham gia, trải nghiệm những lễ hội truyền thống đặc sắc, và tận hưởng không khí tươi vui, rộn ràng của những ngày đầu năm.

Lễ hội mùa xuân ở cố đô Huế.

Mùa xuân năm Ất Tỵ (2025), là mùa xuân đầu tiên cố đô Huế triển khai các hoạt động lễ hội với vị thế mới, là thành phố trực thuộc trung ương và cũng là thành phố đăng cai Năm du lịch quốc gia Huế 2025. Vì vậy, các lễ hội đều được chuẩn bị kỹ càng và gắn kết trong một chuỗi các sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch hết sức phong phú. Theo kế hoạch, năm 2025 sẽ có hơn 170 sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch, trong đó có rất nhiều lễ hội…

Nhìn chung, các lễ hội mùa Xuân ở Huế đều mang những nét đặc trưng, bản sắc riêng có, thu hút mạnh mẽ người dân, du khách đến tham quan và trải nghiệm. Điển hình như các hoạt động đón tết vui xuân trong những ngày đầu năm được tổ chức khắp nơi trong thành phố và các huyện, thị xã; lễ Khai hạ (lễ Hạ nêu) vào ngày mùng 7 tháng Giêng được tổ chức trong Hoàng cung, đánh dấu Sự khởi đầu cho công việc của một năm mới. Hay Lễ hội đền Huyền Trân được tổ chức vào ngày mùng 8 và 9 tháng Giêng tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân thu hút hàng ngàn người dân địa phương và du khách. Người ta tìm đến lễ hội này trước để dâng hương tưởng nhớ đến Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân, người có công lao mở mang bờ cõi đất nước, gắn liền với sự hình thành của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế và sau là được đắm chìm trong các không gian trò chơi dân gian truyền thống, trình diễn áo dài ngũ thân, thư pháp, biểu diễn Ca Huế, hát Bài Chòi …

Chiêm bái ngưỡng vọng Phạt hoàng Trần Nhân Tông, Công chúa Huyền Trân.

Có một điều đặc biệt so với mọi năm. Đó là các lễ hội mùa Xuân năm nay đều nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa tiêu biểu của Festival Huế, của Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025. Vì vậy, các lễ hội được tổ chức quy mô, bài bản hơn, mở rộng cả thời gian và không gian. Trong đó có 2 lễ hội tiểu biểu gắn liền với việc đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề làm bún Vân Cù và lễ hội Điện Huệ Nam.

Lễ hội nghề làm bún Vân Cù sẽ được diễn ra trong 2 ngày từ ngày 18/02/2025 đến 19/02/2025 tại thôn Vân Cù – Nam Thanh, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà nhằm quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù.

Lễ hội Điện Huệ Nam tháng 3 (âm lịch) dự kiến tổ chức từ ngày 30/3/2025 đến ngày 31/3/2025. Ngoài đoàn thuyền di chuyển lên Điện Huệ Nam còn có Đoàn rước bộ (thường chỉ tổ chức vào năm chẵn) để hưởng ứng sự kiện Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam.

Các hoạt động phong phú trong lễ hội Đền Huyền Trân.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu xuân, du khách và người dân còn được tham gia vào chuỗi các lễ hội phong phú trong tháng Giêng, như Lễ hội đu Tiên làng Gia Viên ngày mùng 4, Hội vật làng Thủ Lễ ngày mùng 6, Lễ hội đền Huyền Trân trong các ngày 8-9, Lễ hội đua trãi thị xã Hương Thủy ngày mùng 9, Hội vật làng Sình ngày 10, Hội thơ Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng)…

Suốt chiều dài lịch sử gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Vì vậy, ngoài các lễ hội dân gian truyền phong phú thì Cố đô Huế vẫn còn lưu giữ, bảo tồn được nhiều lễ hội cung đình độc đáo. Hiện nay, Huế đang tập trung nghiên cứu, tái hiện nhiều nghi thức, lễ hội cung đình triều Nguyễn, trong đó có các lễ hội mùa xuân như lễ Thướng Tiêu (Dựng nêu), Hạ tiêu (Hạ nêu), Ban sóc (ban lịch mới đầu năm), Lễ Đại triều, lễ Tế Giao, tế Xã Tắc… nhằm tạo ra những trải nghiệm thú vị, khác biệt cho người dân và du khách về Tết cổ truyền.

Lễ hội đu tiên làng Gia Viên.

