Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 130 nghìn người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 8,93% dân số địa phương. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là lễ hội, những phong tục, tập quán bản địa đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành tỉnh Quảng Nam.

Chọn lọc những gì tinh túy, giá trị nhất để phát huy
Một ngày đầu tháng 5/2025, hòa chung không khí kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trên cả nước, già làng Bh’ling Hạnh (72 tuổi, người Cơ Tu, ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang, Quảng Nam) hồ hởi chia sẻ với phóng viên Tạp chí Đông Nam Á: “Những năm qua, đời sống của người dân địa phương ngày càng được cải thiện, không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần. Phấn khởi nhất là việc giữ gìn, khôi phục được rất nhiều lễ hội, tập tục truyền thống đã có từ xa xưa. Điều đó vừa tạo động lực thúc đẩy người Cơ Tu hăng say lao động sản xuất vừa củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương”.
Được biết, già làng Bh’ling Hạnh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể”. Một trong những sở trường của ông là chơi kèn Bơrét- món ăn tinh thần không thể thiếu của người Cơ Tu. Bơrét là nhạc cụ hơi, đa thanh gồm 14 ống nứa nhỏ sắp xếp song song từng đôi một thành 7 hàng từ ngắn đến dài. Đôi ống dài nhất là 60cm và cặp ngắn nhất là 35cm và mỗi ống cho một âm thanh riêng. Khi thổi khèn Bơrét, nghệ nhân luồng hơi thổi ra ngoài, khiến âm thanh của khèn Bơrét trở nên trong và ấm hơn. Trong 14 ống của khèn Bơrét được khoét lỗ. Khi thổi, nghệ nhân tuần tự gác lỗ, khèn Bơrét sẽ cho 3 âm thanh có âm vực cách xa nhau tạo thành một phối âm phù hợp với các chiếc chiêng của người của người Cơ Tu. Theo truyền thống, loại nhạc cụ này dùng để đàn ông Cơ Tu sử dụng trong vui chơi hội họp, hát giao duyên, không sử dụng trong nghi lễ cúng tế thần linh.
Nghệ nhân Bh’ling Hạnh cho biết, các lễ hội, tập tục của người Cơ Tu rất đa dạng, diễn ra liên tục từ đầu năm đến cuối năm. Trong đó, người Cơ Tu huyện Nam Giang nói riêng và cộng đồng người Cơ Tu nói chung đã hình thành nên một nghi thức “cúng đất, lập làng”. Theo quan niệm từ xa xưa, việc chọn đất lập làng có ý nghĩa đối với sự tồn tại hay suy vong của cộng đồng nên nghi lễ này vô cùng quan trọng. Mảnh đất được chọn phải hội tụ đủ các yếu tố: Có nguồn nước ổn định để sinh hoạt, trồng tỉa các loại hoa màu, địa thế thuận lợi cho việc bố phòng ngăn chặn thú rừng cũng như các yếu tố xung đột từ bên ngoài… Lý tưởng nhất là mảnh đất lớn bốn phía không có núi che khuất. Đất đai màu mỡ, có khả năng trồng trọt các loại hoa màu. Bắt đầu nghi lễ cúng làng mới, già làng và các trưởng tộc mặc áo làm bằng vỏ cây (để thể hiện sự gần gũi với núi rừng, với trời đất, với thần linh) ngồi vòng tròn và vẽ xuống đất hình chữ U theo nghi thức một bên thân đất thân trời, một bên con người của làng. Khi mọi công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất, già làng vẽ hình cánh cung xác định vị trí của ngôi làng, rồi lần lượt phân chia từng điểm cụ thể để dân làng nhận biết. “Sau khi làng mới được lập nên, các trưởng tộc thực hiện thủ tục cúng nhà, cúng Gươl. Con heo sống được chọc tiết, rồi lấy máu bôi lên các ngôi nhà và lên từng người trong làng. Còn thịt heo được dân làng chế biến thành các mâm thức ăn để mọi người cùng quây quần mừng có được làng mới, có nhà mới, mừng thắng được con ma rừng” già làng Bh’ling Hạnh chia sẻ.
