Thứ sáu, Tháng mười 18, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Lễ hội truyền thống Văn hóa Du lịch Dinh Thầy Thím La Gi – Bình Thuận năm 2022.

ĐNA -

  Vào lúc 16h30 chiều ngày 09/10/2022, tại Di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận đã chính thức khai mạc Lễ hội truyền thống Văn hóa – Du lịch Dinh Thầy Thím năm 2022. Lễ hội truyền thống Văn hóa – Du lịch Dinh Thầy Thím năm 2022 được tổ chức trang nghiêm, long trọng, có hàng trăm ngàn lượt khách đến hành hương, trẩy hội. Đây là hoạt động nổi bật nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 – 2022) và là sự kiện văn hóa – du lịch hướng đến kỷ niệm 27 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995 – 24/10/2022).

Đến dự có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh Ủy, Ủy ban tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo cơ quan ban ngành thị xã La Gi. Lễ hội truyền thống văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam đã thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến hành hương, trẩy hội.

Đánh trống khai hội

Hiện nay, Dinh Thầy Thím đã được công nhận cả hai danh hiệu là Di tích lịch sử văn hoáLễ hội văn hoá Dinh Thầy Thím là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. (Di tích Dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa-Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27/9/1997 và Lễ hội Dinh Thầy Thím được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 12/1/2022).

Việc công nhận này đã góp phần phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế, văn hoá, xã hội của thị xã La Gi nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét văn hoá truyền thống của cộng đồng, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá Việt Nam.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, lễ hội Dinh Thầy Thím là một trong 5 lễ hội văn hóa tiêu biểu, được tỉnh Bình Thuận chọn để phục vụ phát triển du lịch của địa phương. Trong những năm gần đây, lượng du khách đến Dinh Thầy Thím ngày càng tăng lên, ước khoảng 600.000 lượt khách mỗi năm.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội năm 2022 do Viện nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á thực hiện.
Bằng phương pháp kết hợp các loại hình nghệ thuật như ca múa nhạc, kịch, cải lương, âm nhạc, sân khấu hóa, điện ảnh và dẫn chuyện… chuyển tải khá đầy đủ nội dung cơ bản của phần nghi lễ truyền thống như : đọc kim sách về lịch sử đức độ của Thầy Thím, lễ dâng hương tưởng nhớ công đức Thầy Thím, đánh trống khai hội và phục dựng một số đoạn bằng hình thức ca cảnh nhằm ôn lại quá trình hình thành câu chuyện truyền thuyết về nhân vật Thầy và Thím. Qua đó, tôn vinh ý nghĩa, tưởng nhớ công đức của Thầy và Thím lúc sinh thời thường chữa bệnh cứu người, giúp ngư dân đóng thuyền đánh cá, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Công đức đó đã được lưu truyền, ghi ơn từ hàng trăm năm, mãi đến nay chưa hề phai nhạt trong tâm thức người dân địa phương.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội năm 2022 do Viện nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á thực hiện

Một sự tích huyền thoại
Theo người dân kể lại, Thầy – Thím quê ở Quảng Nam, đến ở trong rừng sâu Bàu Cái thuộc làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Là đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, làm thày lang bốc thuốc cứu độ chúng sinh nên rất được dân làng mến mộ. Do không biết được tên thật, nên dân làng Tam Tân thân thiết gọi vợ chồng đạo sĩ là “Thầy – Thím”.

Tại đây, Thầy hướng dẫn ngư dân đóng ghe để ra biển làm nghề chài lưới. Từ nơi cánh rừng Bàu Cái có mạch nước nhỏ dài gần 3km đổ ra biển, dân địa phương tương truyền đó là dòng nước Thầy tạo ra để đưa ghe ra biển, gọi là đường lướt ván. Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như: trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo; cứu dân chài trong cơn sóng to, gió dữ; cảm hóa thú rừng là nỗi nơm nớp lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội năm 2022 do Viện nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á thực hiện

Tương truyền, vào một ngày mùa thu, được tin Thầy – Thím qua đời, dân làng vội vã vào rừng thì thấy 2 ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú dữ vun đắp ở gần nơi Thầy – Thím tạ thế. Hàng năm, cứ đến ngày 5 tháng Giêng có đôi bạch, hắc hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục canh gác ngôi mộ. Khi bạch, hắc hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau mộ Thầy – Thím để tưởng nhớ hai con vật trung thành.

