Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Lễ hội Văn hóa dân gian Biển đảo Việt Nam và Lễ hội Biển Đồ Sơn – Hải Phòng



ĐNA -

Tối 29/4/2023, tại Quảng trường Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng – Dragon Beach, Đồ Sơn, Hải Phòng, Tạp chí Cộng sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian Biển đảo Việt Nam và khai mạc Lễ hội Biển Đồ Sơn – Hải Phòng 2023. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự và phát biểu khai mạc.

Lễ hội được tổ chức tối 29/4, tại Quảng trường Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, Đồ Sơn (Hải Phòng) – Ảnh: Haiphong.gov.vn

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, biển đảo luôn có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt, là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, không gian phát triển bao đời của dân tộc ta.

Với nguồn tài nguyên phong phú, trữ lượng lớn về hải sản, khoáng sản, biển được con người khai thác, sử dụng, tạo sinh kế cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Không những thế, với vị trí chiến lược nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, biển đảo Việt Nam còn đóng vai trò là cửa ngõ rất quan trọng trong giao thương hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển đảo luôn là địa bàn chiến lược, là phòng tuyến vững chắc của đất nước.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, biển đảo vừa khởi tạo không gian sinh tồn, đồng thời bồi đắp không gian văn hóa rất khoáng đạt, phong phú và đặc sắc. Văn hóa biển là một là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam, thống nhất trong đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, tồn tại mãnh liệt trong tâm thức người Việt.

Trong văn hóa biển ấy, nhiều lễ hội dân gian độc đáo được ghi dấu, lưu giữ, trao truyền, phát triển đến ngày nay, trở thành nét đẹp truyền thống, đặc trưng của người dân miền biển.

Lễ hội Văn hóa Biển đảo Việt Nam thường gắn với tín ngưỡng thờ cúng các vị thần biển, thờ tổ nghề, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, cầu mùa, cầu an, cầu mưa thuận gió hòa với mong ước khởi đầu một năm bội thu, an lành như lễ hội cầu ngư, lễ hội nghinh Ông gắn với tục thờ cá Ông; lễ hội đua thuyền truyền thống ở nhiều nơi; Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng; Lễ hội đền Độc Cước, đền Bà Triệu ở Sầm Sơn, Thanh Hóa; Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn, Quảng Ngãi; Lễ hội cúng biển ở Mỹ Long, Trà Vinh.

Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Hải Phòng là vùng đất trung dũng, quyết thắng, nơi có sông Bạch Đằng nổi tiếng với 3 chiến công vang dội của dân tộc ta chống giặc ngoại xâm Nam Hán, nhà Tống và Nguyên Mông; nơi có bến K15, điểm xuất phát của những con tàu không số làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu khai mạc – Ảnh: Haiphong.gov.vn

Lễ hội Văn hóa dân gian Biển đảo Việt Nam lần đầu tiên tổ chức ở Hải Phòng là mốc khởi đầu ý nghĩa cho một sự kiện thường niên, có giá trị văn hóa sâu sắc nhằm giới thiệu, tôn vinh và phát huy giá trị của Di sản văn hóa dân gian miền biển đến nhân dân và du khách trong, ngoài nước, góp phần kích cầu du lịch, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là đối với bà con ngư dân, các lực lượng chuyên trách đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.

Từ sự kiện này, cùng với các sự kiện về biển đảo được tổ chức ở nhiều địa phương trong cả nước sẽ trở thành nguồn lực, động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.

Thanh Vân