Ngoài ra, người Cơ Tu nơi đây còn có nhiều lễ hội, tập tục khác như lễ cúng rẫy phát nương, lễ nhập làng, lễ mừng Gươl mới, lễ dựng cây nêu…

Trao đổi với chúng tôi, ông A Lăng Nghiên- phó chủ tịch UBND xã Zuôih cho biết, tại địa phương có rất nhiều lễ hội cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi được tổ chức hàng năm. Tiêu biểu như Lễ hội “Âm vang cồng chiêng”, điêu khắc, dệt thổ cẩm truyền thống gắn liền lễ hội văn hóa và du lịch cộng đồng, bóng đá, bóng chuyền, tổ chức các trò chơi dân gian… Thời gian qua, việc bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống của các dân tộc vùng miền núi của xã Zuôih gặp không ít khó khăn nhất. Nhất là việc vận động người dân xóa bỏ các tập tục lỗi thời. Một số già làng, trưởng bản vùng dân tộc thiểu số còn có sự trông chờ, ỷ lại vào chính quyền và các đoàn thể. Trong khi giao thông đi lại không được thuận tiện. Việc triển khai các chương trình văn hóa mới không được kịp thời, ảnh hưởng đến văn hóa đời sống của đồng bào dân tộc.
Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, đã hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất tạo sự đồng thuận và duy trì, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp. Đáng mừng nhất là thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân dần được nâng cao. Một số tập tục lạc hậu đã dần được thay thế, cải tiến. Ví dụ như việc tổ chức đám ma không lãng phí, không kéo dài. Việc cưới hỏi không còn gả ép, đòi hỏi của hồi môn nhiều mà thực hiện theo Luật hôn nhân và gia đình. Chính quyền địa phương thường xuyên mở lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, trình độ các nghệ nhân, già làng. Hỗ trợ kinh phí để tiến hành công tác lưu truyền, sưu tầm văn hóa, nhạc cụ dân gian…

Bảo tồn văn hóa gắn với không ngừng nâng cao đời sống kinh tế
Quảng Nam có 08 huyện miền núi với khoảng 130 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 8,93% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số bản địa có khoảng 125 nghìn người, gồm 04 thành phần tộc người là: Cơ Tu, Giẻ-Triêng, Xơ Đăng và Cor. Mỗi dân tộc đều có những đặc trưng văn hóa truyền thống như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội cho đến nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, nghệ thuật trình diễn… mang đậm đặc trưng của văn hóa mỗi tộc người, mỗi vùng đất. Trong tín ngưỡng dân gian của đồng bào miền núi Quảng Nam, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội không chỉ là không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu tâm linh, mà còn thể hiện những điều tốt đẹp của cộng đồng. Tuy quy mô chỉ gói gọn trong cộng đồng làng, nhưng các lễ hội đã trở thành tài sản văn hóa vô giá mà các dân tộc thiểu số vùng cao xứ Quảng gìn giữ và phát huy từ bao đời.
Theo TS. Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, hiện đã có 04 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là: Múa tân tung da dá của người Cơ Tu; nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu; nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu của người Cor; nói lý hát lý của người Cơ Tu. Bên cạnh đó, bằng sự đầu tư đúng hướng và khoa học, văn hóa truyền thống các dân tộc miền núi Quảng Nam với các lễ hội dân gian truyền thống, các phong tục, tập quán lâu đời đã được bảo tồn khá nguyên vẹn. Tiêu biểu là lễ tạ ơn rừng của dân tộc Cơ, tục cưới hỏi của dân tộc Cor, lễ cầu mùa của dân tộc Ca Dong, lễ mừng lúa mới của dân tộc Giẻ- Triêng huyện Phước Sơn, lễ cưới truyền thống của đồng bào Ve huyện Nam Giang, Tết ngã rạ của người Cor, lễ kết nghãi của người Cơ Tu… Các lễ hội, phong tục, tập quán truyền thống của các tộc người thiểu số tỉnh Quảng Nam thường rất đa dạng và phong phú. Được thể hiện qua nhiều chiều cạnh khác nhau như các giá trị văn hóa sản xuất, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần. Đặc biệt, được thể hiện rõ nét qua hệ thống nghi lễ, tín ngưỡng được thực hành trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Di sản văn hóa của các tộc người thiểu số tỉnh Quảng Nam thường gắn liền với không gian của núi rừng, đó là không gian văn hóa nhà Gươl, nhà rộng, là không gian của nghề dệt thổ cẩm, của những ngôi nhà sàn, nhà dài, với những điệu múa, nghi lễ, tín ngưỡng mang đậm giá trị văn hóa, thế giới quan, nhân sinh quan sâu sắc.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hồng, song song với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là việc kết hợp triển khai một số chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng với các sở, ban, ngành liên quan và địa phương các huyện miền núi đã phát huy trách nhiệm, nỗ lực tham mưu, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam. Công tác chỉ đạo, quán triệt về ý nghĩa, vai trò nội dung của công tác dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhất là trong tình hình hiện nay được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2019 đến nay, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được quan tâm và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến huyện. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa có hiệu quả đã góp phần tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, phong phú, đa dạng hóa đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương và của tỉnh.