Để tỏ lòng nhớ ơn công đức Thầy – Thím, nhân dân chung sức lập đền thờ ở khu rừng Bàu Cái. Ngày 15-9 âm lịch hàng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím được dân gian lưu truyền. Thế nên, đến đời Thành Thái thứ 18 ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.

Chỉ là một truyền thuyết dân gian với nhiều nội dung giới thiệu về thân thế và ca ngợi công đức của Thầy – Thím nhằm giáo dục con người biết hướng thiện, sống nhân ái, đạo nghĩa. Khi tìm đến người dân địa phương để hỏi, ai cũng kể rành mạch về sự tích Thầy – Thím và họ khẳng định đây là những nhân vật có thật.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội năm 2022 do Viện nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á thực hiện

Di tích Dinh Thầy Thím
Quần thể di tích dinh Thầy Thím tọa lạc ở hai khu vực: Khu dinh thờ Thầy Thím tại rừng Bàu Cái và khu mộ Thầy Thím ở rừng Bàu Thông. Khu mộ cách Dinh thờ khoảng 3km về phía Tây gồm có: Mộ Thầy, Thím, mộ đôi bạch hổ và Điện thờ Thầy Thím. Dinh Thầy Thím thuở ban đầu được tạo dựng bằng tranh lá đơn sơ, sau được người dân địa phương đóng góp công sức để tôn tạo lại khang trang và bề thế. Căn cứ vào truyền thuyết và những dòng văn tự Hán – Nôm cổ chạm khắc trên thanh xà cò ở Chính điện “Kỷ Mão niên thập nhị nguyệt nhị thập ngũ nhật cấu tạo”, có thể xác định niên đại tôn tạo dinh vào ngày 25/12/1879 (năm Tự Đức thứ 32).

Tìm hiểu Lễ hội dinh Thầy Thím
Hàng năm, tại dinh Thầy Thím tổ chức hai kỳ lễ: Lễ Tảo mộ Thầy Thím diễn ra vào ngày 05 tháng Giêng và Lễ giỗ Thầy Thím diễn ra từ ngày 14 – 16 tháng Chín Âm lịch. Lễ giỗ được coi là Lễ hội chính với nhiều nghi lễ truyền thống. Các nghi lễ trong Lễ hội đều do Ban Tế tự của dinh thực hiện. Theo truyền thống, Ban Tế tự là những người do dân làng chọn ra, có uy tín, đạo đức, gia đình hòa thuận, gương mẫu, không có tang chế, am hiểu về tập tục và các lễ nghi liên quan đến tín ngưỡng dân gian truyền thống của cộng đồng.

Lễ vật dâng cúng Thầy Thím, ông bà, tổ tiên trong Lễ hội dinh Thầy Thím gồm những sản vật gắn với sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, trong đó phải có 01 con heo toàn sắc để dâng tế Thần linh.

Lễ hội dinh Thầy Thím diễn ra với nhiều nghi lễ như: Nghinh Thần, Nhập điện an vị; Dâng cộ bánh lên Thầy Thím, Cúng Ngọ; Thỉnh sanh, Tế Tiền hiền và Chánh tế Thần.

Sáng ngày 14 tổ chức Nghi lễ Nghinh Thần. Ban Tế tự tổ chức Đoàn lễ trong lễ phục truyền thống xuất phát từ Dinh đến mộ Thầy Thím để thực hiện nghi lễ Nghinh Thần (Thầy Thím) về Dinh an vị, hưởng lễ. Đoàn lễ gồm xe hoa, cờ lễ, cờ hội, bát bửu, kiệu sắc phong, kiệu Bằng xếp hạng di tích, kiệu lễ 6 đầu rồng (trên kiệu bài trí ngai nghinh, bình hoa, quả tử, chân đèn, bát nhang), tàn, lọng, trống, chiêng, nhạc lễ, Ban Tế tự, lân sư rồng, nhân dân và du khách tham gia trẩy hội.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội năm 2022 do Viện nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á thực hiện