Tuy vậy, để bảo tồn và phát huy hiệu quả hơn kho tàng lễ hội phong phú vốn có của cố đô Huế, tạo ra sức thu hút và sự quan tâm của đông đảo giới trẻ đồng thời vẫn giữ gìn được những giá trị truyền thống cốt lõi thì ngoài việc tập trung tổ chức “lễ” (tức phần nghi lễ) một cách bài bản vẫn rất cần chú trọng đến việc nghiên cứu để bổ sung, làm phong phú và hấp dẫn phần “hội”. Điển hình như việc khai thác các trò chơi cung đình như Đầu hồ, Bài vụ, Xăm hường… và trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, vật võ… để các bạn trẻ có những trải nghiệm và hiểu biết hơn về các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó cần bổ sung các hoạt động mới như trình diễn thời trang áo dài và các loại cổ phục, trình diễn thư pháp và các bộ môn nghệ thuật truyền thống như ca Huế, ca Trù, Bài chòi để các bạn trẻ và du khách được hòa mình trong không gian văn hóa lễ hội một cách hào hứng và thú vị.

Có thể nói, các lễ hội mùa Xuân là một chuỗi hoạt động Văn hóa tiêu biểu của Festival Huế, của Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025, nhằm tạo điểm nhấn thu hút du khách, quảng bá hình ảnh vẻ đẹp văn hóa, con người cố đô. Đồng thời thôi thúc những khát vọng cùng quyết tâm nỗ lực để xây dựng thành phố Huế ngày càng phát triển, xứng tầm là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Lễ hội bơi trải làng Triều Sơn Đông ngày 11 tháng Giêng.

Trong thời gian qua, một số lễ hội mùa Xuân ở Huế đã được quan tâm phục dựng để người dân và du khách trải nghiệm, vui xuân sau nhiều năm bị mai một và lãng quên. Điển hình như các lễ hội cung đình: Thướng tiêu, Hạ tiêu, Ban sóc hay các lễ hội dân gian, mà tiêu biểu là lễ hội đu tiên ở làng Phú Gia. Sau nhiều năm vắng bóng, đầu năm 2024, được sự hỗ trợ của Hội Văn nghệ Dân gian thành phố Huế, UBND huyện Phú Lộc và UBND xã Lộc Tiến, lễ hội đu tiên Phú Gia đã được tiến hành phục dựng thành công, thu hút sự đông đảo người dân địa phương và du khách đến tham gia và trải nghiệm.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch lễ hội ở Huế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, nhất là ở một địa phương hiện có đến 520 lễ hội còn được duy trì và hoạt động, trong đó có 472 lễ hội truyền thống, 23 lễ hội văn hóa, 20 lễ hội ngành nghề và 5 lễ hội quốc tế du nhập từ nước ngoài. Vì vậy cần có giải pháp quản lý và khai thác du lịch lễ hội hiệu quả, bảo đảm phát triển du lịch song hành với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – di sản theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, phải làm sao để người dân và du khách thực sự là chủ thể của lễ hội thì mới đạt được thành công như mong đợi.

Trong hai năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì triển khai và hoàn thành đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu cho các lễ hội tiêu biểu của Huế phục vụ phát triển du lịch” Theo đó, cùng với việc thống kê, dữ liệu hóa hàng trăm lễ hội, Sở đã lựa chọn, số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu cho hơn 30 lễ hội tiêu biểu nhất của cố đô Huế để phục vụ phát triển du lịch dịch vụ. Cơ sở dữ liệu này bước đầu đã được phát huy một cách hiệu quả.

Xác định rõ, lễ hội có vai trò quan trọng trong gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng và phát triển du lịch. Những năm qua, loại hình du lịch gắn với lễ hội đã từng bước phát triển ở Huế. Cách thức tổ chức lễ hội ngày càng được đổi mới, chuyên nghiệp hóa với nhiều hoạt động thu hút du khách. Tham gia các hoạt động này, du khách không chỉ được hòa mình vào không khí sôi động, tưng bừng của lễ hội, mà còn được khám phá, tìm hiểu những nghi lễ, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa riêng có của cộng đồng cư dân địa phương.

Lễ hội vật võ làng Thủ Lễ ngày mùng 6 tháng Giêng.

Các lễ hội mùa Xuân ở Huế được tổ chức trong khung cảnh mang vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc và thơ mộng. Vì vậy, khi đến Huế, mỗi người dân và du khách tham gia và trải nghiệm những hoạt động lễ hội này nên chọn cho mình trang phục truyền thống, đặc biệt là áo dài để có thể check in, lưu giữ lại những hình ảnh đẹp và ý nghĩa bên gia đình và bạn bè trong những ngày đầu xuân. Đồng thời hãy tận hưởng không khí trong lành, ấm áp và đầy bản sắc, hương vị Huế để các bạn có thêm nguồn năng lượng tích cực cho một năm mới đầy ý nghĩa, khi chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên vươn mình và phát triển mạnh mẽ của dân tộc./.

TS.Phan Thanh Hải
Ảnh trong bài: Bảo Minh, Lê Tấn Thanh.