Nghề dệt thổ cẩm gắn với bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc được các huyện miền núi khôi phục và phát triển. Đã phục hồi một số làng nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở một số thôn như Đh’rôồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang), Zơra (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang), Arớt (xã A Nông, huyện Tây Giang)… vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa tạo ra các sản phẩm du lịch. Làng dệt thổ cẩm Zara của người Cơ Tu ở Tabhling, huyện Nam Giang trở thành sản phẩm du lịch không chỉ trong nước mà quốc tế, đã hợp tác với các đối tác Nhật Bản trong việc đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức tour đưa khách Nhật Bản đến thăm quan, trải nghiệm.

Gần đây, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng bộ chữ viết dân tộc Ca Dong, Bhnong, Cơ Tu. Một số huyện như Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn… đã triển khai việc dạy và học tiếng nói chữ viết dân tộc thiểu số trong cán bộ, công chức tại địa phương, hoặc sử dụng chữ viết trong một số lĩnh vực của đời sống. Tại các huyện Phước Sơn, Nam Trà My đã quan tâm xây dựng bộ chữ viết của dân tộc Bhnong và Ca Dong. Đây là việc làm cần thiết nhằm bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết của đồng bào và đưa vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn huyện. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND huyện Nam Giang tổ chức lớp tập huấn về công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Cơ Tu. Nghiên cứu và xuất bản nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu liên quan đến văn hóa của các dân tộc như: “Tiếng thông dụng C’tu-Kinh và văn hóa Làng C’tu”, “Văn hóa người C’tu”, “Từ điển C’tu-Việt, Việt C’tu”… góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá và truyền dạy cho các thế hệ sau về văn hóa của dân tộc mình.
Từ năm 2019 đến năm 2024, ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam đã lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể” cho 08 nghệ nhân là đồng bào các dân tộc thiểu số. Các loại hình văn học, nghệ thuật, ẩm thực, tri thức và lễ hội dân gian ở các huyện miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn. Nhiều loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ như hát Cheoh, hát A giới, Xà ru; hát ru, hát đối đáp; nói lý, hát lý, hát giao duyên, múa tân tung da dá vẫn đang được gìn giữ và biểu diễn tại cộng đồng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Việc sưu tầm, dàn dựng và thu âm, thu hình các loại hình kể trên được tiến hành thường xuyên. Các giá trị văn hoá ẩm thực của các dân tộc luôn được phát huy trong dịp lễ hội với các món ăn truyền thống như cơm lam, sắn lam, bánh cuốc, bánh ốc, thịt, cá nấu trong ống nứa… đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Nhiều môn thể thao truyền thống như bắn ná, bắn cung, kéo co, đẩy gậy… của đồng bào dân tộc thiểu số đã được bảo tồn, phát huy giá trị và tham gia nhiều sự kiện cấp quốc gia đạt giải cao.
Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Trong đó, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có tính đột phá. Vì vậy, để khai thác hiệu quả giá trị văn hóa của các lễ hội, phong tục, tập quán truyền thống đặc sắc để làm chất dẫn, đòn bẩy góp phần đẩy mạnh phát triển nhanh, bền vững kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Nam. Một trong những giải pháp trọng yếu là làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn, phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp trong văn hoá của các cộng đồng dân cư, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Duy trì, phát triển các lễ hội truyền thống của các địa phương và các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa đặc trưng sinh thái bản địa phục vụ khai thác phát triển du lịch gắn với bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá địa phương. Ưu tiên khai thác và phát huy các sinh hoạt văn hóa mang tính dân gian; lễ hội truyền thống của từng vùng, từng dân tộc; các làn điệu dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian hiện có và đã có; đầu tư triển khai các dự án để sưu tầm và xuất bản các ấn phẩm về các giá trị di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của các vùng miền, các dân tộc. Đồng thời, tiếp tục quan tâm và triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Nguyễn Sơn