Khi đến mộ Thầy Thím, Đoàn lễ thỉnh sắc phong, Bằng xếp hạng di tích, kiệu lễ (đặt ngai nghinh, bát nhang, hoa quả, chân đèn) vào trước sân Điện thờ. Sau đó, Ban Tế tự thỉnh bát nhang nhập điện để thực hiện nghi lễ khấn báo, thỉnh mời Thầy Thím về dinh hưởng lễ. Thực hiện xong nghi lễ Nghinh Thần tại Điện thờ chính, Ban Tế tự thỉnh bát nhang đặt lên kiệu lễ 6 đầu rồng để thỉnh Thầy Thím về dinh an vị, hưởng lễ. Trên đường nghinh rước Thầy Thím về dinh, chiêng, trống, nhạc lễ và đội lân sư rồng liên tục hòa âm và diễn xướng tạo không khí trang nghiêm, nhộn nhịp.

Rước Thầy Thím về đến dinh, Ban Tế tự thực hiện Nghi lễ Nhập điện an vị. Ban Tế tự thỉnh sắc phong, bằng xếp hạng di tích, bát nhang vào Chính điện; vị Chánh bái hai tay kính cẩn bưng bát nhang khấn vái trước khám thờ Thần 03 lần rồi an vị bát nhang lên khám thờ Thầy Thím. Trên khám thờ Thầy Thím bài trí sẵn hoa quả, trầu cau, trà nước, hương đèn, chè xôi. Nghi lễ Nhập điện an vị diễn ra nhanh gọn với 03 hồi chiêng, 03 hồi chung cổ, 03 hồi trống và nhạc lễ hòa âm rộn rã, tiếp đó vị Chánh bái cầm 03 nén hương khấn vái trước khám thờ Thần mời Thầy Thím an vị, hưởng lễ.

Lễ Nghinh Thần, rước sắc phong và Bằng công nhận di tích từ Mộ Thầy về đến Dinh Thầy Thím

Trước lễ hội, để thể hiện sự biết ơn, kính trọng của người dân địa phương đối với Thầy Thím, Ban Tổ chức phát động Hội thi làm cộ bánh để dâng lên Thầy Thím. Dinh Thầy Thím do Hội Tam Quý của địa phương quản lý, Hội có 07 chi hội trực thuộc, đến kỳ Lễ hội mỗi chi hội phải làm 01 cộ bánh dâng lên Thầy Thím. Các cộ bánh có dạng hình tháp 07 tầng, cao từ 1,7m – 1,8m, trang trí đèn, hoa trang trọng thể hiện tính sáng tạo, khéo léo của các nghệ nhân.

Sáng ngày 15 là Nghi lễ Dâng cộ bánh lên Thầy Thím. 07 cộ bánh của 07 chi hội được đặt trang trọng ở gian giữa nhà Võ ca trước Chính điện. Sau 03 hồi chuông mở đầu, ông Chánh bái cầm 03 nén hương khấn báo, xin phép dâng các cộ bánh lên Thầy Thím. Sau đó, các cộ bánh được phát cho người dân và du khách như là lộc của Thầy Thím. Tiếp theo là Nghi lễ Cúng Ngọ với lễ vật chay tại gian thờ Tiền Hiền và Chính điện.

Sáng ngày 16 là Nghi lễ Thỉnh sanh diễn ra tại Chính điện. Tuy nhiên, do không gian Chính điện hẹp nên Ban Tế tự thực hiện nghi lễ này tại nhà Võ ca (nối tiếp Chính điện về phía trước). Lễ vật chính trong nghi lễ này là 01 con heo đực toàn sắc, toàn sinh (còn sống) để tế thần. Heo lễ đặt trên một chiếc giá gỗ ngay trước khám thờ chính nhà Võ ca. Việc hiến tế con heo toàn sắc còn sống trong nghi lễ Thỉnh sanh được xem như một sự tạ ơn của cộng đồng đối với Thần linh, cầu mong Thần linh bảo bọc, chở che và ban cho dân chúng những điều may mắn.

Phía trước cửa chính nhà Võ ca bày 01 bàn lễ vật để Chánh tế thực hiện nghi lễ. Ban Tế tự làm nghi thức dâng hương bên gian thờ Tiền hiền trước để khấn xin ông bà, tổ tiên cho phép dân làng được thực hiện nghi lễ Thỉnh sanh; sau đó di chuyển qua nhà Võ ca và Chính điện, nghi lễ Thỉnh sanh diễn ra nghiêm theo lệnh của vị Xướng lễ. Sau lễ tế, bổn hội, bổn vạn, bổn xã, viên quan, hương chức, người dân và du khách chứng kiến nghi lễ cùng vào dâng hương, khấn niệm, bái lạy trước các khám thờ.

Cùng lúc này, Ban Tế tự cho đưa con heo vào sân phía trước Chính điện. Vị Chánh bái tiến đến nơi con heo đang nằm yên trên giá đỡ, tay cầm 03 nén hương khấn xin phép Thầy Thím cho dân làng giết heo tế thần, lấy con dao (đặt trên bàn lễ trước nhà Võ ca) làm động tác cắt cổ heo tượng trưng. Sau đó, con heo được đưa ra phía sau để thịt. Ban Tế tự lấy 01 chén huyết pha rượu và cạo một chùm lông heo bỏ vào để làm nghi thức Ế mao huyết, dâng lên Thầy Thím, mong Thầy Thím chứng giám và tống khứ những điều dơ bẩn, xấu xa, rủi ro ra khỏi xóm làng. Heo sau khi làm lông sạch sẽ để nguyên con nằm úp, đưa vào đặt lên bàn, đầu quay về khám thờ chính trong nhà Võ ca để dâng tế Thầy Thím.

Tiếp theo là Nghi lễ Tế Tiền hiền để dâng tế các phẩm vật lên các vị Tiền hiền, Hậu hiền và ông bà, tổ tiên; thể hiện tấm lòng sùng kính và sự biết ơn đến công lao của các các bậc tiền nhân đã có công khai phá, tạo lập làng, dựng dinh và xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Qua đó, cầu mong họ bảo bọc và phù hộ cho dân làng gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt và cuộc sống ấm no.

Lễ Nghinh Thần, rước sắc phong và Bằng công nhận di tích từ Mộ Thầy về đến Dinh Thầy Thím

Buổi trưa, Nghi lễ Chánh tế Thần diễn ra tại Chính điện và nhà Võ ca. Ngoài các lễ vật khác, con heo sống và chén ế mao huyết trong nghi lễ Thỉnh sanh vẫn được giữ lại. Sau khi Ban Tế tự thực hiện nghi lễ Chánh tế Thần, heo mới được đưa ra ngoài để xẻ thịt và chế biến các món ăn tiếp đãi quan khách và dân làng. Bên cạnh các lễ thức trang nghiêm, cộng đồng còn tổ chức nhiểu trò chơi, trò diễn dân gian và hoạt động văn hóa – thể thao hấp dẫn như: Thi đấu cờ người, thi làm bánh, đan lưới, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, kéo co, việt dã, bóng chuyền bãi biển, biểu diễn lân – sư – rồng, triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, trình diễn trống hội, chương trình nghệ thuật dân tộc…

Lễ hội dinh Thầy Thím ra đời và tồn tại gắn liền với quá trình hình thành vùng đất và con người nơi đây. Lễ hội là dịp để người dân tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn của cộng đồng đối với công lao của Thầy Thím, người được coi như vị thần bảo trợ, chở che cho dân làng được khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc. Sự tích Thầy Thím phản ánh khát khao chính đáng của người dân lao động về một xã hội công bằng và hạnh phúc, đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả của Thầy Thím, góp phần giáo dục truyền thống, nhân cách và lối sống tốt đẹp cho mọi thế hệ. Lễ hội dinh Thầy Thím hướng mọi người về cội nguồn, duy trì phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp; là không gian trao truyền các giá trị văn hóa, cách thức thực hiện các nghi lễ của thế hệ trước cho các thế hệ sau.

Đến dự có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh Ủy, Ủy ban tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo cơ quan ban ngành thị xã La Gi. Lễ hội truyền thống văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam đã thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến hành hương, trẩy hội. 

Không gian Lễ hội còn là nơi củng cố, tăng cường mối đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư; nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, nhân cách sống, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng, hình thành nên một nếp sống cao đẹp và tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt hơn. Lễ hội dinh Thầy Thím đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng, cầu mong được Thần linh giúp đỡ, chở che để vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống thường ngày.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội dinh Thầy Thím đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việt Hùng/Viện nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á thực hiện.